Kết quả 2 năm thực hiện Chiến lược phát triển thống kê Việt Nam giai đoạn 2021-2030

22/12/2023 - 03:42 PM

Ngày 1/12/2021, Thủ tướng Chính phủ Quyết định số 2014/QĐ-TTg Phê duyệt Chiến lược phát triển Thống kê Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (CLTK 21-30).

Ngay sau khi CLTK 21-30 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đã khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện. Theo đó, Bộ đã thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh và Tổ Thư ký giúp việc Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện CLTK 21-30. Đồng thời, ban hành Kế hoạch thực hiện CLTK 21-30 quốc gia tại Quyết định số 1271/QĐ-BKHĐT ngày 5/7/2022 của Bộ trưởng Bộ KH&ĐT. Theo đó, Kế hoạch đã xác định 214 hoạt động phân theo 9 nhóm nhiệm vụ và giải pháp cần thực hiện trong giai đoạn 2021-2030. Bộ KH&ĐT (Tổng cục Thống kê) được giao chủ trì hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình thực hiện CLTK 21-30 của Bộ, ngành, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương định kỳ 2 năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện CLTK 21-30. Năm 2023, Bộ KH&ĐT đã phối hợp với các Bộ, ngành, UBND các tỉnh biên soạn Báo cáo kết quả 2 năm đầu thực hiện CLTK 21-30.

Qua 2 năm triển khai CLTK 21-30, các nhiệm vụ và giải pháp phù hợp với quan điểm, mục tiêu của Chiến lược và đã đạt được những kết quả nhất định; bước đầu xây dựng được nền móng cho việc tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ trong các năm tiếp theo. Kết quả  trong 2 năm đầu thực hiện Chiến lược (2021-2022), với sự quan tâm và chỉ đạo khẩn trương của Bộ KH&ĐT trong việc tổ chức thực hiện, toàn ngành Thống kê đã hoàn thành và đang thực hiện 135/146 hoạt động (đạt 92,5%), 11 hoạt động chưa thực hiện. Theo Kế hoạch thực hiện CLTK 21-30, Bộ KH&ĐT (TCTK) chủ trì thực hiện 96 hoạt động, đến nay đã hoàn thành và đang triển khai thực hiện 96 hoạt động (đạt 100%).

Một số hoạt động chính đã triển khai như:

Về hoàn thiện thể chế, đổi mới mô hình tổ chức, phát triển nguồn nhân lực: Bộ KH&ĐT (TCTK) đã soạn thảo và trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành một số văn bản quản lý Nhà nước về lĩnh vực thống kê như: Nghị định số 94/2022/NĐ-CP ngày 7/11/2022 của Chính phủ quy định nội dung chỉ tiêu thống kê quốc gia và quy trình biên soạn chỉ tiêu tổng sản phẩm trong nước (GDP), tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (GRDP); Quyết định số 3/2023/QĐ-TTg ngày 15/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ quy định Chương trình điều tra thống kê quốc gia; Quyết định số 05/2023/QĐ-TTg ngày 24/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ quy định hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã… Ngoài ra, Bộ KH&ĐT (TCTK) đã hoàn thiện và trình Chính phủ dự thảo Nghị định quy định chế độ báo cáo thống kê cấp quốc gia và  dự thảo Thông tư quy định chế độ báo cáo thống kê áp dụng đối với các Cục Thống kê tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Đổi mới và hoàn thiện mô hình tổ chức, Bộ KH&ĐT (TCTK) đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành Quyết định thay thế Quyết định số 10/2020/QĐ-TTg ngày 18/3/2020 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của TCTK tại Tờ trình số 6634/TTr-BKHĐT ngày 16/8/2023.

Đối với công tác phát triển nguồn nhân lực, năm 2023, TCTK đã tổ chức thi tuyển và tuyển dụng được 26 công chức khối cơ quan trung ương và 262 công chức của các Cục Thống kê. Hằng năm, Bộ KH&ĐT (TCTK) đều tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng cho công chức, viên chức thuộc hệ thống thống kê tập trung, đồng thời, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu khoa học thống kê và khoa học dữ liệu. Trong giai đoạn 2021 - 6/2023 đã có 39 lớp được tổ chức với hơn 5950 lượt công chức, viên chức thống kê trong Hệ thống thống kê Nhà nước được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ thống kê và kiến thức quản lý hành chính nhà nước theo hình thức trực tiếp và trực tuyến. Trong giai đoạn 2021-2022 và 6 tháng đầu năm 2023, ngành Thống kê đã cử 337 đoàn với 973 lượt người đi học tập, khảo sát, tham dự các cuộc họp, hội thảo trực tuyến, trực tiếp hoặc kết hợp cả trực tiếp và trực tuyến trên nhiều lĩnh vực thống kê, trong đó có những lĩnh vực thuộc xu hướng phát triển mới như: AI trong thống kê, sử dụng dữ liệu quan sát trái đất trong công tác thống kê, sử dụng dữ liệu lớn (dữ liệu thuê bao di động, dữ liệu máy tính tiền tại các điểm bán hàng) trong sản xuất thông tin thống kê…

Bên cạnh đó, TCTK đang nghiên cứu xây dựng tiêu chí, tiêu chuẩn nhân lực chất lượng cao; nghiên cứu cơ chế, chính sách đãi ngộ cho nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng và triển khai kế hoạch tuyển dụng, tiếp nhận nhân lực chất lượng cao để hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện.

Về xây dựng, hoàn thiện, ban hành và áp dụng các tiêu chuẩn, quy trình, mô hình thống kê: Bộ KH&ĐT (TCTK)  đang triển khai thực hiện lộ trình xây dựng, hoàn thiện và ban hành đồng bộ các tiêu chuẩn thống kê. Trong 2 năm (2021 - 2022), đã tiến hành nghiên cứu khung tiêu chuẩn thống kê về một số lĩnh vực: Xuất nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ; thống kê thương mại, dịch vụ; thống kê du lịch, vận tải hàng không, viễn thông và công nghệ thông tin; thống kê bưu chính. Bộ KH&ĐT (TCTK) cũng đã cập nhật hướng dẫn hằng năm của Thống kê Liên Hợp Quốc về thống kê dân số và lao động, xã hội - môi trường, biến đổi khí hậu. Trên cơ sở đó, thực hiện biên soạn sổ tay hướng dẫn nghiệp vụ theo chuẩn mực quốc tế phù hợp với tình hình của Việt Nam. Bộ KH&ĐT cũng đã ban hành Quyết định số 1083/QĐ-BHKĐT ngày 14/6/2023 về Quy trình sản xuất thông tin thống kê chung.

 Đánh giá kết quả 2 năm thực hiện CLTK 21-30: Bước đầu xây dựng được nền móng  tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ trong các năm tiếp theo 4Tổng cục Thống kê tổ chức Hội nghị khảo sát mức sống dân cư năm 2024

Về hiện đại hóa hoạt động thu thập, xử lý và quản trị dữ liệu: Bộ KH&ĐT (TCTK) đã chuyển đổi hình thức điều tra từ sử dụng phiếu giấy sang phiếu điện tử. Năm 2022, tỷ lệ các cuộc điều tra sử dụng phiếu điều tra điện tử (CAPI, Webform) đạt 65,5%, năm 2023 đạt 84% (mục tiêu năm 2025 là 85%, năm 2030 là 95%). Tổng điều tra kinh tế năm 2021 đã chuyển đổi hình thức điều tra phiếu giấy sang điều tra trực tuyến, CAPI và hoàn thiện các sản phẩm về kết quả Tổng điều tra. Tất cả các cuộc điều tra sử dụng phiếu điện tử đều có hệ thống thông tin quản lý, giám sát và xử lý, tổng hợp thông tin trực tuyến (qua trang web điều hành tác nghiệp). Dữ liệu hành chính, dữ liệu sẵn có của các cơ quan quản lý Nhà nước được ưu tiên sử dụng cho hoạt động thống kê. Việc tích hợp các cuộc điều tra có cùng lĩnh vực và đối tượng cũng đã và đang được TCTK thực hiện trong hai năm qua. Hiện cũng đã hoàn thiện Đề án xây dựng cơ sở dữ liệu thống kê quốc gia và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Về đổi mới hoạt động xác định nhu cầu, phân tích, dự báo, biên soạn và phổ biến thông tin thống kê: TCTK đã nghiên cứu xây dựng khung lý thuyết, công cụ phân tích và dự báo (trong nước và quốc tế) để áp dụng thống nhất cho các chuyên đề phân tích và dự báo thống kê. Cụ thể, Tổ phân tích và dự báo đã hoàn thành 14 chuyên đề trong năm 2021, 18 chuyên đề trong năm 2022 và 17 chuyên đề trong năm 2023.

TCTK cũng đã tiến hành biên soạn thông tin thống kê về vùng kinh tế trọng điểm, vùng kinh tế; trong đó có biên soạn năng suất lao động vùng kinh tế trọng điểm, 6 vùng kinh tế. Hằng năm, TCTK thực hiện việc chia sẻ dữ liệu vi mô cho các cơ quan, tổ chức và người dùng tin theo đúng quy định của Luật Thống kê. TCTK đang thực hiện dự án xây dựng cơ sở dữ liệu ngành Thống kê tập trung, dự kiến năm 2025 hoàn thành và sẽ có công cụ thực hiện chia sẻ dữ liệu vi mô.

Hoạt động đẩy mạnh công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức vai trò, tầm quan trọng của công tác thống kê cũng được TCTK tích cực thực hiện.

Về đẩy nhanh tư liệu hóa, chuyển đổi số trong công tác thống kê: Bộ KH&ĐT (TCTK) đã và đang tích cực xây dựng cơ sở hạ tầng tạo nền tảng chuyển đổi số trong công tác thống kê và tư liệu hóa công tác thống kê; thực hiện thường xuyên, liên tục việc ghi chép, ghi nhận hoạt động trong lĩnh vực thống kê, chuẩn hóa, số hóa, lưu trữ và quản lý trên không gian mạng từ đó tiến tới tư liệu hóa các hoạt động thống kê; rà soát cập nhật kiến trúc tổng thể của TCTK với sự hỗ trợ của các chuyên gia quốc tế; xây dựng, hoàn thiện dự thảo Đề án "Hiện đại hóa Thư viện TCTK "; bước đầu số hóa tài liệu: Phương án điều tra, sổ tay hướng dẫn…

Về mở rộng, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động hợp tác quốc tế, thống kê nước ngoài: Thống kê Việt Nam đã và đang tiếp tục duy trì, tăng cường quan hệ hợp tác với các cơ quan thống kê quốc gia các nước, đặc biệt các cơ quan thống kê quốc gia có trình độ phát triển như: Hàn Quốc, I-ta-li-a, Nhật Bản và Đan Mạch. TCTK đang tham gia tích cực, có trách nhiệm trong các hoạt động của thống kê, Liên Hợp Quốc và khu vực. Năm 2022, lần đầu tiên TCTK tham gia ứng cử và trúng cử vào Hội đồng điều hành của Viện Thống kê châu Á - Thái Bình Dương (SIAP) nhiệm kỳ 2022 - 2025. Đây là cơ hội để Việt Nam tăng cường hợp tác, thể hiện cam kết mạnh mẽ với khu vực trong lĩnh vực thống kê, qua đó góp phần phục vụ các mục tiêu phát triển đất nước, nâng cao vị thế của Việt Nam nói chung và ngành Thống kê Việt Nam nói riêng trên trường quốc tế. Trong giai đoạn này, có 68 đoàn với 332 lượt chuyên gia của các tổ chức quốc tế, cơ quan thống kê các nước sang làm việc với TCTK theo hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến nhằm hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm thống kê để nâng cao năng lực thống kê cho Thống kê Việt Nam. Thông qua các hoạt động hợp tác quốc tế, Bộ KH&ĐT (TCTK) đã nhận được hỗ trợ của một số nước có trình độ thống kê hiện đại trong việc thực hiện các mục tiêu của CLTK 21-30. Đánh giá kết quả 2 năm thực hiện CLTK 21-30: Bước đầu xây dựng được nền móng  tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ trong các năm tiếp theo 5Toàn cảnh Hội nghị giữa Tổng cục Thống kê với các đối tác phát triển năm 2023

Hợp tác quốc tế của ngành Thống kê ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất, với những thay đổi quan trọng cả về nội dung và phương thức hợp tác. TCTK không chỉ tiếp nhận hỗ trợ kỹ thuật với các quốc gia có trình độ thống kê phát triển, mà còn từng bước thực hiện hỗ trợ, chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm với thống kê các quốc gia trong khu vực.

Ngoài ra, Bộ KH&ĐT (TCTK) đã tích cực đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo; Tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra chuyên ngành thống kê; Tăng cường cơ sở vật chất và huy động các nguồn lực tài chính phục vụ công tác thống kê.

Trong 2 năm qua, các Bộ, ngành, địa phương đã rất tích cực trong việc phối hợp với Bộ KH&ĐT để triển khai thực hiện CLTK21-30. Theo kế hoạch, các Bộ, ngành, địa phương chủ trì thực hiện 50 hoạt động của CLTK 21-30, sau 2 năm đã hoàn thành và đang tiếp tục triển khai thực hiện 39/50 hoạt động (đạt 78%).

Tuy nhiên bên cạnh kết quả đạt được, thực hiện CLTK 21-30 còn bộc lộ một số hạn chế như: Một số Bộ, ngành, địa phương chưa quan tâm và chủ động trong việc triển khai thực hiện CLTK 21-30 và báo cáo kết quả 2 năm thực hiện CLTK 21-30; Đã có 78% trong tổng số các hoạt động của CLTK 21-30 đã được các Bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện, nhưng một số hoạt động chưa được quan tâm, chú trọng như: Các hoạt động trong nhóm nhiệm vụ, giải pháp về phát triển nguồn nhân lực; việc chia sẻ dữ liệu vi mô hiện đang được thực hiện thủ công, chưa có công cụ để thực hiện; việc thu hút nhân lực trình độ cao cho công tác thống kê còn hạn chế; Thiếu nguồn nhân lực có trình độ cao về thống kê, khoa học dữ liệu để triển khai một số hoạt động tăng cường khai thác từ nguồn dữ liệu hành chính, dữ liệu lớn, dữ liệu viễn thám, dữ diệu phi truyền thống phục vụ cho việc sản xuất, phân tích và dự báo thống kê…

Giải pháp thực hiện CLTK 21-30 trong thời gian tới

Một là, Bộ KH&ĐT tăng cường chức năng quản lý Nhà nước về thống kê như: Đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương tích cực triển khai thực hiện Chiến lược phát triển Thống kê, nhất là đối với các Bộ, ngành chưa xây dựng Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển Thống kê thuộc phạm vi quản lý của Bộ, ngành; khẩn trương triển khai các hoạt động theo Kế hoạch của CLTK 21-30 và những hoạt động chưa được thực hiện theo tiến độ.

Hai là, Bộ KH&ĐT (TCTK) và các Bộ, ngành cần tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ cho hoạt động thống kê; tăng cường phối hợp chia sẻ dữ liệu hành chính phục vụ cho sản xuất thông tin thống kê.

Ba là, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện phối hợp chặt chẽ với Cục Thống kê để tổ chức tốt các hoạt động thống kê như: Xây dựng quy chế chia sẻ thông tin thống kê, tích cực chia sẻ dữ liệu, cung cấp thông tin hành chính cho Cục Thống kê; nghiêm túc thực hiện chế độ báo cáo thống kê định kỳ, đúng biểu mẫu, thời gian quy định; phối hợp thực hiện các cuộc điều tra thống kê nhằm nâng cao chất lượng số liệu thống kê phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Bốn là, tăng cường thu hút sinh viên tốt nghiệp đạt loại giỏi, xuất sắc thuộc các chuyên ngành phân tích dữ liệu, khoa học dữ liệu, thống kê, công nghệ thông tin; huy động đội ngũ chuyên gia ngoài ngành Thống kê trong nước và quốc tế thực hiện một số hoạt động đòi hỏi chuyên môn cao trong việc thực hiện Kế hoạch CLTK 21-30.

Năm là, các bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức hàng năm thuộc phạm vi quản lý cần ưu tiên tổ chức các khóa bồi dưỡng kiến thức thống kê cho những người làm công tác thống kê ở các bộ, ngành Trung ương và Sở, ban, ngành địa phương; người làm công tác thống kê xã, phường, thị trấn.

Sáu là, củng cố và tăng cường tổ chức, phát triển nguồn nhân lực làm công tác thống kê tại Sở, ban, ngành địa phương, thống kê xã, phường, thị trấn.

Bảy là, các Bộ, ngành, địa phương cần xây dựng vị trí việc làm cho công tác thống kê và bổ nhiệm công chức vào ngạch thống kê để hưởng phụ cấp nghề theo quy định.

Tám là, Bộ KH&ĐT (TCTK) khẩn trương hoàn thiện tiêu chí, tiêu chuẩn và cơ chế, chính sách đãi ngộ đối với nguồn nhân lực thống kê chất lượng cao nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong việc thu hút nhân lực chất lượng cao./.



Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top