Hòa Bình: Tín dụng chính sách tạo "đòn bẩy" giúp đồng bào dân tộc thiểu số từng bước vươn lên thoát nghèo

26/02/2024 - 11:22 AM
Đồng hành cùng đồng bào dân tộc thiểu số trong quá trình phát triển kinh tế, giảm nghèo, thời gian qua, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Hòa Bình triển khai nhiều chương trình tín dụng hiệu quả, tạo “đòn bẩy” để đồng bào dân tộc thiểu số từng bước vươn lên, giảm nghèo bền vững và góp phần cải thiện cơ sở hạ tầng nông thôn.

Hòa Bình là tỉnh miền núi phía Tây Bắc, dân số trên 854 nghìn người, trong đó trên 74% là người dân tộc thiểu số (DTTS). Những năm qua, bên cạnh những chính sách hỗ trợ đặc thù của Nhà nước, nguồn vốn tín dụng chính sách (TDCS) đã góp phần tạo động lực quan trọng giúp các hộ nghèo, nhất là các hộ đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Hòa Bình có cơ hội phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế nhằm mở ra cơ hội thoát nghèo nhanh, bền vững.

Hàng năm, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Hòa Bình đã thực hiện hiệu quả nhiều chương trình tín dụng đối với vùng đồng bào DTTS&MN giúp hộ nghèo ở các xã khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn vay vốn để tạo đất sản xuất, chuyển đổi nghề và sản xuất, kinh doanh như: Chương trình cho vay hộ đồng bào DTTS đặc biệt khó khăn triển khai năm 2007 theo Quyết định số 32/2007/QĐ-TTg, Quyết định số 54/2012/ QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; cho vay hộ đồng bào DTTS nghèo, khó khăn thực hiện năm 2015 theo Quyết định số 755/QĐ-TTg dành cho hộ đồng bào DTTS nghèo và hộ nghèo sinh sống ở vùng khó khăn có nhu cầu chuyển đổi nghề; cho vay hộ đồng bào DTTS theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg thực hiện từ năm 2018.

 
Hòa Bình: Tín dụng chính sách tạo
Cán bộ tín dụng chính sách huyện Mai Châu thăm hộ vay vốn Phàng A Páo (người Mông, xã Pà Cò)
 
Theo số liệu báo cáo của Chi nhánh NHCSXH tỉnh Hòa Bình năm 2022, thông qua nguồn vốn TDCS, đã giúp trên 34 ngàn lượt khách hàng, với phần lớn là đồng bào DTTS vay vốn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, phục vụ đời sống. Trong đó, trên 6,2 ngàn lượt hộ nghèo, 4,2 ngàn lượt hộ cận nghèo, trên 1,6 ngàn lượt hộ mới thoát nghèo vay vốn; tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho trên 08 ngàn lao động; xây mới, mua nhà ở xã hội được 270 căn hộ; giúp 82 học sinh, sinh viên vay vốn chi phí học tập, mua máy tính học tập trực tuyến; 101 lao động đi làm việc theo hợp đồng có thời hạn ở nước ngoài.
 
Bên cạnh đó, trong năm 2022, từ nguồn vốn TDCS đã có 9,2 nghìn công trình nước sạch và 8,9 nghìn công trình vệ sinh tại vùng nông thôn được xây dựng, nâng cấp. Vốn TDCS đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Hòa Bình năm 2022 xuống còn 12,29% (giảm 3,2% so 2021), hộ cận nghèo xuống 10,03% (giảm 0,62% so năm 2021), giúp cải thiện, ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống và thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, hạn chế tình trạng tín dụng đen trên địa bàn Tỉnh.

Tính đến hết ngày 31/11/2023, tổng dư nợ của 19 chương trình tín dụng đạt trên 4.553,5 tỷ đồng, với 99.670 khách hàng, tăng 8,74% so với 31/12/2022, hoàn thành 93,6% kế hoạch tăng trưởng của năm. Trong năm 2023, thông qua nguồn vốn TDCS đã giúp hơn 18 nghìn lượt khách hàng vay vốn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, phục vụ đời sống. Trong đó, hơn 6.700 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được vay vốn; hơn 3,3 nghìn lao động được tạo việc làm; xây dựng, nâng cấp 13 nghìn công trình nước sạch và công trình vệ sinh tại vùng nông thôn.

Đơn cử như tại huyện Lạc Sơn, đây là địa bàn rộng, dân số đông, chủ yếu là đồng bào DTTS với nhiều xã, xóm còn khó khăn. Những năm qua, nguồn vốn TDCS đã giúp nhiều hộ gia đình trong Huyện có vốn đầu tư phát triển kinh tế, tạo việc làm, sửa chữa nhà cửa…góp phần giúp trên 4,5 nghìn hộ nghèo, hộ sinh sống ở vùng DTTS&MN của Huyện thoát nghèo. Đến hết ngày 31/10/2023, tổng dư nợ của các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn Huyện đạt trên 576 tỷ đồng, là Huyện có số dư nợ lớn nhất Tỉnh.

Hay như huyện Đà Bắc, là huyện nghèo 30a duy nhất của tỉnh Hòa Bình, với trên 90% người dân là đồng bào DTTS, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn. Nhu cầu được tiếp cận với các chương trình TDCS của người dân là rất lớn. Trước nhu cầu cấp thiết đó, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Đà Bắc đã tập trung thực hiện công tác TDCS đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng thụ hưởng, đồng vốn sử dụng đúng mục đích, đảm bảo 100% hộ nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu và đủ điều kiện đều được vay vốn. Những năm qua, Đà Bắc luôn là một trong những địa phương có dư nợ TDCS cao nhất tỉnh. Hiện nay, tổng dư nợ TDCS trên địa bàn Huyện đạt trên 546 tỷ đồng, với gần 14 nghìn khách hàng. Trong 10 tháng của năm 2023, đã có 1.896 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn Huyện được vay vốn chính sách, doanh số cho vay đạt 75,5 tỷ đồng. Việc sử dụng hiệu quả vốn vay ưu đãi từ NHCSXH được xem như“chìa khoá” cho hộ nghèo mà phần lớn là hộ người DTTS và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn huyện vùng cao Đà Bắc cải thiện thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống.
 
 Hòa Bình: Tín dụng chính sách tạo
Từ nguồn vốn vay chính sách gia đình ông Bàn Văn Toàn ở xã Cao Sơn, huyện Đà Bắc
đã đầu tư làm chuồng nuôi và mua trâu giống để phát triển kinh tế gia đình
 
Không riêng gì Đà Bắc hay Lạc Sơn, thực tế cho thấy, dòng vốn TDCS luôn được khơi thông, chảy đều đặn về khắp các miền quê của tỉnh Hòa Bình. Vốn TDCS đã và đang phát huy hiệu quả, giúp nhiều hộ đồng bào DTTS, miền núi của Tỉnh xây dựng nhà mới, đầu tư phát triển sản xuất từng bước vươn lên thoát nghèo. Từ nguồn vốn vay TDCS, nhiều địa phương trong Tỉnh đã xây dựng các trường học đạt chuẩn, kiên cố hóa giao thông, hệ thống kênh mương, xây dựng trụ sở xã, xóa nhà tạm, dạy nghề cho lao động nông thôn... Qua đó giúp cho kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là tại vùng DTTS&MN của tỉnh Hòa Bình từng bước hiện đại./.

Minh Châu



Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top