Hiện đại hóa Thống kê Việt Nam – giải pháp thúc đẩy tư liệu hóa, chuyển đổi số và xây dựng CSDL thống kê quốc gia

28/08/2023 - 02:40 PM
Chiến lược phát triển thống kê Việt Nam giai đoạn 2021-2030 – Mục tiêu hiện đại hóa Thống kê Việt Nam

Ngày 01 tháng 12 năm 2021, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển Thống kê Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (CLTK 21-30) tại Quyết định số 2014/QĐ-TTg. Mục tiêu Chiến lược là hiện đại hóa Thống kê Việt Nam theo hướng đổi mới sáng tạo, phát triển nhanh và vững chắc với hệ thống tổ chức phù hợp; nguồn nhân lực chất lượng cao và chuyên nghiệp; công nghệ hiện đại; sản xuất, cung cấp và phổ biến thông tin thống kê theo chuẩn mực và thông lệ quốc tế; hình thành hệ thống thông tin thống kê quốc gia tập trung, thống nhất, thông suốt, chất lượng và hiệu quả; đáp ứng tốt hơn nhu cầu thông tin thống kê ngày càng tăng. Phấn đấu đến năm 2030, Thống kê Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực ASEAN và đến năm 2045 trở thành hệ thống thống kê hiện đại trên thế giới.

CLTK 21-30 đặt ra một số mục tiêu cụ thể như: Phấn đấu vào năm 2025 đạt 50%, vào năm 2030 đạt 70% số chỉ tiêu thống kê thuộc các hệ thống chỉ tiêu thống kê được biên soạn từ nguồn dữ liệu hành chính. 85% các chỉ tiêu thuộc các hệ thống chỉ tiêu thống kê được biên soạn và công bố theo tiêu chuẩn thống kê Việt Nam vào năm 2025; đạt 95% vào năm 2030. 80% các sản phẩm thống kê được cung cấp tới người sử dụng thông tin thống kê kịp thời vào năm 2025; đạt 95% vào năm 2030…

Để triển khai và hoàn thành các mục tiêu đã đề ra trong CLTK 21-30, thực hiện Quyết định số 1271/QĐ-BKHĐT ngày 05/7/2022 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển thống kê Việt Nam giai đoạn đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, ngày 16/9/2022, Tổng cục trưởng TCTK đã ký Quyết định số 879/QĐ-TCTK Ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển Thống kê Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Tổng cục Thống kê. Kế hoạch thực hiện CLTK21-30 của Tổng cục Thống kê xác định các nhóm nhiệm vụ giải pháp chính là: Hoàn thiện thể chế, đổi mới mô hình tổ chức, phát triển nguồn nhân lực; Xây dựng, hoàn thiện, ban hành và áp dụng các tiêu chuẩn, quy trình, mô hình thống kê; Hiện đại hóa hoạt động thu thập, xử lý và quản trị dữ liệu; Đổi mới hoạt động xác định nhu cầu, phân tích, dự báo, biên soạn và phổ biến thông tin thống kê; Đẩy nhanh tư liệu hóa, chuyển đổi số trong công tác thống kê; Mở rộng, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động hợp tác quốc tế, thống kê nước ngoài trong công tác thống kê; Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo; Tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra chuyên ngành thống kê; Tăng cường cơ sở vật chất và huy động các nguồn lực tài chính phục vụ công tác thống kê.

Thực hiện giải pháp hoàn thiện thể chế, đổi mới mô hình tổ chức, phát triển nguồn nhân lực, năm 2021, Tổng cục Thống kê đã thực hiện dự thảo Luật Thống kê sửa đổi trình Quốc hội. Ngày 12/11/2021, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều và Phụ lục Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê (sau đây viết gọn là Luật sửa đổi) đã được Quốc hội khóa XV, kỳ họp thứ 2 thông qua, gồm 02 điều và 01 Phụ lục kèm theo và có hiệu thi hành từ ngày 01/01/2022. Luật Thống kê và Luật sửa đổi là cơ sở pháp lý cao nhất quan trọng để hệ thống thống kê Nhà nước triển khai xây dựng thống kê Việt Nam trong giai đoạn tiếp theo.

Để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả của hệ thống pháp luật về thống kê, TCTK đã xây dựng dự thảo và trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành một loạt các văn bản quan trọng, như: Nghị định số 94/2022/NĐ-CP ngày 07/11/2022 của Chính phủ về việc ban hành quy định nội dung chỉ tiêu thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia và quy trình biên soạn chỉ tiêu tổng sản phẩm trong nước, chỉ tiêu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Quyết định số 03/2023/QĐ-TTg ngày 15/02/2023 về ban hành chương trình điều tra thống kê quốc gia, thay thế Quyết định số 43/2016/QĐ-TTg ngày 17/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Chương trình điều tra thống kê quốc gia ; Quyết định số 05/2023/QĐ-TTg ngày 24/2/2023 về ban hành hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã, thay thế Quyết định số 54/2016/QĐ-TTg ngày 19/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã. Hiện TCTK đang xây dựng dự thảo, trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định chế độ báo cáo thống kê cấp quốc gia.

Các văn bản quy phạm pháp luật giúp hệ thống pháp lý về thống kê ngày càng hoàn thiện, bảo đảm sự độc lập của hệ thống thống kê tập trung; tăng cường vai trò chủ đạo của cơ quan thống kê Trung ương về phương pháp luận, tiêu chuẩn, quy trình thống kê, điều phối hoạt động thống kê, hợp tác chia sẻ dữ liệu hành chính giữa các bộ, ngành, địa phương với cơ quan thống kê; sử dụng các nguồn dữ liệu lớn, dữ liệu mới cho hoạt động thống kê nhà nước. Xây dựng, hoàn thiện các hệ thống chỉ tiêu thống kê: quốc gia, bộ, ngành, tỉnh, huyện, xã và các bộ chỉ tiêu thống kê khác; kịp thời phản ánh tình hình kinh tế - xã hội phục vụ chỉ đạo, điều hành của Đảng và Nhà nước và đáp ứng quá trình hội nhập thống kê quốc tế...

Thúc đẩy tư liệu hóa, chuyển đổi số ngành Thống kê

Thực hiện các giải pháp hiện đại hóa hoạt động thu thập, xử lý, quản trị dữ liệu và đẩy nhanh tư liệu hóa, chuyển đổi số trong công tác thống kê, trong những năm vừa qua, ngành Thống kê đã thực hiện nhiều hoạt động đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thống kê.

Là một trong những cơ quan đi đầu trong chuyển đổi số, TCTK đã ứng dụng triệt để CNTT vào tất cả các công đoạn trong quá trình sản xuất thông tin thống kê. TCTK đã thay thế phiếu giấy bằng phiếu điện tử, phát triển các phần mềm xử lý kết quả các cuộc điều tra, bước đầu xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL) metadata để sử dụng chung với một số dữ liệu về các bảng danh mục, ngân hàng câu hỏi điều tra, các bảng mã câu trả lời cho câu hỏi đóng đối với một số lĩnh vực thống kê. Hiện tại, ngành Thống kê đã xây dựng được một số CSDL và kho dữ liệu trên nền tảng MS SQL gồm: CSDL kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở các năm 1999, 2009; Tổng điều tra cơ sở kinh tế, hành chính sự nghiệp các năm 2007, 2012; Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản các năm 2006, 2011; Điều tra doanh nghiệp các năm từ 2002 đến 2012; Xuất nhập khẩu hàng hóa từ năm 1998 đến 2014; Khảo sát mức sống; Điều tra lao động việc làm; Điều tra biến động dân số…
 
Hiện đại hóa Thống kê Việt Nam – giải pháp thúc đẩy tư liệu hóa, chuyển đổi số và xây dựng CSDL thống kê quốc gia
TCTK đã ứng dụng triệt để CNTT vào tất cả các công đoạn trong quá trình sản xuất thông tin thống kê

Bên cạnh đó, TCTK cũng tăng cường ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, tập trung chủ yếu các lĩnh vực: Tổ chức cán bộ, Kế hoạch tài chính, Pháp chế thanh tra và tuyên truyền, Quan hệ quốc tế, Phương pháp chế độ, quản lý khoa học, quản lý chất lượng và Văn phòng. Nhiều phần mềm, ứng dụng phục vụ công tác quản lý, điều hành được triển khai thực hiện trong toàn Ngành như: Phần mềm quản lý nhân sự; Phần mềm giao kế hoạch công tác và chấm điểm thi đua đối với Cục Thống kê; Phần mềm Quản lý Dự toán; Phần mềm quản lý công tác tuyên truyền; Phần mềm quản lý công việc (Taskgov); Phần mềm quản lý cuộc họp...

Do tính chất công việc chuyên môn, ngành Thống kê sử dụng, lưu giữ văn bản giấy với nhiều tài liệu, số liệu quan trọng. Quyết tâm chuyển đổi số thành công, Tổng cục Thống kê đặt mục tiêu, hiện đại hóa hoạt động thống kê theo hướng chuyển đổi số bắt đầu bằng số hóa văn bản, tài liệu, dữ liệu hành chính, lưu chuyển trên môi trường số hóa; tự động hóa các quy trình nghiệp vụ của hoạt động thống kê, tiến tới tái cơ cấu quy trình nghiệp vụ dựa trên ứng dụng các công nghệ tiên tiến; khai thác và sử dụng hiệu quả dữ liệu thống kê, nâng cao tính minh bạch và tính giải trình, xóa bỏ khoảng cách dữ liệu, tạo tiền đề cho cách mạng dữ liệu thống kê. Trong thời gian qua, công tác tư liệu hóa các hoạt động quản lý và sản xuất thông tin thống kê tại TCTK đã, đang dần được triển khai thực hiện. TCTK xác định quá trình chuyển đổi số và tư liệu hóa hoạt động thống kê bao gồm chuyển đổi đồng thời và đồng bộ cả 3 lĩnh vực chính: Chuyển đổi số quy trình nghiệp vụ, bao gồm thay đổi cả dịch vụ, sản phẩm và cảm nhận của đối tượng sử dụng dịch vụ và sản phẩm thống kê; Chuyển đổi số trong quản trị nhân lực ngành Thống kê, đáp ứng yêu cầu sử dụng công nghệ và tuân thủ quy trình mới; Ứng dụng công nghệ với trọng tâm là số hóa, sử dụng dữ liệu số hóa với các ứng dụng thông minh. Để có cơ sở pháp lý thực hiện giải pháp tư liệu hóa, chuyển đổi số trong công tác thống kê trên cả nước, Tổng cục Thống kê đang trình Chính phủ phê duyệt Đề án tư liệu hóa và chuyển đổi số trong hệ thống thống kê quốc gia. Đề án sau khi được phê duyệt, sẽ tạo điều kiện cho cách mạng dữ liệu thống kê và tạo đột phá cho kinh tế - xã hội.

Để dữ liệu thống kê trở thành nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng yêu cầu của người sử dụng trong và ngoài nước và đáp ứng được yêu cầu về số lượng và chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế, ngành Thống kê xác định một trong những giải pháp trọng tâm trên hành trình chuyển đổi số tiếp theo là thống nhất dữ liệu. Có nghĩa là cơ sở dữ liệu (CSDL) của ngành Thống kê từ Trung ương đến địa phương được xây dựng thành một CSDL thống nhất, kết nối với các cơ sở dữ liệu thống kê, dữ liệu hành chính của các bộ, ngành và địa phương để tạo thành một cơ sở dữ liệu tập trung và thống nhất. Đây cũng là đòi hỏi tất yếu trong bối cảnh hiện nay một số Bộ, ngành và địa phương đang triển khai xây dựng và quản lý dữ liệu tập trung phục vụ công tác quản lý ngành, lĩnh vực, tuy nhiên các dữ liệu hiện đang lưu trữ phân tán, rời rạc, chưa có tính liên kết, xâu chuỗi.

Có thể nói, cơ sở dữ liệu thống kê quốc gia là dữ liệu đầu vào quan trọng trong việc biên soạn các chỉ tiêu thống kê, cung cấp thông tin thống kê chính thức và đáng tin cậy, là nguồn tài nguyên quý giá, cùng với cơ chế chính sách phù hợp sẽ giúp cho các tổ chức và cá nhân dễ dàng tiếp cận, khai thác và sử dụng thông tin để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Xây dựng, quản lý và sử dụng cơ sở dữ liệu thống kê quốc gia một cách có hiệu quả không chỉ là nhiệm vụ của riêng ngành Thống kê mà đòi hỏi có sự tham gia của nhiều cấp, nhiều ngành. Học hỏi kinh nghiệm một số nước trên thế giới và từ khuyến nghị của một số tổ chức quốc tế về xây dựng cơ sở dữ liệu thống kê quốc gia, TCTK cũng đang trình Chính phủ phê duyệt Đề án xây dựng cơ sở dữ liệu thống kê quốc gia, để bảo đảm việc triển khai được đồng bộ, có sự phối hợp, kết nối, chia sẻ giữa các cơ quan, đơn vị. Từ đó xây dựng, quản lý, sử dụng và cập nhật cơ sở dữ liệu thống kê quốc gia tập trung, thống nhất, cung cấp thông tin thống kê đầy đủ, chính xác, kịp thời để đáp ứng yêu cầu quản lý, chỉ đạo, điều hành, hoạch định chính sách, phát triển kinh tế - xã hội của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương cũng như đáp ứng nhu cầu sử dụng thông tin thống kê của người dùng tin trong và ngoài nước./.
PV

 

 

 

 

 

 

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top