Hòa Bình: Tập trung phát triển công nghiệp chế biến và hỗ trợ doanh nghiệp

22/03/2024 - 02:06 PM

Là địa phương tiếp giáp với Thủ đô Hà Nội, Hòa Bình có nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến. Để phát huy thế mạnh này, ngành Công Thương Hòa Bình đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp quan trọng, trong đó tập trung cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách các thủ tục hành chính, đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực sản xuất, tìm kiếm mở rộng thị trường tiêu thụ, góp phần tạo thế vững chắc cho phát triển kinh tế.

Hòa Bình xác định công nghiệp hỗ trợ là một trong những khâu đột phá.
Trong ảnh: Sản xuất linh kiện điện tử của Công ty TNHH Sankoh Việt Nam tại KCN Bờ Trái Sông Đà
- TP Hòa Bình

Những năm gần đây, tình hình thế giới có nhiều biến động ảnh hưởng tới kinh tế trong nước, nhiều yếu tố bất lợi như: Nhu cầu giảm, áp lực lạm phát, lãi suất ngân hàng và giá cả nguyên liệu đầu vào tăng cao,... tác động mạnh đến các ngành sản xuất có thế mạnh của tỉnh Hòa Bình. Trong bối cảnh đó, với nỗ lực và quyết tâm cao, ngành Công Thương chủ động triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, linh hoạt các giải pháp và đã đạt được kết quả tích cực. Kết thúc năm 2023, ngành Công Thương đã hoàn thành 4/6 chỉ tiêu và 15/15 nhiệm vụ UBND tỉnh giao. Trong đó, các nhiệm vụ trọng tâm đều đạt kết quả tốt như: Công nghiệp chế biến có sự phát triển; hỗ trợ doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm; thị trường hàng hoá cơ bản cung ứng đầy đủ, kịp thời, giá cả không có biến động lớn; đảm bảo cung ứng đủ nguồn điện phục vụ sản xuất và tiêu dùng.

Để tạo đột phá trong phát triển của công nghiệp Hòa Bình, ngành Công Thương đã tham mưu để Tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình hành động số 18-CTr/TU ngày 18/4/2023 của Tỉnh ủy Hòa Bình về việc tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, xác định ngành công nghiệp hỗ trợ, chế biến, chế tạo đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của toàn ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. Hiện nay, công nghiệp chế biến đang chiếm khoảng 42% tổng giá trị toàn ngành và có tốc độ tăng trưởng cao nhất. Trên địa bàn tỉnh có khoảng 7.000 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có khoảng 6.600 cơ sở sản xuất. Một số doanh nghiệp tiêu biểu như: Công ty TNHH Almile Việt Nam (KCN Lương Sơn), Công ty Cổ phần cơ khí Đúc Hồng Hà (huyện Yên Thủy), Công ty TNHH Sankoh Việt Nam và Công ty TNHH nghiên cứu kỹ thuật R Việt Nam (TP Hòa Bình)...

Bên cạnh đó, để khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ, chế biến, chế tạo, thời gian qua Sở Công Thương đã tham mưu cho UBND tỉnh ưu tiên tập trung phát triển hoàn thiện hệ thống lưới điện; ưu tiên dành đất cho phát triển công nghiệp… Hiện nay diện tích đất cho phát triển công nghiệp của tỉnh là 2.169 ha. Các Khu, CCN đang dần hình thành là cơ sở để thu hút các dự án nhất là các dự án thuộc lĩnh vực chế biến, chế tạo.

Gian hàng trưng bày của tỉnh tại Hội nghị xúc tiến cung cầu
các sản phẩm nông nghiệp của Hoà Bình tại Bắc Ninh năm 2023

Song song với các giải pháp hỗ trợ sản xuất, ngành Công Thương triển khai công tác xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu giúp doanh nghiệp đẩy mạnh tiêu thụ và xuất khẩu hàng hóa, đặc biệt trong lĩnh vực chế biến nông, lâm, sản. Từ đầu năm 2021, bên cạnh các hoạt động xúc tiến thương mại truyền thống như tổ chức hoặc tham gia các phiên chợ, hội chợ thương mại, Sở Công Thương đã tập trung phát triển hoạt động xúc tiến thương mại trên không gian mạng, đẩy mạnh việc bán hàng online, hỗ trợ các doanh nghiệp, người nông dân tham gia “Gian hàng Việt trực tuyến” trên các sàn thương mại điện tử như: Postmart.vn, Voso.vn, Sendo.vn. Nhờ vậy, nhiều sản phẩm nông sản của tỉnh như rau, cá, cam, bưởi đã có mặt tại một số siêu thị lớn như: Co.opmar; Big C, Winmart...

Bên cạnh đó, Sở Công Thương đã phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công Thương tham gia nhiều Hội nghị Giao thương trực tuyến đối với nhiều nước và khu vực trên thế giới, qua đó hỗ trợ các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng tìm hiểu thị trường, nghiên cứu xu hướng tiêu dùng, thiết lập quan hệ bạn hàng, ký kết hợp đồng, tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh và đầu tư. Đến nay, toàn tỉnh có 14 doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác đã có sản phẩm nông sản, lâm sản được xuất khẩu sang các thị trường nước ngoài với tổng doanh thu đạt 978,45 tỷ đồng. Những sản phẩm nông sản tiêu biểu của Hòa Bình xuất khẩu trong thời gian qua gồm: Mía tươi và bưởi Diễn, bưởi đỏ sang Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, EU; cháo sen Bát Bảo Minh Trung sang Nhật Bản; nhãn Sơn Thủy sang EU; măng sang Đài Loan (Trung Quốc), cam Cao Phong sang thị trường Vương quốc Anh …

Thời gian tới, với mục tiêu đưa kinh tế của Tỉnh đạt mức trung bình cả nước vào năm 2025, ngành Công Thương Hòa Bình sẽ tiếp tục tham mưu để Tỉnh tập trung vào 4 khâu đột phá chiến lược, đó là: Làm tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch; Hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư; Phát triển nguồn nhân lực gắn với giải quyết việc làm và tăng năng suất lao động; Phát triển kết cấu hạ tầng. Đây cũng chính là nền tảng để các ngành công nghiệp có thế mạnh của Hòa Bình tiếp tục bứt tốc trong thời gian tới./.

PV

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top