Thực hiện Quyết định số 307/QĐ-TTg ngày 27 tháng 02 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức Tổng điều tra kinh tế năm 2021; Quyết định số 1245/QĐ-TTg ngày 05 tháng 8 năm 2020 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (TCTK) về việc tiến hành Điều tra thí điểm năm 2020 của Tổng điều tra kinh tế năm 2021. Ngày 25/9/2020, Tổng cục Thống kê (TCTK) tổ chức Hội nghị tập huấn nghiệp vụ điều tra thí điểm Tổng điều tra kinh tế năm 2021.
Hội nghị được tổ chức trực tiếp tại Trụ sở của TCTK và kết nối trực tuyến với 4 Cục Thống kê thực hiện điều tra thí điểm (Hà Nội, Hải Phòng, Phú Yên, Tiền Giang).
Tổng cục trưởng TCTK Nguyễn Thị Hương tham dự và chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị có Phó Tổng cục trưởng TCTK Nguyễn Trung Tiến; đại diện lãnh đạo và công chức các đơn vị liên quan thuộc TCTK; lãnh đạo các Cục Thống kê, tổ công tác cấp tỉnh, các giám sát viên và công chức của các Cục Thống kê tại 4 điểm cầu.
Tổng cục trưởng TCTK Nguyễn Thị Hương phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị
Phát biểu khai mạc tại Hội nghị, Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương cho biết, mục đích của cuộc điều tra thí điểm lần này nhằm hoàn thiện phương án Tổng điều tra kinh tế năm 2021, triển khai thử nghiệm các nội dung: Xác định và nhận dạng đối tượng điều tra, đơn vị điều tra; Rà soát, lập danh sách đơn vị điều tra; Thiết kế phiếu điều tra; tổ chức thực hiện và cơ chế phối hợp, phân công nhiệm vụ giữa các cấp, các ngành, các đơn vị có liên quan; Nội dung các chỉ tiêu điều tra dự kiến bổ sung và sửa đổi kết cấu phiếu điều tra; Quy trình và phương pháp điều tra; Ứng dụng công nghệ thông tin trong thu thập dữ liệu; Xác định các định mức kinh phí phù hợp cho từng công việc của Tổng điều tra kinh tế năm 2021.
Theo Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương, mặc dù đây là lần thứ 6 ngành Thống kê tổ chức tiến hành Tổng điều tra Kinh tế (các lần trước là TĐT Kinh tế, hành chính, sự nghiệp) nhưng cuộc Tổng điều tra Kinh tế lần này có những yêu cầu đòi hỏi cao hơn. Theo đó, Tổng điều tra cần đảm bảo tính khả thi về nội dung điều tra, đáp ứng yêu cầu tổng hợp chỉ tiêu thống kê quốc gia theo Luật Thống kê năm 2015, chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, huyện, xã, số liệu chính thức theo đơn vị địa bàn, chuyên ngành thống kê; Đảm bảo tính khả thi, hiệu quả trong hoạt động thu thập, xử lý thông tin theo hướng ứng dụng triệt để công nghệ thông tin trong tất cả các công đoạn của Tổng điều tra; Kế thừa, phát huy những ưu điểm và khắc phục những mặt hạn chế về công tác chuyên môn, tổ chức thực hiện của các kỳ Tổng điều tra trước đây.
Để đảm bảo chương trình tập huấn đạt hiệu quả, Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương yêu cầu: Các đơn vị nghiệp vụ với tư cách là giảng viên cần có sự trình bày rõ ràng, cụ thể, đặc biệt phải đưa ra các lưu ý trong quá trình điều tra thí điểm; các giảng viên tại 2 Trung tâm tin học khu vực I và II cần trình bày chi tiết các bước trong việc quản lý luồng thông tin, phân quyền, giám sát, kiểm soát số liệu…
Các thành viên tham dự tập huấn tại 4 điểm cầu cần có sự tập trung, nghiêm túc, đảm bảo đầy đủ đúng thời gian, đúng thành phần. Nghiên cứu kỹ tài liệu trình bày của các báo cáo viên và có ý kiến góp ý giúp cho việc triển khai thực tế đạt yêu cầu tốt nhất. Bám sát hướng dẫn, quy định trong phương án để chỉ đạo tổ chức, triển khai tại cơ sở (từ 01-07/10), từ đó có những đề xuất, kiến nghị nhằm hoàn thiện các quy trình, các bảng hỏi… để Ban chỉ đạo Trung ương hoàn thiện các phụ lục của phương án chính thức.
Tại Hội nghị, các đại biểu được nghe trình bày Phương án điều tra thí điểm Tổng điều tra kinh tế năm 2021. Theo đó, phạm vi điều tra của điều tra thí điểm sẽ điều tra trên địa bàn 04 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Hà Nội, Hải Phòng, Phú Yên và Tiền Giang đối với một số đơn vị điều tra được chọn thuộc doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp trên địa bàn hành chính cấp tỉnh, hoạt động trong các ngành kinh tế từ ngành A đến ngành S theo Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam (VSIC 2018).
Hội nghị cũng dành thời gian cho các đại biểu thảo luận về những nội dung liên quan đến cuộc Điều tra này./.
T.H