Hòa Bình: Đột phá đào tạo nghề, giải quyết việc làm, góp phần giảm nghèo bền vững

19/03/2024 - 02:04 PM

Bằng nhiều quyết sách quan trọng, kịp thời thông qua các giải pháp đột phá về đào tạo nghề, giải quyết việc làm, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Hòa Bình đã đóng góp tích cực trong nâng cao đời sống cho người dân, giúp cho nhiều vùng quê trên địa bàn tỉnh vươn lên thoát nghèo, nhất là người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).

Đột phá trong đào tạo nghề và giải quyết việc làm

Xác định giáo dục nghề nghiệp là một trong những nhiệm vụ quan trọng để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trong các Nghị quyết, chương trình, Đề án của tỉnh Hòa Bình đã bám sát tinh thần của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII lấy “Đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm” là một trong những giải pháp đột phá chiến lược của Tỉnh.

Một buổi học thực hành nghề hàn cho lao động vùng đồng bào DTTS ở xã Thống Nhất, huyện Lạc Thủy

Để tổ chức thực hiện có hiệu quả chủ trương này, thời gian qua, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hòa Bình đã tích cực tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành hết sức khẩn trương, quyết liệt.

Theo đó, Hòa Bình xác định rõ trách nhiệm của Sở, ngành và UBND cấp huyện, xã trong thực hiện nhiệm vụ quản lý, triển khai thực hiện công tác giáo dục nghề nghiệp ở mỗi cấp cũng như trong triển khai thực hiện 03 Chương trình Mục tiêu Quốc gia về lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. Từ chủ trương đúng đắn, cùng với sự sáng tạo của ngành trong việc đẩy mạnh triển khai có hiệu quả công tác tư vấn, giới thiệu việc làm đã giúp hoạt động giáo dục nghề nghiệp tại địa phương đạt kết quả tích cực.

Năm 2023, Hoà Bình tạo việc làm cho 19.536 lao động, đạt 122% kế hoạch năm. Trong đó, 950 lao động được tuyển đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, đạt 317% kế hoạch năm. Từ nguồn vốn vay quỹ quốc gia giải quyết việc làm đã có hơn 7.000 lao động được vay, đạt 583,41% kế hoạch năm. Đào tạo nghề cho lao động nông thôn cũng rất đa dạng... giúp cho nhiều lao động sau khi học nghề đã mạnh dạn đầu tư, mở rộng sản xuất và vươn lên làm giàu.

Các chính sách hỗ trợ giáo dục nghề nghiệp của Trung ương và địa phương được triển khai thực hiện song song trên địa bàn Tỉnh đã đem lại hiệu quả tốt. Nhờ đó, người lao động nói chung, con em người dân tộc thiểu số nói riêng có điều kiện tham gia các lớp đào tạo nghề, qua đó góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hòa Bình, hiện tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn Tỉnh đạt 61%, tăng 0,4% so với kế hoạch giao, trong đó, lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 25%, tăng 0,5% so với kế hoạch giao. Người lao động có việc làm sau đào tạo nghề đạt trên 80%, góp phần nâng cao thu nhập cho Nhân dân.

Góp phần vào sự nghiệp giảm nghèo bền vững

Hiện tỉnh Hòa Bình có 86 thôn, xóm đặc biệt khó khăn, trong đó có 38 thôn, xóm thuộc xã khu vực I và 48 thôn, xóm thuộc xã khu vực II.

Xác định để giảm nghèo bền vững, trước tiên là thay đổi được tư duy, nhận thức từ chính người dân, vì vậy, Hòa Bình rất quan tâm tới công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục để thay đổi căn bản tư duy, nhận thức, hành động các hộ nghèo. Mục tiêu lớn nhất là để người dân có thể phát huy được tinh thần tự lực, có khát vọng, chủ động, nỗ lực phấn đấu và vươn lên thoát nghèo.

Được tham gia các lớp đào tạo về kỹ năng làm du lịch công đồng,
thu nhập của đồng bào DTTS ở huyện Mai Châu ngày càng được nâng cao

Về nguồn lực thực hiện giảm nghèo bền vững, trong năm 2023, Hòa Bình đã được bố trí hơn 681,4 tỷ đồng cho xây dựng và thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững. Trong đó, vốn đầu tư là 157,1 tỷ đồng; vốn sự nghiệp 69,5 tỷ đồng, vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội 353,8 tỷ đồng và các nguồn vốn huy động khác. Nhờ nguồn lực này, các chương trình hỗ trợ huyện nghèo (Đà Bắc) và các xã vùng khó khăn phát triển kết cấu hạ tầng, đa dạng hóa sinh kế, phát triển sản xuất nông nghiệp được triển khai hiệu quả, góp phần thay đổi diện mạo khu vực nông thôn và nâng cao thu nhập cho người dân.

Cùng với các chương trình hỗ trợ sản xuất, đào tạo nghề, tạo việc làm mới, các chính sách an sinh, bảo trợ xã hội được tỉnh Hòa Bình triển khai kịp thời, đảm bảo đúng đối tượng, đúng chính sách, như: Tổ chức mua, cấp thẻ BHYT miễn phí cho các đối tượng. Công tác trợ giúp, chăm sóc hỗ trợ đối tượng là người già neo đơn, người cao tuổi, trẻ em, người tàn tật, người nhiễm HIV… được quan tâm chu đáo.

Nhờ vậy, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm 2,92%, từ 12,29% cuối năm 2022 xuống còn 9,37% cuối năm 2023, trong đó, huyện nghèo Đà Bắc đã giảm 8,1%, từ 34,94% xuống còn 26,84%. Những kết quả đạt được nêu trên là rất đáng ghi nhận, tuy nhiên, công tác giảm nghèo bền vững tại Hòa Bình vẫn gặp nhiều thách thức. Cụ thể, xuất phát điểm kinh tế - xã hội của tỉnh thấp, hệ thống giao thông chưa thuận lợi, đời sống Nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, chịu nhiều rủi ro, thiên tai, dịch bệnh, biến động giá cả thị trường. Trong đó, một số sản phẩm nông nghiệp còn khó khăn về thị trường đã ảnh hưởng lớn đến thu nhập của hộ nghèo, dẫn đến kết quả giảm nghèo chưa thật sự bền vững, nguy cơ tái nghèo và phát sinh nghèo còn cao. Trong khi một bộ phận người nghèo vẫn còn ỷ lại trông chờ vào chính sách của nhà nước, chưa phát huy được tiềm năng, thế mạnh của địa phương.

Trước những khó khăn trên, để thực hiện có hiệu quả chương trình giảm nghèo bền vững, Sở Lao động Thương binh và Xã Hội tỉnh Hòa Bình đề nghị Quốc hội và Chính phủ phân bổ vốn sự nghiệp của Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững theo giai đoạn như: Phân bổ vốn đầu tư để địa phương chủ động trong phân bổ dự toán và xây dựng kế hoạch thực hiện các dự án thành phần; Xây dựng và ban hành chính sách bảo trợ đối với hộ nghèo không có khả năng lao động để nâng cao hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững.../.

Đình Long


Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top