Thẩm quyền công bố thông tin về đóng góp của kinh tế số trong tổng sản phẩm trong nước

30/11/2023 - 10:15 AM
Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định kinh tế số là một trong những chỉ tiêu chủ yếu của phát triển kinh tế - xã hội đất nước trong những năm tới. Theo đó, đến năm 2025, kinh tế số phải đạt khoảng 20% GDP; với việc đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, tốc độ tăng năng suất lao động xã hội phải đạt bình quân trên 6,5%/năm, đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng đạt khoảng 45%. Đến năm 2030, kinh tế số đạt khoảng 30% GDP, tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân đạt trên 6,5%/năm, đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp vào tăng trưởng đạt 50%.

Thể chế hoá các quy định của Đảng và nhằm hình thành khung khổ pháp lý cho việc thu thập, tổng hợp, biên soạn các chỉ tiêu về kinh tế số, ngày 12/11/2021, Quốc hội đã thông qua Luật số 01/2021/QH15 sửa đổi, bổ sung một số điều và Phụ lục Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê. Luật này có bổ sung các chỉ tiêu thống kê về kinh tế số như Tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong tổng sản phẩm trong nước (đóng góp của kinh tế số trong tổng sản phẩm trong nước (GDP))…

Chỉ tiêu Tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP

Đây là chỉ tiêu thống kê có mã số 0517 được quy định tại Phụ lục Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia ban hành Luật số 01/2021/QH15. Nội dung chỉ tiêu được quy định tại Nghị định 94/2022/NĐ-CP gồm: Khái niệm, phương pháp tính; Phân tổ chủ yếu; Kỳ công bố; Nguồn số liệu; Đơn vị chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp. Cụ thể:

Về khái niệm: Tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong tổng sản phẩm trong nước là tỷ lệ phần trăm giữa tổng giá trị tăng thêm do kinh tế số tạo ra so với tổng sản phẩm trong nước trong kỳ báo cáo.

Kinh tế số là hoạt động kinh tế sử dụng công nghệ số và dữ liệu số làm yếu tố đầu vào chính, sử dụng môi trường số làm không gian hoạt động chính, sử dụng công nghệ thông tin - viễn thông để tăng năng suất lao động, đổi mới mô hình kinh doanh và tối ưu hóa cấu trúc nền kinh tế.

Kinh tế số bao gồm:

- Kinh tế số ICT là hoạt động công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử - viễn thông và hoạt động cung cấp dịch vụ viễn thông.

- Kinh tế số nền tảng là hoạt động kinh tế của các nền tảng số; các hệ thống trực tuyến kết nối giữa cung, cầu và các dịch vụ trực tuyến trên mạng.

- Kinh tế số ngành là hoạt động kinh tế số trong các ngành, lĩnh vực.

Về phân tổ chủ yếu: Chỉ tiêu được thu thập, tổng hợp, biên soạn theo 04 phân tổ gồm: Ngành kinh tế; loại hình kinh tế; tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; vùng kinh tế - xã hội.

Về kỳ công bố: Chỉ tiêu được thu thập, tổng hợp, biên soạn theo kỳ năm.

Về nguồn số liệu: Thông tin, số liệu của chỉ tiêu này được thu thập, tổng hợp, biên soạn từ Tổng điều tra kinh tế, Điều tra doanh nghiệp, Điều tra cơ sở sản xuất, kinh doanh cá thể và một số cuộc điều tra thống kê trong Chương trình điều tra thống kê quốc gia.

Về cơ quan chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp: Chủ trì thu thập, tổng hợp chỉ này là Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê); Phối hợp thực hiện là Bộ Thông tin và Truyền thông.

Thẩm quyền công bố thông tin, số liệu về đóng góp của kinh tế số trong GDP

- Điểm a khoản 2 Điều 48 Luật thống kê về thẩm quyền công bố thông tin thống kê nhà nước quy định: “Thủ trưởng cơ quan thống kê trung ương công bố thông tin thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia”.

- Chỉ tiêu Tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong tổng sản phẩm trong nước là chỉ tiêu thống kê quốc gia có mã số 0517 được quy định tại Phụ lục Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia ban hành Luật số 01/2021/QH15. 

- Điều 62 Luật thống kê 2015 quy định hệ thống tổ chức thống kê tập trung như sau:

1. Hệ thống tổ chức thống kê tập trung được tổ chức theo ngành dọc gồm cơ quan thống kê trung ương và cơ quan thống kê địa phương.

2. Cơ quan thống kê trung ương trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

3. Cơ quan thống kê trung ương là cơ quan thống kê quốc gia, thực hiện chức năng tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư quản lý nhà nước về thống kê, điều phối hoạt động thống kê, tổ chức các hoạt động thống kê và cung cấp thông tin thống kê kinh tế - xã hội cho các tổ chức, cá nhân.

- Điều 4 Quyết định số 10/2020/QĐ-TTg thì Tổng cục trưởng là người đứng đầu Tổng cục Thống kê, chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư và trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của Tổng cục Thống kê.

Ngoài ra, theo quy định tại khoản 19, Điều 3, Luật Thống kê thì: ”Thông tin thống kê nhà nước là thông tin thống kê do hoạt động thống kê nhà nước tạo ra, có giá trị pháp lý, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố”.

Như vậy, với các quy định nêu trên thì Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê là người có thẩm quyền công bố thông tin đối với chỉ tiêu Tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP. Thông tin thống kê về Tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP được Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê công bố là những thông tin có giá trị pháp lý./.


Theo quy định của pháp luật thống kê hiện hành, các tổ chức, cá nhân có quyền thu thập, xử lý, tổng hợp, phân tích, dự báo thông tin thống kê phục vụ nghiên cứu, sản xuất kinh doanh và nhu cầu hợp pháp, chính đáng của tổ chức, các nhân và thực hiện hoạt động dịch vụ thống kê.

Tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động thống kê ngoài thống kê nhà nước phải bảo đảm các yêu cầu như: Tuân thủ pháp luật và chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động nghề nghiệp, thông tin thống kê, sử dụng thông tin thống kê ngoài thống kê nhà nước do mình tạo ra; Thực hiện các nguyên tắc cơ bản của hoạt động thống kê ngoài thống kê nhà nước quy định tại khoản 2 Điều 5 của Luật thống kê; Tiến hành thu thập thông tin trên cơ sở tự nguyện và thỏa thuận cung cấp thông tin của tổ chức, cá nhân được điều tra thống kê.

Đối với thông tin thống kê về Tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP, các tổ chức, cá nhân được thu thập, tổng hợp; biên soạn và chỉ sử dụng cho nghiên cứu, sản xuất kinh doanh và nhu cầu hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân. Không sử dụng để thay thế thông tin do hoạt động thống kê nhà nước tạo ra và công bố.

Nguyễn Đình Khuyến
Vụ trưởng Vụ Phương pháp chế độ và Quản lý chất lượng thống kê - TCTK

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top