Hội Thống kê Việt Nam (Hội TKVN) được thành lập từ năm 2006, theo Quyết định số 704/QĐ-BNV ngày 04/5/2006 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Đến nay, Hội TKVN đã tập hợp, kết nối được gần 400 nhà khoa học, chuyên gia, người làm công tác thống kê trên phạm vi cả nước để gìn giữ đạo đức và tôn vinh nghề thống kê. Hội TKVN sát cánh cùng hệ thống tổ chức thống kê nhà nước thúc đẩy sự phát triển nhanh, bền vững của Thống kê Việt Nam, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dùng tin. Một trong các nhiệm vụ của Hội TKVN là thực hiện hoạt động tư vấn phản biện và giám định xã hội trong lĩnh vực thống kê.
Trong những năm qua, Hội TKVN đã thực hiện được một số nhiệm vụ về tư vấn phản biện và giám định xã hội theo đề nghị và phân công của Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (gọi tắt là Liên hiệp Hội Việt Nam). Bước sang nhiệm kỳ mới (2024-2029), Hội TKVN xác định hoạt động tư vấn phản biện và giám định xã hội trong lĩnh vực thống kê là nhiệm vụ trọng tâm của cơ quan trung ương Hội và các Chi hội Thống kê.
Khái niệm, tầm quan trọng của hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội
Hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội có vai trò quan trọng trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, chính sách phát triển quốc gia, ngành, lĩnh vực và địa phương. Kết quả của hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của tổ chức xã hội - nghề nghiệp sẽ cung cấp bổ sung những luận cứ khoa học và thực tiễn giúp cơ quan quản lý nhà nước có cái nhìn đa chiều, thậm chí là trái chiều trước khi quyết định ban hành văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, chính sách phát triển ngành, lĩnh vực cụ thể; tạo ra sự đồng thuận giữa các cơ quan quản lý, đối tượng quản lý và cộng đồng xã hội, đảm bảo tính khả thi, hiệu quả khi áp dụng vào thực tiễn đời sống xã hội.
Hội thảo TKVN tổ chức tại tỉnh Thái Bình
Thống kê là ngành khoa học chuyên sâu, nên rất cần có hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của tổ chức xã hội - nghề nghiệp như Hội TKVN trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, chính sách phát triển thống kê… Kết quả tư vấn, phản biện và giám định xã hội sẽ làm cho chất lượng thông tin thống kê tốt hơn, cuộc sống tốt hơn. Người sử dụng tin tưởng hơn vào thông tin thống kê nhà nước và tích cực sử dụng chúng làm bằng chứng để đưa ra các quyết sách quan trọng tầm quốc gia, ngành, lĩnh vực và địa phương.
Căn cứ pháp lý xác định nhiệm vụ tư vấn, phản biện và giám định xã hội
Quyết định số 14/2014/QĐ-TTg ngày 14/02/2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định về hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Quyết định 14). Quyết định 14 gồm 10 điều, quy định rõ đối tượng, phạm vi, loại đề án, quy trình, thủ tục lấy ý kiến tư vấn, phản biện và giám định xã hội và trách nhiệm của các cơ quan liên quan đến nhiệm vụ tư vấn, phản biện và giám định xã hội.
Theo đó, phạm vi điều chỉnh hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp Hội Việt Nam và các Hội thành viên đều là các vấn đề về đường lối, chủ trương, chính sách quan trọng và những chương trình, dự án lớn về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, về chính sách xây dựng, phát triển đội ngũ trí thức. Cụ thể, có 03 loại đề án lấy ý kiến tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp Hội Việt Nam và các Hội thành viên, gồm:
-
Đề án cần tư vấn, phản biện và giám định xã hội: (a) Các đề án về đường lối, chủ trương, chính sách quan trọng của Đảng; (b) Các chương trình, dự án lớn, công trình quan trọng quốc gia; chương trình, dự án lớn, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, chính sách xây dựng, phát triển đội ngũ trí thức thuộc thẩm quyền quyết định, phê duyệt của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; (c) Các chương trình, dự án lớn, chủ trương quan trọng của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương liên quan đến khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, xây dựng đội ngũ trí thức.
-
Đề án do các cơ quan của Đảng, Nhà nước ở Trung ương và tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đặt hàng Liên hiệp Hội Việt Nam và các Hội thành viên thực hiện tư vấn, phản biện và giám định xã hội.
-
Các đề án không quy định tại điểm 1 và 2 nói trên do Liên hiệp Hội Việt Nam và các Hội thành viên đề xuất tư vấn, phản biện và giám định xã hội, được sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền.
Về cơ chế tài chính, Quyết định 14 quy định: Nguồn kinh phí để thực hiện hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội đối với các đề án nói trên do ngân sách nhà nước bố trí hàng năm từ nguồn ngân sách sự nghiệp khoa học và công nghệ. Liên hiệp Hội Việt Nam có trách nhiệm huy động các nguồn kinh phí hợp pháp khác để thực hiện hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội. Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 11/2015/TT-BTC ngày 29/01/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn cơ chế tài chính cho hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp Hội Việt Nam.
Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Thống kê Việt Nam nhấn mạnh nhiệm vụ tư vấn, phản biện và giám định xã hội
Liên hiệp Hội Việt Nam và các hội thành viên có nhiệm vụ tổ chức tập hợp, phát huy trí tuệ của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ Việt Nam thực hiện hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội, góp phần vào việc hoạch định chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước.
Đề xuất nhiệm vụ tư vấn, phản biện và giám định xã hội trong lĩnh vực thống kê
Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của Hội TKVN quy định trong Điều lệ (sửa đổi, bổ sung) Hội TKVN và văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội nói trên, chúng tôi đề xuất nhiệm vụ tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Hội TKVN trong lĩnh vực thống kê như sau:
-
Hội TKVN có nhiệm vụ tổ chức tập hợp, phát huy trí tuệ của đội ngũ các nhà khoa học, chuyên gia thống kê thực hiện hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội vào các dự thảo văn bản qui phạm pháp luật; dự án về chiến lược, chính sách phát triển thống kê; chương trình điều tra thống kê quốc gia, phương án tổng điều tra thống kê (gọi chung là đề án); góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu“Phấn đấu đến năm 2030, Thống kê Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực ASEAN và đến năm 2045 trở thành hệ thống thống kê hiện đại trên thế giới”.
-
Các loại đề án cần có sự tham gia tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Hội TKVN:
-
Các đề án về xây dựng văn bản qui phạm pháp luật; dự án về xây dựng chiến lược, chính sách phát triển thống kê, chương trình điều tra thống kê quốc gia;
-
Các đề án về phương pháp và chế độ thống kê (phương pháp thống kê, phân loại thống kê, tiêu chuẩn/ chuẩn mực thống kê);
-
Các đề án về xây dựng phương án tổng điều tra, điều tra thống kê có quy mô lớn, nội dung phức tạp;
-
Các đề án về biên soạn các sản phẩm thống kê quan trọng, như biên soạn các cuốn số liệu, các báo cáo phân tích dài hạn, các công trình nghiên cứu khoa học, lịch sử xây dựng và phát triển ngành Thống kê;
-
Các đề án về quản lý chất lượng thống kê;
-
Các đề án về chương trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng thống kê.
Giải pháp thực hiện hiệu quả hoạt động vụ tư vấn, phản biện và giám định xã hội trong lĩnh vực thống kê
-
Tăng cường và đổi mới hình thức tuyên truyền về ý nghĩa, tầm quan trọng và ích lợi của hoạt động tư vấn, phản biện, giám định xã hội trong lĩnh vực thống kê;
-
Chủ động, tích cực đề xuất với cơ quan quản lý nhà nước thực hiện có hiệu quả Quyết định số 14 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 11 của Bộ Tài chính. Ban hành cơ chế, chính sách để hội tham gia chương trình dự án, đề tài nghiên cứu, tư vấn, phản biện và giám định xã hội, cung cấp dịch vụ công, đào tạo, cấp chứng chỉ hành nghề các hoạt động thuộc ngành, lĩnh vực quản lý của Bộ, cơ quan ngang Bộ theo quy định của pháp luật;
-
Mở rộng và tăng cường phối hợp, hợp tác với các cơ quan chủ trì xây dựng/soạn thảo các đề án trong lĩnh vực thống kê cần có sự tham gia tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Hội TKVN;
-
Xây dựng và phát triển nguồn nhân lực thực hiện nhiệm vụ tư vấn, phản biện và giám định xã hội. Theo đó, cần động viên, khích lệ các hội viên, đặc biệt các hội viên là nhà khoa học, chuyên gia thống kê tích cực tham gia vào hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng thực hiện nhiệm vụ tư vấn, phản biện và giám định xã hội cho hội viên. Hình thành các nhóm chuyên gia về tư vấn, phản biện theo từng lĩnh vực. Chẳng hạn, nhóm tư vấn, phản biện về xây dựng chiến lược, chính sách phát triển thống kê; nhóm tư vấn, phản biện về tiêu chuẩn thống kê; nhóm tư vấn, phản biện về xây dựng phương án tổng điều tra/điều tra thống kê; nhóm tư vấn phản biện về đánh giá chất lượng thống kê… /.
Nguyễn Văn Đoàn
Trưởng ban Chuyên môn, Hội Thống kê Việt Nam