Diễn văn khai mạc của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng - Kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập ngành Kế hoạch và Đầu tư

31/12/2020 - 09:35 AM
Sáng 31/12/2020, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 75 năm thành lập ngành Kế hoạch và Đầu tư (31/12/1945 - 31/12/2020). Dưới đây Tạp chí Con số và Sự kiện giới thiệu toàn văn Diễn văn khai mạc của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng tại lễ kỷ niệm.
 
Diễn văn khai mạc của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng
Kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập ngành Kế hoạch và Đầu tư

Kính thưa đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam!
 
Kính thưa các đồng chí Lãnh đạo, Nguyên Lãnh đạo Đảng, Nhà nước!
 
Kính thưa các đồng chí Nguyên Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư qua các thời kỳ, các đồng chí Lãnh đạo Ban, Bộ ngành Trung ương và địa phương, lãnh đạo đại diện các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế!
 
Thưa các vị khách quý cùng toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đã và đang công tác trong ngành Kế hoạch, Đầu tư và Thống kê!
 
Hôm nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư long trọng tổ chức Kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Ngành Kế hoạch và Đầu tư (31/12/1945 - 31/12/2020) và Lễ đón nhận Huân chương độc lập Hạng Nhất, trong không khí vui tươi, phấn khởi cùng cả nước chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và kết thúc năm 2020, một năm đầy khó khăn, thách thức nhưng đã gặt hái được nhiều thành tựu trên tất cả các lĩnh vực. Đây cũng là dịp để toàn ngành Kế hoạch và Đầu tư ôn lại chặng đường lịch sử truyền thống vẻ vang 75 năm, tri ân sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đối với Ngành, tri ân những công lao, cống hiến, hy sinh của biết bao người con kế hoạch và đầu tư các thế hệ đối với sự lớn mạnh, trưởng thành và phát triển của Ngành. Thông qua đó, toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong ngành Kế hoạch, Đầu tư và Thống kê coi đây là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng để phát huy tối đa truyền thống vẻ vang 75 năm của mình, không ngừng nỗ lực, rèn luyện, phấn đấu, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao phó trong chặng đường tới.
 
Thay mặt toàn Ngành Kế hoạch, Đầu tư và Thống Kê, tôi xin được trân trọng gửi lời cảm ơn sâu sắc đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, đồng chí Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã gửi thư và hoa chúc mừng, khen ngợi, động viên; xin trân trọng cảm ơn tình cảm nồng ấm, sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã dành thời gian quý báu tới tham dự và phát biểu chỉ đạo tại buổi Lễ hôm nay. Tôi cũng xin được trân trọng cảm ơn các đồng chí Lãnh đạo, Nguyên Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Nguyên Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư qua các thời kỳ, các đồng chí Lãnh đạo Ban, Bộ ngành Trung ương và địa phương, lãnh đạo đại diện các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế và các vị khách quý. Sự có mặt của các đồng chí Lãnh đạo, các vị khách quý là niềm vinh dự, sự động viên, khích lệ quý báu đối với Ngành Kế hoạch, Đầu tư và Thống kê. Kính chúc các đồng chí và các vị khách quý sức khỏe, hạnh phúc, thành công và một năm mới an khang, thịnh vượng.
 
Kính thưa các đồng chí Lãnh đạo, các vị khách quý,
 
Sau khi giành được độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày 31 tháng 12 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh số 78-SL thành lập Ủy ban Nghiên cứu Kế hoạch Kiến thiết, tiền thân của cơ quan Bộ Kế hoạch và Đầu tư gồm ủy viên là tất cả các Bộ trưởng, Thứ trưởng, các Tiểu ban chuyên môn, đặt dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Chính phủ. Ngay từ khi được thành lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định vai trò, trọng trách và tầm quan trọng của công tác tham mưu, kế hoạch, kiến thiết. Người nhấn mạnh “sự nghiệp kiến quốc cần phải có một chương trình cụ thể được nghiên cứu một cách kỹ càng” và giao nhiệm vụ “Nghiên cứu một kế hoạch thiết thực để kiến thiết quốc gia về các ngành kinh tế, tài chính, hành chính, xã hội, văn hoá và thảo ra những đề án kiến thiết đưa lên Chính phủ”.
 
Trong suốt chặng đường 75 năm qua, quá trình hình thành, xây dựng và phát triển của ngành Kế hoạch và Đầu tư luôn gắn liền với những mốc son lịch sử phát triển đất nước và dân tộc, với những dấu ấn và đóng góp quan trọng của các thế hệ lãnh đạo, cán bộ công chức, viên chức, người lao động ngành Kế hoạch và Đầu tư.
 
Ngay sau khi được thành lập, Ngành Kế hoạch và Đầu tư đã được tôi luyện trong khó khăn để trưởng thành, cùng đồng bào, đồng chí cả nước quyết tâm bảo vệ nền độc lập non trẻ, giành cho được tự do, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân, vừa chiến đấu đánh đuổi giặc ngoại xâm, vừa lo diệt giặc đói, giặc dốt. Năm 1955 là dấu mốc quan trọng hình thành hệ thống cơ quan kế hoạch từ Trung ương đến địa phương. Sau khi Ủy ban Kế hoạch Nhà nước được thành lập, mốc son chói lọi giải phóng Miền Nam năm 1975 đã mở ra một thời kỳ mới trong chặng đường phát triển của đất nước.
 
Đến năm 1986, thực hiện đường lối, chủ trương, quyết sách đổi mới đúng đắn của Đại hội Đảng lần thứ 6, Ủy ban Kế hoạch Nhà nước đã tham mưu, xây dựng và thực hiện Kế hoạch 5 năm lần thứ Tư (1986-1990) xác định các mục tiêu chủ yếu về kinh tế, xã hội cho 5 năm đổi mới đầu tiên, bắt đầu cho một chặng đường đổi mới toàn diện đất nước.
 
Năm 1995, trên cơ sở hợp nhất 02 cơ quan là Ủy ban Kế hoạch Nhà nước và Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư, Chính phủ đã quyết định thành lập Bộ Kế hoạch và Đầu tư, là cơ quan của Chính phủ, có chức năng tham mưu tổng hợp về xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội chung của cả nước, về cơ chế chính sách quản lý kinh tế; quản lý nhà nước về lĩnh vực đầu tư trong nước và ngoài nước; giúp Chính phủ phối hợp, điều hành thực hiện các mục tiêu và cân đối chủ yếu của nền kinh tế.
 
Để ghi nhận công lao, sự cống hiến của ngành Kế hoạch và Đầu tư trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc, năm 2000, trong buổi lễ đón nhận Huân chương Sao Vàng, ngành Kế hoạch và Đầu tư đã vinh dự được nguyên Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải cho phép lấy ngày thành lập Ủy ban Nghiên cứu Kế hoạch kiến thiết (31 tháng 12) là Ngày truyền thống của Ngành.
 
Trong suốt chặng đường 75 năm xây dựng và phát triển, ngành Kế hoạch và Đầu tư luôn khẳng định vị trí, vai trò là cơ quan tham mưu tổng hợp, xứng đáng với niềm tin của Đảng và Nhà nước, hoàn thành xuất sắc mọi trọng trách được giao, góp phần quan trọng vào thắng lợi trong đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc; từ một nước kém phát triển, thu nhập thấp trở thành quốc gia đang phát triển có mức thu nhập trung bình như ngày hôm nay.
 
Kính thưa các đồng chí Lãnh đạo và quý vị khách quý,
 
Nhìn lại chặng đường 75 năm qua, trong mỗi giai đoạn, mỗi thời kỳ, với mỗi tên gọi khác nhau, dù chức năng, nhiệm vụ có thay đổi, nhưng ngành Kế hoạch và Đầu tư luôn tự hào giữ vai trò tiên phong trong xây dựng tầm nhìn phát triển của đất nước, đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm để bảo đảm thực hiện tốt chức năng tham mưu chiến lược; triển khai nhiều cải cách, đột phá, đóng góp đặc biệt quan trọng vào việc thực hiện các nhiệm vụ chiến lược mà Đảng và Nhà nước giao phó, trong đó nổi bật nhất là 03 nhiệm vụ chính trị then chốt, xuyên suốt cả chặng đường xây dựng và phát triển của ngành:
 
Một là, thực hiện tốt chức năng cơ bản của ngành là quản lý nhà nước về công tác chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội. Đây là trọng trách đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã tin tưởng, giao phó ngay từ khi được thành lập. Trải qua 75 năm xây dựng và phát triển cùng với chặng đường lịch sử của đất nước, công tác kế hoạch hóa đã có những bước phát triển, đổi mới phù hợp với từng thời kỳ, từ kế hoạch pháp lệnh sang kế hoạch định hướng, từ kế hoạch ngắn hạn chuyển dần sang định hướng trung hạn, dài hạn và tầm nhìn chiến lược.
 
Đến nay, đã có 3 chiến lược 10 năm và 10 kế hoạch 5 năm về phát triển kinh tế - xã hội. Với trách nhiệm được giao là cơ quan thường trực của Tổ Biên tập thuộc Tiểu ban Kinh tế - Xã hội phục vụ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, Ban, ngành trung ương và địa phương tổng hợp, xây dựng, tham mưu cho Đảng và Nhà nước Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm lần thứ Tư giai đoạn 2021-2030 và Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Kinh tế - Xã hội 5 năm lần thứ 11 giai đoạn 2021-2025. Các văn kiện này thực sự trở thành kim chỉ nam, phương hướng, đường lối phát triển của đất nước trong chặng đường mới với các mốc quan trọng: Phấn đấu đến 2025, 50 năm thống nhất đất nước: là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: là nước đang phát triểncó công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước, cũng là 100 năm xây dựng và phát triển của Ngành Kế hoạch và Đầu tư: trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
 
Hai là, thực hiện tốt chức năng tham mưu tổng hợp, chiến lược cho Đảng và Nhà nước về thể chế, pháp luật, cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt là trong giai đoạn đổi mới kể từ năm 1986, khởi đầu là Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (năm 1987) đã đánh dấu một bước chuyển mình căn bản về thể chế kinh tế thị trường, khơi thông nguồn lực, thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của các thành phần kinh tế, nhất là kinh tế khu vực tư nhân, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, đóng góp quan trọng vào sự phát triển của nền kinh tế, thể hiện sự đột phá trong tư duy và hành động trong tham mưu thể chế, pháp luật của Ngành Kế hoạch và Đầu tư.
 
Kể từ đó cho đến nay, hàng loạt các bộ luật quan trọng về phát triển kinh tế đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, xây dựng, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội ban hành với tư tưởng đổi mới, phục vụ sự phát triển của đất nước, phù hợp với xu thế thời đại và quá trình hội nhập, bám sát chủ trương phát triển nền kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa của Đảng như các luật về doanh nghiệp, đầu tư, đầu tư công, quy hoạch, hợp tác xã...
 
Ba là, thực hiện tốt vai trò “tổng tham mưu trưởng”, chủ trì, điều phối, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan trung ương và địa phương, tổ chức tốt công tác theo dõi, nắm bắt tình hình, nghiên cứu, xây dựng, tham mưu các giải pháp, chính sách trong điều hành, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, ứng phó với các biến động của bối cảnh trong nước và quốc tế, duy trì và thúc đẩy đà tăng trưởng nhanh, bền vững của nền kinh tế.
 
Kể từ khi bắt đầu công cuộc đổi mới cho đến nay, Ngành Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu các giải pháp, chính sách điều hành nền kinh tế vượt qua các đợt khủng hoảng và suy thoái của kinh tế thế giới trong các năm 1997, 2008, 2011. Đặc biệt, trước tác động nghiêm trọng của đại dịch Covid-19 năm 2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nhanh chóng, chủ động, bám sát diễn biến tình hình, ngay từ đầu năm, đã xây dựng các kịch bản điều hành nền kinh tế, kiến nghị các giải pháp hỗ trợ nền kinh tế phục hồi và duy trì tăng trưởng, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo kịp thời, chính xác, hiệu quả các quyết sách nhằm thực hiện thành công mục tiêu kép, vừa kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19, vừa phục hồi và duy trì tăng trưởng nền kinh tế. Nhờ đó, Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao là một trong số ít các quốc gia không chỉ thành công trong kiểm soát dịch bệnh, mà còn đạt được kết quả tăng trưởng dương, đạt 2,91%.
 
Kính thưa các đồng chí Lãnh đạo và các vị khách quý,
 
Thật tự hào trong những thành tựu to lớn của đất nước, đã có sự đóng góp tích cực của Ngành Kế hoạch, Đầu tư và Thống kê, là cái nôi nuôi dưỡng và đóng góp cho Đảng, Nhà nước nhiều cán bộ Lãnh đạo kiệt xuất, như nguyên Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt, Phan Văn Khải. 75 năm qua, với vai trò là cơ quan tham mưu tổng hợp và hoạch định chiến lược của Đảng và Nhà nước, các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của toàn ngành luôn đề cao trách nhiệm chính trị, phát huy bản lĩnh, trí tuệ tập thể, không ngừng đổi mới tư duy, cộng hưởng tài năng và công sức, hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
 
Đặc biệt, trong nhiệm kỳ vừa qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự giám sát của Quốc hội và sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, toàn Ngành Kế hoạch, Đầu tư và Thống kê, với bản lĩnh, trí tuệ và sự đổi mới không ngừng nghỉ của mình, hơn lúc nào hết đã ngày càng khẳng định được vai trò “kiến trúc sư trưởng của nền kinh tế”. Ngành Kế hoạch, Đầu tư và Thống kê đã có những đóng góp không nhỏ trong công cuộc cải cách thể chế, tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, xây dựng và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh ngày càng thông thoáng, cởi mở, theo hướng kiến tạo phát triển; chủ động tham mưu, đề xuất những giải pháp, chính sách có tính chất nền tảng để nền kinh tế vững tin tiến về phía trước, nhất là Chiến lược quốc gia về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, xây dựng Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia...
 
Với sự nỗ lực, đóng góp quan trọng của Ngành Kế hoạch, Đầu tư và Thống kê, đất nước chúng ta đã vững bước trên con đường đổi mới, gặt hái được nhiều thành tựu quan trọng. Đến năm 2020, quy mô nền kinh tế nước ta đạt khoảng 343 tỷ USD và GDP bình quân đầu người đạt 3.521 USD.
 
Để ghi nhận những cống hiến to lớn và thành tích đặc biệt xuất sắc trong thời gian qua, hôm nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vinh dự và tự hào được đón nhận phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước, Huân chương Độc lập Hạng Nhất cùng các quyết định khen thưởng thành tích của các tập thể, cá nhân của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
 
Bộ Kế hoạch và Đầu tư ý thức được rằng, để có được những thành tựu như vậy, toàn ngành đã nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo đặc biệt của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các bộ, ban, ngành trung ương và địa phương, sự nỗ lực, cống hiến của các đồng chí lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư qua các thời kỳ, toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của toàn ngành Kế hoạch, Đầu tư và Thống kê, Sở Kế hoạch và Đầu tư và Ban Quản lý các Khu kinh tế, Khu công nghiệp ở các địa phương. Nhân dịp kỷ niệm 75 năm thành lập ngành, tôi xin được bày tỏ lời tri ân, lời cảm ơn chân thành nhất và lời chúc tốt đẹp nhất.
 
Kính thưa các đồng chí Lãnh đạo và quý vị khách quý,
 
Chúng ta đang chuẩn bị bước vào năm 2021, năm khởi đầu thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, đặt ra nhiều yêu cầu, đòi hỏi cấp thiết, vừa phải hoàn thành vượt mức các nhiệm vụ, mục tiêu của năm 2021, vừa làm tốt công tác chuẩn bị và sẵn sàng triển khai các nhiệm vụ trọng tâm của cả giai đoạn.
 
Nhiệm vụ, trọng trách đặt ra trong giai đoạn mới là hết sức nặng nề trong khi bối cảnh thế giới và trong nước trong giai đoạn mới ẩn chứa nhiều thách thức và cơ hội đan xen. Tuy nhiên, tiềm năng và cơ hội của đất nước còn rất to lớn. Bối cảnh phát triển mới, đặc biệt là bối cảnh “hậu Covid-19”, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, dòng thương mại và đầu tư quốc tế dịch chuyển mạnh mẽ, thời kỳ dân số vàng… cũng đang tạo ra thời cơ lớn để cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi số, chuyển đổi mô hình hướng tới tăng trưởng nhanh, bền vững và bao trùm. Nước ta đang có nền tảng tốt để chủ động hội nhập, tham gia sâu hơn vào mạng lưới sản xuất thế giới, lựa chọn các dự án FDI có chất lượng để tiến lên các nấc thang cao hơn trong các chuỗi giá trị toàn cầu. Cơ hội cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển đổi số cũng đang rộng mở, đặc biệt khi kinh tế không tiếp xúc, thương mại điện tử của Việt Nam đã tạo được những bước phát triển nhanh trong đại dịch.
 
Trước yêu cầu, vận mệnh và thời cơ của đất nước, Tôi đề nghị toàn thể cán bộ lãnh đạo, công chức, viên chức và người lao động ngành Kế hoạch, Đầu tư và Thống kê cần tiếp tục kết thừa và phát huy truyền thống quý báu 75 năm xây dựng và phát triển. Từng cán bộ ngành kế hoạch phải duy trì được bản lĩnh kiên định, dám nghĩ dám làm; phải bước đi tiên phong với tầm nhìn mới và tư duy đổi mới sáng tạo; phải giữ một cái đầu lạnh để có thể tỉnh táo nhận định tình hình, biến khó khăn, thách thức thành cơ hội; nhưng cũng cần một trái tim nóng để nêu cao tinh thần đoàn kết, không ngừng nỗ lực, khát vọng, biết đồng cảm, chia sẻ và cống hiến, hướng tới vì hạnh phúc của nhân dân và hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ được giao.
 
Với tất cả ý nghĩa đó, tôi đề nghị phương châm hành động chung toàn ngành Kế hoạch và Đầu tư trong giai đoạn tới là “Phát huy truyền thống đoàn kết, trí tuệ, bản lĩnh; nêu cao tinh thần trách nhiệm, kỷ cương, liêm chính, chủ động, sáng tạo, hiệu quả, thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị giai đoạn 2021-2025”.
 
Nhân dịp kỷ niệm 75 năm ngày thành lập ngành, tôi xin được bày tỏ lòng biết ơn tới sự quan tâm của các đồng chí Lãnh đạo, nguyên Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ; sự quan tâm, ủng hộ, phối hợp chặt chẽ của các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương đối với ngành Kế hoạch và Đầu tư trong suốt thời gian qua để chúng tôi tự tin, vững bước trên con đường mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó. Đồng thời, tôi xin gửi lời cảm ơn sâu sắc và chân thành nhất tới các thế hệ đi trước, những người đã tạo nên bản sắc, truyền thống, tinh thần của ngành Kế hoạch và Đầu tư. Chúng tôi, những thế hệ tiếp theo của ngành sẽ tiếp nối gìn giữ truyền thống vẻ vang đó, xứng đáng với lòng tin yêu của Đảng, Nhà nước và nhân dân dành cho, quyết liệt hành động để đóng góp, hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, sánh vai với các cường quốc năm châu như Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong muốn.
 
Trong thời điểm kết thúc năm 2020 và chuẩn bị bước sang năm mới 2021, thay mặt ngành Kế hoạch, Đầu tư và Thống kê, xin kính chúc Thủ tướng Chính phủ, các đồng chí Lãnh đạo, nguyên Lãnh đạo, các vị khách quý cùng toàn thể các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của ngành sức khỏe, hạnh phúc và thành công.
 
Xin trân trọng cảm ơn!
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top