Theo Tổng cục Thống kê, tư liệu hóa và số hóa dữ liệu là một trong những nỗ lực nhằm lấp “khoảng trống” trong công tác thống kê, để dữ liệu thống kê trở thành nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội...
Việc khai thác và sử dụng dữ liệu hành chính trong sản xuất thông tin thống kê đã và đang
trở thành xu hướng trong công tác thống kê.
Chia sẻ về chất lượng thông tin thống kê hiện nay, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết dù đã có những nỗ lực cải thiện chất lượng thông tin thống kê để dữ liệu thống kê trở thành nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội nhưng đến nay vẫn còn những “khoảng trống” trong công tác thống kê.
“Việc khai thác và sử dụng dữ liệu hành chính trong sản xuất thông tin thống kê đã và đang trở thành xu hướng trong công tác thống kê của nhiều nước trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Tuy vậy, sử dụng dữ liệu hành chính trong thống kê hiện nay còn gặp một số khó khăn, thách thức như: nguồn dữ liệu hành chính được thiết lập ban đầu phục vụ chính cho công tác quản lý, điều hành của bộ, ngành chứ không phải cho mục đích thống kê; nhiều ngành, lĩnh vực chưa thực hiện thống kê; chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan bộ ngành còn hạn chế…”, bà Hương nói và cho rằng để khai thác và sử dụng trong công tác thống kê cần có thời gian nghiên cứu, tìm hiểu và tiếp tục hoàn thiện các dữ liệu hành chính để phục vụ sử dụng đa mục tiêu.
Vì vậy, cùng với việc nỗ lực thực hiện các đột phá chiến lược theo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra, hoàn thiện và củng cố thể chế của ngành thống kê, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực… trong những năm gần đây, Tổng cục Thống kê đã đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin trong công tác thống kê nhằm hiện đại hóa hoạt động thu thập, xử lý, quản trị dữ liệu và đẩy nhanh tư liệu hóa, chuyển đổi số trong công tác thống kê.
Bắt đầu từ số hóa văn bản
Theo đó, Tổng cục Thống kê đã ứng dụng triệt để công nghệ thông tin vào tất cả các công đoạn trong quá trình sản xuất thông tin thống kê. Tổng cục Thống kê đã thay thế phiếu giấy bằng phiếu điện tử, phát triển các phần mềm xử lý kết quả các cuộc điều tra, bước đầu xây dựng cơ sở dữ liệu metadata để sử dụng chung với một số dữ liệu về các bảng danh mục, ngân hàng câu hỏi điều tra, các bảng mã câu trả lời cho câu hỏi đóng đối với một số lĩnh vực thống kê.
Theo bà Nguyễn Thị Hương, hiện tại, ngành Thống kê đã xây dựng được một số cơ sở dữ liệu và kho dữ liệu trên nền tảng MS SQL gồm cơ sở dữ liệu kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở các năm 1999, 2009; Tổng điều tra cơ sở kinh tế, hành chính sự nghiệp các năm 2007, 2012; Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản các năm 2006, 2011; Điều tra doanh nghiệp các năm từ 2002 đến 2012; Xuất nhập khẩu hàng hóa từ năm 1998 đến 2014; Khảo sát mức sống; Điều tra lao động việc làm; Điều tra biến động dân số…
Tuy nhiên, do tính chất công việc chuyên môn, ngành Thống kê sử dụng, lưu giữ văn bản giấy với nhiều tài liệu, số liệu quan trọng.
“Vì vậy, Tổng cục Thống kê đặt mục tiêu, hiện đại hóa hoạt động thống kê theo hướng chuyển đổi số bắt đầu bằng số hóa văn bản, tài liệu, dữ liệu hành chính, lưu chuyển trên môi trường số hóa; tự động hóa các quy trình nghiệp vụ của hoạt động thống kê, tiến tới tái cơ cấu quy trình nghiệp vụ dựa trên ứng dụng các công nghệ tiên tiến; khai thác và sử dụng hiệu quả dữ liệu thống kê, nâng cao tính minh bạch và tính giải trình, xóa bỏ khoảng cách dữ liệu, tạo tiền đề cho cách mạng dữ liệu thống kê”, lãnh đạo Tổng cục Thống kê cho biết.
Trong thời gian qua, công tác tư liệu hóa các hoạt động quản lý và sản xuất thông tin thống kê tại Tổng cục Thống kê đã, đang dần được triển khai thực hiện. Tổng cục Thống kê cũng xác định quá trình chuyển đổi số và tư liệu hóa hoạt động thống kê bao gồm chuyển đổi đồng thời và đồng bộ cả 3 lĩnh vực chính: Chuyển đổi số quy trình nghiệp vụ, bao gồm thay đổi cả dịch vụ, sản phẩm và cảm nhận của đối tượng sử dụng dịch vụ và sản phẩm thống kê; Chuyển đổi số trong quản trị nhân lực ngành Thống kê, đáp ứng yêu cầu sử dụng công nghệ và tuân thủ quy trình mới; Ứng dụng công nghệ với trọng tâm là số hóa, sử dụng dữ liệu số hóa với các ứng dụng thông minh.
Để có cơ sở pháp lý thực hiện giải pháp tư liệu hóa, chuyển đổi số trong công tác thống kê trên cả nước, Tổng cục Thống kê đang trình Chính phủ phê duyệt Đề án tư liệu hóa và chuyển đổi số trong hệ thống thống kê quốc gia, từ đó tạo điều kiện cho cách mạng dữ liệu thống kê và tạo đột phá cho kinh tế - xã hội.
Nỗ lực hiện đại hóa ngành Thống kê
Việc xây dựng Đề án, theo Tổng cục Thống kê, là một trong những nỗ lực tiếp theo nhằm thực hiện Chiến lược phát triển thống kê Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Mục tiêu Chiến lược là hiện đại hóa thống kê Việt Nam theo hướng đổi mới sáng tạo, phát triển nhanh và vững chắc với hệ thống tổ chức phù hợp; nguồn nhân lực chất lượng cao và chuyên nghiệp; công nghệ hiện đại; sản xuất, cung cấp và phổ biến thông tin thống kê theo chuẩn mực và thông lệ quốc tế; hình thành hệ thống thông tin thống kê quốc gia tập trung, thống nhất, thông suốt, chất lượng và hiệu quả; đáp ứng tốt hơn nhu cầu thông tin thống kê ngày càng tăng. Phấn đấu đến năm 2030, Thống kê Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực ASEAN và đến năm 2045 trở thành hệ thống thống kê hiện đại trên thế giới.
Khung theo dõi thực hiện Kế hoạch nâng cao chất lượng thống kê giai đoạn 2021-2030.
Chiến lược cũng đặt ra một số mục tiêu cụ thể như: Phấn đấu vào năm 2025 đạt 50%, vào năm 2030 đạt 70% số chỉ tiêu thống kê thuộc các hệ thống chỉ tiêu thống kê được biên soạn từ nguồn dữ liệu hành chính. 85% các chỉ tiêu thuộc các hệ thống chỉ tiêu thống kê được biên soạn và công bố theo tiêu chuẩn thống kê Việt Nam vào năm 2025; đạt 95% vào năm 2030. 80% các sản phẩm thống kê được cung cấp tới người sử dụng thông tin thống kê kịp thời vào năm 2025; đạt 95% vào năm 2030…
Để thực hiện chiến lược, theo bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục Thống kê sẽ tập trung vào 3 đột phá tập trung vào hệ thống pháp luật, nguồn nhân lực và công nghệ thông tin để từ đó nâng cao chất lượng thống kê.
“Dữ liệu là nguồn tài nguyên vô giá và chỉ có giá trị khi được đông đảo người dân và các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế sử dụng. Dữ liệu chất lượng sẽ làm sáng tỏ thực tiễn và giúp tất cả các tổ chức và cá nhân nhận thức đúng, sát với tình hình; từ đó sẽ ra được quyết định phù hợp”, bà Hương nhấn mạnh.
Nguồn: Anh Nhi (https://vneconomy.vn)