Nhu cầu và mức độ hài lòng của người sử dụng thông tin thống kê

08/03/2024 - 02:15 PM
Trong thời đại bùng nổ thông tin và tăng trưởng nhanh như hiện nay, số liệu thống kê ngày càng khẳng định vai trò quan trọng đối với người dùng tin và các nhà hoạch định chính sách. Chính vì vậy, định kỳ 3 năm, Tổng cục Thống kê tổ chức Điều tra nhu cầu và mức độ hài lòng của người sử dụng thông tin thống kê trên phạm vi cả nước. Cuộc điều tra gần nhất được tổ chức năm 2023 với cỡ mẫu là 13.280 đơn vị điều tra, tỷ lệ trả lời là 99,8%. Kết quả điều tra là một trong những căn cứ để ngành Thống kê xây dựng chiến lược, chính sách, kế hoạch nhằm nâng cao chất lượng sản xuất, phổ biến thông tin thống kê, đáp ứng đầy đủ hơn nhu cầu sử dụng thông tin của người dùng tin.

Tình hình sử dụng thông tin thống kê

Hiện nay, thông tin thống kê đang ngày càng trở nên quan trọng và nhận được sự quan tâm của người sử dụng tin. Trong tổng số 13.248 người trả lời phiếu điều tra, có 11.326 người đã từng sử dụng thông tin của ngành Thống kê, tương ứng chiếm 85,5%, cao hơn mức 84,7% của cuộc điều tra năm 2020; có 1.432 người chưa sử dụng, chiếm 10,8% và 453 người không nhớ đã sử dụng hay chưa, chiếm 3,4%.

Tỷ lệ người đã sử dụng thông tin của ngành Thống kê cao nhất ở nhóm đối tượng là công chức, viên chức với 93,0%; tiếp đến là nhóm nhà báo với 89,5%; nhóm nhà nghiên cứu, giáo viên, sinh viên 66,1%; nhóm doanh nhân, nhà đầu tư 57,9%. Các kết quả này đều cải thiện so với kết quả điều tra của năm 2020. Xét theo vị trí công tác, có 98,1% lãnh đạo Bộ, ngành và cấp tỉnh đã sử dụng thông tin của ngành Thống kê; tỷ lệ này của lãnh đạo Cục, vụ, viện và cấp sở là 95,3%; lãnh đạo cấp huyện là 98,3%; lãnh đạo cấp phòng là 93,0%; lãnh đạo doanh nghiệp là 57,8% và các vị trí khác là 81,2%.

Trong số 1.432 người trả lời chưa sử dụng thông tin của ngành Thống kê, có 18,9% trả lời là do chưa biết có nguồn thông tin này, tập trung chủ yếu ở nhóm đối tượng điều tra là giáo viên, sinh viên và khối doanh nghiệp, nhà báo; 12,9% nêu nguyên do là có nguồn số liệu khác; 9,7% lý do là không tiếp cận được; 0,2% nguyên do là không tin tưởng và 62,8% là do các nguyên nhân khác.

Về tần suất sử dụng thông tin của ngành Thống kê, có 4,8% số người dùng sử dụng thông tin thống kê theo chu kỳ hàng ngày; 8,2% số người sử dụng theo chu kỳ hàng tuần; 24,9% số người sử dụng theo chu kỳ hàng tháng, 7,7% sử dụng theo chu kỳ hàng quý; 4,7% sử dụng theo chu kỳ hàng năm và có 49,7% số người khi cần thì sử dụng, không theo định kỳ thường xuyên.

Về mục đích sử dụng thông tin thống kê, có 81,0% người sử dụng thông tin vào việc xây dựng chiến lược, kế hoạch và phân tích đánh giá vĩ mô. Trong đó, lãnh đạo Bộ, ngành và cấp tỉnh sử dụng cho mục đích này chiếm tỷ lệ 98,8%, lãnh đạo Cục, vụ, viện và cấp sở chiếm 93,1%; lãnh đạo cấp huyện chiếm 98,9% và lãnh đạo cấp phòng chiếm 92,6%. Tỷ lệ người sử dụng thông tin thống kê cho mục đích nghiên cứu khoa học, giảng dạy là 23,7%, tập trung chủ yếu ở nhóm nhà nghiên cứu, giáo viên, sinh viên (93,0%). Tỷ lệ người sử dụng số liệu thống kê cho mục đích xây dựng chiến lược, kế hoạch kinh doanh của cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, hộ gia đình là 14,9%, trong đó có 70,9% là lãnh đạo doanh nghiệp, nhà đầu tư. Còn lại 5,8% sử dụng vào các mục đích khác.

Về nguồn cung cấp thông tin thống kê, trong những người đã sử dụng thông tin thống kê, có 93,7% sử dụng nguồn do ngành Thống kê cung cấp, trong đó 19,2% hoàn toàn và 74,5% chủ yếu do ngành Thống kê cung cấp. Có sự khác biệt về nguồn cung cấp thông tin thống kê giữa các nhóm đối tượng sử dụng. Trong đó, tỷ lệ này của nhóm công chức, viên chức là 95,0%; doanh nhân, nhà đầu tư là 89,6%; nhà báo là 87,7%; nhà nghiên cứu, giáo viên, sinh viên là 87,5% và nghề nghiệp khác là 89,0%; 6,3% số người còn lại chủ yếu tự tìm kiếm thông tin thống kê bằng các nguồn khác để sử dụng.

Mức độ hài lòng về hoạt động phổ biến thông tin thống kê

Thời gian qua, việc sản xuất và phổ biến thông tin thống kê đã có nhiều cải thiện đáng kể, điều đó thể hiện qua mức độ hài lòng của người sử dụng thông tin thống kê đạt tỷ lệ khá cao và năm sau đều cao hơn năm trước. Theo đó, có tới 96,7% người dùng tin cho rằng việc tiếp cận thông tin thống kê là dễ dàng và tương đối dễ dàng, cao hơn so với kết quả của cuộc điều tra năm 2020 (94,3%). Tỷ lệ người sử dụng thông tin thống kê cảm thấy hài lòng và tương đối hài lòng với việc phổ biến và cung cấp thông tin thống kê đạt 98,9%, cao hơn 1,6 điểm phần trăm so với năm 2020 và tỷ lệ này khá đồng đều ở các nhóm đối tượng điều tra. Mức độ bình đẳng trong tiếp cận phổ biến, cung cấp thông tin của ngành Thống kê trong những năm qua cũng đã có sự cải thiện rõ rệt với 94,7% người dùng đánh giá đạt mức bình đẳng và tương đối bình đẳng; tăng 5,4 điểm phần trăm so với kết quả năm 2020. Đánh giá chung về hoạt động phổ biến, cung cấp thông tin của ngành Thống kê, có đến 87,7% người dùng cho rằng hoạt động này trong những năm gần đây đã được tăng cường, cao hơn tỷ lệ 83,0% của cuộc điều tra năm 2020.

Đánh giá về thông tin thống kê

Đánh giá về tác dụng của thông tin thống kê, có đến 98,5% người dùng tin cho rằng thông tin thống kê rất có tác dụng và có tác dụng, trong đó tỷ lệ này ở nhóm công chức, viên chức là 99,2%; ở nhóm nhà báo là 99,7%; nhóm nhà nghiên cứu, giáo viên, sinh viên là 96,5%; nhóm doanh nhân, nhà đầu tư là 95,1%. Các kết quả này đều cao hơn so với kết quả của cuộc điều tra năm 2020. Về tính kịp thời của thông tin, có 37,7% người dùng tin đánh giá rất kịp thời; 57,7% cho rằng thông tin thống kê tương đối kịp thời và chỉ có 3,6% cho rằng thông tin thống kê chưa kịp thời. Như vậy, tính kịp thời của thông tin thống kê tăng lên đáng kể so với các tỷ lệ tương ứng trong kết quả điều tra năm 2020, lần lượt là 27,3%; 65,4% và 7,3%.

Bên cạnh đó, nhờ không ngừng nâng cao chất lượng công tác thống kê, từ khâu thu thập đến khâu biên soạn, phân tích, dự báo thống kê với nhiều góc nhìn chuyên sâu, tỷ lệ người dùng đánh giá tính đầy đủ của thông tin ngành Thống kê phổ biến và cung cấp cũng tăng đáng kể. Từ 90,6% người dùng đánh giá thông tin thống kê đầy đủ và tương đối đầy đủ năm 2017 đã tăng lên 94,1% năm 2020 và đạt 95,9% năm 2023. Đồng thời, tỷ lệ đánh giá thông tin thống kê đáng tin cậy và tương đối đáng tin cậy cũng ở mức cao với 99,2% đã phản ánh đúng thực tế chất lượng thông tin thống kê đang ngày càng nâng cao nhờ đổi mới và cập nhật phương pháp thống kê, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các cuộc điều tra.

Các sản phẩm thông tin thống kê ngày càng tiếp cận gần hơn và nhiều hơn tới các đối tượng sử dụng thông tin thông qua công tác tuyên truyền, giới thiệu về các ấn phẩm của ngành Thống kê. Cụ thể với một số sản phẩm chủ yếu như: Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội có 82,2% người dùng tin biết đến; Niên giám thống kê là 90%; Các ấn phẩm phân tích tình hình kinh tế - xã hội nhiều năm là 64,6%; Trang thông tin điện tử của ngành Thống kê là 81,4%. Đối với kết quả các cuộc điều tra thống kê nói chung, có 85,8% người dùng tin biết đến, trong đó mức độ biết cụ thể tới một số cuộc số cuộc điều tra như sau: Có 88,8% biết đến Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019; có 89,9% biết đến Tổng điều tra kinh tế năm 2021; có 73,6% biết đến Điều tra Nông thôn, Nông nghiệp giữa kỳ năm 2020; có 75,7% biết đến Điều tra doanh nghiệp; có 66,4% biết đến Điều tra cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể; có 69,8% biết đến Điều tra biến động dân số và kế hoạch hóa gia đình; có 74,2% biết đến Điều tra lao động và việc làm; có 70,0% biết đến Khảo sát mức sống dân cư.

Đối với các sản phẩm thống kê chủ yếu kể trên, có từ 53-59% người sử dụng thông tin thống kê bày tỏ hài lòng (riêng website là 45,9%). Nếu tính chung mức độ hài lòng và tương đối hài lòng đối với từng sản phẩm thống kê chủ yếu thì tỷ lệ này rất cao, đạt gần 100%; riêng website đạt mức thấp hơn với 99,0%.

Từ các kết quả kể trên có thể thấy, chất lượng của công tác thống kê nói chung và số liệu thống kê nói riêng không ngừng được nâng lên qua thời gian. Điều này khẳng định, bên cạnh việc nâng cao chất lượng thông tin đầu vào, cần đẩy mạnh công tác phổ biến thông tin thống kê với nhiều sản phẩm và cách thức đa dạng.

Tiếp tục nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu và triển vọng của người dùng tin

Thông tin thống kê ngày càng nhận được sự quan tâm và tin tưởng của người dùng tin, vì vậy, có đến 90,2% người dùng khẳng định chắc chắn sẽ tiếp tục sử dụng số liệu của ngành Thống kê trong thời gian tới. Dạng thông tin thống kê được người dùng tin mong muốn nhất là số liệu thống kê đã được tổng hợp thành các bảng, biểu thống kê (chiếm 78%); tiếp theo là các báo cáo có cả lời văn phân tích, hình ảnh và số liệu (68,8%) và 38% muốn có số liệu vi mô. Hình thức số liệu thống kê được thể hiện thành bảng số liệu là hình thức được ưa chuộng nhất với tỷ lệ 84,5%; tỷ lệ ưa thích thể hiện bằng biểu đồ là 53,1%; thể hiện dưới dạng văn bản là 50,0%; dùng đồ họa thông tin là 34,5%; dùng bản đồ là 26,7% và 0,5% thể hiện bằng hình thức khác.

Người dùng tin thể hiện mối quan tâm nhiều nhất đến số liệu kinh tế tổng hợp (80,9%); tiếp theo đó là số liệu dân số, lao động (58,6%); số liệu lĩnh vực thương mại, dịch vụ, giá (56,2%); công nghiệp, doanh nghiệp (52,9%); nông, lâm nghiệp và thủy sản (48,5%) và các lĩnh vực khác (54,5%). Theo đó, kênh Website của Tổng cục Thống kê tiếp tục là hình thức phổ biến thông tin được ưa chuộng nhất với tỷ lệ 81,5%; thứ hai là hình thức truyền thống như các ấn phẩm được in trên giấy với tỷ lệ ưa thích là 46,6%; thứ ba là hình thức phổ biến qua mạng xã hội với tỷ lệ 35,2%; họp báo, thông cáo báo chí có tỷ lệ ưa thích đạt 23,4%.

Để tăng cường hoạt động sản xuất, phổ biến thông tin thống kê, trong thời gian tới, ngành Thống kê tiếp tục nghiên cứu, thực hiện các biện pháp nhằm đáp ứng ngày càng đầy đủ và đa dạng hơn nhu cầu của người sử dụng thông tin thống kê. Một số giải pháp chủ yếu tập trung vào:

Thứ nhất, tăng cường thông tin đầu vào thông qua việc chuẩn hóa, hiện đại hóa công tác thu thập thông tin thống kê; tăng cường kết nối, chia sẻ thông tin thống kê với Bộ, ngành, địa phương để thu thập đầy đủ, kịp thời số liệu hành chính, cũng như tạo sự thống nhất số liệu thống kê trong hệ thống thống kê Nhà nước.

Thứ hai, tiếp tục lấy phương châm“Hướng về người dùng tin” làm mục tiêu đẩy mạnh hoạt động sản xuất và phổ biến thông tin thống kê. Bên cạnh việc phát triển các lĩnh vực thống kê mà người dùng tin ưa chuộng trong thời gian tới, ngành Thống kê cần đẩy mạnh hơn nữa công tác phân tích và dự báo thống kê; đặc biệt là những vấn đề có tính thời sự, với nhiều góc nhìn chuyên sâu. Từ đó, cung cấp một bức tranh đầy đủ, toàn cảnh, không chỉ bao gồm số liệu mà có những phân tích chuyên sâu, giúp cung cấp thông tin và định hướng dư luận.

Thứ ba, đa dạng hóa hình thức phổ biến thông tin. Tăng cường và nâng cao chất lượng các buổi họp báo công bố thông tin thống kê. Chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến Lịch phổ biến thông tin thống kê, kiến thức và pháp luật thống kê cũng như về ngành Thống kê trên các phương tiện thông tin đại chúng, phát thanh, truyền hình…/.


Lê Tuấn Anh

Phó vụ trưởng phụ trách Vụ Thống kê Tổng hợp và phổ biến thông tin thống kê- TCTK

 

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top