Họp báo Công bố Sách trắng hợp tác xã Việt Nam và Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam năm 2020

28/04/2020 - 12:05 PM
Sáng ngày 28/4/2020, tại Hà Nội, Tổng cục Thống kê (TCTK) đã tổ chức Họp báo công bố Sách trắng hợp tác xã Việt Nam và Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam 2020. Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng TCTK tham dự và chủ trì buổi họp báo. Tham dự buổi họp báo có các Phó Tổng cục trưởng TCTK: ông Phạm Quang Vinh, bà Nguyễn Thị Hương, ông Nguyễn Trung Tiến, đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc TCTK và một số cơ quan thông tấn báo chí.

Phát biểu tại buổi họp báo, Tổng cục trưởng TCTK Nguyễn Bích Lâm cho biết, đây là lần đầu tiên Sách trắng hợp tác xã Việt Nam được Tổng cục Thống kê biên soạn và tổng hợp dựa trên những số liệu thu thập được từ năm 2018. Trong đó bao gồm những thông tin cơ bản đánh giá mức độ phát triển hợp tác xã của cả nước và các địa phương giai đoạn 2016-2018.

Theo Sách trắng hợp tác xã Việt Nam, số HTX thành lập mới năm 2018 trên phạm vi cả nước là 2.569 HTX, tăng 9,5% so với năm 2017. Theo địa phương, có 28/63 địa phương có tốc độ tăng số HTX thành lập mới năm 2018 so với năm 2017 cao hơn bình quân chung của cả nước (9,5%). Tổng số HTX hiện có thời điểm 31/12/2018 trên phạm vi cả nước là 22.861 HTX, tăng 8,8% so với thời điểm 31/12/2017.

 
Họp báo Công bố Sách trắng hợp tác xã Việt Nam và Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam năm 2020

Đại diện lãnh đạo TCTK tại buổi Họp báo

Tại thời điểm 31/12/2018 tổng số thành viên trong các HTX hiện có là 5.998.378 thành viên. Tổng số nguồn vốn sử dụng cho SXKD của HTX đang hoạt động có kết quả SXKD đạt 226.554 tỷ đồng, tăng 1,8% so với cùng thời điểm 2017. Năm 2018, doanh thu thuần của toàn bộ khu vực HTX đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh đạt 88.586 tỷ đồng, tăng 9,6% so với năm 2017, tăng cao hơn nhiều so với tốc độ tăng nguồn vốn của HTX (1,8%). Tổng lợi nhuận trước thuế của khu vực HTX đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh năm 2018 đạt 2.575 tỷ đồng. Thu nhập bình quân tháng một lao động của các HTX đang hoạt động có kết quả SXKD năm 2018 đạt 3,84 triệu đồng, tăng 3,2% so với năm 2017.

Đối với Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam năm 2020, đây là ấn phẩm thứ 2 mà TCTK công bố (lần đầu tiên là Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam 2019 - công bố tháng 7/2019). Theo đó, nội dung sách trắng doanh nghiệp Việt Nam năm 2020 gồm những thông tin cơ bản đánh giá mức độ phát triển doanh nghiệp cả nước và các địa phương giai đoạn 2016-2019, gồm 6 phần: Bối cảnh phát triển doanh nghiệp Việt Nam 2019; Tổng quan phát triển doanh nghiệp Việt Nam năm 2019 và giai đoạn 2016-2019; Một số nét chủ yếu về doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh năm 2018 và giai đoạn 2016-2018; Đề xuất giải pháp phát triển doanh nghiệp; Bộ chỉ tiêu đánh giá phát triển doanh nghiệp năm 2019 và giai đoạn 2016-2019 toàn quốc; Bộ chỉ tiêu đánh giá phát triển doanh nghiệp năm 2019 và giai đoạn 2016-2019 các địa phương.

Theo Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam năm 2020, tính đến ngày 31/12/2019, cả nước có 758.610 doanh nghiệp (DN) đang hoạt động, tăng 6,1% so với cùng thời điểm năm 2018.

Năm 2019, cả nước có 138.139 DN thành lập mới, tăng 5,2% so với năm 2018. Theo khu vực kinh tế: Khu vực dịch vụ có số DN thành lập mới năm 2019 nhiều nhất với 99.548 DN, tăng 5,1% so với năm 2018; khu vực công nghiệp và xây dựng có 36.562 DN, tăng 5,3%; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản có 2.029 DN, tăng 9,9%. Tổng vốn đăng ký của các DN thành lập mới năm 2019 đạt 1,73 triệu tỷ đồng, tăng 17,1% so với năm 2018. Cả nước có 39.421 DN quay trở lại hoạt động, tăng 15,9% so với năm 2018 và đạt mức cao nhất trong giai đoạn 2014-2019. Số DN tạm ngừng kinh doanh có đăng ký trên phạm vi cả nước là 28.731 DN, tăng 5,9% so với năm 2018; có 43.711 DN chờ giải thể, tăng 41,7% và có 16.840 DN hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 3,0%.

Tại buổi họp báo, trên cơ sở thực trạng phát triển hợp tác xã, doanh nghiệp và tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn ra với nhiều diễn biến phức tạp trên thế giới, TCTK đã đưa ra một số giải pháp phát triển hợp tác xã và doanh nghiệp trong thời gian tới. Trong đó, các giải pháp trong phát triển hợp tác xã đề xuất hướng tới 3 nhóm chủ thể chính, đó là nhóm giải pháp về cơ chế chính sách; nhóm giải pháp về vốn, lao động, thị trường và nhóm giải pháp về đổi mới cơ chế hoạt động. Đối với sự phát triển của doanh nghiệp, TCTK cũng đề xuất giải pháp hướng tới 4 nhóm chủ thể chính, đó là cơ quan nhà nước; các địa phương; doanh nghiệp và các tổ chức, hiệp hội doanh nghiệp.

Cuối buổi họp báo, TCTK đã dành thời gian giải đáp thỏa đáng các câu hỏi của phóng viên về tình hình phát triển của hợp tác xã, doanh nghiệp thời gian qua./.

 
Thu Hòa
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top