Những yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra đối với công tác Thống Kê Việt Nam thời kỳ 1955-1975

23/11/2020 - 04:36 PM
Tình hình kinh tế - xã hội cả nước giai đoạn 1955-1975 có thể chia thành các thời kỳ: Giai đoạn khôi phục kinh tế (1955-1957); giai đoạn cải tạo và phát triển kinh tế ở miền Bắc (1958-1960); giai đoạn xây dựng mới và thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961-1965); giai đoạn tiếp tục xây dựng, chiến đấu bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa và tích cực chi viện cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam (1966-1975). Từ sau ngày hòa bình lập lại ở miền Bắc, nhu cầu thông tin thống kê đã tăng nhanh về số lượng và chất lượng, do đó, đáp ứng các yêu cầu thông tin thống kê của Đảng và nhà nước trong từng giai đoạn cũng như các đối tượng sử dụng thông tin thống kê khác luôn là nhiệm vụ chính trị đặt ra đối với ngành Thống kê nước ta.
 
Để kịp thời phục vụ cho nhiệm vụ khôi phục, cải tạo, phát triển kinh tế, văn hóa, xây dựng kế hoạch, điều hành, quản lý nền kinh tế đất nước, Điều lệ số 695/TTg ngày 20/2/1956 của Thủ tướng Chính phủ đã xác định nhiệm vụ của Cục Thống kê Trung ương là: Lãnh đạo thống nhất và tập trung mọi công việc thống kê và kế toán trong nước Việt Nam dân chủ cộng hòa; sưu tầm, thu thập, khai thác, nghiên cứu và đệ trình Chính phủ những tài liệu thống kê chính xác, phân tích một cách khoa học để có thể nêu được quá trình thực hiện kế hoạch Nhà nước, sự phát triển kinh tế và văn hóa trong nước, những nguồn tài nguyên và cách sử dụng tài nguyên đó, tỷ lệ phát triển của các ngành kinh tế, văn hóa và mức độ phát triển của từng ngành.
 
Để thực hiện tốt nhiệm vụ cung cấp thông tin thống kê, một số yêu cầu đặt ra đối với ngành Thống kê trong giai đoạn 1955-1975 là:
 
(i) Nhanh chóng xây dựng, ổn định và củng cố bộ máy thống kê trong cả nước từ Trung ương đến cơ sở.

Xác định rõ chức năng và nhiệm vụ, quyền hạn của bộ máy thống kê để có thể thực hiện đầy đủ những yêu cầu và nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao cho. Ngành Thống kê phải nghiên cứu, xây dựng và trình Chính phủ những yêu cầu cần thiết để xây dựng và cải tiến, hoàn thiện bộ máy tổ chức của ngành Thống kê nước ta phù hợp với tình hình và nhiệm vụ đặt ra đối với Ngành. Theo đó, ngành Thống kê cần nhanh chóng xây dựng kế hoạch đào tạo và bồi dưỡng cán bộ một cách toàn diện và có hệ thống thông qua các lớp nghiệp vụ ngắn ngày, dài ngày trong nước với các hình thức tại chức, chuyên tu, chính quy ở các trường trung học, đại học và cử đi học tại nước ngoài. Bên cạnh đó, một yêu cầu cấp thiết khác là xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cho ngành Thống kê đảm bảo các điều kiện hoạt động cho ngành như: Trụ sở làm việc, phương tiện, thiết bị phục vụ cho công tác chuyên môn…

(ii) Kịp thời tiến hành tổ chức các cuộc điều tra, nghiên cứu tình hình kinh tế - xã hội

Việc thu thập những thông tin cơ bản là cơ sở cho việc nhận định, đánh giá hiện trạng đất nước mà Hội nghị Trung ương lần thứ 8 khóa II (8/1955) đã đặt ra. Các cuộc điều tra cần tiến hành bao gồm:
 
- Điều tra sản xuất công nghiệp để nắm các chỉ tiêu về giá trị tổng sản lượng, sản lượng hàng hóa, lao động, tiền lương, xuất nhập khẩu, tồn kho nguyên, nhiên liệu, thiết bị; điều tra về giao thông vận tải và bưu điện để nắm khối lượng vận chuyển, phương tiện vận tải, hoạt động bưu điện. Đối với đầu tư xây dựng cơ bản, điều tra để nắm số liệu về đầu tư xây dựng chia theo cơ cấu, hạng mục, công trình hoàn thành, giá trị tài sản cố định mới tăng, năng lực mới tăng…
 
- Điều tra thương nghiệp để nắm giá trị hàng hóa bán ra, mua vào, mạng lưới thương nghiệp, tỷ trọng tiêu thụ hàng hóa bán ra giữa quốc doanh và tư doanh, chia theo tổng mức bán buôn, bán lẻ, chia theo ngành thương mại, chia theo loại hàng chủ yếu. 
 
Thực hiện kế hoạch 3 năm phát triển và cải tạo kinh tế, văn hóa, xã hội (giai đoạn 1958- 1960), nhiệm vụ của ngành Thống kê trong thời kỳ này cần nâng cao chất lượng báo cáo, đảm bảo tính kịp thời, chú ý thu thập, tổng hợp nhiều hơn các chỉ tiêu chất lượng về kinh tế - xã hội nhằm phục vụ công cuộc cải tạo XHCN và làm cơ sở cho việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 1961-1965 của Đảng và Chính phủ.
Ngành Thống kê có sự phân công phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan để tổ chức các cuộc điều tra thống kê, như tiến hành điều tra toàn bộ, điều tra điển hình, điều tra chuyên đề… để kịp thời có số liệu phục vụ yêu cầu lãnh đạo.

Phương hướng, nhiệm vụ công tác thống kê trong giai đoạn kế hoạch 5 năm 1961-1965 là: Ra sức phát triển công tác thống kê một cách toàn diện, đồng thời không ngừng nâng cao chất lượng của tài liệu thống kê… Cụ thể: trong nông nghiệp, cần nắm rõ về đất đai, các loại ruộng đất 2 vụ, 1 vụ có thể tăng thêm vụ, đất đai khai hoang, diện tích trồng các loại cây công nghiệp; trong lưu thông, phân phối, để nắm được những hàng hóa, vật tư, cần phải có những tài liệu chính xác hơn về của cải vật chất xã hội, trước hết là vật tư của Nhà nước để có căn cứ tính toán cân đối kinh tế…

 
(iii) Yêu cầu nhanh chóng xây dựng và thực hiện chế độ báo cáo thống kê định kỳ

Tổng cục Thống kê phải thường xuyên phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan cải tiến, sửa đổi, bổ sung chế độ báo cáo thống kê cho phù hợp với tình hình, đặc điểm của từng ngành và đảm bảo nguyên tắc tập trung, thống nhất; Tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc việc chấp hành cơ sở, của các Bộ, ngành và các địa phương.

(iv). Xây dựng chế độ hạch toán thống nhất để đảm bảo thu thập được những số liệu thống kê có độ tin cậy ngày càng cao 

Ngành Thống kê có trách nhiệm tổ chức quản lý thống nhất công tác hạch toán ở cơ sở cũng như ở các ngành kinh tế; hướng dẫn công tác ghi chép ban đầu, giúp cơ sở thống nhất các loại chứng từ sổ sách, biểu mẫu và cách thức ghi chép số liệu ban đầu. Ngành Thống kê phải cùng các ngành có liên quan nghiên cứu thống nhất nội dung, phạm vi và phương pháp tính các chỉ tiêu xây dựng và ban hành hệ thống các biểu mẫu báo cáo, bảng phân ngành kinh tế quốc dân, các bảng danh mục, bảng giá cố định… để sử dụng thống nhất trong cả nước dưới sự chỉ đạo tập trung thống nhất của Tổng cục Thống kê.

(v). Tăng cường sưu tầm, khai thác và chỉnh lý số liệu
 
Bước sang giai đoạn từ 1966-1975, trong tình hình cả nước có chiến tranh, sản xuất, chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu đã trở thành nhiệm vụ chung cho tất cả các ngành, các cấp và các địa phương. Vì vậy, nhiệm vụ thường xuyên của ngành Thống kê là phải tổng hợp, thu thập, tổng hợp tình hình kinh tế - xã hội phục vụ cho Đảng và Nhà nước trong việc chỉ đạo và quản lý kinh tế - xã hội, cũng như tình hình phát triển kinh tế kết hợp với tăng cường lực lượng quốc phòng. Đây là một yêu cầu rất lớn với ngành Thống kê.
 
Chỉ thị số 112/TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 02/10/1965 cũng như trong Huấn thị của Thủ tướng Phạm Văn Đồng tại Hội nghị Tổng kết công tác thống kê năm 1966 đã xác định rõ, công tác thống kê trong tình hình mới đòi hỏi ngành Thống kê phải có sự chuyển hướng trong mọi hoạt động của Ngành, cả về nội dung và phương pháp để có thể đáp ứng được yêu cầu cung cấp những số liệu thống kê cần thiết cho lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các cấp, các ngành trong việc lãnh đạo và quản lý các hoạt động kinh tế, xã hội, quốc phòng.
 
Từ những đặc điểm tình hình của đất nước những yêu cầu, nhiệm vụ đã được đặt ra cho ngành Thống kê trong cả giai đoạn 1955-1975 là hết sức nặng nề. Những hoạt động thống kê trong giai đoạn này từ củng cố cơ cấu, tổ chức, đào tạo con người, xây dựng cơ sở vật chất, hoàn thiện phương pháp luận thống kê nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị… là cơ sở, nền tảng để xây dựng ngành Thống kê lớn mạnh sau này./.
 
Một số nội dung chủ yếu của Chỉ thị số 112/TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 02/10/1965
- Tiếp tục phản ánh một cách có hệ thống quá trình phát triển kinh tế và văn hóa, phản ánh quá trình xây dựng có trọng điểm cơ sở vật chất kỹ thuật của CNXH, quá trình củng cố và hoàn thiện quan hệ sản xuất XHCN…
- Phục vụ kịp thời yêu cầu tăng cường quốc phòng.
- Bảo đảm cung cấp thông tin thống kê cho yêu cầu chỉ đạo sản xuất, xây dựng và lưu thông, phân phối trong thời chiến.
- Phát hiện kịp thời những khả năng và nhân tố mới, các mặt mất cân đối nhằm giúp cho việc kiểm tra tình hình thực hiện kế hoạch Nhà nước.
- Phản ánh có hệ thống quá trình xây dựng và phát triển kinh tế, tình hình xây dựng có trọng điểm cơ sở vật chất và kỹ thuật…
- Phản ánh được quá trình công nghiệp hóa XHCN, từng bước xây dựng cơ sở vật chất và kỹ thuật của CNXH…
- Phản ánh được chủ trương xây dựng kinh tế theo các vùng.
- Việc phân cấp quản lý kinh tế cho các địa phương.



Kỳ sau:

Đảm bảo thông tin thống kê giai đoạn 1955-1975


Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top