Thực trạng hoạt động điều phối thống kê nhà nước

01/06/2023 - 02:44 PM
Điều phối hoạt động thống kê nhà nước đã được cụ thể hóa trong Luật Thống kê; đặc biệt, sau khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều và Phụ lục Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê và các văn bản hướng dẫn thi hành được ban hành đã tạo môi trường pháp lý đầy đủ cho hoạt động thống kê nhà nước. Nhờ đó, hoạt động thống kê nhà nước nói chung và công tác điều phối trong hoạt động thống kê nhà nước nói riêng ngày càng được tăng cường.  Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, hoạt động điều phối thống kê nhà nước cũng bộc lộ những bất cập cần được khắc phục.

Tại khoản 3, Điều 62 Luật Thống kê quy định: “Cơ quan thống kê trung ương là cơ quan thống kê quốc gia, thực hiện chức năng tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư quản lý nhà nước về thống kê, điều phối hoạt động thống kê, tổ chức các hoạt động thống kê và cung cấp thông tin thống kê kinh tế - xã hội cho các tổ chức, cá nhân”.


Xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về thống kê


Một trong những điểm nổi bật trong hoạt động điều phối thống kê được thực hiện có hiệu quả nhất là xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về thống kê, giúp công tác thống kê được triển khai thống nhất, đồng bộ, toàn diện từ Trung ương đến địa phương. Đây được xác định là những cơ sở pháp lý quan trọng để hình thành hệ thống thông tin thống kê quốc gia đồng bộ, thống nhất giữa Trung ương với địa phương; giữa Bộ ngành với Tổng cục Thống kê và giữa các Sở ngành cấp tỉnh, Uỷ ban nhân dân cấp huyện với cơ quan thống kê cấp tỉnh.


Trong quá trình xây dựng các văn bản pháp luật, Tổng cục Thống kê đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan thực hiện nghiêm chỉnh quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thông qua các hoạt động chính cụ thể như: Thành lập Ban soạn thảo và Tổ biên tập xây dựng văn bản; Tổ chức các cuộc họp Ban soạn thảo, Tổ biên tập; tổ chức các cuộc tọa đàm, hội thảo khoa học để lấy ý kiến của các bộ, ngành, địa phương về nội dung của các văn bản; Gửi xin ý kiến bằng văn bản đối với các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Tổng hợp tiếp thu, giải trình ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức; Hoàn thiện và trình cơ quan có thẩm quyền ban hành.
 

Thực trạng hoạt động điều phối thống kê nhà nước
Điều phối hoạt động thống kê nhà nước đã được cụ thể hóa trong Luật Thống kê. Ảnh minh họa


Thời gian vừa qua đã xây dựng và ban hành được hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về thống kê ngày càng hoàn thiện, đồng bộ điều chỉnh mọi mặt của hoạt động thống kê, cụ thể:


Luật của Quốc hội: Luật thống kê số 89/2015/QH13 ngày 23/11/2015; Luật số 01/2021/QH15 sửa đổi, bổ sung một số điều và phụ lục danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật thống kê ngày 12/11/2021;


Nghị định của Chính phủ: Nghị định số 94/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thống kê; Nghị định số 94/2022/NĐ-CP ngày 07/11/2022 của Chính phủ quy định nội dung chỉ tiêu thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia và quy trình biên soạn chỉ tiêu tổng sản phẩm trong nước, chỉ tiêu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương…


Quyết định của Thủ tướng Chính phủ: Quyết định số 01/2017/QĐ-TTg ngày 17/01/2017 ban hành Danh mục giáo dục, đào tạo của hệ thống giáo dục quốc dân; Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg ngày 06/7/2018 ban hành Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam; Quyết định số 43/2018/QĐ-TTg ngày 01/11/2018 ban hành Hệ thống ngành sản phẩm Việt Nam; Quyết định số 11/2018/QĐ-TTg ngày 01/3/2018 ban hành bảng phân loại tiêu dùng theo mục đích của hộ gia đình Việt Nam; Quyết định số 05/2023/QĐ-TTg ngày 24/02/2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã; Quyết định số 03/2023/QĐ-TTg ngày 15/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ quy định Chương trình điều tra thống kê quốc gia;


Thông tư của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Thông tư số 13/2019/TT-BKHĐT ngày 31/12/2019  quy định năm 2020 làm năm gốc để tính các chỉ tiêu thống kê theo giá so sánh; Thông tư số 10/2019/TT-BKHĐT ngày 30/7/2019 quy định Bộ chỉ tiêu thống kê phát triển giới của quốc gia; Thông tư số 01/2019/TT-BKHĐT quy định Chế độ báo cáo thống kê ngành Thống kê; Thông tư số 13/2021/TT-BHKĐT ngày 31/12/2021 quy định hệ thống chỉ tiêu thống kê kinh tế số; Thông tư số 12/2021/TT-BKHĐT ngày 31/12/2021 quy định hệ thống chỉ tiêu thống kê logistics; Thông tư số 22/2022/TT-BKHĐT ngày 09/12/2022 ban hành hướng dẫn thực hiện Bộ tiêu chí chất lượng thống kê nhà nước.


Thực hiện Luật Thống kê và các văn bản hướng dẫn thi hành, các Bộ, ngành đã xây dựng hoàn thiện cơ chế chính sách, văn bản quy phạm pháp luật về công tác thống kê: Hệ thống chỉ tiêu thống kê Bộ, ngành; Chế độ báo cáo thống kê cấp Bộ, ngành, chẳng hạn như: Thông tư số 09/2022/TT-BNV ngày 16/12/2022  ban hành hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành Nội vụ; Thông tư số 20/2019/TT-BYT ngày 31/7/2019 ban hành hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành Y tế…


Chỉ đạo và hướng dẫn kỹ thuật, hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ thống kê cho các bộ, ngành, địa phương


Đối với nhóm chức năng này, có rất nhiều nhiệm vụ đã được hoàn thành thông qua việc tập huấn nghiệp vụ; góp ý, thẩm định về việc xây dựng hệ thống chỉ tiêu thống kê, chế độ báo cáo thống kê, điều tra thống kê và các bảng phân ngành thống kê thuộc thẩm quyền của các cơ quan này.


Riêng đối với việc thẩm định số liệu thống kê của Bộ, ngành trong hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia, Tổng cục Thống kê đã đạt được những thành công ban đầu trong lĩnh vực này, đơn cử, nhiều năm qua đã thực hiện thẩm định số liệu điều tra Năng lực sản xuất của sản phẩm công nghiệp và thẩm định kết quả điều tra thống kê quốc gia thương mại điện tử của Bộ Công Thương.


Thực hiện theo quy định của Luật Thống kê về công tác thẩm định, trong thời gian vừa qua, Tổng cục Thống kê đã có nhiều cố gắng để triển khai thực hiện, nhưng do số người có chuyên môn sâu về điều tra của đơn vị chịu trách nhiệm chính thẩm định điều tra ở Tổng cục Thống kê còn có hạn, khối lượng công việc nhiều, thời gian thực hạn ngắn nên chất lượng thẩm định còn có những hạn chế nhất định.


Đối với cơ chế phối hợp và chia sẻ cơ sở dữ liệu hành chính: Hiện nay, vai trò của dữ liệu hành chính trong sản xuất số liệu thống kê chính thức ngày càng tăng nên cần có sự phân công rõ trách nhiệm giữa cơ quan thống kê và các cơ quan quản lý dữ liệu hành chính, thường xuyên rà soát để đảm bảo tính liên tục của việc sử dụng các nguồn dữ liệu quan trọng. Thực tiễn các nước cho thấy, việc tiếp cận các nguồn dữ liệu hành chính cần có quy định của pháp luật. Theo đó, tại Luật Thống kê đã quy định rõ: (1) Cơ quan thống kê có trách nhiệm phối hợp với cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu hành chính xác định các nội dung dữ liệu trong việc cung cấp dữ liệu trong cơ sở dữ liệu cho hoạt động thống kê nhà nước; (2) Cơ quan thuộc Hệ thống tổ chức thống kê nhà nước có quyền khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu từ nguồn dữ liệu hành chính do cơ quan nhà nước quản lý cho mục đích của hoạt động thống kê; có trách nhiệm sử dụng đúng mục đích thống kê đối với phần cơ sở dữ liệu từ nguồn dữ liệu hành chính được chia sẻ; bảo đảm bảo mật thông tin được chia sẻ theo đúng quy định của pháp luật; (3) Cơ quan nhà nước quản lý cơ sở dữ liệu từ nguồn dữ liệu hành chính có trách nhiệm cung cấp dữ liệu, thông tin theo yêu cầu của cơ quan thuộc Hệ thống tổ chức thống kê nhà nước.


Thực hiện định hướng khai thác cơ sở dữ liệu hành chính cho mục đích thống kê như đã được quy định, trong thời gian vừa qua (2015-2022), công tác phối hợp và chia sẻ thông tin giữa thống kê bộ, ngành và Tổng cục Thống kê ngày càng được quan tâm và đi vào thực chất hơn trong các bước của quy trình thống kê: Thu thập, tổng hợp, phổ biến thông tin, trao đổi nghiệp vụ thống kê, cụ thể:


Hầu hết các bộ, ngành thực hiện tốt việc cung cấp thông tin thống kê về tình hình phát triển của ngành, lĩnh vực quản lý cho Tổng cục Thống kê thông qua thực hiện chế độ báo cáo thống kê cấp quốc gia.


Nhiều bộ, ngành đã chia sẻ, cung cấp kịp thời các thông tin chuyên ngành, số liệu từ các cuộc điều tra do bộ, ngành chủ trì để Tổng cục Thống kê có thêm thông tin biên soạn báo cáo, số liệu phục vụ điều hành của Chính phủ.


Tổng cục Thống kê đã chủ động và ký các Quy chế phối hợp, chia sẻ thông tin với các bộ, ngành: Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế, Ủy ban Dân tộc, Ban Kinh tế Trung ương, Tổng cục Thuế, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Kho bạc Nhà nước Việt Nam, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Tổng cục Hải quan; Trường Đại học Kinh tế quốc dân; Bộ Nội vụ…


Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, quá trình thực hiện phối hợp trong công tác thống kê vẫn còn những tồn tại, bất cập:


Một là, trong hệ thống thống kê tập trung: Các chỉ tiêu thống kê quốc gia, chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã được tổng hợp, rất nhiều chỉ tiêu không đáp ứng tần suất công bố theo yêu cầu hoặc mức độ phân tổ theo yêu cầu. Số liệu của nhiều chỉ tiêu quan trọng do địa phương công bố không thống nhất với số liệu do Tổng cục Thống kê công bố, nguyên nhân một phần do không ít địa phương, sự quan tâm của lãnh đạo chính quyền cấp tỉnh tới các hoạt động thống kê chưa đầy đủ, chưa tương xứng với tầm quan trọng, vị trí và vai trò của công tác thống kê. Chỉ một số chính quyền tỉnh đã ban hành các văn bản có liên quan đến công tác phối hợp về thống kê tại địa phương.


Hai là, đối với Bộ ngành: Còn có chênh lệch về số liệu thống kê giữa Tổng cục Thống kê và các Bộ, ngành do không thống nhất về thời điểm thống kê, về phạm vi thu thập số liệu và về khái niệm, định nghĩa, phương pháp tính chỉ tiêu... Nguyên nhân là do nhận thức về tầm quan trọng của công tác thống kê ở một số Bộ, ngành còn chưa được đầy đủ. Một số cơ quan chưa có tổ chức thống kê, chưa bố trí đủ nhân lực tương xứng với hoạt động thống kê. Công tác thống kê chưa được quan tâm đúng mức nên việc thu thập, tổng hợp, cung cấp số liệu, thông tin ngành và lĩnh vực đều có những hạn chế.


Ba là, sự phối hợp, chia sẻ dữ liệu hành chính cho hoạt động thống kê nhà nước chưa hoàn thiện và vẫn tồn tại các thách thức cần được giải quyết. Đó là:


Còn một số bộ, ngành vẫn chưa thực hiện hoạt động phối hợp, chia sẻ thông tin với Tổng cục Thống kê thông qua việc ký kết các Quy chế chia sẻ, phối hợp thông tin. Đặc biệt là việc thực hiện cung cấp, chia sẻ dữ liệu hành chính qua chia sẻ, đồng bộ và tích hợp cơ sở dữ liệu hành chính. Đây là một nội dung rất quan trọng nhằm nâng cao tính hiệu quả, hiệu lực và giảm chi phí trong việc sử dụng cơ sở dữ liệu hành chính sẵn có.


Hoạt động phối hợp, chia sẻ thông tin giữa bộ, ngành với Tổng cục Thống kê còn chưa nhịp nhàng; thiếu đồng bộ… Một số bộ, ngành gửi báo cáo về Tổng cục Thống kê chậm, thiếu thông tin, không bảo đảm phạm vi số liệu và thời gian quy định. Một số Quy chế phối hợp không có hướng dẫn triển khai Quy chế đến các địa phương.


Chất lượng thông tin trao đổi: Một số vấn đề về đảm bảo chất lượng dữ liệu phát sinh trong quá trình phối hợp, chia sẻ như việc khó khăn trong xác định loại hình kinh tế (một số đơn vị sự nghiệp bị xác định là doanh nghiệp nhà nước…); Số lượng các bản ghi ở hai cơ sở dữ liệu chưa trùng khớp (ví dụ: báo cáo tài chính giữa Tổng cục Thuế và Tổng cục Thống kê chênh lệch khá lớn).


Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thống kê tuy có nhiều cải tiến nhưng còn thiếu đồng bộ. Các cơ sở dữ liệu quản lý chuyên ngành vẫn trong tình trạng rời rạc, ít cập nhật, chưa tích hợp chung thành một hệ thống cơ sở dữ liệu thống nhất của Ngành, chưa tương xứng với khối lượng công việc phải thực hiện, gây khó khăn trong khâu thu thập, xử lý và lưu trữ thông tin, ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng báo cáo và công tác phổ biến, chia sẻ thông tin thống kê. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thống kê ở địa phương còn hạn chế, một số báo cáo còn được thực hiện một cách bán thủ công hoặc thủ công…


Bốn là, đối với hoạt động quản lý chất lượng thống kê công tác: Do còn hạn chế về nguồn nhân lực và thời gian, thiếu các quy định cụ thể dẫn đến việc tổ chức, điều phối thực hiện tiêu chuẩn quản lý và đánh giá chất lượng thông tin thống kê trong thời gian vừa qua vẫn chưa được tiến hành hiệu quả.


 Đánh giá chung

Đối với Hệ thống tổ chức thống kê tập trung


Về cơ bản việc thực hiện chức năng phân công, phối hợp về công tác phương pháp chế độ giữa các đơn vị từ Trung ương xuống địa phương là khá tốt, do phần lớn người làm thống kê có trình độ chuyên môn và chịu sự quản lý tập trung theo hệ thống ngành dọc nên đã tạo điều kiện để thực hiện sự phối hợp này. Mọi hoạt động liên quan đến phương pháp chế độ của cấp dưới đều do cấp trên chỉ đạo, hướng dẫn và cấp dưới có trách nhiệm thi hành. Vì vậy, Tổng cục Thống kê và các đơn vị trực thuộc đều cố gắng thực hiện đúng chức năng phối hợp thống kê của mình theo các văn bản của nhà nước quy định. Tuy nhiên, để hiệu quả hơn, cần ban hành các quy định cụ thể về công tác phối hợp, cách thức, quy trình, chế tài trách nhiệm phối hợp…


Phối hợp giữa Hệ thống tổ chức thống kê tập trung và tổ chức thống kê bộ, ngành


Tuy không nằm trong Hệ thống tổ chức thống kê tập trung, song Thống kê các bộ, ngành luôn đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp thông tin thuộc hệ thống thông tin thống kê. Nói chung, sự phối hợp, chia sẻ giữa Tổng cục Thống kê và Thống kê bộ, ngành vẫn thường xuyên được duy trì, có những mặt được đổi mới theo hướng tăng cường hợp tác và chia sẻ thông tin. Tổng cục Thống kê có trách nhiệm trong việc phối hợp công tác như hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra về chuyên môn nghiệp vụ, hỗ trợ và chia sẻ thông tin đối với thống kê các bộ, ngành. Tuy nhiên, công việc vẫn chỉ dừng lại ở mức độ Tổng cục Thống kê phân công các đơn vị phụ trách, phối hợp với các bộ, ngành, còn văn bản cụ thể quy định phối hợp như thế nào thì vẫn chưa có. Về phía các bộ, ngành đã tích cực phối hợp với Tổng cục Thống kê trong công tác phương pháp chế độ, chia sẻ thông tin thống kê của bộ, ngành quản lý cho Tổng cục Thống kê. Việc cung cấp các thông tin phục vụ thực hiện báo cáo nhanh về tình hình kinh tế - xã hội phục vụ các phiên họp thường kỳ của Chính phủ hàng tháng cũng đã được Thống kê bộ, ngành thực hiện tương đối tốt, kể cả việc cung cấp các thông tin khác để Tổng cục Thống kê biên soạn Niên giám thống kê tóm tắt và Niên giám thống kê đầy đủ.


Tuy nhiên, sự phối hợp, thẩm định, giám sát của Tổng cục Thống kê theo luật định còn chưa được đầy đủ theo yêu cầu. Vẫn còn tình trạng một số cơ quan thực hiện điều tra chồng chéo nên đưa ra các số liệu khác nhau về cùng một chỉ tiêu; một số chỉ tiêu do bộ, ngành thu thập rất khác so với số liệu của Tổng cục Thống kê, do khác nhau về khái niệm và nội dung chỉ tiêu. Giữa Tổng cục Thống kê và một số bộ, ngành chưa có được quy chế phối hợp một cách cụ thể, chi tiết và tiếp cận tới một số lĩnh vực còn khó khăn, nhất là lĩnh vực tài chính, tiền tệ do các quy định bảo mật hiện hành. Những tồn tại này vừa lãng phí nguồn lực của nhà nước, vừa dẫn đến sự chênh lệch số liệu do việc đưa ra số liệu khác nhau về cùng một chỉ tiêu làm cho người dùng tin thiếu sự tin tưởng vào số liệu thống kê...


Đối với sự phối hợp trong nội bộ thống kê Bộ, ngành


Tại nhiều Bộ, ngành, những năm gần đây, việc phối hợp và hợp tác giữa các bộ phận thống kê chuyên trách và các đơn vị khác trong nội bộ cơ quan đã có những tiến bộ đáng kể, nhất là sau khi Luật Thống kê ra đời, cụ thể là:


Tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thành lập Trung tâm Tin học và Thống kê, tuy nhiên, chức năng phối hợp của Trung tâm chưa được thể chế hóa rõ ràng. Tại Bộ Tài chính đã thành lập Cục Tin học và Thống kê tài chính và Cục này đã được giao nhiệm vụ phối hợp cụ thể, rõ ràng. Bộ Y tế đã thành lập Phòng Thống kê y tế thuộc Vụ Kế hoạch - Tài chính, tuy nhiên, chức năng phối hợp vẫn chưa được quy định rõ. Tại Bộ Công Thương đã có bộ phận thống kê, đó là Phòng Thống kê thuộc Vụ Kế hoạch. Bộ phận này đã tích cực phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ và với Tổng cục Thống kê. Tại Bộ Nội vụ, Vụ Kế hoạch - Tài chính được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan trong việc thực hiện công tác thống kê. Tại Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, vấn đề phối hợp thống kê đã được xác định khá rõ với việc thành lập Cục Thống kê tội phạm và Công nghệ thông tin.


Tuy nhiên, mức độ phối hợp thống kê tại các bộ, ngành, các cơ quan, tổ chức địa phương tùy thuộc rất nhiều vào sự quan tâm của chính quyền, lãnh đạo của các tổ chức đó. Trong bối cảnh tổ chức bộ máy thống kê thiếu thống nhất, thiếu đồng bộ, năng lực còn có những hạn chế dẫn đến công tác phối hợp thống kê trong nội bộ thống kê bộ, ngành còn có những hạn chế là điều không thể tránh khỏi.


Đối với sự phối hợp thống kê tại các địa phương


Đến nay, các Cục Thống kê tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các đơn vị trực thuộc Cục Thống kê đều đã thực hiện đúng chức năng phối hợp thống kê của mình theo quy định. Riêng đối với các Phòng nghiệp vụ tại các Cục Thống kê, việc phối hợp đã được giao thực hiện trực tiếp với Sở, ngành liên quan.


Trong những năm gần đây, tại nhiều cơ quan ở địa phương, sự phối hợp và hợp tác giữa thống kê và các đơn vị trong các Sở, ngành đã có nhiều tiến bộ đáng kể. Tại một số tỉnh như Lạng Sơn, Bắc Giang, Hưng Yên, Nghệ An, Hà Tĩnh, Đà Nẵng, Quảng Nam, Ninh Thuận, Cần Thơ, Cục Thống kê đã ký bản thỏa thuận Quy chế phối hợp và chia sẻ thông tin với một số sở, ngành, như: Sở Công Thương; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn... nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong việc thu thập thông tin và sử dụng thống nhất số liệu thống kê. Đến nay, công tác phối hợp tiếp tục được duy trì. Thông qua việc trao đổi số liệu định kỳ hàng tháng, quý năm và cập nhật thông tin kịp thời từ các sở, ngành đã góp phần làm cho chất lượng số liệu thống kê ngày càng được nâng lên, đáp ứng việc cung cấp thông tin cho Tổng cục Thống kê và phục vụ yêu cầu quản lý tại địa phương.


Tuy nhiên, hầu như tất cả những điều bất cập xảy ra đối với thống kê Bộ, ngành ở Trung ương về điều phối công tác thống kê thì đồng thời cũng xảy ra đối với thống kê địa phương (trừ Hệ thống thống kê tập trung). Không ít Sở, ngành cấp tỉnh không có người làm công tác thống kê chuyên trách, thậm chí không có người được đào tạo về thống kê, mặc dù Cục Thống kê đã cố gắng nhiều trong việc thực hiện phối hợp với thống kê các Sở, ngành trong tỉnh. Bên cạnh một số Sở, ngành ở địa phương có sự quan tâm đẩy mạnh công tác thống kê và đã đạt được những thành tích đáng kể, thì còn không ít Sở, ngành mà ở đó công tác thống kê chưa được đặt đúng tầm với thời đại phát triển mới và hội nhập kinh tế quốc tế...


Để hoạt động thống kê thực sự phát huy hiệu quả, góp phần quan trọng vào công tác hoạch định chính sách, quản lý điều hành tại các cấp chính quyền trung ương và địa phương, tại các bộ, sở, ban ngành thì sự quan tâm chỉ đạo của các cấp lãnh đạo, sự đầu tư thích đáng về nguồn lực, đặc biệt là thực hiện tốt công tác điều phối hoạt động thống kê nhà nước... là những yếu tố căn bản tạo dựng môi trường hoạt động thống kê hiệu quả./.

 

Nguyễn Đình Khuyến
Vụ Trưởng Vụ Phương pháp chế độ và quản lý chất lượng thống kê - TCTK


 

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top