Những điểm cần lưu ý khi triển khai Điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024

26/03/2024 - 11:25 AM
Thực hiện Quyết định số 629/QĐ-TCTK ngày 14/7/2023 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê về việc ban hành Phương án Điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024, từ ngày 01 - 30/4/2024, công tác thu thập thông tin cuộc Điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024 (Điều tra DSGK 2024) sẽ được tiến hành trên phạm vi cả nước[1].

Điều tra DSGK 2024 là cuộc điều tra quan trọng, được thực hiện nhằm các mục đích sau:

- Thu thập thông tin về dân số và nhà ở làm cơ sở để đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ 2021 - 2025; xây dựng chính sách, lập kế hoạch dân số và nhà ở phục vụ lập Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ 2026 - 2030; giám sát thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc mà Chính phủ Việt Nam đã cam kết.

- Cung cấp số liệu về quy mô dân số đến cấp huyện 5 năm sau Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 (viết gọn là Tổng điều tra 2019); làm cơ sở rà soát, hiệu chỉnh số liệu dân số hàng năm giai đoạn 2020 - 2024; cập nhật kho dữ liệu dân số và nhà ở do Tổng cục Thống kê quản lý phục vụ nghiên cứu, phân tích và dự báo quá trình phát triển dân số và nhà ở giữa hai kỳ tổng điều tra trên phạm vi cả nước và từng địa phương; đáp ứng yêu cầu so sánh quốc tế.

Để cuộc điều tra đạt kết quả tốt nhất, công tác triển khai cuộc điều tra này cần lưu ý một số nội dung sau:

Một là, công tác lập kế hoạch triển khai ở cấp trung ương, cấp tỉnh và cấp huyện cần tiến hành theo đúng yêu cầu của Phương án điều tra, bảo đảm tính kịp thời, khoa học và phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương.

Hai là, công tác tập huấn nghiệp vụ và hướng dẫn sử dụng phiếu điện tử được cài đặt trên thiết bị thông minh (CAPI) phải được triển khai theo đúng kế hoạch. Các giảng viên cần là những người nắm vững và am hiểu sâu nghiệp vụ. Trước khi tiến hành tập huấn giảng viên cần tìm hiểu để nắm rõ về trình độ, kinh nghiệm của học viên về cuộc điều tra để chuẩn bị bài giảng phù hợp và hiệu quả. Khi tập huấn khuyến khích áp dụng phương pháp đào tạo tích cực, nghiên cứu các công cụ để hỗ trợ tăng tính tương tác của học viên (bài tập tình huống, thảo luận nhóm, đố vui có thưởng…). Số lượng học viên tham dự mỗi lớp tập huấn nên dưới 60 người/lớp để bảo đảm chất lượng.

Ba là, công tác lập bảng kê hộ: Tất cả các hộ đang thực tế thường trú trên địa bàn đều phải được lập danh sách, không phân biệt hộ đó có hộ khẩu hay không. Người lập bảng kê phải đến từng hộ để thu thập thông tin số nhà, số hộ, số người và ghi chép vào bảng kê theo hướng dẫn; lập danh sách bảng kê bao gồm cả những hộ người nước ngoài (ghi chú ngôn ngữ sử dụng). Đối với những địa bàn có tổng số hộ giảm, cần đối chiếu với bảng kê Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 để bảo đảm tránh sót thông tin. Cần xác định những địa bàn có thể có người nước ngoài từ đó kiểm tra lại với danh sách hộ xem có người nước ngoài không.

Bốn là, tuyển chọn điều tra viên: Tuyển chọn điều tra viên (ĐTV) là người địa phương có tinh thần trách nhiệm cao, có trình độ học vấn từ trung học phổ thông trở lên (những nơi khó khăn, có thể lấy người có trình độ trung học cơ sở). Khuyến khích chọn ĐTV là nữ và ưu tiên tuyển chọn ĐTV đã tham gia các cuộc điều tra thống kê gần đây. Lưu ý: Không nên sử dụng cán bộ đang quản lý tài liệu đăng ký hộ khẩu, hộ tịch, ghi chép ban đầu về dân số hoặc chuyên trách công tác dân số và kế hoạch hoá gia đình làm ĐTV để tránh tình trạng sao chép thông tin từ sổ sách địa phương vào phiếu điều tra.

Năm là, công tác giám sát điều tra: Công tác kiểm tra, giám sát được thực hiện bằng hai hình thức là giám sát trực tuyến và giám sát trực tiếp.

- Giám sát trực tuyến: Thực hiện bằng cách cấp truy cập vào trang website của cuộc điều tra để kiểm tra các thông tin về: Tiến độ, thời gian thu thập thông tin tại hộ, tính logic của số liệu; kiểm tra số liệu thông qua các thống kê tần suất, thống kê tương quan; kiểm tra một số biểu tổng hợp theo các phân tổ khác nhau để đánh giá sơ bộ tính phù hợp của dữ liệu. Khi phát hiện/nghi ngờ có lỗi trong thời gian điều tra, các giám sát viên (GSV) báo ngay cho ĐTV để xác minh/chỉnh sửa thông tin và cập nhật lại vào chương trình. Trong trường hợp phát hiện/nghi ngờ có lỗi khi đã kết thúc thời gian điều tra GSV thông báo, xác minh với ĐTV và hiệu đính trực tiếp vào phiếu trên chương trình.

- Giám sát trực tiếp: GSV kiểm tra đánh giá tính hợp lý về việc phân công ĐTV của các địa phương và công tác trang bị tài liệu, thiết bị cần thiết cho ĐTV khi thực hiện điều tra. Ngoài ra, các GSV cũng kiểm tra quá trình đến hộ để thu thập thông tin của ĐTV có bảo đảm đúng như yêu cầu của phương án không, ĐTV có người hỗ trợ trong trường hợp cần thiết hay có những khó khăn gì phát sinh tại địa bàn không.

Sáu là, công tác tuyên truyền: Huy động sự tham gia tích cực của toàn bộ hệ thống chính trị và tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội vào hoạt động tuyên truyền bảo đảm phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của từng địa phương như: Truyền hình, phát thanh, báo giấy, báo điện tử, phỏng vấn, tọa đàm, loa cổ động, áp phích, thông báo trên bản tin hoặc trong các cuộc họp tổ dân phố, khu chung cư, loa phát thanh xã/phường/thị trấn, thư gửi hộ, tổ chức lễ ra quân …

Bảy là, công tác điều tra thực địa: Thực hiện đúng phương pháp thu thập thông tin là phỏng vấn trực tiếp. Chủ hộ (hoặc người trưởng thành am hiểu về các thành viên trong hộ khi chủ hộ đi vắng) là người cung cấp thông tin của hộ và thành viên hộ. Đối với những thông tin về thành viên hộ mà chủ hộ không nắm chắc, ĐTV gặp và phỏng vấn trực tiếp thành viên hộ để thu thập thông tin. Khi thu thập thông tin về nhà ở, ĐTV hỏi chủ hộ (hoặc người cung cấp thông tin) kết hợp với quan sát trực tiếp ngôi nhà hoặc căn hộ để nhập thông tin vào phiếu điều tra.

Để có được một cuộc phỏng vấn thành công, ĐTV cần xây dựng được mối quan hệ tốt, tạo thiện cảm với người trả lời. ĐTV phải thực hiện và lưu ý một số việc: (1) Phải tuyên truyền, giới thiệu mục đích, ý nghĩa của cuộc điều tra trong nhân dân và khi tiếp xúc với hộ; Ăn mặc gọn gàng, lịch sự, không uống rượu, bia trong thời gian tiếp xúc với hộ; (2 Khi đến hộ, ĐTV phải chào hỏi, giới thiệu bản thân và giới thiệu mục đích của việc phỏng vấn; Luôn tỏ thái độ thiện chí, cởi mở, hòa nhã, lịch sự và thân thiện với những người mà mình tiếp xúc; (3) Trả lời thẳng thắn những câu hỏi mà đối tượng điều tra (ĐTĐT) đưa ra, đặc biệt là những câu hỏi về mục đích của việc thu thập thông tin Điều tra DSGK 2024; Tránh tỏ ra khó chịu khi người trả lời từ chối cuộc phỏng vấn; Đối với các câu hỏi về lịch sử sinh của nữ từ 10 - 49 tuổi, ĐTV cố gắng tránh sự có mặt người thứ ba trong khi phỏng vấn vì sự có mặt của người thứ ba có thể sẽ khiến ĐTĐT trả lời không đúng sự thật.

Bên cạnh những nội dung trên còn một số lưu ý về kỹ thuật phỏng vấn trong điều tra thống kê. Phỏng vấn là một nghệ thuật, không được coi đó là một việc làm máy móc. Cách phỏng vấn khác nhau có thể cho thông tin khác nhau, vì thế khi tiến hành phỏng vấn, ĐTV phải bảo đảm thực hiện tốt các yêu cầu sau:

- Bảo đảm tính khách quan trong quá trình phỏng vấn: Đối với mỗi câu hỏi đưa ra ĐTV cần giữ thái độ trung lập, không tỏ thái độ đồng tình hoặc không đồng tình với câu trả lời của ĐTĐT;

- Không được gợi ý câu trả lời, không được đọc các phương án trả lời in sẵn bằng chữ in hoa cho ĐTĐT nghe;

- Không thay đổi từ ngữ các câu hỏi. Trường hợp từ ngữ địa phương khác với ngôn ngữ phổ thông, ĐTV có thể sử dụng từ ngữ địa phương để thay thế khi đặt câu hỏi. Nếu câu trả lời chưa rõ ràng, cần hỏi thăm dò để ĐTĐT hiểu rõ nội dung của câu hỏi. Nếu ĐTĐT không hiểu hoặc hiểu sai câu hỏi, ĐTV nhắc lại câu hỏi chậm và rõ. Nếu ĐTĐT vẫn không hiểu, ĐTV có thể diễn tả lại câu hỏi nhưng phải thận trọng, không được làm thay đổi nội dung của câu hỏi gốc;

- Không phỏng vấn vội vàng: ĐTV đọc các câu hỏi chậm và rõ ràng. Sau khi đưa ra câu hỏi, nên dành thời gian cho ĐTĐT suy nghĩ và trả lời. Trường hợp ĐTĐT đang vội giải quyết việc riêng, ĐTV có thể dừng cuộc phỏng vấn và hẹn quay trở lại vào thời điểm thích hợp, tuyệt đối không ép ĐTĐT phải tiếp tục cuộc phỏng vấn;

- ĐTV cần xác định những hộ nước ngoài và những hộ có người nước ngoài thuộc địa bàn mình được phân công để phỏng vấn hoặc gửi thư để đối tượng điều tra tự nghi phiếu.

Như vậy, để triển khai cuộc Điều tra DSGK 2024 đạt kết quả tốt nhất các địa phương cần có một kế hoạch chi tiết cụ thể, công tác chuẩn bị kỹ lưỡng, tinh thần trách nhiệm cao của lực lượng tham gia cuộc điều tra và đặc biệt là sự vào cuộc của hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương./.
 
Nguyễn Tuấn Anh
Phó Cục trưởng Cục Thu thập dữ liệu và Ứng dụng CNTT thống kê - TCTK

 


[1] Bốn huyện đảo nhỏ không bao gồm trong Điều tra DSGK 2024 là: Bạch Long Vỹ, thành phố Hải Phòng; Cồn Cỏ, tỉnh Quảng Trị; Hoàng Sa, thành phố Đà Nẵng; Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa.

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top