Ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Ninh Bình: Không ngừng đổi mới nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo

02/01/2024 - 08:48 AM
Năm học 2023-2024, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Ninh Bình đang nỗ lực triển khai đồng bộ các giải pháp về xây dựng đội ngũ, tăng cường cơ sở vật chất, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, tích cực đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện nhằm thực hiện tốt chủ đề năm học của Bộ Giáo dục và Đào tạo “Đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo”.
 
Những năm qua, đặc biệt là từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025, Sở Giáo dục và Đào tạo Ninh Bình đã bám sát các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, các nội dung chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo để chủ động tham mưu cho tỉnh ban hành nhiều chính sách hiệu quả phát triển giáo dục và đào tạo phù hợp điều kiện thực tế của địa phương.
 

Một giờ học tương tác tại lớp chuyên Anh - Trường THPT Chuyên Lương Văn Tụy

Mạng lưới trường lớp được quy hoạch hợp lý, cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập của con em Nhân dân trên địa bàn Tỉnh. Toàn Tỉnh có 476 cơ sở giáo dục(154 trường mầm non, 146 trường tiểu học, 134 trường Trung học cơ sở, 07 trường liên cấp tiểu học và Trung học cơ sở; 27 trường Trung học Phổ thông; 01 Trung tâm Giáo dục thường xuyên, Tin học và Ngoại ngữ tỉnh và 07 Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên các huyện, thành phố) với 7.500 lớp, nhóm lớp, 255.515 trẻ mầm non, học sinh phổ thông, học viên.
 

Cô và trò Trường THPT Chuyên Lương Văn Tụy trong tiết thực hành môn Vật Lý
 
Cơ sở vật chất trường lớp ngày càng phát triển theo hướng hiện đại, đồng bộ, số trường học đạt chuẩn quốc gia và tỷ lệ phòng học kiên cố, phòng bộ môn, thư viện đạt chuẩn tăng; tỉnh bố trí đủ nguồn kinh phí cho các cơ sở giáo dục mua sắm trang thiết bị đáp ứng yêu cầu hoạt động dạy học, giáo dục theo chương trình mới. Trong năm 2023, toàn ngành đã đầu tư sửa chữa, xây mới 385 phòng học, 152 phòng bộ môn, 166 phòng chức năng, 233 nhà vệ  sinh và 23.245 m2 sân, tường rào. Tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia các cấp học 97,6%; tỷ lệ phòng học kiên cố toàn ngành đạt 89,2% (trong đó khối huyện, thành phố đạt 88,9%, khối trực thuộc Sở đạt 97,3%); các cơ sở giáo dục trong tỉnh tích cực triển khai thực hiện các tiêu chí trường học “xanh – sạch – đẹp – an toàn – hạnh phúc” theo phát động của Sở.
 
Học sinh Trường THPT Gia Viễn A tham gia học và thi trực tuyến tại phòng thư viện điện tử nhà trường.
                                                                                              
Xác định yếu tố con người là quyết định, đảm bảo cho việc thực hiện hiệu quả các chương trình giáo dục, Sở Giáo dục và đào tạo Ninh Bình đã tham mưu và triển khai chuẩn bị tốt các điều kiện về đội ngũ: Chú trọng tập huấn nâng cao nhận thức cho cán bộ quản lý, giáo viên về chủ trương đổi mới chương trình giáo dục phổ thông; quan tâm bồi dưỡng giáo viên thực hiện các môn học mới, thúc đẩy các hoạt động chuyên môn, tăng cường đổi mới, áp dụng các phương pháp, kỹ thuật dạy học tích cực và phát triển năng lực ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác quản lý và giảng dạy.
 
Em Phạm Mai Xoan, Thủ khoa kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2023-2024 của Trường THPT Yên Mô B 

Bên cạnh việc 100% cán bộ quản lý, giáo viên được tập huấn đầy đủ việc thực hiện chương trình mới theo quy định, toàn ngành đã bồi dưỡng gần 1200 giáo viên dạy môn KHTN và Lịch sử - Địa lý cấp THCS, hơn 300 giáo viên dạy Tin học và Công nghệ cấp Tiểu học theo chương trình của Bộ ban hành; đã tổ chức hàng trăm chuyên đề các môn học, giáo dục STEM, Hội thi giáo viên giỏi các cấp,  để giáo viên được học tập, chia sẻ kinh nghiệm về đổi mới phương pháp giảng dạy và tổ chức các hoạt động giáo dục định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh; bồi dưỡng gần 400 giáo viên cốt cán dạy học sinh giỏi bậc THCS và tổ chức nhiều sân chơi năng khiếu về tiếng Anh, Khoa học, nghệ thuật và TDTT tạo nền tảng nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn.
 

Mô hình trường học “Xanh - Sạch - Đẹp - An toàn - Hạnh phúc” – Trường THPT Nho Quan C

Công tác quản lý, quản trị nhà trường được tăng cường; kỷ cương, nền nếp, dân chủ trong các cơ sở giáo dục được đảm bảo, tạo được sự đồng thuận trong ngành và cả xã hội. Công tác chuyển đổi số, ứng dụng CNTT trong quản lý, điều hành và giảng dạy được đẩy mạnh. Đặc biệt, năm 2023 đã triển khai phần mềm đăng ký tuyển sinh đầu cấp trực tuyến ở các cấp học, thực hiện thanh toán thu học phí và các dịch vụ giáo dục không dùng tiền mặt ở 100% cơ sở giáo dục. Năm 2022, Sở Giáo dục và Đào tạo Ninh Bình được đánh giá xếp thứ Nhất trong toàn tỉnh về mức độ chuyển đổi số của các cơ quan Nhà nước.
 

Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho học sinh Trường THPT Yên Khánh A

Việc lựa chọn, tập huấn, bồi dưỡng sử dụng sách giao khoa được ngành chỉ đạo thực hiện kỹ lưỡng, hiệu quả, đảm bảo các quy định. Ninh Bình là một trong các địa phương tổ chức biên soạn kịp thời, chất lượng tài liệu giáo dục địa phương đưa vào giảng dạy đúng tiến độ CTGDPT 2018.

Với sự nỗ lực, quyết tâm của toàn ngành, chất lượng giáo dục toàn diện và giáo dục mũi nhọn của Ninh Bình tiếp tục được củng cố và nâng lên. Ninh Bình là một trong ba tỉnh đầu tiên của cả nước đạt chuẩn phổ cập giáo dục, xóa mù chữ ở mức độ cao nhất và luôn được duy trì vững chắc. Kết quả thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông những năm qua luôn đứng trong tốp 4 tỉnh dẫn đầu cả nước về điểm trung bình các môn thi; phong trào và chất lượng dạy học ngoại ngữ trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực; số lượng, chất lượng giải học sinh giỏi Quốc gia được nâng lên, hai năm liền Ninh Bình có học sinh đoạt giải Nhất Kỳ thi chọn học sinh giỏi Quốc gia Trung học Phổ thông. Chất lượng giáo dục toàn diện các cấp học của Ninh Bình có bước phát triển vững chắc, toàn ngành hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kinh tế xã hội năm 2023 của tỉnh về lĩnh vực giáo dục đào tạo.


Đồng chí Phan Thành Công, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Ninh Bình chúc mừng các đoàn
tham dự Giải thể thao toàn ngành năm 2023.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, ngành Giáo dục và Đào tạo Ninh Bình vẫn phải đối mặt với những khó khăn, thách thức, cụ thể như: Một số nơi còn tình trạng quá tải số trẻ/học sinh/lớp; số lượng giáo viên biên chế trong toàn tỉnh còn thiếu so với định mức quy định. Ở cấp Trung học Cơ sở, đội ngũ giáo viên còn tình trạng mất cân đối về cơ cấu môn; một bộ phận cán bộ quản lý, giáo viên chưa theo kịp yêu cầu đổi mới; nguồn lực xã hội hóa đầu tư phát triển hệ thống trường ngoài công lập còn hạn chế...
 

Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tặng giấy khen cho các tập thể xuất sắc. Ảnh: Minh Quang
 
Trong thời gian tới, ngành Giáo dục và Đào tạo Ninh Bình tiếp tục bám sát các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, các nội dung chỉ đạo của Bộ GD&ĐT và của tỉnh Ninh Bình để lãnh đạo, chỉ đạo toàn ngành phát huy các thành tựu đã đạt được, cùng đoàn kết, nỗ lực, chủ động, sáng tạo vượt qua những khó khăn, thách thức, thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ chính trị của ngành, không ngừng đổi mới, thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, đảm bảo giáo dục và đào tạo Ninh Bình tiếp tục có bước phát triển bền vững, đáp ứng niềm tin và sự mong đợi của Đảng bộ và Nhân dân Ninh Bình./.

Phan Thành Công
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Ninh Bình
 
 

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top