Còn đó những thách thức Thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát

25/09/2023 - 09:07 AM
Qua 4 năm triển khai Đề án Thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ, ngành đều đánh giá đây là đề án khó. Tuy nhiên, với sự nỗ lực tích cực của đơn vị chủ trì là Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ, ngành, việc thực hiện Đề án NOE đã đạt được nhiều kết quả. Đến nay, các bộ, ngành đã nhận thức rõ ràng hơn về sự tồn tại của các hoạt động kinh tế chưa được quan sát. Công tác rà soát hoạt động kinh tế chưa được quan sát để đưa vào xây dựng và ban hành trong các văn bản quản lý ngày càng được mở rộng ở nhiều ngành, lĩnh vực. Nhiều văn bản do các Bộ, ngành ban hành đã tích hợp, lồng ghép nhiều hoạt động kinh tế chưa được quan sát để quản lý. Công tác phối hợp, chia sẻ thông tin giữa các Bộ, ngành cũng được tăng cường.

Đề án góp phần đổi mới hoàn thiện chuyên môn nghiệp vụ thống kê nói chung và nghiệp vụ biên soạn tài khoản quốc gia nói riêng; cung cấp thêm căn cứ hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách chỉ đạo điều hành nền kinh tế, đồng thời nâng cao ý thức kỷ cương, chấp hành pháp luật của cộng đồng.

Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả nhưng bên cạnh đó cũng còn một số khó khăn, hạn chế trong công tác thống kê, ban hành văn bản pháp lý.

Về công tác thống kế

-  Công tác thống kê gặp khó khăn khi xác định ranh giới sắp xếp các hoạt động kinh tế chưa được quan sát theo các thành tố.

- Xây dựng giải thích nội dung cho các chỉ tiêu nguồn thông tin đầu vào phải huy động nguồn lực lớn để rà soát, đối chiếu nhiều quy định quản lý về các hoạt động NOE trong hệ thống văn bản Luật, Nghị định, Thông tư và các văn bản khác của nhiều Bộ, ngành, từ đó mới đảm bảo đưa ra khái niệm về hoạt động một cách nhất quán, thống nhất và phù hợp với các quy định.

- Hàng năm, các hoạt động NOE liên tục được rà soát, cập nhật bám sát theo sự thay đổi, phát triển và mở cửa của nền kinh tế nhưng chưa thể rà soát được toàn bộ hoạt động NOE mới xuất hiện.

- Hệ thống thông tin đầu vào đo lường các ngành, lĩnh vực chưa được quan sát còn rời rạc, không đầy đủ, thậm chí không có sẵn.

- Các hoạt động kinh tế ngầm, kinh tế bất hợp pháp rất phức tạp và khó khăn, đặc biệt là trong tiếp cận chủ thể để khai thác thông tin theo cách trực tiếp, nên rất khó để thu thập thông tin đầy đủ về các thành tố này.

- Số liệu thống kê phục vụ đo lường qua mô hình định lượng của Việt Nam hạn chế cả về số lượng và chất lượng; đến nay, vẫn chưa thể xây dựng được chuỗi số liệu đảm bảo tin cậy để sử dụng và công bố kết quả ước lượng.

Về ban hành văn bản pháp lý

- Hiện nay, vẫn có sự chồng chéo trong thực thi chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan quản lý nhà nước; thậm chí giữa cơ quan phụ trách quản lý hành chính và xử phạt hành chính. Điều này khiến cho việc rà soát, bổ sung hoàn thiện cơ chế chính sách và các văn bản pháp lý nhằm giảm ảnh hưởng của khu vực kinh tế ngầm, bất hợp pháp và chính thức hóa hoạt động phi chính thức còn gặp nhiều khó khăn, gây lúng túng cho các cơ quan quản lý nhà nước.

- Tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng thẩm lậu vẫn diễn biến phức tạp; các chính sách còn nhiều hạn chế; quản lý chưa chặt chẽ trong khi mức lợi nhuận từ hoạt động này lớn, dẫn đến một bộ phận cơ sở sản xuất kinh doanh đã bất chấp pháp luật thực hiện sản xuất, kinh doanh các sản phẩm phi pháp, sản phẩm kém chất lượng; các chế tài hiện nay chưa đủ sức răn đe, phòng ngừa vi phạm… nên chưa thực sự tạo ra chuyển biến làm lành mạnh hóa nền kinh tế.

- Hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thương mại điện tử có tính ẩn danh cao, dễ giả mạo, thay đổi che giấu nhân thân, lý lịch người thực hiện; dễ tẩy xóa, sửa chữa, thay đổi dấu vết, chứng cứ để che giấu hành vi phạm tội; không phân biệt ranh giới, khu vực. Do đó việc phát hiện hoạt động buôn lậu, buôn bán hàng giả, gian lận thương mại gặp khó khăn.

- Doanh nghiệp, cá nhân chưa sẵn sàng hợp tác với cơ quan quản lý Nhà nước khi có yêu cầu thực hiện kiểm tra, giám sát, quản lý các hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là các hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin.

- Nguồn lực triển khai công tác rà soát, bổ sung hoàn thiện cơ chế chính sách, văn bản pháp lý liên quan đến sản xuất kinh doanh nói chung của các bộ, ngành còn hạn chế. Đối với các văn bản quản lý khu vực NOE, còn thiếu các nghiên cứu chuyên sâu để có thể đưa vào áp dụng cụ thể theo ngành, lĩnh vực.

Những khó khăn trên xuất phát từ các nguyên nhân: Các hoạt động kinh tế luôn đa dạng và đan xen lẫn nhau, đặc biệt trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 đang dần số hóa nền kinh tế, xuất hiện thêm các hoạt động mới tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; Nguồn thông tin để đo lường khu vực NOE, đặc biệt là hoạt động kinh tế ngầm và kinh tế bất hợp pháp không đầy đủ, khó khăn khi phân định phạm vi và thu thập, tính toán thành các chỉ tiêu thống kê; Ranh giới nhiệm vụ quản lý giữa các bộ, ngành còn chồng chéo, chưa rõ ràng; Nguồn lực con người bố trí thực hiện các công việc của Đề án NOE còn mỏng, đồng thời chưa có nhiều kinh nghiệm để nắm bắt sâu về thực tế các hoạt động kinh tế thuộc khu vực NOE vì đây là hoạt động mới và khó.

Đề án Thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát được kỳ vọng nhằm thu thập nguồn thông tin đầu vào phục vụ đo lường hoạt động kinh tế chưa được quan sát để ước lượng đầy đủ phạm vi của nền kinh tế, từ đó phản ánh đúng nhất sự vận động và phát triển của toàn nền kinh tế; đồng thời giúp các nhà hoạch định chính sách đưa ra những chính sách điều hành sát thực nhất. Do vậy, bên cạnh sự nỗ lực của đơn vị chủ trì là Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì rất cần sự chung tay của các Bộ, ngành và địa phương trong triển khai thực hiện các công việc của Đề án và tổng kết kết quả đạt được.

Để triển khai hiệu quả Đề án NOE năm 2023 và các năm tiếp theo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất một số kiến nghị với các Bộ, ngành, cơ quan, các địa phương, cụ thể:

- Gửi báo cáo kết quả triển khai thực hiện về Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) theo đúng thời gian quy định.

- Tích cực, chủ động triển khai các công việc được phân công tại Kế hoạch triển khai Đề án NOE được ban hành kèm theo Công văn số 5258/BKHĐT-TCTK ngày 29/7/2019 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đảm bảo chất lượng và tiến độ, để gửi kết quả thực hiện năm 2023 và các năm tiếp theo về Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) đúng tiến độ, giúp việc tổng hợp, đánh giá thực trạng hoạt động kinh tế chưa được quan sát một cách đầy đủ và toàn diện.

- Phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) trong thực hiện nội dung các công việc của năm 2023./.
 
P.V

 

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top