Thực hiện Thông tư hướng dẫn Bộ tiêu chí chất lượng thống kê Nhà nước

20/06/2023 - 09:55 AM
Thủ tướng ban hành quy định Bộ tiêu chí chất lượng thống kê Nhà nước đến năm 2030

Ngày 05/01/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 01/2019/QĐ-TTg quy định Bộ tiêu chí chất lượng thống kê nhà nước đến năm 2030. Quyết định này áp dụng cho các cơ quan thống kê thuộc hệ thống tổ chức thống kê nhà nước theo quy định của Luật thống kê và tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động đánh giá chất lượng thống kê nhà nước.

Bộ tiêu chí chất lượng thống kê nhà nước bao gồm 19 tiêu chí, được chia thành 4 nhóm: (A) Quản lý hoạt động điều phối, phối hợp và các tiêu chuẩn thống kê; (B) Quản lý môi trường thể chế cho các hoạt động thống kê; (C) Quản lý các quy trình thống kê; (D) Quản lý các kết quả đầu ra thống kê.

Đối với nhóm Quản lý hoạt động điều phối, phối hợp và các tiêu chuẩn thống kê, gồm các tiêu chí: Quản lý hoạt động điều phối, phối hợp thực hiện các hoạt động thống kê; Quản lý mối quan hệ với các bên liên quan; Quản lý các tiêu chuẩn thống kê.

Đối với nhóm Quản lý môi trường thể chế cho các hoạt động thống kê, bao gồm các tiêu chí như: Bảo đảm tính độc lập về chuyên môn, nghiệp vụ thống kê; Bảo đảm tính khách quan và tính công bằng; Bảo đảm tính minh bạch; Bảo đảm tính bảo mật và an ninh thông tin thống kê; Bảo đảm cam kết chất lượng thống kê; Bảo đảm đầy đủ các nguồn lực cho hoạt động thống kê.

Đối với nhóm Quản lý các quy trình thống kê, bao gồm các tiêu chí: Bảo đảm tính đúng đắn của phương pháp luận thống kê; Bảo đảm sự phù hợp giữa hiệu quả và chi phí; Bảo đảm tính đúng đắn của việc thực hiện các chương trình thống kê; Quản lý gánh nặng trả lời của cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin

Đối với nhóm Quản lý các kết quả đầu ra thống kê, gồm các tiêu chí: Bảo đảm tính phù hợp; Bảo đảm tính chính xác và độ tin cậy; Bảm đảm tính kịp thời và tính đúng hạn; Bảo đảm tính dễ tiếp cận, rõ ràng và dễ hiểu; Bảo đảm tính chặt chẽ và tính so sánh; Quản lý dữ liệu đặc tả thống kê.  

Những tiêu chí đó là cơ sở để đánh giá chất lượng thống kê, thực hiện trách nhiệm giải trình với các bên liên quan về thực trạng chất lượng và hiệu quả hoạt động thống kê Nhà nước, nhằm không ngừng nâng cao chất lượng thống kê, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của các đối tượng sử dụng thông tin thống kê nhà nước.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện Bộ tiêu chí chất lượng thống kê Nhà nước đến năm 2023

Ngày 09/12/2022, Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành Thông tư số 22/2022/TT-BKHĐT hướng dẫn thực hiện Bộ tiêu chí chất lượng thống kê nhà nước đến năm 2030. Thông tư này áp dụng đối với các cơ quan thống kê thuộc hệ thống tổ chức thống kê nhà nước theo quy định của Luật thống kê và tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động đánh giá chất lượng thống kê nhà nước.

Thông tư số 22/2022/TT-BKHĐT nêu rõ, việc áp dụng tiêu chí, nội dung tiêu chí chất lượng thống kê bao gồm: Hệ thống thống kê nhà nước áp dụng 19 tiêu chí với 92 nội dung tiêu chí. Cơ quan thống kê Trung ương áp dụng 19 tiêu chí với 75 nội dung tiêu chí; Cơ quan thống kê Bộ, ngành áp dụng 16 tiêu chí với 43 nội dung tiêu chí. Cơ quan thống kê cấp tỉnh áp dụng 14 tiêu chí với 29 nội dung tiêu chí; Cơ quan thống kê cấp huyện áp dụng 12 tiêu chí với 19 nội dung tiêu chí.

Nội dung tiêu chí chất lượng được đánh giá theo thang đánh giá 5 mức (tương ứng với 5 điểm) như: Mức 1. Không đáp ứng yêu cầu của nội dung tiêu chí; Mức 2. Chưa đáp ứng yêu cầu của nội dung tiêu chí, cần có thêm nhiều cải tiến chất lượng; Mức 3. Chưa đáp ứng yêu cầu của nội dung tiêu chí nhưng chỉ cần một vài cải tiến nhỏ sẽ đáp ứng được yêu cầu; Mức 4. Đáp ứng đầy đủ yêu cầu của nội dung tiêu chí; Mức 5. Đáp ứng cao hơn yêu cầu của nội dung tiêu chí.

Chất lượng thống kê được đánh giá qua hai hình thức: Tự đánh giá chất lượng được thực hiện hằng năm và Đánh giá độc lập chất lượng thống kê được thực hiện 5 năm một lần.

Cụ thể, tự đánh giá chất lượng thống kê là hình thức đánh giá chất lượng thống kê do chính cơ quan thống kê đó thực hiện để đánh giá chất lượng thống kê của cơ quan mình thường xuyên, toàn diện và có hệ thống. Thủ trưởng cơ quan thống kê có trách nhiệm thực hiện việc tự đánh giá chất lượng thống kê hằng năm của cơ quan mình, trừ năm được đánh giá độc lập chất lượng thống kê.

Đánh giá độc lập chất lượng thống kê là hình thức đánh giá chất lượng thống kê do cơ quan thống kê Trung ương thực hiện thông qua Đoàn đánh giá chất lượng thống kê. Trách nhiệm của cơ quan thống kê Trung ương là xây dựng, theo dõi, giám sát thực hiện kế hoạch đánh giá độc lập chất lượng thống kê; Đánh giá độc lập chất lượng thống kê của hệ thống thống kê nhà nước và các cơ quan thống kê thuộc hệ thống tổ chức thống kê nhà nước; Thông báo kế hoạch đánh giá độc lập chất lượng thống kê tới cơ quan được đánh giá trước 30 ngày làm việc so với thời điểm bắt đầu tiến hành đánh giá độc lập; Thành lập Đoàn đánh giá chất lượng thống kê; tổ chức thực hiện đánh giá độc lập chất lượng thống kê đối với cơ quan được đánh giá; Biên soạn, công bố báo cáo chất lượng thống kê quốc gia 5 năm một lần.

Trách nhiệm của cơ quan được đánh giá độc lập là cung cấp đầy đủ hồ sơ, dữ liệu liên quan và các điều kiện cần thiết phục vụ công tác đánh giá độc lập; phản hồi bằng văn bản, gửi Đoàn đánh giá chất lượng thống kê trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được dự thảo báo cáo đánh giá độc lập; nêu rõ các ý kiến nhất trí, không nhất trí với bản dự thảo báo cáo đánh giá độc lập; trường hợp không nhất trí nội dung nào phải nêu rõ lý do và kèm theo các tài liệu chứng minh.

Đoàn đánh giá chất lượng thống kê do Thủ trưởng cơ quan thống kê Trung ương quyết định thành lập phải có ít nhất 07 thành viên, gồm: Trưởng đoàn, thư ký và các thành viên khác, trong đó có ít nhất 30% số thành viên là chuyên gia độc lập không thuộc biên chế của cơ quan thống kê Trung ương, 01 thành viên thuộc cơ quan được đánh giá độc lập.

Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 01/02/2023.

 

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top