Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, ngành Nông nghiệp Hòa Bình đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp, đồng hành cùng nông dân trong phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, liên kết tiêu thụ, chế biến nông sản. Năm 2023, ngành Nông nghiệp tiếp tục bứt phá, giá trị xuất khẩu nông, lâm sản tăng trưởng cao, nhiều nông sản của Hòa Bình đã đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, vươn tới những thị trường khó tính.
Sản phẩm nông nghiệp Hòa Bình đáp ứng tiêu chuẩn
và đã tiếp cận thị trường khó tính như Hoa Kỳ, Anh, Úc
Thời gian qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức do thiên tai, dịch bệnh, suy thoái… nhưng ngành Nông nghiệp Hòa Bình vẫn đạt được những thành tựu đáng kể, hầu hết các chỉ tiêu phát triển ngành đều đạt và vượt so với chỉ tiêu giữa nhiệm kỳ mà Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra. Cụ thể, năm 2023, tốc độ tăng trưởng ngành nông, lâm, thủy sản đạt 4,35%; tổng giá trị sản xuất theo giá so sánh đạt khoảng 12,99 nghìn tỷ đồng, tăng 4,29% so với cùng kỳ. Giá trị sản phẩm trung bình trên diện tích đất canh tác trồng trọt đạt từ 160 - 165 triệu đồng/ha (riêng nhóm cây trồng chủ lực đạt 250 triệu đồng/ha), trên diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản bình quân đạt 180 - 200 triệu đồng/ha. Năm 2023, toàn Tỉnh trồng rừng tập trung được trên 8.166/5.530ha, đạt 147,67% kế hoạch; tỷ lệ che phủ rừng duy trì ổn định trên 51,5%. Đàn gia súc, gia cầm trên 9,5 triệu con, trong đó, đàn trâu 114.200 con, đàn bò 89.140 con, bằng 102,26% so với cùng kỳ; gia cầm 8.610 nghìn con, bằng 103,09% so với cùng kỳ...
Các mô hình liên kết sản xuất, chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp có hiệu quả kinh tế cao tiếp tục được duy trì và phát triển. Công tác quản lý chất lượng, an toàn nông, lâm, thủy sản; quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp được quan tâm, thực hiện hiệu quả. Toàn Tỉnh hiện có 158 sản phẩm OCOP 3 - 4 sao, trong đó có 7 sản phẩm OCOP đã được xuất khẩu. Nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới được triển khai sâu rộng và đạt được kết quả bền vững, đến nay toàn Tỉnh có 80/129 xã đạt chuẩn NTM, 28 xã NTM nâng cao, 1 xã NTM kiểu mẫu, 63 khu dân cư kiểu mẫu, số tiêu chí bình quân đạt 16,2 tiêu chí/xã.
Thành công nổi bật nhất của ngành Nông nghiệp Hòa Bình trong giai đoạn nửa đầu nhiệm kỳ vừa qua đó là hoạt động xuất khẩu nông sản chủ lực. Đây là hoạt động mang tính đột phá của ngành nông nghiệp với tổng doanh thu xuất khẩu nông, lâm sản năm 2023 đạt 978,45 tỷ đồng tăng 10,01% so với năm 2022.
Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp Hòa Bình đã định vị những lợi thế cạnh tranh, tái cơ cấu ngành, hướng tới nền nông nghiệp sạch chất lượng cao, nông nghiệp hữu cơ có giá trị gia tăng lớn và nông nghiệp bền vững. Theo đó, Tỉnh đã xác định và tập trung vào một số sản phẩm chủ lực, có lợi thế phục vụ mục tiêu xuất khẩu và công nghiệp chế biến như: cây ăn quả có múi, chè, sắn, dong riềng... Nổi bật nhất, cây ăn quả có múi ở tỉnh Hòa Bình đang dần khẳng định vị thế trong sản xuất nông nghiệp với diện tích năm 2023 đạt khoảng 10.500 ha, trong đó riêng diện tích cam, bưởi trồng tập trung đạt 9.053 ha và sản lượng đạt 166,7 nghìn tấn. Được thiên nhiên ưu đãi nên sản phẩm cây có múi trồng ở các huyện như Cao Phong, Lạc Sơn, Tân Lạc, Yên Thủy đều cho hương vị rất ngon, được người tiêu dùng đón nhận.
Xác định việc cấp mã số vùng trồng có ý nghĩa quan trọng trong sản xuất và xuất khẩu nông sản, Hòa Bình chú trọng hỗ trợ các địa phương nâng cao năng lực cạnh tranh, hoàn thiện hồ sơ, cấp mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu. Đến nay, tỉnh có 21 mã số vùng trồng còn duy trì đối với các sản phẩm nhãn, chuối, thanh long, bưởi, tổng diện tích 168,73 ha. Nhờ vậy, trong hai năm gần đây, nhiều cây ăn quả có múi của Hòa Bình có đủ điều kiện để vươn tới những thị trường khó tính như: Bưởi Diễn Lương Sơn xuất khẩu sang Hoa Kỳ; tinh bột nghệ, trà chanh đào mật ong, bưởi Diễn Yên Thủy xuất khẩu sang Anh.
Nuôi cá lồng khu vực lòng hồ thủy điện mang lại
hiệu quả kinh tế cao cho người dân và doanh nghiệp
Theo ông Nguyễn Huy Nhuận - Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hòa Bình, thời gian qua, được các cấp, ngành quan tâm vốn đầu tư cho nông nghiệp ngày một tăng, nhờ vậy hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp được xây dựng mới, nâng cấp đáp ứng yêu cầu sản xuất ứng dụng công nghệ cao.
Thời gian tới, để tiếp tục phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, gắn kết chặt chẽ với chế biến phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu, ngành Nông nghiệp sẽ tham mưu để Tỉnh tiếp tục duy trì quy mô, diện tích hiện có đồng thời tập trung quản lý chất lượng ATTP, ưu tiên áp dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch, thân thiện môi trường như công nghệ tưới nhỏ giọt, điều khiển tự động chăm sóc cây trồng trong nhà màng, nhà lưới; sử dụng máy bay không người lái để phun thuốc bảo vệ thực vật; Phát triển các mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ, VietGAP; Phát triển thêm một số vùng nguyên liệu là các loại cây trồng mới, có tiềm năng như vùng nguyên liệu cây gai xanh, cây măng các loại... Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp sẽ tham mưu để Tỉnh có cơ chế, chính sách hỗ trợ khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ dân đầu tư vào sơ chế, chế biến, bảo quản nông sản với quy mô công nghiệp, tăng cường năng lực chế biến sâu, chế biến tinh nông sản chủ lực; hỗ trợ bao bì, tem truy xuất và xây dựng các mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm đảm bảo các điều kiện về ATTP, tăng cường và sử dụng linh hoạt các hình thức quảng bá, tiêu thụ nông sản chủ lực./.
Trịnh Trung