Thực trạng công tác quản trị, giám hộ dữ liệu tại Tổng cục Thống kê

16/08/2023 - 02:05 PM
Tổng cục Thống kê (TCTK) là cơ quan thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư quản lý nhà nước về thống kê, điều phối hoạt động thống kê, tổ chức các hoạt động thống kê và cung cấp thông tin thống kê kinh tế - xã hội cho các cơ quan, tổ chức và cá nhân theo quy định của pháp luật.

Để thực hiện nhiệm vụ, TCTK tổ chức xây dựng hệ thống dữ liệu, quản lý và sử dụng cơ sở dữ liệu thống kê theo hướng tập trung thống nhất; kết nối dữ liệu từ nhiều nguồn thông tin, quản trị dữ liệu theo mô hình chiều dọc (ngành dọc Thống kê) và chiều ngang (với các Bộ, ngành).

Hoạt động thống kê (trong đó có quản lý hệ sinh thái, quản trị và giám hộ dữ liệu) được thực hiện theo quy định của các luật: Luật Thống kê; Luật Công nghệ thông tin; Luật An toàn thông tin và các văn bản hướng dẫn thực hiện.
 
Vai trò của cơ quan quản lý nhà nước về thống kê, điều phối hoạt động thống kê, quản trị và giám hộ dữ liệu thống kê đã được quy định trong Luật Thống kê. Việc xây dựng Hệ thống cơ sở dữ liệu thống kê quốc gia tuân thủ các quy định tại Nghị định 47/2020/NĐ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước; quy định tại Nghị định số 85/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ về bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ có quy định chi tiết về tiêu chí, thẩm quyền, trình tự, thủ tục xác định cấp độ an toàn hệ thống thông tin và trách nhiệm bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo từng cấp độ; và tuân thủ theo Kiến trúc Chính phủ điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư phiên bản 2.0[1]

Thiết lập hệ thống và cơ sở hạ tầng
 
Để thực hiện chức năng nhiệm vụ được giao theo quy định của Luật Thống kê và các văn bản quy phạm pháp luật, TCTK tham mưu giúp Bộ trưởng, Thủ tướng Chính phủ ban hành, Tổng cục trưởng ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện hoạt động thống kê, trong đó đã thiết lập và thực hiện mô hình quản trị dữ liệu tại TCTK. Theo đó, thực hiện mô hình quản trị dữ liệu tập trung, phân quyền quản lý theo ngành dọc phù hợp với cơ cấu tổ chức của Ngành với ba cấp và các nhóm: Nhóm Lãnh đạo cấp cao; Nhóm Lãnh đạo quản lý dữ liệu; Nhóm thực hiện quản lý dữ liệu (gồm: Cục TTDL và các Vụ nghiệp vụ thuộc TCTK; Một số phòng thuộc 63 Cục Thống kê tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; 578 Chi cục Thống kê, Chi cục Thống kê khu vực tại 705 quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh).
 
Thực trạng công tác quản trị, giám hộ dữ liệu tại Tổng cục Thống kê 1
Bà Vũ Thị Thu Thủy, Cục trưởng Cục Thu thập dữ liệu và Ứng dụng CNTT thống kê (TCTK) cho biết
TCTK đã thiết lập và thực hiện mô hình quản trị dữ liệu tập trung, phân quyền quản lý theo ngành dọc

Xây dựng mô hình kết nối, chia sẻ dữ liệu thống kê, dữ liệu hành chính giữa các bộ, ngành, địa phương từ cấp bộ, cấp tỉnh đến cấp xã, TCTK đã phối hợp với các bộ, ngành và địa phương triển khai thực hiện công tác thống kê trong hệ thống tổ chức thống kê tập trung, thống kê bộ, ngành và địa phương, thống kê nước ngoài và hợp tác quốc tế. Trong đó, thực hiện xây dựng Luật Thống kê và các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật; công tác phương pháp chế độ thống kê; tổ chức triển khai thu thập thông tin, kết nối, chia sẻ dữ liệu; đào tạo nâng cao trình độ thống kê.
 
Thực trạng công tác quản trị, giám hộ dữ liệu tại Tổng cục Thống kê
Mô hình kết nối, chia sẻ dữ liệu của TCTK

TCTK đồng thời xây dựng và thực hiện các đề án, dự án nhằm xây dựng hệ thống quản lý hệ sinh thái, quản trị và giám hộ dữ liệu, gồm: Các đề án thuộc Chiến lược Phát triển Thống kê Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045; Các dự án:  Xây dựng Hệ thống công nghệ thông tin phục vụ chế độ báo cáo cấp bộ; chế độ báo cáo cấp tỉnh, huyện, xã tần suất nhanh (trực tuyến) phục vụ công tác quản lý điều hành từ trung ương đến địa phương; Trung tâm dữ liệu thống kê quốc gia.

Về hệ thống hạ tầng, dữ liệu thống kê được hình thành từ nhiều nguồn thông tin bao gồm dữ liệu vi mô từ các cuộc điều tra, tổng điều tra thống kê; dữ liệu hành chính; các chế độ báo cáo thống kê. Dữ liệu thống kê được tích hợp để thiết lập nên Hệ thống dữ liệu thống kê quốc gia (cơ sở dữ liệu thống kê quốc gia) và được quản lý tập trung tại Tổng cục Thống kê.

Để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, Tổng cục Thống kê đã trang bị hạ tầng công nghệ thông tin và nâng cấp dần từ năm 2000 đến nay. Trong đó, 03 Trung tâm máy chủ được đặt tại trụ sở Tổng cục Thống kê, Thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Đà Nẵng. Bên cạnh đó, mỗi Cục Thống kê được trang bị 01 máy chủ (2 loại: máy chủ vật lý và máy chủ ảo hóa) đảm bảo vận hành hệ thống quản lý hoạt động Ngành và quản trị dữ liệu của toàn hệ thống từ trung ương đến địa phương.

Một số kết quả đạt được

- Về hoạt động quản lý điều hành trong công tác thống kê, TCTK thực hiện chuyển đổi số trong công tác quản lý điều hành thông qua việc sử dụng hệ thống quản lý văn bản số và ứng dụng chứng thư số chuyên dùng; hệ thống chỉ đạo, điều hành; hệ thống họp trực tuyến kết nối từ trung ương tới cấp huyện với 344 điểm cầu (5 điểm cầu tại trụ sở cơ quan Tổng cục, 69 điểm cầu cấp tỉnh, các Trung tâm, Trường, Viện và 270 điểm cầu đến cấp huyện).

Hệ thống chỉ đạo, điều hành của Tổng cục Thống kê bao gồm các phần mềm/ứng dụng (phiên bản chạy trên website và phiên bản chạy trên các thiết bị di động) giúp Lãnh đạo Tổng cục, Lãnh đạo các đơn vị, công chức, viên chức, người lao động trong toàn Ngành theo dõi, đánh giá, quản lý công việc, hội nghị, hội thảo, phòng họp, kiến nghị, đi công tác địa phương, tài liệu và danh bạ điện thoại điện tử; đồng thời hệ thống cũng tư liệu hóa toàn bộ quy trình chỉ đạo, điều hành phục vụ công tác tra cứu của toàn Ngành.

- Về hoạt động sản xuất thông tin thống kê, trên 80% các cuộc điều tra thống kê do hệ thống thống kê tập trung thực hiện đã ứng dụng phiếu điều tra điện tử giúp xây dựng hệ thống dữ liệu và quản lý dữ liệu điều tra được nhanh chóng, kịp thời, chính xác và minh bạch hơn. Mặc dù dữ liệu điều tra đã được quản lý tập trung tại Trung tâm máy chủ của Tổng cục Thống kê, tuy nhiên việc quản lý dữ liệu vẫn còn riêng lẻ đối với từng cuộc điều tra mà chưa kết nối tích hợp để hình thành cơ sở dữ liệu thống kê quốc gia giúp quản lý và sử dụng dữ liệu tốt hơn. Bên cạnh đó, đã ứng dụng các nền tảng và phần mềm khai thác dữ liệu các cuộc điều tra, Tổng điều tra thống kê (Tổng điều tra dân số nhà ở các năm 2009, 2019; Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản các năm 2011, 2016; Tổng điều tra kinh tế các năm 2012, 2017, 2021).

Thực hiện triển khai Chính phủ điện tử, từ năm 2018, ngành Thống kê đã xây dựng hệ thống gửi nhận báo cáo thống kê thuộc chế độ báo cáo thống kê quốc gia giữa Tổng cục Thống kê với các Bộ, ngành. Tuy nhiên, hệ thống còn nhiều hạn chế, chưa hỗ trợ Bộ, ngành tổng hợp báo cáo và gửi báo cáo, chưa hỗ trợ kiểm tra thời hạn và chất lượng báo cáo. Việc tổng hợp và phân tích chung dữ liệu báo cáo phục vụ biên soạn các chỉ tiêu thống kê hầu hết đang được làm thủ công trên các phần mềm đơn lẻ như Excel, SPSS... Một số báo cáo phân tích đã phát hành chủ yếu sử dụng công cụ của bộ phần mềm văn phòng, chưa có quy chuẩn phân tích nào thống nhất.

TCTK đang phối hợp với Bộ, ngành trong việc sử dụng dữ liệu hành chính cho công tác thống kê. Một số dữ liệu hành chính đang được sử dụng cho mục đích thống kê bao gồm:

(i) Dữ liệu do cơ quan thuế quản lý bao gồm đăng ký thuế, tờ khai thuế hàng tháng, hàng quý và báo cáo tài chính. Trong đó, báo cáo tài chính đã được  sử dụng thay thế một số chỉ tiêu điều tra doanh nghiệp hàng năm từ năm 2018 đến nay giúp cắt giảm 25% kinh phí hàng năm và giảm gánh nặng cung cấp thông tin của các doanh nghiệp. Dữ liệu báo cáo tài chính được sử dụng kết hợp với kết quả của điều tra doanh nghiệp hàng năm để biên soạn, tính toán các chỉ tiêu thống kê kinh tế tổng hợp về hoạt động của doanh nghiệp.

(ii) Dữ liệu về xuất khẩu, nhập khẩu được sử dụng để biên soạn, tính toán các chỉ tiêu thống kê về xuất, nhập khẩu hàng tháng và là dàn mẫu cho một số cuộc điều tra thống kê như điều tra xuất nhập khẩu dịch vụ; tính toán chỉ số giá xuất khẩu, nhập khẩu.

(iii) Các số liệu tổng hợp về lĩnh vực y tế và chăm sóc sức khỏe; giáo dục, đào tạo, an sinh xã hội; nông, lâm nghiệp,...

Nguồn dữ liệu hành chính về quản lý dân cư do Bộ Công an thực hiện đang được tích hợp, làm giầu từ các nguồn dữ liệu hành chính khác phục vụ Chính phủ điện tử và cung cấp các dịch vụ công trực tuyến. Kinh nghiệm các quốc gia trên thế giới cho thấy, đây là một nguồn thông tin quan trọng cho công tác thống kê và cơ quan thống kê được khai thác nguồn dữ liệu này thay thế hoặc bổ sung đối với các thông tin từ điều tra thống kê. Do vậy, Tổng cục Thống kê đang phối hợp với Bộ Công an để nghiên cứu, đề xuất sử dụng thông tin từ nguồn dữ liệu này cho công tác thống kê thời gian tới.

Bên cạnh những kết quả trên, việc thực hiện công tác quản trị, giám hộ dữ liệu tại TCTK vẫn còn một số tồn tại, khó khăn: Các quy định về xây dựng hệ thống và quy định nguồn thông tin phục vụ thống kê nhà nước cần được cập nhật. Chưa thực hiện kết nối dữ liệu để hình thành cơ sở dữ liệu thống kê quốc gia tập trung dẫn đến việc công bố và chia sẻ dữ liệu thông tin còn nhiều hạn chế, chủ yếu do thiếu hệ thống dữ liệu đặc tả dùng chung, thiếu đồng bộ về hạ tầng kết nối, công cụ tích hợp, quy trình chuẩn hóa và chuẩn dữ liệu dùng chung. Hơn nữa, công tác phối hợp và nhận thức của các cơ quan về lợi ích của việc chia sẻ dữ liệu dùng chung còn chưa đầy đủ nên việc kết nối, chia sẻ dữ liệu chưa được quan tâm. Bên cạnh đó, chưa có hệ thống quản lý hệ sinh thái, quản trị và giám hộ dữ liệu đồng bộ, thống nhất; công tác triển khai hiện nay còn rời rạc và thiếu đồng bộ (thực hiện rời rạc theo từng nguồn số liệu: Điều tra, dữ liệu hành chính hoặc theo từng cuộc điều tra riêng lẻ). Chưa xây dựng hệ thống giám hộ dữ liệu ứng dụng công nghệ thông tin và chưa có nền tảng, phần mềm khai thác dữ liệu và thông tin thống kê nhà nước một cách đồng bộ kết nối giữa dữ liệu (dữ liệu đầu vào) với thông tin thống kê (kết quả đầu ra). Hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin đã được trang bị đồng bộ nhưng tính sẵn sàng chưa cao. Nguồn nhân lực để vận hành và khai thác các cơ sở dữ liệu còn hạn chế. Công tác phối hợp, xây dựng quy chế chia sẻ dữ liệu thông tin với các Bộ, ngành còn chậm được triển khai và thực hiện quy chế chưa thực sự hiệu quả.

Nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế trên, TCTK đề xuất, kiến nghị Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành tăng cường phối hợp chia sẻ dữ liệu, thông tin với TCTK nhằm sử dụng tối đa nguồn dữ liệu quốc gia hiện có. Các tổ chức quốc tế tăng cường hỗ trợ hỗ trợ TCTK về năng lực quản trị, giảm hộ dữ liệu, sử dụng dữ liệu mới và hạ tầng công nghệ thông tin./.
 
TS. Vũ Thị Thu Thủy
Cục trưởng Cục Thu thập dữ liệu và Ứng dụng CNTT thống kê -TCTK


 

[1] Ban hành tại Quyết định số 1433/QĐ-BKHĐT ngày 28/9/2020 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bao gồm 05 kiến trúc thành phần: kiến trúc nghiệp vụ, kiến trúc dữ liệu, kiến trúc ứng dụng, kiến trúc kỹ thuật-công nghệ, kiến trúc an toàn thông tin.
 

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top