Hướng đến một ASEAN tầm vóc, tâm điểm của tăng trưởng

11/08/2023 - 08:27 AM
Trong những năm qua, dù chịu tác động không nhỏ trước các đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19, song khu vực Đông Nam Á - ASEAN vẫn chứng tỏ là điểm sáng kinh tế thế giới. Các con số thống kê từ Ban Thư ký ASEAN cho thấy, năm 2021, với những nỗ lực hồi phục kinh tế của mười nước thành viên, ASEAN tiếp tục duy trì vị trí là khu vực kinh tế lớn thứ năm trên thế giới với tổng GDP đạt 3,3 nghìn tỷ đô la Mỹ, sau Mỹ (23,0 nghìn tỷ USD), Trung Quốc (17,7 tỷ USD) nghìn tỷ USD), Nhật Bản (4,9 nghìn tỷ USD) và Đức (4,2 nghìn tỷ USD). Tăng trưởng GDP phục hồi lên 3,4% vào năm 2021 từ mức giảm 3,2% vào năm 2020. GDP bình quân đầu người của ASEAN cũng tăng, từ 4.533 USD năm 2020 lên 5.024,2 USD năm 2021.
 
Hình 1: GDP và tốc độ tăng trưởng của 10 quốc gia ASEAN

Hướng đến một ASEAN tầm vóc, tâm điểm của tăng trưởng
                                                                Nguồn: Ban Thư ký ASEAN

 
Năm 2021, dấu hiệu phục hồi của nền kinh tế ASEAN được thể hiện qua xu hướng tích cực trong thương mại hàng hóa của khu vực. Tổng giá trị thương mại hàng hóa ASEAN tăng từ 2.670 tỷ USD năm 2020 lên 3.340 tỷ USD vào năm 2021, bao gồm 1.713 tỷ USD xuất khẩu và 1.627 tỷ USD nhập khẩu. Với các con số này, cán cân thương mại khu vực tiếp tục duy trì thặng dư. Tổng thương mại hàng hóa của ASEAN phục hồi với mức tăng trưởng 25,1%, trong đó nhập khẩu tăng trưởng đáng kể 27,8%; còn xuất khẩu tăng 22,6%. Trung Quốc vẫn là thị trường bên ngoài lớn nhất cho xuất khẩu ASEAN năm 2021 với 16,4% thị phần, tiếp theo là Mỹ (14,9%), EU-27 (8,9%) và Nhật Bản (6,6%). Về nhập khẩu, Trung Quốc là cũng là đối tác quan trọng nhất của khu vực với 23,9% thị phần, tiếp theo là Nhật Bản (7,8%), Mỹ và Hàn Quốc với tỷ lệ tương tự (7,4%) và EU-27 (7,2%).

Vượt qua những khó khăn của năm 2020, dòng vốn FDI chảy vào ASEAN trong năm 2021 cũng ghi nhận sự phục hồi với tốc độ tăng 46,6%, đạt 179,2 tỷ USD. Đây là mức tăng kỷ lục trước đại dịch và đảo ngược sự suy giảm 30% của năm 2020 do đại dịch Covid-19. Mỹ, Liên minh Châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản và ASEAN là những nhà đầu tư lớn trong khu vực. FDI chảy vào từ 5 quốc gia hàng đầu chiếm 65% tổng dòng vốn FDI vào ASEAN. Trong đó Mỹ là nhà đầu tư chính với 40,2 tỷ USD, chiếm 22,5% tổng vốn FDI chảy vào ASEAN, tiếp theo là EU với 26,5 tỷ USD (chiếm 14,8%). Dòng vốn FDI từ các nước Trung Quốc và Nhật Bản vào ASEAN với tỷ lệ lần lượt là 7,7% và 6,6%.

Năm 2022 tiếp tục được đánh giá là năm tương đối thành công với các nền kinh tế khu vực Đông Nam Á. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu ảm đạm, địa chính trị biến động, không ít thách thức, khó khăn, song trong năm vừa qua, khu vực ASEAN được đánh giá là một trong những khu vực phát triển nhanh nhất trên thế giới với tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức cao, tới 5,5% nhờ sự phục hồi mạnh mẽ của tiêu dùng và ngành du lịch ở nhiều nước thành viên, giữ vững chỗ đứng là nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới. Hiện ASEAN chiếm gần 8% xuất khẩu toàn cầu; khoảng 10% tổng số nguồn vốn FDI thế giới.

Theo các chuyên gia phân tích, có nhiều lý do để Đông Nam Á trở thành điểm sáng kinh tế. Đó là các nước thành viên ASEAN mở cửa trở lại nền kinh tế sau đại dịch đã nhanh chóng lấy lại những lợi ích thương mại. Thương mại nội khối ASEAN tăng trưởng mạnh mẽ giúp giảm bớt một phần sự sụt giảm trong xuất khẩu sang Hoa Kỳ, EU và Trung Quốc. Việc tái cấu trúc các chuỗi sản xuất từ Trung Quốc sang ASEAN đã làm tăng đáng kể lượng vốn FDI vào khu vực. Ngoài ra còn có sự điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt của các ngân hàng trung ương các nước và sự chuyển dịch chuỗi cung ứng sang khu vực. Bên cạnh đó, ASEAN đẩy mạnh hội nhập quốc tế với những nỗ lực nâng cấp Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN (ATIGA) và các hiệp định thương mại tự do (FTA) với các đối tác đối thoại. Một thành công của ASEAN trong năm 2022 là kết thúc đàm phán FTA ASEAN-Australia-New Zealand, giúp giảm chi phí và thời gian cho các hoạt động thương mại và làm thông suốt dòng hàng hóa thiết yếu trong các cuộc khủng hoảng.

Cũng trong năm vừa qua, ASEAN đã khởi động đàm phán nâng cấp Khu vực thương mại tự do ASEAN-Trung Quốc (ACFTA), một FTA lâu đời nhất của ASEAN với các đối tác đối thoại, nhằm thúc đẩy nền kinh tế số, kinh tế xanh, kết nối chuỗi cung ứng, cạnh tranh, bảo vệ người tiêu dùng, hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trong năm 2022, ASEAN cũng đã nâng cấp quan hệ với Mỹ và Ấn Độ lên đối tác chiến lược toàn diện.


Hướng đến một ASEAN tầm vóc, tâm điểm của tăng trưởng trong tương lai, tại Hội nghị cấp cao ASEAN 42 diễn ra vào tháng 5 mới đây, lãnh đạo các nước thành viên đều đạt được đồng thuận, thống nhất hướng đến mục tiêu chung là biến ASEAN thành một khu vực hòa bình, ổn định và thịnh vượng, trở thành tâm điểm của tăng trưởng.

Các nhà lãnh đạo nhất trí tiếp tục củng cố quá trình xây dựng Cộng đồng ASEAN thông qua việc thực hiện đầy đủ Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN đến năm 2025 được thông qua tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 27 tổ chức vào năm 2015 tại Kuala Lumpur, Malaysia. Đồng thời, nhất trí xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau năm 2025 và các văn kiện kèm theo, như được hình dung trong Tuyên bố Hà Nội về Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau năm 2025; đồng thời tăng cường các nỗ lực chung của ASEAN, nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển nội khối và tăng cường chương trình nghị sự phát triển bền vững của ASEAN, qua đó hiện thực hóa một cộng đồng hợp tác, bao trùm và không còn khoảng cách phát triển giữa các nước.

Đặt lợi ích của người dân là mục tiêu cao nhất, là tâm điểm của Cộng đồng ASEAN, các tuyên bố của các nhà lãnh đạo cấp cao các nước thành viên tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 42 đều hướng tới cộng đồng như lao động di cư, mạng lưới làng xã, phát triển nông thôn… Trong năm 2023, ASEAN sẽ tập trung vào 3 định hướng chính nhằm hiện thực hóa ASEAN như một trung tâm tăng trưởng của cả khu vực và toàn cầu: Tái thiết tăng trưởng khu vực thông qua việc kết nối thị trường và nâng cao tính cạnh tranh; Đẩy nhanh việc chuyển đổi và tham gia kinh tế số một cách bao trùm; Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững thông qua giảm thiểu phát thải carbon.

Thế giới, khu vực hiện có những diễn biến đan xen phức tạp; cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn; nguy cơ xung đột, chiến tranh; thách thức an ninh toàn cầu về biến đổi khí hậu, dịch bệnh, suy thoái kinh tế, an ninh năng lượng, lương thực, an ninh không gian mạng… Mặc dù trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức cả bên trong và bên ngoài như vậy, song các nhà lãnh đạo tin tưởng ASEAN sẽ thực hiện được mục tiêu phát triển trong giai đoạn mới và có đủ điều kiện trở thành tâm điểm của tăng trưởng. Cơ sở cho niềm tin trên chính là tốc độ tăng trưởng kinh tế của khu vực trong hai năm qua, cho thấy sự phục hồi kinh tế của các nước thành viên. Bên cạnh đó, ASEAN có quy mô dân số 663,9 triệu người trong năm 2021, là nền kinh tế đông dân thứ ba trên thế giới, chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ. Quy mô dân số lớn của ASEAN sẽ tạo nên một thị trường lao động năng động, mở ra những cơ hội tăng trưởng kinh tế cho khu vực.

Để ứng phó với bất ổn kinh tế toàn cầu, các nhà lãnh đạo ASEAN cho rằng, cần đẩy mạnh hợp tác trong một số lĩnh vực mới, chiến lược, như tăng cường thương mại, đầu tư nội khối, chuyển đổi số, phát triển bền vững, chuyển đổi xanh, năng lượng tái tạo… Các nước sẽ cùng nhau củng cố đoàn kết nội khối, tăng cường vai trò trung tâm của ASEAN ở khu vực, cũng như tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho nỗ lực phục hồi của cả Hiệp hội nói chung, của từng thành viên nói riêng.

Tận dụng được dòng chảy, hướng gió, định vị đúng vị trí của mình và định hướng rõ con đường, tương lai phát triển, các quốc gia thành viên tin rằng sẽ đẩy “con thuyền ASEAN” vững vàng lướt sóng, vươn ra đại dương./.
Quang Vinh
 

 

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top