Họp Ban chỉ đạo Tổng điều tra kinh tế năm 2021

06/01/2021 - 11:02 AM
Thực hiện Quyết định số 307/QĐ-TTg ngày 27 tháng 02 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức Tổng điều tra kinh tế năm 2021 và Quyết định số 752/QĐ-TTg ngày 03 tháng 6 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Ban chỉ đạo Tổng điều tra kinh tế Trung ương năm 2021, sáng ngày 06/01/2021, tại Hà Nội, Ban chỉ đạo Tổng điều tra Trung ương đã tổ chức họp triển khai phương án, nội dung chỉ tiêu phiếu điều tra, kế hoạch triển khai Tổng điều tra (TĐT).

Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Trưởng ban Ban chỉ đạo TĐT kinh tế Trung ương Nguyễn Chí Dũng tham dự và chủ trì buổi họp.

Tham dự buổi họp về phía Bộ Kế hoạch và Đầu tư (TCTK) có bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng TCTK, ông Nguyễn Trung Tiến Phó Tổng cục trưởng TCTK, các thành viên thuộc Tổ thường trực TĐT kinh tế Trung ương.

Về phía các bộ, ngành có các thành viên thuộc Ban chỉ đạo TĐT Trung ương và các thành viên Tổ thường trực Trung ương tại các bộ, ngành: Bộ Thông tin và Truyền Thông, Bộ Nội vụ, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, Bộ Khoa học và Công nghệ, Kho bạc Nhà nước, Tổng cục Thuế, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa…

 
Họp Ban chỉ đạo Tổng điều tra kinh tế năm 2021

 Trưởng ban Ban chỉ đạo TĐT TW Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại buổi họp
 
Phát biểu khai mạc tại buổi họp Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Trưởng ban Ban chỉ đạo TĐT kinh tế Trung ương Nguyễn Chí Dũng cho biết, Tổng điều tra kinh tế năm 2021 là một trong 3 cuộc Tổng điều tra hết sức quan trọng do ngành Thống kê thực hiện sẽ cung cấp số liệu toàn bộ các ngành kinh tế; giúp chúng ta nắm được quy mô GDP, cơ cấu từng ngành kinh tế trong GDP, làm tiền đề quan trọng cho việc tính toán số liệu GDP của toàn quốc và GRDP của mỗi địa phương. Điều đó có ý nghĩa hết sức to lớn đối với công tác tham mưu chiến lược của các Bộ, ngành và địa phương giúp Đảng và Nhà nước có được bức tranh kinh tế tổng thể của cả nước; nắm bắt được thực trạng của nền kinh tế nói chung và của từng ngành, từng địa phương, để từ đó định vị được từng ngành, từng địa phương đang ở đâu trong quá trình phát triển; xác định những tiềm năng, lợi thế cần phải khai thác; nhận diện được những rào cản, thách thức phải vượt qua; và quan trọng nhất là đưa ra được những quyết sách, chỉ đạo, điều hành phù hợp để phát triển nền kinh tế nhanh, bền vững.

Quy mô, nội dung của cuộc Tổng điều tra này có liên quan đến nhiều đối tượng điều tra khác nhau bao gồm tất cả các đơn vị kinh tế: Doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể, đơn vị sự nghiệp, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, hiệp hội, tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam. Bên cạnh đó, cuộc điều tra này đã được đổi mới theo hướng ứng dụng triệt để công nghệ thông tin, cải tiến về nội dung, quy trình, cách thức triển khai. Tuy nhiên, để hoàn thành cuộc Tổng điều tra theo đúng tinh thần tinh giảm và tiết kiệm tối đa, kinh phí triển khai thực hiện cuộc Tổng điều tra lần này đã được điều chỉnh giảm chỉ còn bằng 47% so với dự toán đã đề nghị. Theo tính toán, đây là mức kinh phí tối thiểu để hoàn thành cuộc Tổng điều tra, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng cũng cho biết, tính đến thời điểm hiện nay, tất cả các công việc chuẩn bị liên quan đến cuộc Tổng điều tra đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) cơ bản hoàn thành. Song do nội dung Tổng điều tra liên quan đến yêu cầu thông tin của nhiều Bộ, ngành, địa phương, công tác triển khai cần được thực hiện ngay từ tháng 01 năm 2021, Ban chỉ đạo Tổng điều tra yêu cầu các đơn vị liên quan có ý kiến đóng góp trọng tâm với các nội dung: Kế hoạch chi tiết thực hiện TĐT, nội dung thực hiện; kinh phí đảm bảo thực hiện; sự phối hợp giữa các Bộ ngành; công tác tuyên truyền… để Ban chỉ đạo thực hiện thành công cuộc Tổng điều tra theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

 
Họp Ban chỉ đạo Tổng điều tra kinh tế năm 2021 1

Tổng cục trưởng TCTK Nguyễn Thị Hương phát biểu tại buổi họp

Phát biểu tại buổi họp Tổng cục trưởng TCTK Nguyễn Thị Hương cho biết, TCTK với tư các là đơn vị thường trực của Ban chỉ đạo TĐT Trung ương đã nỗ lực trong việc đẩy mạnh ứng dụng triệt để công nghệ thông tin trong cuộc điều tra này, đây là điểm nhấn khẳng định sự quyết tâm hoàn thành tốt cuộc Tổng điều tra trên tinh thần tiết kiệm và đem lại hiệu quả cao nhất. Bên cạnh đó, với sự hội nhập hiện nay, TCTK đã triển khai và đẩy mạnh các hoạt động chuyên môn phù hợp xu thế chuyển đổi nền kinh tế số nhằm nâng cao chỉ số đổi mới sáng tạo quốc gia, chính vì vậy, khi kết thúc cuộc Tổng điều tra TCTK sẽ tổng hợp áp dụng và hoàn thành tốt việc báo cáo kết quả, đảm bảo thông tin phục vụ công tác hoạch định chính sách cũng như hoàn thiện bức tranh về tình hình kinh tế mỗi địa phương và toàn thể nền kinh tế đất nước.  
 
Họp Ban chỉ đạo Tổng điều tra kinh tế năm 2021 2

Phó Tổng cục trưởng TCTK, Tổ trưởng Tổ thường trực TĐT kinh tế TW Báo cáo công tác chuẩn bị TĐT và
kế hoạch công tác thời gian tới

Tại buổi họp, ông Nguyễn Trung Tiến, Phó Tổng cục trưởng, Tổ trưởng Tổ thường trực TĐT kinh tế Trung ương đã Báo cáo công tác chuẩn bị cho TĐT và kế hoạch công tác thời gian tới.

Với nhiều điểm mới và phức tạp trong quá trình thực tế và kết quả từ việc triển khai thí điểm, Tổ thường trực đã đề xuất một số nội dung sửa đổi Phương án Tổng điều tra kinh tế năm 2021 nhằm hoàn thiện phương án phù hợp hơn với quá trình triển khai thực tiễn của Tổng điều tra.

Buổi họp đã dành thời gian các đại biểu tham dự đóng góp ý kiến hoàn thiện phương án Tổng điều tra kinh tế năm 2021 và công tác tổ chức của từng Bộ, ngành để triển khai chính thức.

Kết luận tại buổi họp, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đánh giá cao sự nỗ lực chuẩn bị của Tổng cục Thống kê (cơ quan thường trực Tổng điều tra) và sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành trong việc hoàn thiện các tài liệu hướng dẫn, phiếu điều tra, kế hoạch triển khai,…

Với các ý kiến thảo luận tại cuộc họp, Bộ trưởng cũng đánh giá cao việc thực hiện nghiêm túc, trách nhiệm và đã nhận thức được mục đích, ý nghĩa của cuộc Tổng điều tra của các đại biểu.

Bộ trưởng yêu cầu cuộc TĐT cần được triển khai một cách đầy đủ, chính xác, kịp thời, phù hợp, tiết kiệm, hiệu quả, kế thừa những cách làm tốt, kinh nghiệm hay để mang lại kết quả tốt.

Để cuộc Tổng điều tra được tổ chức triển khai kịp thời, phù hợp tình hình, Bộ trưởng đề nghị các thành viên trong Ban chỉ đạo cần khẩn trương thực hiện các nội dung:

Tổng cục Thống kê: Tiếp tục rà soát và hoàn thiện các tài liệu Tổng điều tra; Tổ chức tốt, có chất lượng các lớp tập huấn nghiệp vụ các cấp ngay từ tháng 01/2021; Hoàn thiện kế hoạch chi tiết tổ chức thực hiện Tổng điều tra; Hướng dẫn quản lý, sử dụng kinh phí Tổng điều tra đảm bảo tiết kiệm, đúng quy định hiện hành; Bổ sung văn bản nhằm hoàn thiện công tác phối hợp tuyên truyền cùng Bộ Thông tin và Truyền thông. Lồng ghép các kế hoạch tập huấn, tuyên truyền cho phù hợp; Lập kế hoạch phân tổ kinh phí theo đúng chế độ và thời hạn quy định.

Các thành viên trong Ban Chỉ đạo và Tổ Thường trực: Căn cứ kế hoạch thực hiện Tổng điều tra, chủ động chỉ đạo, kiểm tra, giám sát quá trình triển khai.

Các Bộ, ngành cần tiếp tục chủ động thực hiện các công tác theo sự phân công liên quan đến chức năng của mỗi đơn vị. Theo đó, Bộ Tài chính: Chia sẻ dữ liệu hành chính về quản lý thuế cho TCTK; Phối hợp tuyên truyền Tổng điều tra trên Website của Tổng cục Thuế; Bố trí đủ kinh phí, kịp thời theo dự toán đảm bảo thực hiện Tổng điều tra.

Bộ Nội vụ: Chia sẻ dữ liệu kết quả điều tra cơ sở hành chính với Tổng cục Thống kê; Phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Thống kê hướng dẫn Bộ, ngành thu thập thông tin các đơn vị Sự nghiệp; Bám sát kế hoạch tập huấn và tuyên truyền của Ban Chỉ đạo Trung ương.

Bộ Quốc phòng, Bộ Công an: Sớm hoàn thiện phương án Tổng điều tra theo phương án của Ban Chỉ đạo Trung ương; Phối hợp với Tổng cục Thống kê hoàn thiện dự toán kinh phí; Tổ chức thu thập thông tin của các doanh nghiệp, đơn vị hành chính và sự nghiệp trực thuộc.

Bộ Thông tin và Truyền thông:  Phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ Tổng cục Thống kê trong công tác tuyên truyền Tổng điều tra; Đảm bảo an toàn, an ninh hệ thống mạng trong suốt quá trình thực hiện Tổng điều tra.

Các Bộ, ngành: Chỉ đạo Tổ công tác thực hiện thu thập thông tin của các đơn vị trực thuộc theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Trung ương./.
PV
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top