Kết quả thực hiện Đề án Thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát năm 2022 và giai đoạn 2019-2022

17/09/2023 - 06:54 AM
Trong năm vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các bộ, ngành đã triển khai nhiều công việc thực hiện Đề án Thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát ban hành kèm theo Quyết định số 146/QĐ-TTg ngày 01/02/2019 của Thủ tướng Chính phủ và đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận trong năm 2022, đóng góp vào kết quả chung thực hiện Đề án giai đoạn 2019-2022.
 
Các công việc triển khai thực hiện năm 2022
 
Thực hiện Chương trình hành động thực hiện Đề án Thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát ban hành kèm theo Quyết định số 146/QĐ-TTg ngày 01/02/2019 của Thủ tướng Chính phủ, trong năm 2022, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã triển khai nhiều công việc sau:
 
Thứ nhất, tiếp tục tiến hành nghiên cứu lý luận, kinh nghiệm quốc tế và đo lường 2 thành tố của khu vực kinh tế chưa được quan sát (NOE) là hoạt động phi chính thức và hoạt động tự sản tự tiêu của hộ gia đình. Ngoài ra, bắt đầu tiến hành nghiên cứu chuyên sâu về tổng quan lý luận phương pháp thu thập thông tin và đo lường hai thành tố còn lại của khu vực kinh tế chưa được quan sát là: Hoạt động kinh tế ngầm và hoạt động kinh tế bất hợp pháp.
 
Thứ hai, đánh giá thực trạng khu vực NOE; cập nhật hoạt động mới xuất hiện (nếu có) vào dự thảo Danh mục hoạt động kinh tế chưa được quan sát phân theo thành tố, theo ngành và lĩnh vực hoạt động.
 
Thứ ba, đo lường và cập nhật kết quả biên soạn tài khoản quốc gia. Thực hiện biên soạn các chỉ tiêu về khu vực phi chính thức năm 2021 dựa vào nguồn thông tin từ Tổng điều tra Kinh tế năm 2012, 2017, 2021 và từ điều tra cơ sở kinh doanh cá thể phi nông, lâm nghiệp và thủy sản hàng năm.
 
Thứ tư, đổi mới, hoàn thiện chuyên môn nghiệp vụ thống kê. Tiếp tục xây dựng nội dung giải thích chi tiết các chỉ tiêu trong dự thảo Hệ thống chỉ tiêu, nguồn thông tin đầu vào phục vụ đo lường khu vực NOE, để làm tài liệu hướng dẫn phục vụ thu thập thông tin và đo lường các thành tố của khu vực NOE. Giải thích Hệ thống chỉ tiêu, nguồn thông tin đầu vào phục vụ đo lường khu vực NOE bao gồm các nội dung: Tên chỉ tiêu; phân tổ chủ yếu; kỳ công bố thông tin; cơ quan chủ trì thu thập, tổng hợp; cơ quan phối hợp thu thập, tổng hợp.
 
Thứ năm, mở rộng hợp tác quốc tế về thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát. Trong năm 2022, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) đã triển khai thực hiện Dự án “Số liệu thống kê và dữ liệu đo lường các dòng tài chính bất hợp pháp ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương” sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức do Văn phòng Ma túy và Tội phạm Liên Hợp Quốc (viết tắt là UNODC), Ủy ban Kinh tế và Xã hội Châu Á - Thái Bình Dương (viết tắt là ESCAP) và Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển (viết tắt là UNCTAD) tài trợ theo các nội dung của Văn kiện dự án do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành kèm theo Quyết định số 1800/QĐ-BKHĐT ngày 31/12/2021 để triển khai thực hiện Quyết định số 2025/QĐ-TTg ngày 02/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương tham gia dự án.
 
Thứ sáu, chủ trì thực hiện nghiên cứu, đề xuất và ban hành 07 văn bản pháp lý tăng cường quản lý nhằm chính thức hóa các hoạt động kinh tế phi chính thức.
 
Thứ bảy, tổng hợp báo cáo của các bộ ngành thực hiện Đề án năm 2022. Ngày 13/01/2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành Công văn số 330/BKHĐT-TCTK gửi các bộ, ngành, cơ quan liên quan báo cáo kết quả thực hiện Đề án NOE năm 2022 để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Đến ngày 30/6/2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận được văn bản báo cáo kết quả thực hiện Đề án NOE của 16/23 bộ, ngành.
 
Bên cạnh đó, các bộ, ngành được phân công chủ trì đã rà soát, bổ sung hoàn thiện cơ chế, chính sách và các văn bản pháp lý liên quan đến sản xuất kinh doanh của nền kinh tế nói chung và khu vực NOE nói riêng thuộc lĩnh vực trực tiếp quản lý, gồm: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam. Các bộ, ngành khác được phân công chủ trì triển khai nội dung công việc có liên quan đến công tác thực hiện phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ và bổ sung, hoàn thiện các văn bản pháp lý khác về chỉ đạo, quản lý, điều hành nền kinh tế… trên phạm vi cả nước và trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.  
 
Kết quả thực hiện Đề án năm 2022
 
(i) Kết quả thực hiện các công việc do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì
 
Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) tập trung nghiên cứu, dựa trên phương pháp luận của Hệ thống tài khoản quốc gia năm 2008 và các tài liệu hướng dẫn của các tổ chức quốc tế làm nền tảng lý luận; đồng thời nghiên cứu phương pháp luận và kết quả đo lường của các công trình khoa học về đo lường khu vực kinh tế chưa được quan sát; đồng thời học tập kinh nghiệm, đề xuất hỗ trợ kỹ thuật của các tổ chức quốc tế có uy tín như Quỹ Tiền tệ Quốc tế.
 
Đánh giá thực trạng khu vực kinh tế chưa được quan sát cho thấy, các hoạt động kinh tế chưa được quan sát xuất hiện đa dạng và phức tạp, 5 nhóm hoạt động thuộc khu vực kinh tế chưa được quan sát đặc điểm riêng. Từ các đặc điểm của 5 nhóm hoạt động thuộc khu vực kinh tế chưa được quan sát và từ thực tiễn, tổng hợp báo cáo của các Bộ, ngành, địa phương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) liên tục rà soát và cập nhật vào dự thảo Danh mục hoạt động kinh tế chưa được quan sát các hoạt động mới xuất hiện trong nền kinh tế như: Các hoạt động tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đặc biệt là các ứng dụng trí tuệ nhân tạo, hoạt động kinh tế chia sẻ, kinh tế số, kinh tế đêm, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh…, nhằm đảm bảo dự thảo Danh mục hoạt động kinh tế chưa được quan sát phản ánh sát thực, đầy đủ và kịp thời thực trạng khu vực NOE. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đồng thời có được kết quả đo lường, tính toán khu vực phi chính thức và hoạt động tự sản tự tiêu của hộ gia đình.
 
Kết quả thực hiện Đề án Thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát năm 2022 và giai đoạn 2019-2022
 
Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đạt được những kết quả về đổi mới, hoàn thiện chuyên môn nghiệp vụ thống kê; Hợp tác quốc tế và ban hành nhiều văn bản pháp lý tăng cường quản lý nhằm chính thức hóa các hoạt động kinh tế phi chính thức. Theo đó, hệ thống văn bản đã quy định khá rõ đặc điểm pháp lý của hộ kinh doanh; thủ tục đăng ký hộ kinh doanh; tạm ngừng và chấm dứt hoạt động của hộ kinh doanh.

Về văn bản chính sách ưu đãi và hỗ trợ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu cho cơ quan có thẩm quyền ban hành các văn bản chính sách tập trung vào hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh Covid-19; chính sách về tài khóa, tiền tệ nhằm phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Chính sách hỗ trợ phục hồi do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì ban hành hoặc trình cấp trên ban hành đã có những hiệu quả nhất định cho hộ kinh doanh, từ đó tạo sự hấp dẫn để họ chuyển sang hoạt động theo loại hình doanh nghiệp. Đây là cách thức hỗ trợ có tác động đến hộ gia đình chưa đăng ký kinh doanh thấy được lợi ích của hộ kinh doanh được hỗ trợ khi kinh doanh gặp những rủi ro như dịch bệnh, thiên tai. Từ đó thúc đẩy hộ kinh doanh phi chính thức chuyển sang chủ thể chính thức ở quy mô nhỏ là các hộ kinh doanh có đăng ký hoặc sang doanh nghiệp.
 
(ii) Kết quả thực hiện Đề án của các bộ, ngành
 
- Bộ Công Thương: Giai đoạn 2019-2021, Bộ Công Thương đã kịp thời xây dựng và ban hành khoảng 200 văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách quản lý Nhà nước trong ngành Công Thương; tiếp tục tập trung triển khai thực hiện các kế hoạch đấu tranh phòng ngừa, kiểm tra, xử lý vi phạm tại các địa bàn, tụ điểm nổi cộm về hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Nhìn chung, các văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành trong ngành Công Thương tương đối đầy đủ và phù hợp với chủ trương, chính sách chung nhằm hướng tới mục tiêu khuyến khích chính thức hóa hoạt động phi chính thức và tăng cường quản lý, giám sát làm giảm và thu hẹp quy mô hoạt động kinh tế ngầm, kinh tế bất hợp pháp ngành Công Thương.
 
 - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam: Đối với lĩnh vực thanh toán và tiếp cận dịch vụ ngân hàng, trong năm 2022, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã hoàn thiện, trình Chính phủ dự thảo Nghị định mới về thanh toán không dùng tiền mặt. Đối với hoạt động phòng chống rửa tiền, NHNN tổ chức triển khai xây dựng Luật Phòng chống rửa tiền được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 4, ngày 15/11/2022, có hiệu lực thi hành từ 01/3/2023 (sau đây gọi là Luật Phòng, chống rửa tiền 2022). Hoàn thiện quy định pháp luật về phòng, chống rửa tiền là một trong những yếu tố then chốt thúc đẩy công tác phòng, chống rửa tiền nhằm tăng cường hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm. Cũng trong năm 2022, NHNN tiếp tục tiếp nhận, tổng hợp, phân tích, xử lý các báo cáo theo quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và tội phạm khác có liên quan đến rửa tiền... NHNN đã ký bản ghi nhớ với Tổng cục Hải quan về việc phối hợp, trao đổi cung cấp thông tin; ký Biên bản ghi nhớ (MOU) trao đổi thông tin hợp tác với Cơ quan Tình báo tài chính Vương quốc Anh và đang tiếp tục nghiên cứu các nội dung liên quan đến MOU với một số quốc gia khác.
 
- Bộ Xây dựng: Năm 2022, Bộ tăng cường xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng; quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng; đồng thời tăng cường xây dựng, quản lý và sử dụng hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản. Trong đó, tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh bất động sản của các tổ chức, cá nhân sẽ góp phần quản lý các hoạt động kinh tế chưa được quan sát trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản. 
 
- Bộ Giao thông vận tải: Đã chỉ đạo thực hiện các đợt cao điểm kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các phương tiện tham gia giao thông trong phạm vi toàn quốc. Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô; kiểm soát tải trọng phương tiện đường bộ.
 
- Bộ Tài nguyên và Môi trường: Tập trung xây dựng dự thảo một số Luật sửa đổi. Ngoài ra, ban hành Nghị định về xử phạt đối với lĩnh vực bảo vệ môi trường; ban hành Danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất. Từ đó tăng cường quản lý, giám sát và có chế tài xử phạt vi phạm đối với các hoạt động liên quan đến tài nguyên và môi trường.
 
- Bộ Khoa học và Công nghệ: Năm 2022, Bộ tiếp tục chủ động hướng dẫn, đôn đốc và phối hợp các bộ, ngành, địa phương xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với nhóm sản phẩm hàng hóa, phù hợp với các yêu cầu, quy định của các Hiệp định thương mại quốc tế mà Việt Nam cam kết và tham gia thực hiện. Tổ chức các hoạt động tham vấn về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ và đã được Quốc hội thông qua ngày 16/6/2022. Triển khai Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030. Từ đó, góp phần nâng cao nhận thức, quan điểm của xã hội trong công tác phòng chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, nâng cao năng lực hiệu quả quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ. 
 
- Bộ Tư pháp: Năm 2022, Bộ Tư pháp hoàn thành thẩm định dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) và các dự thảo Nghị định để phòng chống tiền giả và bảo vệ tiền Việt Nam; dự thảo Luật Đấu thầu; hoàn thành Bộ pháp điển giúp người dân, tổ chức, doanh nghiệp, cơ quan dễ dàng, thuận tiện trong tìm kiếm, tra cứu, quản lý các quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực, góp phần nâng cao tính thống nhất, công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật.    
 
- Bộ Quốc phòng: Đã phối hợp với các bộ, ngành triển khai công tác phòng chống các hoạt động buôn lậu qua khu vực biên giới; triển khai thực hiện phòng, chống ma túy và tội phạm; tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, chủ động điều tra, phát hiện, xác lập chuyên án đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm. Phối hợp chặt chẽ lực lượng chức năng của các bộ, ngành thực hiện có hiệu quả quản lý nhà nước về đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội trong khu vực biên giới. Ngoài ra, đã soạn thảo, trình Chính phủ ban hành một số văn bản quy phạm phát luật về quản lý cửa khẩu biên giới và trong lĩnh vực quốc phòng.
 
- Bộ Y tế: Đã ban hành Kế hoạch số 38/KH-BYT ngày 07/01/2022 về công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2022, đồng thời kiện toàn Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả của Bộ Y tế theo Quyết định số 1827/QĐ-BYT ngày 01/7/2022 và nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành khác.
 
Các bộ, ngành khác tuy không được giao chủ trì thực hiện các công việc cụ thể nhưng luôn tích cực phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong quá trình triển khai thực hiện Đề án.
 
Đánh giá kết quả chung thực hiện Đề án và những công việc triển khai trong năm 2023
 
Qua 4 năm (2019-2022) triển khai thực hiện Quyết định số 146/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành, địa phương đã nghiêm túc triển khai theo kế hoạch và đạt được một số kết quả nhất định. Đề án NOE là đề án khó nhưng việc thực hiện Đề án là rất cần thiết và là định hướng đúng giúp các bộ, ngành, doanh nghiệp, người dân hiểu và nhận dạng rõ hơn, cụ thể hơn về sự tồn tại, nguyên nhân hình thành và tác động của các hoạt động thuộc khu vực NOE tới nền kinh tế.
 
Đề án góp phần đổi mới hoàn thiện chuyên môn nghiệp vụ thống kê nói chung và nghiệp vụ biên soạn tài khoản quốc gia nói riêng; cung cấp thêm căn cứ hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách chỉ đạo điều hành nền kinh tế, đồng thời nâng cao ý thức kỷ cương, chấp hành pháp luật của cộng đồng. Công tác phối hợp, chia sẻ thông tin giữa các bộ, ngành được tăng cường khi thực hiện các công việc được phân công trong Đề án.
 
Qua 4 năm thực hiện, công tác rà soát hoạt động kinh tế chưa được quan sát để đưa vào xây dựng và ban hành trong các văn bản quản lý ngày càng được mở rộng ở nhiều ngành, lĩnh vực. Đến nay, các bộ, ngành đã nhận thức rõ ràng hơn về sự tồn tại của các hoạt động kinh tế chưa được quan sát. Nhiều văn bản do các bộ, ngành ban hành đã tích hợp, lồng ghép nhiều hoạt động kinh tế chưa được quan sát để quản lý. Đây là bước tiến tích cực khi thực hiện triển khai Đề án NOE.
 
Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả nhưng việc thực hiện Đề án cũng còn những khó khăn, hạn chế trong công tác thống kê và ban hành các văn bản pháp lý. 
 
Trong năm 2023, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai thực hiện các Chương trình hành động ban hành kèm theo Quyết định số 146/QĐ-TTg theo các nội dung và thời gian cụ thể trong Kế hoạch triển khai Đề án NOE ban hành kèm theo Công văn số 5258/BKHĐT-TCTK, trong đó tập trung vào một số hoạt động sau:
 
- Đối với Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê)
 
Rà soát, cập nhật dự thảo Danh mục hoạt động kinh tế và Hệ thống chỉ tiêu nguồn thông tin đầu vào phục vụ đo lường khu vực NOE.
 
Nghiên cứu, xây dựng và ban hành hướng dẫn về Danh mục hoạt động và nguồn thông tin phục vụ đo lường khu vực kinh tế chưa được quan sát.
 
Đổi mới, hoàn thiện chuyên môn nghiệp vụ thống kê, trong đó triển khai xây dựng, hoàn thiện nguồn thông tin phản ánh đầy đủ hơn quy mô của nền kinh tế; cài đặt nhu cầu thông tin về hoạt động sản xuất kinh doanh của khu vực NOE vào các cuộc điều tra, tổng điều tra và các chế độ báo cáo thống kê; tính toán giá trị tăng thêm khu vực phi chính thức và hoạt động tự sản tự tiêu hộ gia đình.
 
Tiếp tục mở rộng hợp tác quốc tế về thống kê khu vực NOE.
 
- Đối với các bộ, ngành, cơ quan
 
Tiếp tục chủ trì thực hiện các nội dung được phân công cụ thể trong Kế hoạch triển khai Đề án; tiếp tục thực hiện Chương trình hành động về rà soát, bổ sung hoàn thiện cơ chế, chính sách và các văn bản pháp lý liên quan đến sản xuất kinh doanh.
 
Chủ trì thực hiện các văn bản chỉ đạo về công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, phối hợp giữa các lực lượng chức năng trong công tác này./.
 
P.V
(Nguồn: Vụ Thống kê Tài khoản quốc gia – TCTK)
 
        
 

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top