Họp trực tuyến về Xây dựng Văn kiện Dự án cho Chương trình Quốc gia 10

16/09/2021 - 02:29 PM

Nhằm trình bày và thảo luận về Chương trình Quốc gia lần thứ 10 (CP10), 2022-2026 và quá trình xây dựng và phê duyệt Văn kiện dự án, sáng ngày 16/9/2021, tại Hà Nội, Quỹ dân số Liên hợp quốc (UNFPA) và Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đã tổ chức Họp trực tuyến về Xây dựng Văn kiện Dự án cho Chương trình Quốc gia 10. Bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện UNFPA Việt Nam và Ông Dương Hùng Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế Đối ngoại Bộ KH&ĐT đồng chủ trì cuộc họp.

Tham dự họp có đại diện Bộ KH&ĐT; nhân viên UNFPA và đại diện các Bộ Y tế, Bộ Nội vụ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Hội Nông dân Việt Nam.

Tại điểm cầu Tổng cục Thống kê (TCTK) có Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Trung Tiến cùng lãnh đạo các vụ liên quan trực thuộc cơ quan TCTK.

 Họp trực tuyến về Xây dựng Văn kiện Dự án cho Chương trình Quốc gia 10

Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Trung Tiến tại cuộc họp

Phát biểu khai mạc, bà Naomi Kitahara, trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam đã trình bày tổng quan quá trình xây dựng chương trình văn kiện Quốc gia 10. Theo bà Naomi Kitahara, dựa trên kết quả phân tích chung về Việt Nam, dựa trên kết quả đánh giá giữa kỳ của chương trình quốc gia số 9, chương trình hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Quỹ dân số Liên hợp quốc được xây dựng theo định hướng kế hoạch chiến lược toàn cầu của Quỹ dân số Liên hợp quốc trong giai đoạn mới 2022-2025, nhằm góp phần đạt 3 mục tiêu đột phá gồm: Không có ca tử vong mẹ và các ca tử vong đó có thể phòng tránh được; Không có nhu cầu nào về kế hoạch hóa gia đình mà không được đáp ứng; Không có bạo lực dựa trên cơ sở mới nào và các thực hành có hại. Ngoài ra, chương trình quốc gia số 10 hợp tác giữa UNFPA và Chính phủ Việt Nam còn được xây dựng dựa trên khung hợp tác phát triển bền vững của một Liên hợp quốc tại Việt Nam. Chương trình quốc gia số 10 được xây dựng với 6 đầu ra và đóng góp vào 2/4 kết quả và được thống nhất giữa các tổ chức Liên hợp quốc và Chính phủ Việt Nam của khung hợp tác phát triển bền vững của Liên hợp quốc.

Bà Naomi Kitahara cho rằng, Chương trình quốc gia 10 có nền móng vững chắc dựa trên tình hình thực tế của Việt Nam. Hiện, Việt Nam đã trở thành quốc gia có thu nhập trung bình, biến đổi nhân khẩu học, tình hình già hóa dân số gia tăng. Chương trình quốc gia 10 cũng được xây dựng nhằm ứng phó với những thay đổi và cách thức trong các lĩnh vực như: Sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục, phát triển thanh niên, giá hóa dân số, bạo lực trên cơ sở giới và các thực hành có hại. Nhu cầu về số liệu cho xây dựng chính sách và sự sẵn sàng ứng phó với các tình huống khủng hoảng nhân đạo.

 Họp trực tuyến về Xây dựng Văn kiện Dự án cho Chương trình Quốc gia 10 1

Toàn cảnh cuộc họp trực tuyến

Hiện, văn kiện chương trình quốc gia 10 đã được Ủy ban thẩm định của Quỹ dân số Liên hợp quốc toàn cầu thông qua với số điểm cao là 92.50/100 điểm. Tại Hội thảo, bà Naomi Kitahara gửi lời cảm ơn tới Bộ KH&ĐT đã hướng dẫn quá trình tham vấn với các Bộ, ngành và trợ giúp cho quá trình phê chuẩn của Phó Thủ tướng Chính phủ.

Ông Dương Hùng Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế Đối ngoại, Bộ KH&ĐT cho biết, đây là Hội thảo quan trọng trong bối cảnh chương trình văn kiện hợp tác quốc gia lần thức 10 đã được chính thức thông qua về mặt nguyên tắc. Qua đó làm cơ sở để các cơ quan liên quan của Chính phủ Việt Nam trao đổi với UNFPA có những chương trình, những hỗ trợ kỹ thuật của UNFPA hỗ trợ cho Chính phủ thực hiện những nhiệm vụ, nhu cầu đặt ra đối với Việt Nam trong các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021 và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (giai đoạn 2021- 2025) và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội hàng năm. Ông Dương Hùng Cường hy vọng tất cả các dự án trong chương trình quốc gia 10 của UNFPA hỗ trợ cho Chính phủ Việt Nam hết năm 2026 sẽ đạt từ 92,5%. Nhân dịp này, ông Dương Hùng Cường cũng bày tỏ cảm ơn sự đồng hành của UNFPA với Bộ KH&ĐT trong thời gian qua.

Tại cuộc họp, các đại biểu đã nghe trình bày về các nội dung như: Giới thiệu Chương trình lần thứ 10 hợp tác giữa UNFPA và Chính phủ Việt Nam giai đoạn 2022-2026 và nghe trình bày thảo luận về các dự án thành phần; Quá trình xây dựng văn kiện dự án kế hoạch từ nay đến cuối năm.

 Họp trực tuyến về Xây dựng Văn kiện Dự án cho Chương trình Quốc gia 10 2

Các đại biểu tham dự cuộc họp tại điểm cầu TCTK

Theo dự án, đầu ra của chương trình là tăng cường xây dựng chính sách và chương trình dựa trên bằng chứng và đảm bảo quyền, bao gồm cả phân bổ ngân sách và giám sát, thông qua sản xuất, phân tích và sử dụng số liệu.  

Các chỉ số đầu ra 3 gồm: Có các chính sách và chiến lược về dân số và phát triển phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế; Số lượng các cuộc điều tra/nghiên cứu về dân số được thực hiện phục vụ việc ra quyết định và giám sát SDGs; Số lượng các tài liệu chính sách dựa trên bằng chứng được xây dựng và sử dụng cho việc vận động tăng cường huy động nguồn lực trong nước và tài chính công cho ICPD ở cấp quốc gia và địa phương.

Các can thiệp chiến lược của đầu ra 3 là: Nâng cao năng lực thu thập, phân tích và phổ biến dữ liệu về các vấn đề dân số và SKSS&TD; Trang bị cho các nhà hoạch định chính sách kiến ​​thức và kỹ năng về sử dụng nguồn dữ liệu mới; Khai thác các nguồn dữ liệu mới (các cuộc điều tra mới, dữ liệu lớn, dữ liệu hành chính của ngành và liên ngành), truyền thông và quản lý dữ liệu để hỗ trợ xây dựng chính sách dân số dựa trên bằng chứng, đồng thời có thể được sử dụng trong các hoạt động ứng phó thiên tai và biến đổi khí hậu; Tăng cường năng lực của các cơ quan trong việc sử dụng dữ liệu để xây dựng chính sách dựa trên bằng chứng; Cung cấp bằng chứng hiệu quả đầu tư cho SKSS&TD, đặc biệt củng cố hệ thống quản lý tài chính công ở cấp địa phương để đảm bảo phân bổ và chi đủ ngân sách cho SKSS&TD.

Các can thiệp đề xuất để đạt được kết quả 3 của Chương trình gồm: Nâng cao năng lực thu thập, phân tích và phổ biến dữ liệu về các vấn đề dân số và SKSS&TD; Trang bị cho các nhà hoạch định chính sách kiến ​​thức và kỹ năng về sử dụng nguồn dữ liệu mới: Khai thác các nguồn dữ liệu mới; Tăng cường năng lực của các cơ quan trong việc sử dụng dữ liệu để xây dựng chính sách dựa trên bằng chứng: e) Cung cấp bằng chứng về hiệu quả đầu tư cho SKSS&TD, đặc biệt củng cố hệ thống quản lý tài chính công ở cấp địa phương để đảm bảo phân bổ và chi đủ ngân sách cho SKSS&TD.

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Tổng cục trưởng TCTK Nguyễn Trung Tiến đã cảm ơn sự quan tâm của UNFPA đối với 3 thành phần hỗ trợ, trong đó có hỗ trợ sử dụng công nghệ mới. Theo Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Trung Tiến đây là 3 thành phần hỗ trợ rất thiết thực đối với TCTK và đã được TCTK đưa vào chiến lược phát triển TCTK trong giai đoạn tới. TCTK cũng cam kết sẽ thực hiện các công việc do UNFPA hỗ trợ sẽ đạt kết quả.

Kết thúc cuộc họp, ông Dương Hùng Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế Đối ngoại, Bộ KH&ĐT cảm ơn lãnh đạo các Bộ ngành và các đơn vị liên quan đã tham gia cuộc họp và trao đổi thảo luận rất chi tiết về cách thức triển khai thực hiện dự án hỗ trợ không hoàn lại của UNFPA; Cảm ơn UNFPA, các nhà tài trợ của Liên hợp quốc đã luôn đồng hành, hỗ trợ cho Chính phủ không chỉ về nguồn lực, vật chất và các tham mưu về chính sách giúp các cơ quan quản lý nhà nước của Chính phủ hoàn thành nhiệm vụ đã được đề ra trong các chiến lược phát triển - kinh tế xã hội 10 năm (giai đoạn 2021-2030), cũng như kế hoạch phát triển - kinh tế xã hội (giai đoạn 2021-2025) đã được Đại hội Đảng thông qua.

Trong quá trình thực hiện chương trình hợp tác quốc gia lần thứ 10 của Chính phủ và UNFPA, Bộ KH&ĐT mong muốn tiếp tục nhận được sự hợp tác hỗ trợ của UNFPA và các cơ quan liên quan của Chính phủ. Đặc biệt trong quá trình triển khai đề nghị các cơ quan chủ quản, các chủ dự án phối hợp tích cực với UNFPA và các cơ quan liên quan, các đơn vị liên quan của Bộ KH&ĐT có sự tham gia góp ý để các khoản viện trợ không hoàn lại của UNFPA được triển khai thực hiện hiệu quả thiết thực đối với quá trình phát triển kinh tế-xã hội đất nước.

Ông Lê Bạch Dương, Trưởng đại diện Hỗ trợ, UNFPA Việt Nam cam kết sẽ nỗ lực để hỗ trợ các đối tác và phối hợp với Bộ KH&ĐT hoàn thành chương trình hợp tác quốc gia lần thứ 10. Trước mẳt UNFPA mong muốn hoàn thành nhiệm vụ có các văn kiện dự án chính thức được phê duyệt trong thời gian tới./.

M.T

 

 


Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top