Hội nghị công bố kết quả nghiên cứu chuyên sâu của Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2019

18/12/2020 - 01:53 PM

Năm 2020 Tổng cục Thống kê (TCTK) đã thực hiện các nghiên cứu, phân tích chuyên sâu về các chủ đề dân số và phát triển bao gồm: Mức sinh, mất cân bằng giới tính khi sinh, già hóa dân số, di cư và đô thị hóa và dư báo dân số trong 50 năm (từ năm 2019-2069). Sáng ngày 18/12/2020, tại Hà Nội, TCTK và Quỹ dân số Liên hợp quốc (UNFPA) đã tổ chức Hội nghị công bố kết quả nghiên cứu chuyên sâu của Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2019 (TĐT năm 2019) do Tổng cục trưởng TCTK Nguyễn Thị Hương và bà Naomi Kitahara trưởng đại diện UNFPA chủ trì Hội nghị.

Tham dự Hội nghị có bà Lê Thị Yến, Ủy viên Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, đại biểu Quốc hội; các Phó Tổng cục trưởng TCTK: Phạm Quang Vinh, Nguyễn Trung Tiến;

Về khối Trung ương có đại diện Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Công an; Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Tư pháp; Bộ Nội vụ; Bộ Y tế; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Ủy ban Dân tộc; Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch; Ủy Ban quốc gia Vì sự tiến bộ của phụ nữ; Bảo hiểm xã hội; Viện hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam; Trường đại học Kinh tế quốc dân, đại diện lãnh đạo, công chức các đơn vị thuộc TCTK;

Về phía địa phương có đại diện lãnh đạo các cục thống kê tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

Về phía các tổ chức quốc tế có đại diện UNFPA, Tổ chức lao động quốc tế; Chương trình Liên hợp quốc về HIV/AIIDS, Văn phòng điều phối Thường trú Liên hợp quốc;  Chương trình phát triển Liên hợp quốc UNDP, Quỹ Nhi đồng liên hợp quốc, Cơ quan phụ nữ Liên hợp quốc; Tổ chức y tế thế giới; Tổ chức di dân quốc tế; Ngân hàng phát triển châu Á; Ngân hàng Thế giới; Tổ chức tiền tệ quốc tế; Liên minh châu Âu tại Việt Nam; đại sứ các nước; các chuyên gia trong nước và quốc tế về lĩnh vực dân số và phát triển; đại diện các cơ quan báo chí…

Hội nghị công bố kết quả nghiên cứu chuyên sâu của Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2019 

Tổng cục trưởng TCTK Nguyễn Thị Hương phát biểu khai mạc Hội nghi

Phát biểu khai mạc Hội nghi, Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương cho biết, TĐT năm 2019 được thực hiện theo Quyết định số 772QĐ - TTg ngày 26/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ. Đây là cuộc TĐT lần thứ 5 ở Việt Nam kể từ khi đất nước thống nhất vào năm 1975. Thông qua TĐT năm 2019, các thông tin cơ bản về dân số và nhân khẩu học của hơn 96,2 triệu người là nhân khẩu thực tế thường trú tại gần 26,9 triệu hộ dân cư trên toàn lãnh thổ Việt Nam đã được thu thập nhằm phục vụ công tác quản lý, hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và giám sát các mục tiêu phát triển bền vững mà Chính phủ Việt Nam đã cam kết thực hiện. Với sự quyết tâm và chỉ đạo sát sao của Ban Chỉ đạo TĐT năm 2019 các cấp từ Trung ương đến địa phương, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, TĐT năm 2019 đã đạt được kết quả với nhiều điểm mới mang tính đột phá. Đặc biệt việc ứng dung công nghệ thông tin đã được áp dụng triệt để trong tất cả các khâu của quá trình Tổng điều tra, góp phần nâng cao chất lượng số liệu, rút ngắn thời gian xử lý, công bố sớm kết quả Tổng điều tra và tiết kiệm cho ngân sách nhà nước. Kết quả TĐT năm 2019 đã được công bố vào ngày 19/12/2019, tiếp theo kết quả này, TCTK thực hiện nghiên cứu phân tích chuyên sâu một số chủ đề dân số, gồm: Mức sinh, mất cân bằng giới tính khi sinh, di cư và đô thị hóa, già hóa dân số, đồng thời dự báo dân số Việt Nam giai đọan 2019-2069. Những phát hiện chính từ nghiên cứu này nhằm tiếp tục cung cấp bằng chứng về thực trạng, xu hướng, các nhân tố ảnh hưởng tới dân số và đề xuất những kiến nghị nhằm đạt các mục tiêu phát triển bền vững.
 

Hội nghị công bố kết quả nghiên cứu chuyên sâu của Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2019 1

Tổng cục trưởng TCTK Nguyễn Thị Hương

và bà Naomi Kitahara trưởng đại diện UNFPA chủ trì Hội nghị.

Theo Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương, kết quả nghiên cứu chuyên sâu từ số liệu TĐT năm 2019, mức sinh của Việt Nam hiện nay duy trì quanh mức sinh thay thế sẽ tác động làm giảm tốc độ tăng dân số trong tương lại. Theo đó, dự báo tốc độ tăng dân số trong vòng 10 năm tới sẽ thấp hơn 1%/năm. Mặc dù vậy mức sinh giữa các vùng, miền và các nhóm dân số có sự khác biệt đáng kể, trong đó, mức sinh của một số dân tộc thiểu số còn rất cao. Cụ thể, dân tộc Mông là một trong 6 dân tộc ít người có quy mô dân số trên 1 triệu người có mức sinh cao nhất là 3, 59 con/phụ nữ. Trung du và miền núi phía Bắc và Tây Nguyên là các vùng có mức sinh cao nhất. Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long là hai vùng có mức sinh thấp nhất cả nước. Với thực trạng mức sinh, cơ cấu dân số cũng như tỷ số giới tính khi sinh cao như hiện nay cơ cấu dân số trong tương lai sẽ có sự thay đổi theo hướng già hóa và thiếu hụt nam giới ở một số nhóm tuổi.

 Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương cho biết, dự báo cho thấy nếu tỷ số giới tính khi sinh vẫn giữ nguyên như hiện nay nam giới từ 15-49 tuổi sẽ dư thừa so với nữ giới cùng nhóm tuổi vào năm 2034 là khoảng 1,5 triệu người, năm 2059 sẽ chênh lệch là 2,5 triệu người. Ngoài ra, dự báo dân số cũng đã được thực hiện theo ba phương án: Trung bình, thấp và cao. Dựa trên ba kịch bản về sự thay đổi mức sinh gắn với kịch bản về tử vong và kịch bản về di cư. Dự báo theo phương án trung bình, đến năm 2030 Việt Nam sẽ kết thúc thời kỳ cơ cấu dân số vàng. Dự báo thời kỳ dân số già sẽ kéo dài trong 28 năm (giai đoạn từ năm 2026-2054), sau đó là thời kỳ dân số rất già (giai đoạn 2055-2069). Điều này sẽ tác động lớn đến nguồn lực lao động cũng như các vấn đề xã hội mới nảy sinh. Những thông tin này cung cấp các bằng chứng quan trọng làm cơ sở cho việc xây dựng và hoạch định chính sách phát triển kinh tế-xã hội của đất nước trong thời gian tới.
Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương cho biết, để có được những thông tin đầu vào giá trị quý báu và thiết thực, TCTK đã nhận được sự hợp tác và hỗ trợ của UNFPA  nói chung và thực hiện các nghiên cứu, phân tích chuyên sâu số liệu TĐT năm 2019 nói riêng. Nhân dịp này, Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương đã cảm ơn sự đóng góp quý báu của các chuyên gia, cán bộ các văn phòng UNFPA tại Việt Nam trong quá trình biên soạn hoàn thiện các ấn phẩm cũng như các Bộ, ban, ngành, các công chức, viên chức trong toàn ngành Thống kê đã tham gia nhiệt tình trách nhiệm trong toàn bộ quá trình thực hiện TĐT năm 2019.

Hội nghị công bố kết quả nghiên cứu chuyên sâu của Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2019 2 

 

Bà Naomi Kitahara trưởng đại diện UNFPA phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, bà Naomi Kitahara trưởng đại diện UNFPA cho biết, Hội nghị công bố kết quả này có thể tiếp cận tới số liệu TĐT năm 2019 thông qua trang dữ liệu TĐT 2019 và kho dữ liệu của TCTK. Những số liệu này được phân tổ tới các cấp địa phương. Bên cạnh đó, các dự báo dân số cũng đã được xây dựng đến năm 2069. Theo bà Naomi Kitahara chủ đề mức sinh tại Việt Nam hiện đang thu hút rất nhiều sự quan tâm. Kết quả TĐT năm 2019 khẳng định tỷ suất sinh của Việt Nam ổn định ở dưới mức sinh thay thế một chút, hiện tại là 2,09 con/phụ nữ. Điều này một lần nữa cho thấy sự xem xét kịp thời của Chính phủ Việt Nam trong việc chuyển hướng công tác dân số, từ dân số kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển theo Chương trình Nghị sự 2030 về phát triển bền vững. Về vấn đề mức sịnh, bà Naomi Kitahara kêu gọi moi người quan tâm tới tỷ suất sinh đặc trưng của nhóm nữ tuổi vị thành niên từ 10-19 tuổi với tỷ suất là 11 con /1.000 phụ nữ. So với năm 2016 thì tỷ suất này thấp hơn (19 con/1.000 phụ nữ). Năm 2016, tỷ suất sinh đặc trưng của nhóm tuổi vị thành niên của Việt Nam cao thứ 5 trong các quốc gia Đông Nam Á (sau Lào, Phi-líp-phin, Cam–pu- chia và In – đô - nê- sia). Điều này cần phải tăng cường đầu tư để có thể đáp ứng nhu cầu về kế hoạch hóa gia đình và các biện pháp tránh thai hiện đại trong nhóm trẻ vị thành niên ở Việt Nam. Cần đặc biệt quan tâm đến chất lượng dịch vụ sức khỏe tình dục và sức khỏe sinh sản cho thanh thiếu niên, đảm bảo các em được tiếp cận tới các dịch vụ này để đưa ra các quyết định của mình. Về vấn đề già hóa dân số, kết quả TĐT năm 2019 cho thấy dân số Việt Nam già hóa với tốc độ nhanh chưa từng thấy, cả nước có 11,4 triệu người cao tuổi từ 60 tuổi trở lên, chiếm 11,86% tổng dân số và chỉ số già hóa dân số tăng từ 35,9% vào năm 2009 lên 48,8% vào năm 2019. Theo bà Naomi Kitahara, chúng ta cần nhấn mạnh một xu hướng mới - “nữ hóa” dân số cao tuổi, nghĩa là đa số người cao tuổi là phụ nữ. Thêm vào đó ngay càng nhiều người cao tuổi sống một mình. Điều này đã trở thành một vấn đề xã hội và cần nhận được sự quan tâm của cả xã hội…

Bà Naomi Kitahara cho rằng các phân tích chuyên sâu này đã xác nhận tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh đáng kể tại Việt Nam. Vấn đề này được phát hiện lần đầu 15 năm trước. Theo ước tính, tỷ lệ giới tính khi sinh tại Việt Nam năm 2019 là 111,5 trẻ em trai trên 100 trẻ em gái trong khi mức sinh “bình thường” theo tự nhiên và sinh học là 105 trẻ em trai trên 100 trẻ em gái. Việt Nam có tỷ lệ giới tính khi sinh cao thứ ba trên thê giới và có những bằng chứng thuyết phục cho thấy đây là kết quả của sự lựa chọn giới tính thai nhi trên cơ sở giới. Thậm chí, theo ước tính dựa trên tình hình hiện tại, Việt Nam thiếu hụt khoảng 45.900 trẻ sơ sinh gái mối năm, tương đương 6,2% tổng số bé gái sinh ra năm 2019. Việc lựa chọn giới tính thai nhi chủ yếu xuất phát từ tâm lý ưu thích con trai đã ăn sâu vào văn hóa truyền thống tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Lựa chọn giới tính trên cơ sở giới là hành vi cần phải ngăn chặn xét từ góc độ quyền con người và bình đẳng giới. Không chỉ vậy, mất cân bằng giới tính khi sinh cũng sẽ sớm ảnh hưởng đến tình trạng hôn nhân trong dân số Việt Nam - hiện tượng mà các nhà nhân khẩu học gọi là “sức ép hôn nhân”, đồng thời cũng khiến mức sinh giảm sâu hơn nữa. Bởi vậy, bà Naomi Kitahara cho rằng, cần huy động những nỗ lực mạnh mẽ hơn nữa trên toàn quốc để triển khai các khung pháp lý và chính sách hướng đến phòng, chống thực hành lựa chọn giới tính trên cơ sở giới, coi trọng giá trị của trẻ em gái và thúc đẩy bình đẳng giới nói chung.

Tại Hội nghị, bà Naomi Kitahara nhấn mạnh UNFPA đã có nhiều năm hợp tác thành công với TCTK trong việc triển khai các cuộc TĐT Dân số và nhà ở kể từ năm 1979. Bà Naomi Kitahara tin tưởng rằng những quốc gia có dữ liệu tin cậy, độc lập và chất lượng là những quốc gia thành công về phát triển văn hóa-xã hội. UNFPA sẵn sàng tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực này với chương trình quốc gia hiện tại và hơn thế nữa.

 Hội nghị công bố kết quả nghiên cứu chuyên sâu của Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2019 3

 

Các đại biểu tham dự Hội nghị

Một số phát hiện chính dựa trên các nghiên cứu như:

Về mức sinh cho thấy trong vòng 30 năm qua đã giảm gần một nửa: Tổng tỷ suất sinh (TFR) giảm từ 3,80 con/phụ nữ vào năm 1989 xuống còn 2,09 con/phụ nữ vào năm 2019. Việt Nam vẫn duy trì mức sinh ổn định ở mức thay thế trong hơn một thập kỷ qua với xu hướng sinh 2 con vẫn là phổ biến. Kết quả này tiếp tục khẳng định, Việt Nam đã thực hiện thành công chương trình Dân số kế hoạch hóa gia đình đối với mục tiêu giảm sinh.

Về tỷ số giới tính khi sinh (TSGTKS) năm 2019 là 111, 5 bé trai/100 bé gái cho thấy có sự mất cân bằng giới tính khi sinh rất cao. TSGTKS bắt đầu tăng tại Việt Nam vào các năm 2004, đã đạt mức 112 bé trai/100 bé gái sau năm 2010 và chững lại từ đó đến nay. TSGTKS ở Việt Nam cao hơn mức sinh học tự nhiên (104-106 bé trai/100 bé gái) cho thấy có khoảng 45.900 trẻ em gái bị thiếu hụt năm 2019. Số lượng trẻ em gái thiếu hụt chiếm 6,2% số lượng trẻ em gái sinh ra. Mức độ mất cân bằng giới tính khi sinh hiện tại sẽ ảnh hưởng đến cơ cấu dân số trong tương lai như dư thừa số lượng nam thanh niên. Dự báo cho thấy, nếu TSGTKS vẫn giữ nguyên như hiện nay, số nam giới từ 15-49 tuổi sẽ dư thừa năm 2034 là 1,5 triệu người, năm 2059 là 2,5 triệu người; nếu TSGTKS giảm nhanh và đạt mức bình thường vào năm 2019 thì số nam giới từ 15-49 tuổi sẽ dư thừa vào năm 2034 là 1,5 triệu người, năm 2059 là 1,8 triệu người.

Về di cư và đô thị hóa: Cả nước có 6,4 triệu người từ 5 tuổi trở lên là người di cư, chiếm 7,3% tổng dân số, thấp hơn so với năm 2009 (6,7 triệu người di cư, chiếm  chi8,5% dân số). Nữ giới vẫn chiếm tỷ lệ cao hơn nam giới trong tổng dân số di cư nhưng sự khác biệt này đang dần thay đổi theo hướng cân bằng. phần lớn người di cư thuộc nhóm tuổi trẻ từ 20-39 tuổi (chiếm 61,8% tổng số người di cư).

Về dự báo dân số giai đoạn 2019-2069, theo phương án trung bình, dự báo dân số Việt Nam năm 2029 là 104,5 triệu người, năm 2039 là 110,8 triệu người và đến năm 2069 là 116,9 triệu người. Trong 5 năm đầu của thời kỳ dự báo 2019-2024, tỷ lệ tăng dân số hàng năm của nước ta là 0,93%. Trong tương lai, dự báo tỷ lệ tăng dân số sẽ tiếp tục giảm và đạt trạng thái “dừng” vào cuối thời kỳ dự báo, giai đoạn 2064-2069.

Tỷ số giới tính sẽ tăng nhanh trong giai đoạn 2019-2029. Theo phương án trung bình, dự báo đến năm 2026 dân số nam bằng dân số nữ (tỷ số giới tính đạt mức 100 năm/100 nữ); đến năm 2069, tỷ số giới tính của Việt Nam là 101,4 năm/100 nữ. Theo phương án này dự báo dân số từ 65 tuổi trở lên sẽ vượt 15% tổng dân số vào năm 2039. Dự báo, đây là thời điểm chấm dứt thời kỳ cơ cấu dân số vàng đã xuất hiện và tồn tại ở Việt Nam từ năm 2007

Giai đoạn 2026-2039, Việt Nam vẫn trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng nhưng tỷ trọng dân số từ 65 tuổi trở lên đã tăng và đạt trên 10% vào năm 2026 bước vào thời kỳ dân số già. Dự báo thời kỳ dân số già sẽ kéo dài trong 28 năm (giai đoạn 2026-2054), tương ứng với tỷ trọng dân số từ 65 tuổi trở lên chiếm từ 10,2% đến 19,9%. Sau đó là thời kỳ cơ cấu dân số rất già (giai đoạn 2055-2069) tương ứng với tỷ trọng dân số  từ 65 tuổi trở lên chiếm từ 20% đến dưới 30%.

Theo phương án trung bình đến năm 2030, Việt Nam sẽ có khoảng 50% dân số sống ở khu vực thành thị; đến năm 2069, tỷ lệ dân số sống ở khu vực thành thị chiếm 64,8%.

 Hội nghị công bố kết quả nghiên cứu chuyên sâu của Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2019 4

 

Toàn cảnh Hội nghị

Tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe về các kết quả: Phân tích mức sinh; già hóa dân; tỷ số giới tính khi sinh; di cư và đô thị; trang dữ liệu TĐT và xem trình chiếu các video và video infographic về mức sinh; tỷ số giới tính khi sinh; di cư đô và đô thị hóa tại Việt Nam. Hội nghị cũng đã dành thời gian trả lời các câu hỏi và những chia sẻ của đại biểu tham dự Hội nghị.

Phát biểu kết thúc Hội nghị, Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương khẳng định, trong một buổi sáng làm việc tích cực và hiệu quả, Hội nghị đã hoàn thành tất cả các nội dung trong chương trình đã đề ra với 7 bài trình bày và 2 phiên thảo luận về các vấn đề quan trọng liên quan đến dân số. Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương bày tỏ tin tưởng các kết quả công bố ngày hôm nay sẽ là những thông tin hữu ích, kịp thời phục vụ quá trình thực hiện chính sách cũng như các chỉ đạo điều hàng của các cấp, các ngành để thực hiện các mục tiêu về dân số và phát triển như đã đề ra trong Nghị quyết số 21 của Ban Chấp hành Trung ương khóa 12 ngày 25/10/2017 về công tác dân số trong tỉnh. Ngoài ra, thông tin về các kho dữ liệu TĐT sẽ giúp việc tiếp tục tiếp cận thông tin của người dùng tin được thuận tiện và dễ dàng hơn. Trong khuôn khổ hạn hẹp về thời gian của Hội nghị, Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương bày tỏ mong muốn sẽ tiếp tục nhận được các ý kiến trao đổi của đại biểu về các nội dung của Hội nghị trong thời gian tới./.

M.T

 

 

 

 
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top