Hội nghị giao ban trực tuyến ngành Kế hoạch và Đầu tư năm 2020

28/07/2020 - 12:19 PM
Sáng 28/8, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức Hội nghị giao ban trực tuyến ngành Kế hoạch và Đầu tư nhằm sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ giải pháp 6 tháng cuối năm.
 
Tới dự Hội nghị, tại điểm cầu Hà Nội có Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; các Thứ trưởng: Trần Quốc Phương, Võ Thành Thống; lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ. Tại điểm cầu địa phương có sự tham gia của 9 Chủ tịch UBND, 31 Phó Chủ tịch UBND các tỉnh, đại diện một số sở, ngành tại các địa phương...
 
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu rõ tình hình kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm vừa qua rất khó khăn và tiếp tục khó khăn trong các tháng cuối năm. Chính phủ đưa ra các giải pháp tập trung thực hiện trong các tháng cuối năm, trong đó có nhiều việc liên quan đến ngành Kế hoạch và Đầu tư với mục tiêu tìm giải pháp đạt được tốc độ tăng trưởng cao nhất có thể, đây sẽ làm đà phát triển kinh tế xã hội cho các năm tiếp theo.
Hội nghị giao ban trực tuyến ngành Kế hoạch và Đầu tư năm 2020
 
Tại Hội nghị giao ban, các đại biểu đã nghe 3 báo cáo tham luận của đại diện các cơ quan thuộc Bộ về một số nội dung: Báo cáo tóm tắt kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành 6 tháng đầu năm 2020; báo cáo Hướng dẫn công tác xây dựng kế hoạch 2021 và giai đoạn 2021-2025; báo cáo về công tác thể chế; công tác quy hoạch.
 
Báo cáo tóm tắt kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành 6 tháng đầu năm 2020 nêu rõ, ngay khi bước vào kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ động theo dõi, cập nhật sát tình hình, kịp thời phân tích đặc điểm, tính chất và ảnh hưởng của dịch bệnh, dự báo xu hướng tác động của dịch bệnh; đánh giá ảnh hưởng và tác động của dịch Covid-19 tới phát triển kinh tế - xã hội, tới các ngành, lĩnh vực và tăng trưởng kinh tế. Trên cơ sở đó, Bộ đã chủ động phối hợp với các bộ, cơ quan trung ương, địa phương tham mưu trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhiều giải pháp hiệu quả, kịp thời trong công tác chỉ đạo, điều hành kế hoạch phát triền kinh tế xã hội.
 
Đánh giá 6 tháng đầu năm 2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nỗ lực phấn đấu và cơ bản hoàn thành các công việc theo chức năng, nhiệm vụ được giao; đã trình Quốc hội thông qua 3 luật và 3 Nghị quyết; tập trung triển khai thực hiện tốt và hoàn thành các nhiệm vụ do Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ giao trong chương trình công tác cũng như giao bổ sung. 100% các đề án, báo cáo do Bộ chủ trì xây dựng được thực hiện đúng hạn, công tác triển khai đều bám sát các chương trình hành động của Chính phủ thực hiện các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, luôn lấy người dân và doanh nghiệp làm đối tượng phục vụ với chủ đề hành động của Chính phủ “kỷ cương, liêm chính, hành động, trách nhiệm, sáng tạo, hiệu quả”.
Hội nghị giao ban trực tuyến ngành Kế hoạch và Đầu tư năm 2020 1
Tập thể lãnh đạo các đơn vị thuộc cơ quan Tổng cục Thống kê
dự Hội nghị trực tuyến Ngành Kế hoạch và Đầu tư năm 2020

 
Báo cáo cũng nêu rõ một số nhiệm vụ, giải pháp chỉ đạo điều hành 6 tháng cuối năm, tập trung một số nội dung chủ yếu: (1) Theo dõi sát diễn biến tình hình kinh tế xã hội tổng hợp, phân tích, dự báo, kịp thời tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp chỉ đạo, điều hành. (2) Tiếp tục tập trung triển khai hướng dẫn thi hành Luật quy hoạch, Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư (sửa đổi), Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư; phối hợp hiệu quả trong tham mưu, đề xuất các giải pháp phát huy vai trò của các vùng kinh tế trọng điểm, các cực tăng trưởng và các đô thị lớn. (3) Chủ động hướng dẫn, phối hợp với các Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương xây dựng các báo cáo trình cấp có thẩm quyền theo quy định. (4) Tiếp tục thực hiện tốt vai trò là cơ quan thường trực của Tiểu ban kinh tế xã hội và Tổ biên tập của Tiểu ban kinh tế xã hội chuẩn bị xây dựng chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021-2030 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021-2025. (5) Thực hiện tốt vai trò Tổ trưởng Tổ điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ. (6) Chuẩn bị báo cáo hàng tháng, quý phục vụ phiên họp Chính phủ thường kỳ, các cuộc họp Hội đồng tư vấn chính sách... (7) Theo dõi, giám sát, đôn đốc, tổng hợp và tham mưu đề xuất với Thủ tướng, Thủ tướng Chính phủ những giải pháp phù hợp nhằm thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của Chính phủ.
 
Tại Hội nghị giao ban, các đại biểu đã được nghe một số tham luận của các địa phương về thực hiện một số nội dung chủ yếu thực hiện nhiệm vụ tại địa phương và những kiến nghị đề xuất liên quan đến công tác kế hoạch và đầu tư, như: Hải Phòng, Cần Thơ, Lào Cai, Vĩnh Phúc, Đồng Nai, Thừa Thiên Huế, TP. Hồ Chí Minh, Đắc Lắc.
 
Cũng tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo Cục Đấu thầu, Vụ Kinh tế đối ngoại, Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân đã trả lời kiến nghị của một số địa phương liên quan đến công tác đấu thầu, giải ngân vốn ODA (gia hạn thẩm định, gia hạn giải ngân, giải ngân theo cơ chế tài chính trong nước, giải ngân theo kết quả...) và các vấn đề cấp bách liên quan đến đầu tư công ( xây dựng kế hoạch đầu tư trung hạn 2021-2025, điều chuyển vốn đầu tư công năm 2020...).
 
Kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đánh giá, 6 tháng vừa qua kinh tế xã hội trong nước khó khăn trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tốc độ tăng trưởng kinh tế của cả nước không cao nhưng cũng thể hiện nỗ lực rất lớn, và ngành Kế hoạch và Đầu tư đã đóng góp vào thành công chung của cả nước. Bộ trưởng đánh giá cao nỗ lực của toàn ngành, với việc thực hiện được nhiều việc trong công tác tham mưu trúng, đúng và kịp thời; chủ động đánh giá, phân tích, dự báo tình hình; có sự phối hợp tốt của các Bộ, ngành…
 
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng nhấn mạnh nhiệm vụ giải pháp trong điều hành 2020 cần tập trung một số nội dung: Hoàn thiện thể chế, phổ biến các quy định mới của pháp luật; tiếp tục rà soát, cắt giảm triệt để các thủ tục hành chính ở các cấp, các ngành, địa phương; tập trung đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công; theo dõi sát tình hình, chủ động xây dựng các kịch bản tăng trưởng, tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong công tác quản lý, điều hành; về thu hút đầu tư FDI, các địa phương cần chủ động xúc tiến đầu tư, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thu hút đầu tư, rà soát cam kết của các nhà đầu tư; tập trung thực hiện tốt công tác quy hoạch; công tác thống kê chuẩn bị tốt Tổng điều tra kinh tế năm 2021, tiếp tục nghiên cứu đổi mới phương pháp thu thập sản xuất số liệu thống kê đảm bảo có số liệu nhanh chóng, kịp thời, chính xác, hiệu quả.../.
 
P.V
 

 

 

 

 

 

 

 
 
 

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top