Hội thảo tính Chỉ số phát triển con người (HDI) tại Việt Nam

30/03/2022 - 11:34 AM

Với mong muốn hoàn thiện phương pháp tính và cung cấp số liệu HDI với chất lượng cao nhất, sáng ngày 30/3/2022, tại Hà Nội, Tổng cục Thống kê (TCTK) đã tổ chức Hội thảo tính Chỉ số phát triển con người (HDI) tại Việt Nam. Tổng cục trưởng TCTK Nguyễn Thị Hương chủ trì hội thảo.

Tham dự hội thảo tại điểm cầu trực tiếp có Phó Tổng cục trưởng TCTK Nguyễn Trung Tiến;  ông Trần Kim Đồng, chuyên gia kinh tế, nguyên Vụ trưởng Vụ Thống kê Tổng hợp TCTK. Bà Đỗ Lê Như Ngọc, Trợ lý trưởng đại diện Cơ quan thường trú Chương trình phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam; đại diện lãnh đạo và chuyên viên một số đơn vị liên quan thuộc TCTK; đại diện một số Bộ, ban, ngành.

Tại điểm cầu trực tuyến có ông Vũ Quang Việt, chuyên gia kinh tế, nguyên Vụ trưởng Vụ Tài khoản Quốc gia Liên hợp quốc;

 Hội thảo trực tuyến Lấy ý kiến chuyên gia tính chỉ số phát triển con người

Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương chủ trì hội thảo

Phát biểu khai mạc hội thảo Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương cho biết, chỉ số phát triển con người (HDI) là một trong những chỉ tiêu tổng hợp, đo lường sự phát triển kinh tế - xã hội của một quốc gia, vùng lãnh thổ hay một địa phương do Chương trình phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) khởi xướng từ năm 1990 và đang được nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ và tổ chức quốc tế tính toán, công bố thường xuyên.

Trong những năm gần đây, TCTK đã biên soạn, công bố HDI của cả nước trong Niên giám thống kê và một số sản phẩm thông tin thống kê khác. HDI do TCTK biên soạn, công bố được các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế tin cậy, sử dụng. Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương cho biết, phát huy kết quả đạt được, TCTK chủ trì, phối hợp với Cục Thống kê các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Thống kê Bộ, ngành và sự hỗ trợ kỹ thuật từ UNDP lần đầu tiên TCTK đã tiến hành biên soạn Báo cáo “Chỉ số phát triển con người Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020”.

Tại Hội thảo, Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương mong muốn nhận được sự đóng góp ý kiến của các chuyên gia, các nhà nghiên cứu và các đơn vị liên quan để Báo cáo Chỉ số HDI ngày càng được nâng cao hơn, đồng thời qua các ý kiến đóng góp sẽ là cơ sở giúp ban soạn thảo Báo cáo hoàn thiện hướng nghiên cứu, tính toàn chỉ số HDI cho những năm tiếp theo.

Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương đánh giá cao đơn vị chủ trì đã nghiêm túc thực hiện, đến nay TCTK đã có tài liệu Báo cáo về chỉ số phát triển con người của Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020. Sau hội thảo, Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương cho biết sẽ có những chia sẻ kết quả và xin ý kiến rộng hơn để một lần nữa chính thức đề xuất sử dụng để có thể đánh giá hoặc xếp hạng các tỉnh, thành phố với chỉ tiêu tổng hợp.

 Hội thảo trực tuyến Lấy ý kiến chuyên gia tính chỉ số phát triển con người 1

Toàn cảnh Hội thảo

Tại hội thảo, các đại biểu đã nghe đại diện lãnh đạo Vụ Thống kê Dân số và Lao động trình bày Báo cáo kết quả thực hiện biên soạn Báo cáo Chỉ số phát triển con người của Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020.

Theo đó, trong giai đoạn 2016 - 2020, kinh tế - xã hội của cả nước nói chung và sự phát triển con người nói riêng đạt được những thành tựu quan trọng. Chỉ số tổng hợp HDI đã tăng từ  0,682 năm 2016 lên 0,687 năm 2017; 0,693 năm 2018; 0,703 năm 2019 và 0,706 năm 2020. Nhờ đạt được sự gia tăng liên tục qua các năm, Việt Nam đã từ nhóm trung bình những năm 2016 - 2018 lên nhóm cao trong năm 2019 - 2020. Thứ hạng HDI của Việt Nam tăng từ vị trí 118 năm 2016; 119 năm 2017 và 118 năm 2018 lên vị trí 117 năm 2019 trong tổng số 180 quốc gia, vùng lãnh thổ thế giới.

Đáng chú ý Báo cáo cũng chỉ ra rằng với mức độ khác nhau, tăng trưởng HDI đều có sự đóng góp của cả 3 Chỉ số thành phần cấu thành do các Chỉ số này cũng đạt được tốc độ tăng. Cụ thể, chỉ số sức khỏe tăng từ 0,822 năm 2016 lên 0,826 năm 2020; Chỉ số giáo dục tăng từ 0,618 lên 0,640; Chỉ số thu nhập tăng từ 0,624 lên 0,664. Tất cả 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều có HDI năm 2020 cao hơn năm 2016. Theo tiêu chuẩn phân nhóm HDI của UNDP, năm 2020 đã có 24 địa phương được xếp vào nhóm có HDI đạt mức cao.

Bên cạnh kết quả đạt được, Báo cáo cũng chỉ ra thực trạng HDI của Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020 còn bộc lộ một số vấn đề cần xử lý, khắc phục như: Mức độ tăng và tốc độ tăng HDI của cả nước và hầu hết các địa phương đều thấp. Năm 2020, HDI cả nước đạt 0,706, chỉ tăng 0,024 so với năm 2016 với tốc độ tăng bình quân mỗi năm 0,9%. HDI của một số địa phương, trong đó có các thành phố lớn, các trung tâm công nghiệp, dịch vụ có dấu hiệu chững lại. Sự đóng góp của các Chỉ số thành phần vào cấu thành HDI đều thấp, đặc biệt là Chỉ số giáo dục. Những năm 2016 - 2020, HDI của Việt Nam mới đạt mức bình quân của khu vực, xếp thứ 7/11 quốc gia Đông Nam Á. HDI giữa các địa phương có sự chênh lệch lớn và khoảng cách chênh lệch chậm được thu hẹp.

Qua kết quả tính toán và phân tích HDI cả nước những năm 2016 - 2020, trong Báo cáo TCTK cũng đưa ra 3 kiến nghị: (1) HDI là thước đo tổng hợp, đánh giá toàn diện kết quả phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Do vậy, HDI phải được xác định là một trong những chỉ tiêu chủ yếu trong chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả nước cũng như của từng địa phương. Đồng thời đòi hỏi có một hệ thống các giải pháp đồng bộ và triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả; đặc biệt là các giải pháp tăng cường dịch vụ y tế, giáo dục vì các lĩnh vực này liên quan trực tiếp đến phát triển con người. Trong y tế, cần tập trung nâng cao năng lực y tế dự phòng, y tế cơ sở và y tế gia đình. Trong giáo dục, cần nhanh chóng khắc phục tình trạng số năm đi học kỳ vọng đang ở mức thấp và tăng chậm hiện nay. Trong lĩnh vực kinh tế, mặc dù đã được kiềm chế, nhưng lạm phát trong nền kinh tế Việt Nam vẫn ở mức cao; cần có giải pháp vĩ mô ổn định giá trị đồng nội tệ. Theo đó, nâng cao sức mua tương đương trong so sánh quốc tế nói chung và quy đổi GNI bình quân đầu người tính Chỉ số thu nhập cấu thành HDI nói riêng. Đây cũng là giải pháp góp phần nâng cao thu nhập thực tế của dân cư; (2) Trong thời gian tới, TCTK sẽ tăng cường biên soạn và công bố Chỉ số phát triển con người (HDI) và Báo cáo phát triển con người (HDR) của cả nước và 63 địa phương. Ngoài nỗ lực của TCTK, rất cần sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành, địa phương trong việc thu thập, tổng hợp đầy đủ thông tin đầu vào biên soạn HDI và HDR. Trong đó, có việc thu thập thông tin biên soạn GNI trên địa bàn 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, sớm khắc phục giải pháp tình thế tính Chỉ số thu nhập của các địa phương dựa trên GDRP quy đổi như trong Báo cáo này. Mặt khác, TCTK hy vọng Cơ quan Thống kê các quốc gia, các Tổ chức quốc tế tiếp tục hợp tác, hỗ trợ cập nhật, hoàn thiện phương pháp tính HDI theo thông lệ và tiêu chuẩn quốc tế, phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam; (3) Báo cáo phát triển con người của Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020 có một số khác biệt về số liệu HDI của Việt Nam so với HDR hàng năm của UNDP; chủ yếu do các tổ chức quốc tế cung cấp số liệu đầu vào cho UNDP chưa cập nhật số liệu chính thức hoặc số liệu điều chỉnh của TCTK. Tuy nhiên, khác biệt không lớn và chỉ xảy ra trong năm 2016 - 2017. TCTK đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế thống nhất sử dụng những thông tin HDI đã thu thập, tổng hợp trong Báo cáo này và đóng góp ý kiến để các Báo cáo phát triển con người của Việt Nam tiếp theo đáp ứng tốt hơn nhu cầu thông tin về HDI của các đối tượng sử dụng.

Hội thảo đã dành thời gian để các chuyên gia đóng góp ý kiến vào việc tính toán chỉ số thu nhập và thảo luận cho ý kiến vào tính chỉ số phát triển con người. Các đại biểu đánh giá cao kết quả tính toán và số liệu trong báo cáo TCTK đưa ra cũng như tính thống nhất và phương pháp luận với thế giới.

Phát biểu tại hội thảo, bà Đỗ Lê Như Ngọc, Trợ lý trưởng đại diện Cơ quan thường trú Chương trình phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam cho biết, UNDP đề cao việc tính và biên soạn Báo cáo Chỉ số phát triển con người của Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020 của TCTK đã sử dụng phương pháp tính thống nhất với UNDP. Theo bà Đỗ Lê Như Ngọc, năm 2021 UNDP phối hợp với TCTK trong tổ chức thu thập và công bố kết quả Báo cáo nghèo đa chiều qua đó góp phần có những chính sách kịp thời để phục hồi phát triển kinh tế - xã hội. Do đó UNDP mong muốn báo cáo chỉ số HDI có thể giúp định hướng các chính sách ở cấp Trung ương và địa phương trong tăng cường khả năng chống chịu các đại dịch và có thể là những “cú sốc” về kinh tế trong tương lại.

Về quốc tế, thời gian gần đây, UNDP trên toàn cầu mong muốn đánh giá đại dịch Covid -19 có ảnh hưởng đến chỉ số con người như thế nào. Trên thực tế, ảnh hưởng của đại dịch Covid - 19 tác động tới cả 3 chỉ số về sức khỏe, giáo dục và thu nhập, do đó UNDP dùng lăng kính bình đẳng xã hội để đánh giá chỉ số HDI bị ảnh hưởng như thế nào. Từ thực tế này, UNDP kiến nghị TCTK có thể xem xét nghiên cứu hướng đánh giá tác động Covid -19 đến chỉ số phát triển con người.
 

Hội thảo trực tuyến Lấy ý kiến chuyên gia tính chỉ số phát triển con người 2

Phát biểu tại hội thảo, Phó tổng cục trưởng Nguyễn Trung Tiến cảm ơn ý kiến đóng góp tâm huyết của các chuyên gia, các nhà nghiên cứu và đại biểu để giúp Tổ Biên soạn thấy được những việc đã làm được và những việc cần tiếp tục hoàn thiện trong thời gian tới trong đó chỉ tiêu thu nhập cần được hoàn thiện.  Phương pháp tính chỉ số phát triển con người theo hướng tìm phương án sát với phương pháp tính của quốc tế.

Kết thúc hội thảo, Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương đánh giá cao sự chủ động nghiên cứu của ban soạn thảo và những ý kiến đóng góp tâm huyết của các chuyên gia, các nhà nghiên cứu và các đại biểu trong tính chỉ số phát triển con người. Tính chỉ số phát triển con người không mới nhưng là công việc khó. Về mặt ký luận TCTK thống nhất tiếp cận tối đa đến quy chuẩn hoặc phương pháp và cách thức triển khai để hướng đến tối đa phương pháp luận của quốc tế trên cơ sở khai thác mọi điều kiện thực tiễn ở Việt Nam.

Thời gian tới, Vụ Thống kê Dân số và Lao động về mặt lý luận tiếp tục củng cố và nghiên cứu để đảm bảo theo đúng chuẩn của quốc tế ở cả chỉ tiêu cấp quốc gia và cấp tỉnh; đánh giá đúng thực trạng Việt Nam trong thời gian tới và rà soát thông tin đầu vào; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan trong TCTK về các chỉ tiêu có liên quan. Về thực tiễn cấp quốc gia cần bổ sung thêm so sánh theo chuỗi thời gian với quốc tế. Đối với UNDP, Tổng cục trưởng mong muốn UNDP tiếp tục đồng hành cùng TCTK củng cố thêm kỹ thuật tính toán giúp TCTK có thêm tài liệu cũng như kinh nghiệm quốc tế để TCTK đưa ra phương án phù hợp./.

M.T

 


Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top