Quy trình thu thập, tổng hợp và tính toán Tiêu chí về thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn các xã thuộc Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025

01/07/2023 - 10:15 AM

Thực hiện nhiệm vụ tại Quyết định số 318/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc “Ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 – 2025” hay còn được gọi tắt là Bộ tiêu chí nông thôn mới cấp xã giai đoạn 2021 – 2025, ngày 30/6/2022, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có Quyết định số 1245/QĐ-BKHĐT ban hành quy trình thu thập, tổng hợp và tính toán Tiêu chí về thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn các xã thuộc Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025.

Theo đó, việc thu thập, tổng hợp và tính toán thu nhập bình quân đầu người/năm trên địa bàn các xã thuộc Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025 cần đáp ứng các yêu cầu sau: Thực hiện theo đúng chuyên môn, nghiệp vụ được ngành Thống kê quy định thống nhất và đảm bảo tính khả thi trong quá trình triển khai thực hiện; Thu thập, tổng hợp và công bố tiêu chí 10 về thu nhập thuộc Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025 đảm bảo độ tin cậy, phản ánh xác thực thu nhập của nhân khẩu thực tế thường trú trên địa bàn xã; Kết quả tính toán và tổng hợp tiêu chí 10 về thu nhập không xung đột với các kết quả khác do ngành Thống kê thực hiện và công bố.

Bài viết dưới đây tập trung làm rõ các khái niệm và quy trình thu thập, tổng hợp và tính toán thu nhập bình quân đầu người/năm trên địa bàn các xã thuộc Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025.

Các khái niệm

Thu nhập bình quân đầu người/năm trên địa bàn xã được tính bằng tổng thu nhập của toàn bộ các hộ trên địa bàn xã chia cho tổng số nhân khẩu thực tế thường trú trên địa bàn xã trong năm báo cáo.

Thu nhập của hộ là toàn bộ các khoản thu nhập mà các thành viên của hộ nhận được trong trong năm báo cáo, bao gồm: (1) Thu nhập từ tiền lương, tiền công và thu nhập từ sản xuất kinh doanh, bao gồm: Thu nhập từ tiền lương, tiền công và các khoản có tính chất như tiền lương, tiền công (phụ cấp, thưởng,…); Lương hưu và trợ cấp thất nghiệp, thôi việc một lần; Thu nhập từ sản xuất kinh doanh: Thu nhập từ hoạt động nông, lâm, thủy sản và hoạt động phi nông, lâm, thủy sản; lợi nhuận từ làm chủ hoặc tham gia làm chủ doanh nghiệp/HTX/Cơ sở kinh doanh cá thể. (2) Thu nhập khác, bao gồm: Thu nhập từ sở hữu tài sản, đầu tư tài chính, bao gồm: thu nhập từ cho thuê nhà cửa/đất đai/tài sản, lãi gửi tiết kiệm, cổ tức; Thu nhập từ chuyển nhượng, bao gồm: Thu nhập từ các khoản trợ cấp, từ kiều hối, từ quà cho/biếu/tặng; Thu nhập khác: Các khoản thu nhập làm tăng thu nhập chưa kể trên như trúng xổ số, vui chơi có thưởng.

 
Mô hình trồng hoa giúp người dân nâng cao thu nhập 

Các khoản thu không được tính vào thu nhập gồm: Tiền rút tiết kiệm, thu nợ, bán tài sản (nhà, đất, tài sản khác,...), khoản vay nợ, tạm ứng và các khoản chuyển nhượng vốn do liên doanh, liên kết trong sản xuất, kinh doanh, bồi thường đất do giải tỏa.

Hộ bao gồm một người ăn riêng, ở riêng hoặc một nhóm người ăn chung và ở chung. Đối với hộ có từ 02 người trở lên, các thành viên trong hộ có thể có hay không có quỹ thu chi chung; có hoặc không có mối quan hệ ruột thịt, hôn nhân hay nuôi dưỡng; hoặc kết hợp cả hai. Chủ hộ là một thành viên trong hộ, am hiểu thông tin của các thành viên khác, được các thành viên khác thừa nhận. Chủ hộ có thể trùng hoặc không trùng với chủ hộ được ghi trong sổ hộ khẩu do ngành Công an cấp.

Nhân khẩu thực tế thường trú (viết gọn là NKTTTT) là những người thực tế thường xuyên ăn ở tại hộ tính đến thời điểm điều tra đã được từ 06 tháng trở lên và những người mới chuyển đến dưới 06 tháng nhưng xác định sẽ ăn, ở ổn định tại hộ, trẻ em mới sinh trước thời điểm điều tra và những người tạm vắng, không phân biệt họ có hay không có hộ khẩu thường trú (quy định thống nhất theo Tổng Điều tra Dân số và Nhà ở 2019).

Những trường hợp sau đây được xác định là NKTTTT tại hộ: (1) Những người thực tế thường xuyên ăn, ở tại hộ từ 06 tháng trở lên tính đến thời điểm điều tra, không phân biệt họ có hay không có hộ khẩu thường trú; những người tuy đã có giấy tờ di chuyển (giấy gọi nhập ngũ, giấy chiêu sinh, quyết định tuyển dụng, thuyên chuyển công tác,...) nhưng đến thời điểm điều tra họ vẫn chưa rời khỏi hộ để đến nơi ở mới. (2) Những người mới đến hộ chưa được 06 tháng nhưng xác định sẽ ăn, ở ổn định như trẻ em mới sinh, những người đã rời hẳn nơi ở cũ đến ở ổn định tại hộ. (3) Những người lâu nay vẫn thường xuyên ăn, ở tại hộ nhưng tại thời điểm điều tra họ tạm vắng như người đi nghỉ hè, nghỉ lễ, đi công tác, đi du lịch, dự lớp bồi dưỡng nghiệp vụ ngắn hạn, đi chữa bệnh…; người đang bị tạm giữ; người rời gia đình đi làm ăn ở nơi khác tính đến thời điểm điều tra chưa đủ 6 tháng.

Phạm vi khảo sát, thời gian và thời kỳ thu thập thông tin

Phạm vi khảo sát: Khảo sát thu thập thông tin trên địa bàn xã để tính toán kết quả tiêu chí số 10 về thu nhập trong Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025. Thời gian thu thập thông tin: Từ ngày 01 tháng 8 đến hết ngày 20 tháng 8 năm báo cáo. Thời kỳ thu thập thông tin: Thông tin được thu thập trong thời kỳ 12 tháng qua kể từ thời điểm thu thập (điều tra).

Phương pháp và nội dung thu thập thông tin

Khảo sát được tiến hành điều tra chọn mẫu và áp dụng phương pháp phỏng vấn trực tiếp. Trường hợp địa phương đảm bảo được nguồn ngân sách để tiến hành thu thập thông tin của toàn bộ các hộ trên địa bàn xã thì sẽ không thực hiện các nội dung liên quan đến chọn mẫu, tính và tổng hợp thông tin mẫu ở các biểu trong Phụ lục. Các nội dung thu thập và biểu mẫu còn lại thực hiện như hướng dẫn.

Chọn mẫu

Chuẩn bị danh sách chọn mẫu

Bước 1. Lập bảng kê các hộ và NKTTTT theo thôn/ấp/bản: sử dụng bảng kê hộ từ Tổng Điều tra Dân số và Nhà ở 2019 và cập nhật các hộ mới phát sinh đến thời điểm thu thập thông tin cho từng thôn/ấp/bản vào cuối bảng kê. Nếu bảng kê hộ từ Tổng điều tra Dân số và Nhà ở 2019 theo địa bàn thì ghép các địa bàn theo thôn/ấp/bản.

Bước 2. Tổng hợp số lượng hộ và NKTTTT của xã: Tổng hợp số lượng hộ và NKTTTT của toàn xã từ tổng hợp số hộ của từng thôn/ấp/bản ở Bước 1.

Xác định cỡ mẫu

Bước 1: Xác định cỡ mẫu cho xã
Mẫu khảo sát cần đảm bảo tính đại diện cho toàn xã và đáp ứng tỷ lệ tối thiểu theo công thức xác định cỡ mẫu tối thiểu khi biết quy mô tổng thể.

Công thức:


Trong đó:    n là số hộ chọn mẫu
                   N là tổng số hộ trên địa bàn xã
                   e: sai số cho phép, thường có ba tỷ lệ sai số hay sử dụng là 1%, 5% và 10%,
Thống nhất sử dụng khoảng tin cậy 95% (e=0,05)

Bước 2: Phân bổ mẫu cho thôn/ấp/bản

Nguyên tắc: Phân bổ số lượng mẫu tỷ lệ thuận với quy mô hộ của thôn/ấp/bản. Sau khi xác định cỡ mẫu cho toàn xã ở Bước 1, tiếp tục thực hiện phân bổ số lượng hộ mẫu của xã cho các thôn/ấp/bản theo nguyên tắc tỷ lệ thuận với quy mô hộ của thôn/ấp/bản.

Ví dụ: Xác định cỡ mẫu khảo sát của Xã A có quy mô 1.000 hộ tại 4 Thôn (từ Thôn A1 đến Thôn A4) như sau:
Áp dụng công thức trên với N=1.000 và e=0,05 thì kết quả tính được cỡ mẫu của xã A như sau:
 

Sau khi xác định được cỡ mẫu cho xã A với 286 hộ, tiếp tục phân bổ số lượng mẫu của xã (286 hộ) cho 4 thôn trong xã A theo nguyên tắc số lượng mẫu tỷ lệ thuận với quy mô hộ của thôn như sau:
 
Danh sách thôn/ấp/bản Tổng số hộ thực tế (hộ) Tổng số hộ được chọn mẫu (hộ)
Thôn A1 150 286*(150/1000) = 42,9
Thôn A2 250 286*(250/1000) = 71,5
Thôn A3 320 286*(320/1000) = 91,52
Thôn A4 280 286*(280/1000) = 80,08
Tổng số hộ trong xã A 1.000 286
 Như vậy, số hộ được chọn của các thôn từ Thôn A1 đến Thôn A4 lần lượt là 43, 72, 92 và 80 hộ (lưu ý làm tròn số hộ theo nguyên tắc trên 0,5 làm tròn thành 1, dưới 0,5 làm tròn thành 0).

Chọn mẫu ngẫu nhiên hệ thống

Mẫu được chọn theo phương pháp ngẫu nhiên hệ thống để đảm bảo tính đại diện của chỉ tiêu thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã. Các bước chọn mẫu như sau:

Bước 1: Xác định khoảng cách (k) chọn mẫu cho từng thôn/ấp/bản với k = N/n, trong đó: N là tổng số hộ của thôn/ấp/bản và n là số hộ được chọn mẫu của thôn được xác định ở Bước 2. Để tránh mẫu được chọn nhiều ở các hộ trên đầu danh sách, thống nhất quy định khoảng cách k được làm tròn xuống. Ví dụ: Thôn A1 có 150 hộ thường trú trong đó 43 hộ được chọn, khoảng cách k=(150/43)=3,48 hộ và được làm tròn thành 3.

Bước 2: Xác định đơn vị chọn mẫu đầu tiên (hộ được chọn đầu tiên) bằng phương pháp chọn ngẫu nhiên 1 số trong các số từ 1-k; trong đó k là khoảng cách chọn mẫu. Ví dụ: Thôn A1 xác định được khoảng cách chọn mẫu k bằng 3, vậy hộ ngẫu nhiên được chọn đầu tiên ở số thứ tự từ 1 đến 3 trong danh sách bảng kê; giả sử chọn số ngẫu nhiên là 2 thì hộ được chọn đầu tiên vào mẫu là hộ có số thứ tự là 2 trong bảng kê danh sách hộ trên địa bàn thôn A1.

Bước 3: Chọn mẫu lần lượt các hộ theo thứ tự: hộ thứ nhất có số thứ tự (i) trong bảng kê được chọn đầu tiên; hộ thứ 2 là i+k; hộ thứ 3 là i+2*k cho đến hộ cuối cùng là n có số thứ tự là i+(n-1)*k. Ví dụ: Thôn A1 có 150 hộ thường trú, số hộ mẫu là 43, khoảng cách chọn là 3, hộ được chọn đầu tiên là hộ số 2, vậy hộ thứ hai có số thứ tự là (2+3)=5, hộ thứ ba có số thứ tự là (2+2*3)=8 và hộ thứ 43 được chọn vào mẫu có số thứ tự là (2+42*3)=128.

Chọn hộ dự phòng: Ngoài các hộ được chọn kể trên, để ứng phó với trường hợp các hộ trong danh sách mẫu bị từ chối hoặc không thu thập được do nhiều lý do, khi chọn mẫu lập thêm danh sách hộ dự phòng 10% mẫu được chọn. Trong ví dụ trên Thôn A1 được chọn 43 hộ, vậy số hộ dự phòng là 4 hộ, các hộ dự phòng được chọn đồng thời khi thực hiện chọn hộ mẫu chính thức và chọn nối tiếp vào danh sách.

Nội dung, phiếu thu thập thông tin

Nội dung thông tin thu thập bao gồm NKTTTT và thu nhập của hộ. Thông tin về thu nhập bao gồm: Thu nhập từ tiền lương, tiền công; Thu nhập từ trồng trọt; Thu nhập từ chăn nuôi; Thu nhập từ lâm nghiệp; Thu nhập từ thủy sản; Thu nhập từ hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ phi nông, lâm nghiệp, thủy sản; chế biến sản phẩm nông, lâm nghiệp, thủy sản; Thu nhập khác.


Tổng hợp và tính thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã và báo cáo kết quả

Tổng hợp tổng thu nhập của hộ mẫu của từng thôn/ấp/bản trong xã. Thu nhập bình quân đầu người/năm trên địa bàn xã được tính bằng cách cộng tổng thu nhập của toàn bộ các thôn/ấp/bản trong xã chia cho tổng số NKTTTT trên địa bàn xã.

Kiểm tra, xác nhận tính chính xác của số liệu thu thập, tổng hợp

Nội dung xác nhận tính chính xác của số liệu thu thập và tổng hợp bao gồm kiểm tra, rà soát toàn bộ thông tin và biểu mẫu báo cáo quy định. Trình tự kiểm tra theo các bước sau:

Bước 1: Kiểm tra quy trình xác định số lượng mẫu của xã và phân bổ mẫu cho thôn/ấp/bản.

Bước 2: Kiểm tra danh sách hộ mẫu của từng thôn/ấp/bản.

Bước 3: Kiểm tra số liệu thu thập (lấy ngẫu nhiên từ 5% đến 10% Phiếu thu thập thông tin) với các nội dung sau: (1) Số liệu thu thập đầy đủ bao gồm đầy đủ cả về thông tin người thu thập và nội dung các thông tin ở từng mục; (2) Thông tin thu thập theo đúng hướng dẫn, đầy đủ về nội dung và đảm bảo tính logic giữa các thông tin; (3) Thông tin được xử lý (nhập tin) cẩn thận phục vụ cho tính toán và suy rộng cho toàn xã.

Bước 4: Kiểm tra kết quả tính thu nhập bình quân đầu người của hộ mẫu và kết quả suy rộng cho xã, nội dung kiểm tra gồm: (1) Tính đầy đủ của các chỉ tiêu và xác nhận của các bên liên quan ở từng biểu đảm bảo tính pháp lý; (2) Rà soát thông tin về chủ hộ và số NKTTTT; (3) Thông tin được tổng hợp đúng từ kết quả thu thập; kết quả tính toán chính xác và kết quả suy rộng đúng quy định.

Sau khi kiểm tra, rà soát các nội dung theo các bước trên, nếu kết quả đảm bảo đầy đủ các yêu cầu quy định từ bước 1 đến bước 4 thì Cơ quan thực hiện công việc (Cục Thống kê tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) ban hành văn bản công nhận kết quả và gửi Văn phòng điều phối Nông thôn mới cấp tỉnh. Thời gian trước ngày 20 tháng 9 năm báo cáo.

Tổ chức thực hiện

Ở cấp Trung ương, Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) chịu trách nhiệm biên soạn tài liệu hướng dẫn, tập huấn nghiệp vụ và nghiên cứu xây dựng phần mềm thực hiện thu thập, tổng hợp Tiêu chí 10 về thu nhập của Bộ Tiêu chí quốc gia về nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025, thống nhất thực hiện trên phạm vi cả nước.

Ở cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đảm bảo ngân sách thực hiện và giao Cục Thống kê tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với Văn phòng điều phối Nông thôn mới cấp tỉnh hướng dẫn, kiểm tra, giám sát quá trình triển khai thu thập và tổng hợp Tiêu chí 10; Cục Thống kê tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm về chuyên môn, nghiệp vụ; kiểm tra, xác nhận kết quả thu thập, tổng hợp và ban hành văn bản công nhận kết quả.

Ở cấp huyện, Chi cục Thống kê khu vực/huyện/thị xã phối hợp với các cơ quan chuyên môn liên quan của huyện/thị xã thực hiện chọn mẫu các hộ gia đình của xã khảo sát thu thập thông tin; hướng dẫn, hỗ trợ UBND xã tổ chức thu thập, tính toán và báo cáo theo biểu mẫu quy định. Đồng thời giám sát, kiểm tra toàn bộ quá trình thu thập thông tin trên địa bàn.

Ở cấp xã, Chủ tịch UBND xã chịu trách nhiệm chỉ đạo tổ chức thu thập, tổng hợp và báo cáo theo đúng các biểu mẫu quy định./.

 
Thu Hường
 
 

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top