Đoàn cấp cao Tổng cục Thống kê tham dự Kỳ họp lần thứ 54 của Ủy ban Thống kê Liên hợp quốc

03/03/2023 - 08:45 PM
Từ ngày 28/02 đến 03/3/2023, đoàn cấp cao của Tổng cục Thống kê (TCTK) do Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương làm trưởng đoàn đã tham dự Kỳ họp lần thứ 54 của Ủy ban thống kê Liên hợp quốc (UNSC54) tại Mỹ. Cùng tham dự cuộc họp có đại diện một số lãnh đạo đơn vị thuộc Tổng cục.

Ủy ban thống kê Liên hợp quốc (UNSC) là cơ quan cao nhất trong hệ thống thống kê quốc tế có nhiệm vụ xây dựng và phê duyệt tiêu chuẩn thống kê toàn cầu. Hằng năm UNSC tổ chức cuộc họp thường niên tuy nhiên trong các năm 2021 và 2022, kỳ họp phải tổ chức theo hình thức trực tuyến do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Tại kỳ họp lần thứ 54 của Ủy ban thống kê Liên hợp quốc (UNSC54) năm nay, các đại biểu tập trung thảo luận và thông qua 28 nội dung nghiệp vụ nổi bật như: Báo cáo về chỉ tiêu Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững (SDG), Chương trình xây dựng năng lực thống kê, phân ngành và phương thức làm việc của Ủy ban thống kê Liên hợp quốc.

Cũng tại kỳ họp UNSC54, đại diện của Đoàn Việt Nam đã phát biểu tham luận về 04 nội dung. Cụ thể:
 
(1) Nội dung về Điều tra hộ gia đình:
 
Cuộc Khảo sát mức sống hộ gia đình ở Việt Nam được Thống kê Việt Nam tiến hành thu thập thông tin hằng năm, kết quả điều tra nhằm biên soạn các chỉ tiêu thống kê phục vụ đánh giá mức sống, trình trạng nghèo đói của người dân.

Trong những năm gần đầy, Thống kê Việt Nam đã ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong thu thập, xử lý và lưu giữ dữ liệu các cuộc điều tra; phương pháp sử dụng phiếu giấy đã được thay thế hoàn toàn bằng Web-form và CAPI. Hiện nay, việc phổ biến dữ liệu vi mô và ứng dụng phương pháp thống kê mới cũng đang được Thống kê Việt Nam quan tâm.

(i) Về phổ biến dữ liệu vi mô: cần tuân theo Luật Thống kê, bên cạnh đó việc bảo mật và sử dụng thông tin cần được kiểm soát chặt chẽ để đảm bảo người sử dụng dữ liệu vi mô cẫn hiểu chính xác, đầy đủ về dữ liệu và đảm bảo tính bảo mật khi sử dụng.

(ii) Về ứng dụng phương pháp ước lượng nhỏ: Thống kê Việt Nam đã sử dụng phương pháp này trong một số nghiên cứu (bản đồ nghèo, thu nhập cấp huyện), tuy nhiên độ tin cậy của phương pháp này chưa cao.

Cơ quan Thống kê Việt Nam đưa ra một số đề xuất: Nâng cao năng lực nhằm cải tiến phương pháp luận điều tra hộ gia đình đáp ứng nhu cầu thông tin mới; Hỗ trợ xây dựng cơ sở dữ liệu vi mô từ các cuộc điều tả thống kê; Chia sẻ kinh nghiệm trong điều tra hộ gia đình giữa các quốc gia thu nhập trung bình và trong khu vực.

 
Đoàn cấp cao Tổng cục Thống kê tham dự Kỳ họp lần thứ 54 của Ủy ban Thống kê Liên hợp quốc
Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương thay mặt đoàn đại biểu Việt Nam phát biểu tại Kỳ họp UNSC54

(2) Nội dung về Tài khoản quốc gia:
Thống kê Việt Nam đánh giá việc Hệ thống tài khoản quốc gia (SNA) 2025 nghiên cứu bổ sung hoạt động kinh tế số là rất phù hợp với xu thế phát triển hiện nay trên thế giới khi CMCN 4.0 đang diễn ra với tốc độ rất nhanh, mạnh và lan tỏa ngày càng rộng; kết hợp với tác động của đại dịch Covid-19 làm thay đổi các thói quen, phương thức kết nối truyền thống… khiến sự chuyển đổi sang các phương thức kết nối, truyền thông, giao dịch, kinh doanh,… trên nền tảng công nghệ số đang nhanh như vũ bão.

Việt Nam đã xây dựng và ban hành Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Từ năm 2022, Chính phủ Việt Nam đã rất tích cực đẩy mạnh triển khai hoạt động chuyển đổi số trên cả nước. Ngày 10/10 hằng năm đã được Thủ tướng Chính phủ chọn là Ngày Chuyển đổi số quốc gia. Sự kiện này đã thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong công cuộc phát triển kinh tế xã hội trên nền tảng công nghệ số, bắt kịp xu thế phát triển của thế giới và hướng tới nền kinh tế số, xã hội số và công dân số hiệu quả và lành mạnh.

Đồng hành với Chính phủ Việt Nam, Tổng cục Thống kê đang triển khai nghiên cứu các tài liệu của UNSD, OECD và các tổ chức quốc tế khác nhằm nắm bắt và đo lường kinh tế số. Cơ quan Thống kê VIệt Nam cũng đang nỗ lực tiếp cận kinh tế số theo hướng dẫn của OECD để có cái nhìn bao quát, tổng thể; đồng thời cũng đặt mục tiêu lượng hóa được đóng góp của kinh tế số trong kết quả tăng trưởng kinh tế của Việt Nam nói riêng. Đây là một bài toán khó và thách thức vì Thống kê Việt Nam sẽ phải triển khai rất nhiều công việc; đặc biệt là hình thành khung lý thuyết mới, hệ thống thông tin phù hợp với bối cảnh kinh tế và năng lực thống kê của Việt Nam.

(3) Nội dung về Xây dựng năng lực thống kê:

Nhu cầu đối với dữ liệu thống kê ngày càng nhiều, số liệu phân tổ chi tiết, phải phục vụ kịp thời đòi hỏi các cơ quan thống kê quốc gia phải hiện đại hóa công tác thống kê thông qua tăng cường năng lực. Trong bối cảnh đó, Việt Nam ủng hộ đề xuất cần tiến hành phân tích sâu về các chương trình phát triển năng lực mục tiêu dựa trên các khung năng lực hiện có và mô hình trưởng thành, báo cáo kết quả đạt được tại Kỳ họp lần thứ 56 của Ủy ban Thống kê.

Cơ quan Thống kê Việt Nam mong muốn tiếp tục nhận được các hỗ trợ từ phía UNSD, các đối tác phát triển để giúp Việt Nam hoàn thiện môi trường thể chế, làm cơ sở cho việc tăng cường sử dụng dữ liệu hành chính, các nguồn dữ liệu mới như big data, dữ liệu viễn thám, block chain, thông tin không gian địa lý …  Đồng thời, tổ chức thêm nhiều khóa đào tạo cả bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến hoặc kết hợp cả hai để tăng cường năng lực cho đội ngũ công chức của Thống kê Việt Nam.
 
Đoàn cấp cao Tổng cục Thống kê tham dự Kỳ họp lần thứ 54 của Ủy ban Thống kê Liên hợp quốc
Toàn cảnh kỳ họp UNSC54

(4) Nội dung về Khung đảm bảo chất lượng thống kê

Cơ quan Thống kê Việt Nam đánh giá cao các công việc do Nhóm Chuyên gia về Khung bảo đảm chất lượng quốc gia đã thực hiện trong 02 năm qua, đồng thời nhất trí với các đề xuất hoạt động của nhóm trong 02 năm tới 2023-2024 để hỗ trợ xây dựng và triển khai khung bảo đảm chất lượng ở các quốc gia.

Việt Nam vinh dự là một trong 22 quốc gia thành viên hiện tại của Nhóm Chuyên gia và đã thể hiện vai trò tích cực trong việc chủ động xây dựng Khung bảo đảm chất lượng thống kê ở Việt Nam. Ngày 05/01/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Bộ tiêu chí chất lượng thống kê nhà nước đến năm 2030 gồm 19 tiêu chí với 92 nội dung tiêu chí. Bộ tiêu chí được xây dựng dựa trên Khung chung bảo đảm chất lượng thống kê quốc gia (gNQAF) của Ủy ban Thống kê Liên hợp quốc và các nguyên tắc hoạt động thống kê của hệ thống thống kê ASEAN. Tiếp theo đó, ngày 09/12/2022, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện Bộ tiêu chí. Đây là những căn cứ quan trọng để thực hiện Khung bảo đảm chất lượng thống kê ở Việt Nam.

Trong thời gian tới, Cơ quan Thống kê Việt Nam sẽ tiếp tục nỗ lực học hỏi kinh nghiệm và những hướng dẫn từ Nhóm Chuyên gia cũng như kinh nghiệm từ các quốc gia khác trên thế giới để triển khai thực hiện có hiệu quả Khung bảo đảm chất lượng thống kê tại Việt Nam./.
PV

 

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top