Lạng Sơn: Giải quyết tốt bài toán đào tạo nghề, tạo việc làm góp phần giảm nghèo bền vững

10/05/2024 - 02:13 PM

Nằm ở vùng đất phên dậu của Tổ quốc, Lạng Sơn trong nhiều năm qua đã nỗ lực để nâng cao chất lượng sống, giảm nghèo bền vững thông qua các chủ trương, chính sách thiết thực. Đặc biệt ưu tiên công tác đào tạo nghề, hướng nghiệp và giới thiệu việc làm, tạo sinh kế để người dân tiếp tục vươn lên, xây dựng cuộc sống ấm no hơn, góp phần xây dựng biên cương vững mạnh.

Đào tạo nghề Công nghệ ô tô tại Trường cao đẳng Nghề Lạng Sơn. Ảnh: Anh Tuấn


Tỉnh Lạng Sơn có nguồn lao động nông thôn khá dồi dào, song chất lượng lao động chưa cao, dẫn đến khó khăn trong vấn đề tìm việc làm và chuyển đổi nghề nghiệp khiến cho công tác giảm nghèo gặp nhiều khó khăn. Trước thực trạng đó, tỉnh Lạng Sơn xác định đào tạo nghề là giải pháp căn cơ giúp người nghèo có việc làm, có thu nhập ổn định, sinh kế bền vững. Để nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, ngành Lao động tỉnh Lạng Sơn đã chủ động tham mưu Tỉnh ủy, HĐND Tỉnh Ban hành Nghị quyết và Kế hoạch phát triển giáo dục nghề nghiệp tỉnh Lạng Sơn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo đó, tỉnh Lạng Sơn huy động các nguồn lực từ Chương trình mục tiêu quốc gia và ngân sách địa phương để tăng cường đầu tư, cải tạo cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, định hướng để các trường/trung tâm đổi mới chương trình, gắn với nhu cầu sử dụng của xã hội. Cụ thể, với các trường Cao đẳng trên địa bàn sẽ ưu tiên cho các ngành, nghề trọng điểm quốc gia và khu vực phù hợp với định hướng phát triển và thu hút đầu tư của Tỉnh; đối với các trung tâm giáo dục nghề nghiệp, tập trung đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo phục vụ đào tạo trình độ sơ cấp đối với các ngành, nghề thiết thực với từng khu vực nông thôn. Ngành Lao động cũng chỉ đạo các trường, trung tâm rà soát, chỉnh sửa và đổi mới chương trình đào tạo, kịp thời đưa vào những nội dung cập nhật, theo sát với thực tiễn để đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp và xã hội.

Với sự chủ động của các trường, trung tâm giáo dục nghề nghiệp, năm 2023, công tác giáo dục nghề nghiệp hoàn thành chỉ tiêu tuyển sinh, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 62%, tăng 2% so với năm 2022, đạt 100% so kế hoạch. Không dừng lại ở việc đào tạo, công tác tư vấn, hướng nghiệp và giải quyết việc làm được các đơn vị, trường rất quan tâm, phối hợp chặt chẽ với Trung tâm dịch vụ việc làm Tỉnh để kết nối với thị trường lao động trong và ngoài nước. Trong năm qua, Lạng Sơn đã giải quyết việc làm mới cho khoảng 17.000 lao động (đạt 100% kế hoạch), trong đó trên 1 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài (chủ yếu tại thị trường Nhật Bản chiếm 70%), số còn lại chủ yếu làm việc tại các khu công nghiệp ở tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh.

Những kết quả trong công tác đào tạo, giải quyết việc làm đã góp phần nâng cao thu nhập của người dân, tạo nền tảng giảm nghèo bền vững cho nhiều hộ gia đình. Cùng với giải pháp về đào tạo, giải quyết việc làm, công tác hỗ trợ người nghèo thoát nghèo được Lạng Sơn triển khai bài bản, theo nhiều hướng tiếp cận, từ hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp; đa dạng hoá sinh kế, phát triển mô hình kinh tế hiệu quả giúp người dân chủ động, nỗ lực phấn đấu và vươn lên thoát nghèo. Nhờ vậy, tỷ lệ hộ nghèo của Tỉnh giảm dần tỷ lệ hộ nghèo từ 12,2% năm 2021 xuống còn 8,92% cuối năm 2022 và còn 6,02% cuối năm 2023 (giảm 2,9%); hộ cận nghèo giảm từ 10,36% năm 2022 xuống còn 8,96% năm (giảm 1,4%). Hộ nghèo giảm bình quân giảm 3,09%/năm, đạt mục tiêu Nghị quyết số 47-NQ/ TU của BCH Đảng bộ Tỉnh đề ra.

Lớp học chăn nuôi gia cầm cho lao động nông thôn tại huyện Cao Lộc. Ảnh: Duy Chiến
 

Tuy tỷ lệ giảm nghèo hằng năm đạt và vượt mục tiêu, kế hoạch nhưng lại chưa đồng đều giữa các xã, thị trấn. Các chỉ tiêu quan trọng đánh giá tính bền vững như: Thu nhập, thiếu hụt các dịch vụ cơ bản chưa cao. Do đó, để phát huy những kết quả đạt được, tháo gỡ khó khăn thách thức trong công tác giảm nghèo, Lạng Sơn tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành, đơn vị có liên quan, nhất là trách nhiệm người đứng đầu thực hiện các cơ chế, chính sách, chương trình, dự án giảm nghèo. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong công tác giảm nghèo; phát huy mạnh mẽ truyền thống đoàn kết, tinh thần “tương thân, tương ái” giữa các dân tộc trên địa bàn Tỉnh.

Bên cạnh đó, Tỉnh tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách, chương trình, kế hoạch, dự án giảm nghèo. Bố trí ưu tiên đủ nguồn lực thực hiện các chính sách đối với người nghèo, hộ nghèo; nguồn lực thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025; kết hợp lồng ghép kế hoạch giảm nghèo của Tỉnh với kế hoạch thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025./.

Đình Long



Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top