Hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành Kế hoạch và Đầu tư đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành tại Thông tư số 09/2023/TT-BKHĐT ngày 09/10/2023 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2024. Để hệ thống chỉ tiêu này đi vào thực tiễn, phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan nhà nước, cần thực hiện một số nội dung sau:
Một là, hoàn thiện nguồn thu thập thông tin đầu vào của các chỉ tiêu thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành Kế hoạch và Đầu tư, cụ thể:
Xây dựng chế độ báo cáo thống kê ngành Kế hoạch và Đầu tư. Theo quy định, Tổng cục Thống kê chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng thông tư quy định chế độ báo cáo thống kê ngành Kế hoạch và Đầu tư để trình Bộ trưởng ban hành.
Tập trung khai thác, sử dụng dữ liệu hành chính thuộc phạm vi quản lý của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhằm phục vụ thu thập, tổng hợp thông tin thống kê. Một số nguồn dữ liệu hành chính được sử dụng như: Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký hợp tác xã; hệ thống đăng ký doanh nghiệp; dữ liệu hành chính của các địa phương do Sở Kế hoạch và Đầu tư các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thu thập, tổng hợp…
Lồng ghép thu thập chỉ tiêu trong các cuộc điều tra thuộc Chương trình điều tra thống kê quốc gia như: Tổng điều tra kinh tế; điều tra doanh nghiệp… để thu thập các chỉ tiêu theo quy định: Tỷ trọng doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia xuất khẩu, nhập khẩu trong tổng số doanh nghiệp tham gia xuất khẩu, nhập khẩu; tỷ trọng giá trị gia tăng của doanh nghiệp nhỏ và vừa trong tổng sản phẩm trong nước...
Hai là, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thu thập, tổng hợp số liệu thống kê ngành Kế hoạch và Đầu tư
Ứng dụng công nghệ thông tin đang là xu thế tất yếu và được triển khai thực hiện ở tất cả các ngành, lĩnh vực. Đối với việc thực hiện hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành Kế hoạch và Đầu tư, cần ứng dụng công nghệ thông tin ở tất cả các khâu như gửi và nhận báo cáo thống kê, khai thác tối đa thông tin thống kê từ dữ liệu hành chính,… để bảo đảm tiết kiệm chi phí và khắc phục tình trạng nguồn nhân lực thống kê hạn hẹp như hiện nay.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin sẽ giúp thực hiện và tự động hóa đến mức cao nhất các hoạt động từ thu thập, xử lý, khai thác và chia sẻ dữ liệu thống kê giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư với các bộ, ngành và địa phương. Qua đó đáp ứng nhu cầu sử dụng thông tin của toàn xã hội, góp phần quan trọng trong tiến trình xây dựng Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.
Ba là, tổ chức tuyên truyền, phổ biến hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành Kế hoạch và Đầu tư
Do đối tượng áp dụng hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành Kế hoạch và Đầu tư rất rộng, gồm: Các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư; sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ quan, tổ chức khác có liên quan đến hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành Kế hoạch và Đầu tư. Vì vậy, cần thiết phải tổ chức tuyên truyền, phổ biến để nâng trách nhiệm trong việc thực hiện hệ thống chỉ tiêu. Ngoài ra, việc tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức của các tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành cung cấp thông tin phục vụ cho việc thu thập số liệu của chỉ tiêu thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành Kế hoạch và Đầu tư.
Các hình thức tuyên truyền có thể thực hiện như: Lồng ghép nội dung hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành Kế hoạch và Đầu tư vào các cuộc hội thảo, tập huấn nghiệp vụ, hay tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiên thông tin đại chúng…
Bốn là, tăng cường bồi dưỡng, đào tạo nghiệp vụ công tác thống kê cho công chức làm thống kê tại các đơn vị thuộc Bộ và Sở Kế hoạch và Đầu tư
Thực tế hiện nay, nhiều đơn vị thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng như Sở Kế hoạch và Đầu tư các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương không có công chức làm công tác thống kê hoặc làm việc theo hình thức kiêm nhiệm, không được đào tạo về thống kê. Khi triển khai thực hiện hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành Kế hoạch và Đầu tư gặp khó khăn trong việc thu thập, tổng hợp và biên soạn số liệu thống kê. Do đó, cần thiết phải tăng cường bồi dưỡng, đào tạo nghiệp vụ công tác thống kê cho công chức làm thống kê để bảo đảm thông tin thống kê được thu thập đầy đủ, kịp thời và chính xác.
Năm là, xây dựng và công bố lịch phổ biến thông tin thống kê nhà nước của Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Theo đó, lịch phổ biến thông tin gồm những thông tin thống kê trong hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành Kế hoạch và Đầu tư và những thông tin khác theo chuyên ngành và lĩnh vực quản lý của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Việc phổ biến thông tin nhằm phát huy hiệu quả của hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành Kế hoạch và Đầu tư; bảo đảm thông tin thống kê do Bộ Kế hoạch và Đầu tư thu thập, tổng hợp được phổ biến kịp thời, đầy đủ, công khai, minh bạch làm cơ sở cho việc đánh giá, dự báo tình hình, hoạch định chiến lược, chính sách phát triển kinh tế - xã hội thuộc lĩnh vực quản lý của ngành Kế hoạch và Đầu tư đồng thời đáp ứng nhu cầu trao đổi, hợp tác thông tin với các tổ chức, cá nhân./.
ThS. Trần Thị Luyến
Vụ Phương pháp chế độ và Quản lý chất lượng thống kê - TCTK