Quản lý dữ liệu người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài - Thực trạng và giải pháp

26/04/2022 - 03:39 PM

Theo số liệu từ Ngân hàng (NH) Nhà nước Việt Nam, năm 2021, lượng kiều hối thu hút về nước đạt 12,5 tỉ USD, tăng khoảng 10% so với năm 2020. Trong đó, chủ yếu từ nguồn lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. NH Thế giới (WB) và Tổ chức Hợp tác quốc tế về người di cư KNOMAD ước tính năm 2021, Việt Nam được xếp trong nhóm 10 nước có lượng kiều hối lớn nhất thế giới. Có thể nói, với một quốc gia đang phát triển như Việt Nam thì kiều hối là một trong những nguồn lực quan trọng giúp hỗ trợ phát kinh tế, ổn định xã hội. Tuy nhiên, muốn phát huy hiệu quả kênh tài chính này thì nhất thiết phải quản lý  tốt nguồn lao động đi làm việc ở nước ngoài hay còn gọi là nguồn lao động di cư quốc tế. 
 
Hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài

Ở Việt Nam, hoạt động hợp tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài được triển khai từ những năm 80 của thế kỷ trước chủ yếu dưới hình thức hợp tác lao động và chuyên gia giữa VN với 4 nước Xã hội chủ nghĩa bao gồm (Liên Xô (cũ), Cộng hoà dân chủ Đức (cũ), Tiệp Khắc (cũ) và Bungari), ngoài ra còn hợp tác với một số nước ở Trung Đông, Châu Phi (I- Rắc, Libya, An- ghê- ri, Ăng- gô- la, Mô- zăm- bích, Công- gô, Y- ê- men, Ma- đa- gax- ca...). Mục tiêu của hợp tác lao động là nhằm bù đắp sự thiếu hụt nhân lực trong phát triển kinh tế ở các nước nhận lao động, còn Việt Nam thì cần giải quyết việc làm cho một bộ phận người lao động và qua đó đào tạo và nâng cao tay nghề cho lao động, phục vụ cho quá trình đổi mới đất nước.
 
 

Cơ chế quản lý kinh tế của nước ta thời kỳ này mang tính chất quản lý tập trung, bao cấp: Cơ quan Nhà nước trực tiếp ký kết các Hiệp định, thỏa thuận và tổ chức thực hiện đưa người lao động và chuyên gia đi làm việc ở nước ngoài (từ việc tuyển chọn, đưa đi, quản lý người lao động ở nước ngoài và làm thủ tục, giải quyết chế độ cho họ sau khi về nước).

Trong 10 năm (1980-1990) hợp tác lao động, bắt tay vào đổi mới kinh tế, ta đã đưa được gần 300 nghìn lao động, trong đó có khoảng 220 nghìn lao động đi làm việc tại Liên Xô và các nước Đông Âu; hơn 30 nghìn người đi làm việc ở Iraq và Libi; 7,2 nghìn lượt chuyên gia đi làm việc ở Châu Phi và 23,7 nghìn thực tập sinh vừa học vừa làm ở nước ngoài ở Đông Âu. Ngân sách Nhà nước thu được khoảng 800 tỷ đồng (theo tỷ giá Rúp/Đồng Việt Nam năm 1990). Đồng thời, người lao động và chuyên gia đã đưa về nước một lượng hàng hoá thiết yếu với trị giá hàng nghìn tỷ đồng. Giai đoạn 10 năm tiếp theo, số lượng lao động đưa đi hàng năm vẫn tăng lên song không nhiều so với nguồn lao động được cho là khá dồi dào trong nước do cơ chế, chính sách hạn chế.

Ngày 01 tháng 7 năm 2007, Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng số 72/2006/QH11 (được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XI, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 29 tháng 11 năm 2006) chính thức được thực thi cùng với đầy đủ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh hoạt động này, từ Luật đến các văn bản hướng dẫn Luật khá đồng bộ, đánh dấu bước ngoặt hoàn thiện văn bản thể chế, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và các tổ chức tham gia hoạt động theo Luật.

Từ khi có Luật số 72 đến hết năm 2019 đã có trên 1,3 triệu lượt người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, bình quân mỗi năm có khoảng 110 nghìn người ra nước ngoài làm việc. Đặc biệt trong 5 năm gần đây ( 2016 - 2020), số lượng lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài tăng trung bình 8%/năm; mỗi năm có khoảng 130 nghìn người lao động ra nước ngoài làm việc, chiếm 7%-10% số người được giải quyết việc làm mới của cả nước mỗi năm. Để đáp ứng yêu cầu trong điều kiện mới, ngày 13/11/2020, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật số 69/2020/QH14 thay thế cho Luật 72, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2022.

Có thể nói, với Luật pháp, cơ chế, chính sách mới đã tạo ra một hành lang thông thoáng giúp công tác xuất khẩu lao động thuận lợi và hiệu quả hơn. Thị trường xuất khẩu lao động cũng ngày càng rộng mở giúp số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài tăng nhanh, chất lượng lao động đi không ngừng được nâng cao; hoạt động của doanh nghiệp dần đi vào chuyên nghiệp, quyền lợi của người lao động xuất khẩu được bảo đảm v.v… Trong 5 năm, từ 2016 - 2020, Việt Nam đã đưa trên 600 nghìn lao động đi làm việc theo hợp đồng tại hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, chủ yếu trong khoảng 30 ngành nghề khác nhau từ lao động giản đơn đến chuyên môn kỹ thuật và chuyên gia. Lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài góp phần đáng kể phát triển kinh tế xã hội, cải thiện rõ rệt về phúc lợi xã hội và bình đẳng giới hộ gia đình. Đồng thời, người lao động đi làm việc ở nước ngoài khi trở về phần lớn đã được đào tạo nâng cao tay nghề, trình độ chuyên môn, ý thức kỷ luật lao động, trở thành nguồn lao động chất lượng cao phục vụ quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Tuy nhiên năm 2020-2021, do ảnh hưởng của dịch Covid - 19 trên toàn thế giới khiến hoạt động đưa người ra nước ngoài làm việc theo hợp đồng bị sụt giảm đáng kể: Năm 2020, Việt Nam chỉ đưa được 78,6 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài, đạt 60,5% so với kế hoạch đề ra và bằng 51,55% so với cùng kỳ năm 2019 (năm 2019, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 152,5 nghìn lao động); Năm 2021, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo thống kê của Bộ LĐTBXH là 45 nghìn lao động, bằng 57,3% so với năm 2020.

Bước sang năm 2022, mặc dù dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp trên thế giới song cùng với xu hướng mở cửa, phục hồi kinh tế toàn cầu, dự báo số lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc theo hợp đồng sẽ tăng trở lại. Hiện nay, các doanh nghiệp đã nghiên cứu, triển khai sản phẩm bảo hiểm liên quan đến dịch bệnh Covid - 19 cho công dân Việt Nam xuất cảnh, di cư ra nước ngoài để xem xét phê chuẩn; đưa lao động sang các nước yêu cầu lao động cần có bảo hiểm Covid - 19 …
Quản lý dữ liệu về lao động cư quốc tế tại Việt Nam
Tại Việt Nam, dữ liệu về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài được cung cấp bởi Cục QLLĐNN, Cục Việc làm (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội); Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) và dữ liệu tổng hợp từ điều tra Lao động việc làm của Tổng cục Thống kê…

Theo Cục QLLĐNN, giai đoạn mới bắt đầu đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài là thời kỳ chưa có máy vi tính để quản lý dữ liệu, khi đó công tác quản lý, thống kê, tổng hợp đều bằng thủ công, sổ sách ghi chép là phổ biến. Đến các giai đoạn sau này, mặc dù có máy vi tính, có phần mềm quản lý song phía Cục mới chỉ lưu giữ số liệu đơn thuần, chưa có sự tổng hợp, phân tích bằng phương pháp thống kê chuyên nghiệp, các khái niệm, chỉ tiêu thống kê thiếu thống nhất dẫn tới số liệu bị chênh giữa các bộ, ngành và bị vênh so với số liệu được tổng hợp từ các cuộc điều tra lao động việc làm của Tổng cục Thống kê. Về cơ bản, mới chỉ thống kê được số lao động ra nước ngoài làm việc theo hợp đồng và lao động trở về nước (dựa trên báo cáo do các doanh nghiệp dịch vụ, các tổ chức sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc nước ngoài, các Sở Lao động, Thương binh và Xã hội... cung cấp theo Quy định báo cáo tại Luật số 72), trong khi số người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hình thức khác như lao động tự do, bị ép đi lao động, vượt biên hoặc thông qua đường du lịch ước tính hàng nghìn người mỗi năm song chưa có con số thống kê đầy đủ, chính xác. Bên cạnh đó, số liệu thống kê về số lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam cũng chưa cập nhật đầy đủ, liên tục… Nguyên nhân là do chưa có cơ quan nào đứng ra làm đầu mối tổng hợp, công bố số liệu để sử dụng chung một cách hiệu quả dữ liệu di cư quốc tế, việc thu thập số liệu giữa các bộ ngành, địa phương thiếu thống nhất đã gây rất nhiều khó khăn công tác lập kế hoạch xuất khẩu lao động, quản lý và thực hiện các chính sách bảo vệ người lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc.

Việt Nam là nước đang phát triển, với dân số gần 90 triệu người, đứng thứ 15 về dân số trong các nước đông dân nhất thế giới, trong đó có khoảng 75% lao động sống ở nông thôn, trình độ chuyên môn tay nghề thấp, tiền công lao động rẻ, sức ép việc làm lớn. Trong khi đó, Chương trình giải quyết việc làm quốc gia hàng năm vẫn không đáp ứng được hết nhu cầu việc làm của người lao động. Trong thời gian tới, khi dịch bệnh đã được kiểm soát, cùng với quá trình mở cửa và hội nhập quốc tế, Việt Nam không chỉ có tiềm năng mà còn rất nhiều cơ hội về cung cấp nguồn lao động cho thị trường thế giới, đồng thời Việt Nam cũng là địa chỉ hấp dẫn thu hút nhiều tập đoàn, doanh nghiệp FDI vào đầu tư, xây dựng nhà máy, khu công nghiệp cùng với số lượng lớn chuyên gia, lao động kỹ thuật cao nước ngoài đến sinh sống và làm việc. Thực tế này đòi hỏi công tác quản lý lao động di cư chuyên nghiệp hơn, hiệu quả hơn do đó việc ra đời một cơ sở dữ liệu về di cư quốc tế đầy đủ, chính xác, kịp thời là cực kỳ cần thiết và cấp thiết.

Có thể nói, lĩnh vực di cư lao động nước ngoài đang đặt ra nhu cầu lớn về số liệu thống kê chính xác, được phân tách theo giới tính và thường xuyên cập nhật, phục vụ công tác hoạch định chính sách và đưa ra các hỗ trợ hoặc can thiệp kịp thời giúp người di cư, đặc biệt là phụ nữ tối đa hóa được lợi ích từ việc di cư lao động của mình, cũng như giảm thiểu các nguy cơ bị bạo lực và bóc lột có thể xảy ra. Tăng cường nỗ lực thu thập dữ liệu về di cư lao động thông qua việc áp dụng các cách tiếp cận và khái niệm nhất quán sẽ giúp quản lý rủi ro và tận dụng các cơ hội mà di cư lao động quốc tế mang lại.

Mới đây, với quy định tại khoản 4, Điều 69 Luật số 69: “Thực hiện quản lý người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng bằng mã số, tích hợp trên Hệ thống cơ sở dữ liệu về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng” đã đánh dấu bước tiến quan trọng trong ứng dụng công nghệ thông tin và quản lý lao động di cư quốc tế của Việt Nam.

Đồng thời, để hướng tới hoàn thiện dữ liệu thống kê về di cư lao động; góp phần thực hiện Quyết định 402/QĐ-TTg ngày 20/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về di cư lao động một cách nhất quán và có sự kết nối với số liệu thống kê của các bộ, ngành phục vụ công tác hoạch định kế hoạch chính sách tại Việt Nam, cũng như thu thập thông tin về tiến độ thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững,… thời gian vừa qua, Tổng cục Thống kê đã phối hợp với Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) nghiên cứu các nguồn dữ liệu sẵn có về lao động di cư quốc tế ở Việt Nam. Theo đó, Tổng cục Thống kê cùng với các bộ, ngành, các chuyên gia trong nước và quốc tế sẽ hợp tác, chia sẻ với nhau các kiến thức, kinh nghiệm trong việc thu thập các nguồn thông tin, từ đó có thể khai thác, tổng hợp, tính toán một cách tốt nhất các chỉ tiêu thống kê về lao động di cư quốc tế, đáp ứng công tác quản lý về lao động di cư quốc tế; đồng thời góp phần hoàn thành các mục tiêu phát triển bền vững. Theo đó, thời gian tới các cơ quan hữu quan cần tập trung thực hiện những giải pháp sau:
  • Xây dựng phần mềm cập nhật cơ sở dữ liệu di cư đồng bộ thống nhất từ cấp xã, đến trung ương, từ đó liên kết cơ sở dữ liệu giữa các ngành Công an, Biên phòng, Lao động,Tư pháp; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý lao động di cư quốc tế;
  • Sớm có chiến lược quốc gia và hệ thống chính sách pháp luật toàn diện, nhất quán và minh bạch về di cư quốc tế;
  • Hoàn thiện các văn bản, quy phạm pháp luật, các khái niệm, chỉ tiêu, biểu mẫu liên quan đến báo cáo, tổng hợp cơ sở dữ liệu di cư để các ngành, các cấp, địa phương triển khai thực hiện báo cáo.
  • Tăng cường công tác phối hợp, chia sẻ thông tin hiệu quả giữa các bộ, ngành hữu quan; tăng cường hợp tác khu vực và quốc tế, chia sẻ thông tin về di cư; nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ công chức làm công tác quản lý di cư quốc tế
  • Cần hình thành các cơ chế giám sát và thực thi chính sách pháp luật về di cư có hiệu lực, hiệu quả nhằm tăng cường trách nhiệm của Nhà nước và các chủ thể có liên quan đối với việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam di cư ra nước ngoài; nâng cao năng lực của của các Bộ, ngành có chức năng quản lý nhà nước về di cư theo ngành, lĩnh vực, đặc biệt phải xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của cơ quan làm đầu mối, chủ trì, thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.
  • Tiếp tục nghiên cứu, thúc đẩy việc đàm phán, ký kết các hiệp định, thỏa thuận song phương về lao động, tương trợ tư pháp về hình sự, dân sự và hôn nhân gia đình; nghiên cứu, phê chuẩn và triển khai thực hiện các văn bản pháp lý quốc tế về di cư, đặc biệt về di cư lao động nhằm tạo cơ sở pháp lý bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của công dân Việt Nam trong tất cả các giai đoạn của quá trình di cư ;
  • Tăng cường sự trao đổi, chia sẻ thông tin giữa các chính phủ, các cơ quan chức năng, các tổ chức quốc tế hữu quan; thu hút sự tham gia của các tổ chức dân sự, các tổ chức của người di cư vào quá trình xây dựng, đối thoại, và giám sát thực thi chính sách, pháp luật và công ước quốc tế về di cư./.
PV (Tổng hợp từ các tham luận
tại Hội thảo về khoảng trống dữ liệu thống kê di cư lao động quốc tế tại Việt Nam)
 
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top