Đẩy mạnh công tác tuyên truyền Điều tra Dân số và Nhà ở giữa kỳ 2024

26/03/2024 - 03:25 PM
Ngày 14 tháng 7 năm 2023, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê đã ký Quyết định số 629/QĐ-TCTK về việc ban hành Phương án Điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024. Đây là cuộc Điều tra được thực hiện trên phạm vi cả nước tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, gồm tất cả các quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, ngoại trừ 4 huyện đảo: Bạch Long Vỹ, thành phố Hải Phòng; Cồn Cỏ, tỉnh Quảng Trị; Hoàng Sa, thành phố Đà Nẵng; Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa.

Điều tra DSGK 2024 là cuộc điều tra chọn mẫu, thực hiện trên phạm vi toàn quốc. Dàn chọn mẫu sử dụng trong Điều tra DSGK 2024 là dàn mẫu tổng thể của Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 (TĐTDS 2019). Điều tra DSGK 2024 có cỡ mẫu 20% địa bàn điều tra của cả nước (tương đương 39.340 địa bàn trong tổng số hơn 200.000 địa bàn trên phạm vi cả nước), mẫu được chọn ở tất cả các huyện với quy mô mẫu đảm bảo các chỉ tiêu về quy mô dân số được đại diện đến cấp huyện (khoảng trên 1,1 triệu hộ mẫu). Do đó, quy mô mẫu của Điều tra DSGK 2024 là khá lớn.

Đối tượng điều tra của cuộc Điều tra là hộ dân cư, bao gồm cả thông tin về nhà ở của hộ; nhân khẩu thực tế thường trú của hộ dân cư. Do cuộc Điều tra được thực hiện với quy mô lớn, nhiều nội dung nên công tác tuyên truyền Điều tra cần được chú trọng ở tất cả các cấp, địa phương và địa bàn điều tra trên phạm vi cả nước nhằm giúp người dân nhận thức được mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của cuộc Điều tra, từ đó khuyến khích các đối tượng điều tra thực hiện tốt nghĩa vụ; cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác và kịp thời cho điều tra viên theo quy định.

Hoạt động tuyên truyền sâu rộng trong toàn xã hội về cuộc Điều tra Dân số và Nhà ở giữa kỳ năm 2024 có ý nghĩa và vị trí quan trọng, góp phần vào thành công của cuộc Điều tra trên phạm vi cả nước nói chung và tại từng địa phương nói riêng.

Công tác tuyên truyền trong Điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024 được thực hiện bằng nhiều hình thức phong phú khác nhau, phù hợp với từng đối tượng, địa bàn địa tra, tập trung những nội dung: Mục đích, ý nghĩa của cuộc Điều tra; Nội dung Điều tra; Thời điểm, kế hoạch tiến hành Điều tra; Trách nhiệm của các cấp, các ngành trong cuộc Điều tra; Nghĩa vụ công dân trong cuộc Điều tra.

Ở cấp Trung ương, Tổng cục Thống kê đã xuất bản cuốn Sổ tay hướng dẫn công tác tuyên truyền Điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024; đã và đang triển khai hàng loạt tin, bài viết liên quan đến cuộc điều tra trên trang website của Tổng cục Thống kê, Cục Thu thập dữ liệu và Ứng dụng Công nghệ thông tin thống kê thuộc TCTK; Tạp chí in và điện tử Con số và Sự kiện; website các Cục Thống kê tỉnh, thành phố.

Bên cạnh đó, ngành Thống kê phối hợp với các đơn vị truyền thông xây dựng, thực hiện file MP3 Hỏi – Đáp, trailer, phóng sự, tọa đàm tuyên truyền về Điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024 trên các kênh truyền thông của các cơ quan truyền thông Trung ương như: Đài Truyền hình Việt Nam; Đài Truyền hình Thông tấn xã Việt Nam; Đài Tiếng nói Việt Nam và hàng loạt các bài viết trên các báo in, báo điện tử có uy tín.

Tại địa phương, công tác tuyên truyền cũng được đẩy mạnh phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của từng địa phương như: Thực hiện truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng địa phương là Đài phát thanh, truyền hình, báo chí tỉnh, thành phố; sử dụng hệ thống loa truyền thanh cơ sở (cấp xã, thôn/ấp/bản) để phát tin về các tài liệu hỏi - đáp và kế hoạch Điều tra và thực hiện tuyên truyền bằng nhiều hình thức cổ động khác đơn giản, dễ tiến hành nhau như: Dựng panô, áp phích, băng rôn, khẩu hiệu tại các nơi công cộng như trụ sở làm việc, trung tâm văn hoá, trung tâm thương mại, dịch vụ, đầu mối giao thông và trên các phương tiện giao thông với các thông tin dễ hiểu...;  Cổ động thông qua các đội tuyên truyền văn hoá lưu động và các hoạt động văn hoá, thể thao; Lồng ghép nội dung của cuộc Điều tra vào các cuộc họp của tổ dân phố/xã/thôn/ấp/bản; các buổi sinh hoạt của các đoàn thể quần chúng, tổ chức xã hội, đặc biệt đối với những địa bàn điều tra có người nước ngoài cư trú.

Trong thời đại công nghệ số, tuyên truyền Điều tra DSGK 2024 trên các mạng xã hội cũng sẽ là một kênh tuyên truyền hiệu quả. Đề nghị các group mạng xã hội có liên quan đến ngành Thống kê như Diễn đàn Thống kê Việt Nam, Phổ biến kiến thức Thống kê, Diễn đàn GSO, Đoàn TNCS HCM cơ quan TCTK và các Cục Thống kê phối hợp tuyên truyền; Khuyến khích công chức và người lao động, công chức thống kê xã, phường, thị trấn, điều tra viên tuyên truyền về các cuộc Điều tra và cập nhật các hình ảnh điều tra để nhân dân và xã hội biết, thực hiện theo quy định.

Việc đẩy mạnh tăng cường công tác tuyên truyền Điều tra DSGK 2024 sẽ giúp các lực lượng tham gia Điều tra nhận thức rõ nhiệm vụ, trách nhiệm của mình trong Điều tra, thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ được giao. Bên cạnh đó, để người dân hiểu rõ quyền và nghĩa vụ của mình trong việc cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời, chính xác cho điều tra viên, góp phần thực hiện thành công Điều tra. Đồng thời, người dân cũng có quyền khiếu nại, tố cáo các hành vi vi phạm pháp luật về điều tra thống kê của các tổ chức, cá nhân trong cuộc Điều tra (nếu có). Hơn nữa, giúp tăng cường sự phối hợp của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân, huy động tối đa các nguồn lực hỗ trợ cho Điều tra./.
P.V

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top