Cần thiết xây dựng hệ thống chỉ tiêu thống kê kinh tế biển nhằm đo lường đóng góp vào nền kinh tế

28/11/2023 - 03:37 PM
Biển có vai trò vô cùng quan trọng đối với sự phát triển bền vững về kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hợp tác quốc tế của hầu hết các quốc gia trên thế giới, nhất là những quốc gia có biển. Việt Nam là quốc gia nằm ven Biển Đông, với bờ biển dài hơn 3200km trải dài từ Bắc vào Nam qua 28 tỉnh, thành phố ven biển. Thực tế cho thấy, kinh tế biển đóng góp to lớn vào nền kinh tế đất nước, góp phần xây dựng nước ta thành nước công nghiệp hiện đại theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Nhận thức rõ vị trí, vai trò của kinh tế biển, ngày 22/10/2018 Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW “Về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” với mục tiêu tổng quát là “Đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh; đạt cơ bản các tiêu chí về phát triển bền vững kinh tế biển; hình thành văn hóa sinh thái biển; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; ngăn chặn xu thế ô nhiễm, suy thoái môi trường biển, tình trạng sạt lở bờ biển và biển xâm thực; phục hồi và bảo tồn các hệ sinh thái biển quan trọng. Những thành tựu khoa học mới, tiên tiến, hiện đại trở thành nhân tố trực tiếp thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế biển”.

Nhằm hiện thực hóa các quan điểm, mục tiêu của Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 26/NQ-CP ngày 05/3/2020 về Kế hoạch tổng thể và Kế hoạch 5 năm của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Hội nghị lần thứ 8 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với mục đích cụ thể hóa các quan điểm, mục tiêu, chủ trương lớn, khâu đột phá và giải pháp chủ yếu về phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được đề ra trong Nghị quyết số 36-NQ/TW; xác định các nhiệm vụ trọng tâm, lộ trình thực hiện và phân công cụ thể cho các bộ, ngành và địa phương có liên quan.

Để phục vụ công tác quản lý điều hành, cũng như đánh giá kết quả thực hiện các mục tiêu, kế hoạch, nhiệm vụ của Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 thì những thông tin về kinh tế biển đóng vai trò rất quan trọng, là căn cứ để lãnh đạo các cấp xây dựng đường lối, chính sách pháp luật thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế biển trong các giai đoạn tiếp theo.

Hiện nay, số liệu thống kê về kinh tế biển do nhiều Bộ, ngành thu thập, tổng hợp. Tuy nhiên, nhưng số liệu còn hạn chế chưa phản ánh toàn diện các mặt của kinh tế biển. Hơn thế nữa, hiện Việt Nam chưa có hệ thống chỉ tiêu thống kê về kinh tế biển mà chỉ có một số chỉ tiêu phản ánh một số khía cạnh của kinh tế biển và đang nằm rải rác trong các hệ thống chỉ tiêu thống kê hiện hành, cụ thể như sau:

-   Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia ban hành kèm theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều và Phụ lục Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê có 03 chỉ tiêu liên quan đến kinh tế biển gồm: (1) Diện tích thu hoạch thủy sản; (2) Sản lượng thủy sản; (3) Số lượng tàu khai thác thủy sản biển có động cơ.

-   Hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã ban hành kèm theo Quyết định số 05/2023/QĐ-TTg ngày 24/02/2023 có 04 chỉ tiêu liên quan đến kinh tế biển gồm: (1) Diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản; (2) Diện tích thu hoạch thủy sản; (3) Sản lượng thủy sản; (4) Số lượng tàu khai thác thủy sản biển có động cơ.

-   Bộ chỉ tiêu thống kê phát triển bền vững của Việt Nam ban hành kèm theo Thông tư số 03/2019/TT-BKHĐT ngày 22/01/2019 có 07 chỉ tiêu liên quan đến kinh tế biển gồm: (1) Hàm lượng các chất trong môi trường nước biển tại khu vực cửa sông, ven biển và biển xa bờ; (2) Tỷ lệ điểm quan trắc chất lượng nước biển ven bờ đạt yêu cầu của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các thông số: Ô nhiễm chất hữu cơ (N-NH4+) và tổng dầu mỡ; (3) Độ axit (pH) của biển Việt Nam; (4) Tỷ trọng trữ lượng nguồn lợi thủy sản trong giới hạn bền vững sinh thái; (5) Số lượng các vụ khai thác hải sản bất hợp pháp; (6) Tỷ lệ sản lượng khai thác trên trữ lượng nguồn lợi thủy sản vùng biển ven bờ Việt Nam; (7) Diện tích các khu vực bảo tồn biển.

-   Hệ thống chỉ tiêu thống kê logistics ban hành kèm theo Thông tư số 12/2021/TT-BKHĐT ngày 31/12/2021 có 05 chỉ tiêu liên quan đến kinh tế biển gồm: (1) Số lượng, năng lực bốc xếp hiện có và mới tăng của cảng biển; (2) Số lượng kho lạnh bảo quản nông sản, thủy sản; (3) Số lượng cảng cạn; (4) Số lượng tàu biển; (5) Khối lượng hàng hóa thông qua cảng.

-   Hệ thống chỉ tiêu thống kê kinh tế số ban hành kèm theo Thông tư số 13/2021/TT-BKHĐT ngày 31/12/2021 có 02 chỉ tiêu liên quan đến kinh tế biển gồm: (1) Số lượng tàu cá khai thác thủy sản biển có lắp đặt thiết bị giám sát hành trình; (2) Số hộ sản xuất nông, lâm, thủy sản có giao dịch thương mại điện tử.

-   Hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành Tài nguyên và Môi trường ban hành kèm theo Thông tư số 73/2017/TT-BTNMT ngày 29/12/2017 có 12 chỉ tiêu liên quan đến kinh tế biển gồm: (1) Hàm lượng các chất trong môi trường nước biển tại khu vực cửa sông, ven biển và biển xa bờ; (2) Hàm lượng các chất trong trầm tích đáy tại khu vực cửa sông, ven biển; (3) Mực nước biển; (4) Mức thay đổi mực nước biển trung bình; (5) Độ cao và hướng sóng; (6) Diện tích biển được đo vẽ bản đồ địa chất khoáng sản; (7) Số vụ, số lượng dầu tràn và hóa chất rò rỉ trên biển, diện tích bị ảnh hưởng; (8) Hệ thống bản đồ địa hình đáy biển; (9) Số lượng các hải đảo được lập hồ sơ quản lý; (10) Chiều dài bờ biển và diện tích vùng bờ được áp dụng quản lý tổng hợp; (11) Diện tích các khu vực biển được giao, cho thuê đang khai thác, sử dụng; (12) Số lượng giấy phép nhận chìm ở biển được cấp.

-   Hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành kèm theo Thông tư số 16/2020/TT-BNNPTNT ngày 28/12/2020 có 13 chỉ tiêu liên quan đến kinh tế biển gồm: (1) Diện tích sản xuất muối; (2) Sản lượng muối sản xuất; (3) Diện tích nuôi trồng thủy sản; (4) Sản lượng thủy sản nuôi trồng; (5) Sản lượng giống thủy sản; (6) Diện tích nuôi trồng thủy sản được chứng nhận thực hành nuôi trồng thủy sản tốt (VietGAP) và tương đương; (7) Số lượng tàu cá có động cơ khai thác thủy sản; (8) Số lượng cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá; (9) Sản lượng thủy sản khai thác; (10) Số lượng các vụ khai thác thủy sản bất hợp pháp đã được xử lý; (11) Diện tích các khu vực bảo tồn biển; (12) Số công trình xây dựng kè phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển; (13) Sản lượng nông, lâm, thủy sản được chế biến.

-   Hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành Giao thông vận tải ban hành kèm theo Thông tư số 48/2017/TT-BGTVT ngày 13/12/2017 có 03 chỉ tiêu liên quan đến kinh tế biển gồm: (1) Đội tàu biển hiện có; (2) Lượng nhiên liệu tiêu thụ trong giao thông hàng hải; (3) Sản lượng dịch vụ vận tải, doanh nghiệp và các hoạt động hỗ trợ vận tải đường sắt, đường bộ, đường thủy nội địa và đường biển.

Như vậy, có 49 chỉ tiêu thống kê liên quan đến kinh tế biển trong các hệ thống chỉ tiêu thống kê hiện hành, trong đó có 13 chỉ tiêu có sự trùng lặp giữa các hệ thống chỉ tiêu thống kê. Vì vậy, cần thiết phải xây dựng Hệ thống chỉ tiêu thống kê về kinh tế biển để tập hợp các chỉ tiêu đang nằm rải rác trong các hệ thống chỉ tiêu thống kê hiện hành và bổ sung các chỉ tiêu mới để phản ánh toàn diện về kinh tế biển và đo lường đóng góp của kinh tế biển vào nền kinh tế Việt Nam, đánh giá mức độ phát triển và tiềm năng của các ngành kinh tế biển, từ đó là căn cứ để lãnh đạo các cấp xây dựng các chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế biển, góp phần thực hiện thành công Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

 
Hoàng Thị Quý
Vụ Phương pháp chế độ và Quản lý chất lượng thống kê - TCTK
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top