Chiềng Châu: Phát triển du lịch bền vững

19/03/2024 - 11:02 AM

Xã Chiềng Châu (huyện Mai Châu - Hòa Bình) có trên 900 hộ với gần 3.800 nhân khẩu, gồm 5 dân tộc anh em cùng chung sống, trong đó chủ yếu là dân tộc Thái. Xã được thiên nhiên ưu đãi với cảnh sắc tuyệt đẹp của núi rừng Tây Bắc, cùng những phong tục tập quán mang nét đặc trưng của đồng bào dân tộc Thái. Khai thác lợi thế này, Xã đã và đang phát triển du lịch cộng đồng, tạo điểm đến, trải nghiệm hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước.

Những năm qua, bên cạnh đẩy mạnh công tác thông tin thị trường, hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu du lịch địa phương, xã Chiềng Châu đã tăng cường công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của cộng đồng trong bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; sưu tầm, biên soạn các tài liệu giới thiệu về phong tục tập quán, danh lam thắng cảnh, duy trì và phát triển các lễ hội của dân tộc Thái, các loại hình nghệ thuật như sáo, khèn, múa xòe, múa sạp..., phát triển du lịch văn hóa nhà sàn, du lịch văn hóa - sinh thái, du lịch văn hóa ẩm thực, các ngành nghề truyền thống, văn hóa dân gian nhằm quảng bá hình ảnh văn hóa, du lịch địa phương đến du khách trong nước và quốc tế.
 
Chiềng Châu: Phát triển du lịch bền vững

Những gian hàng thổ cẩm của người Thái ở bản Lác, xã Chiềng Châu

Ông Hà Văn Tiệp, Chủ tịch UBND Xã cho biết: Để phát triển du lịch cộng đồng bền vững, chính quyền địa phương đã đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, đường giao thông kết nối các bản; tuyên truyền vận động người dân giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, làm du lịch có văn hóa thông qua thái độ thân thiện, tuyệt đối không nài, ép khách; đồng thời chú trọng công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho du khách.

Từ những nét văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc Thái, xã Chiềng Châu đã chọn lọc, phát triển thành sản phẩm du lịch đặc sắc, góp phần đưa hoạt động du lịch của địa phương phát triển đa dạng, có sức hấp dẫn riêng. Trong đó, để gìn giữ nghề dệt thổ cẩm của đồng bào dân tộc Thái, Xã đã thành lập Hợp tác xã dệt thổ cẩm và dịch vụ du lịch xã Chiềng Châu. Từ mô hình HTX thổ cẩm xã Chiềng Châu đã khuyến khích các hộ dân trong Xã và đặc biệt là hộ dệt thổ cẩm tại Bản Lác khôi phục và giữ gìn nghề dệt thổ cẩm truyền thống, góp phần vào phát triển du lịch cộng đồng gắn với chương trình phát triển xây dựng nông thôn mới hiện nay. Từ chỗ chỉ dệt những chiếc khăn, chiếc áo thổ cẩm để mặc, phụ nữ ở bản Lác đã làm nhiều đồ lưu niệm như: Khăn quàng; váy xòe Thái, vải treo tường có trang trí, ví thổ cẩm… để bán cho du khách. Năm 2020, các sản phẩm thổ cẩm dệt tay của HTX dệt thổ cẩm và dịch vụ du lịch bản Lác, xã Chiềng Châu được chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao. Đây là cơ hội để HTX tiếp tục phát triển thương hiệu, mở rộng thị trường và cũng là cơ hội đưa thổ cẩm trên địa bàn Tỉnh trở thành sản phẩm du lịch.

Bên cạnh đó, để bảo tồn chữ viết Thái cũng như bản sắc văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch cộng đồng, hàng năm, Trung tâm học tập cộng đồng Xã mở các lớp học chữ Thái và lớp bồi dưỡng về du lịch cộng đồng. Từ đây, nhận thức của các tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch, dịch vụ du lịch và cộng đồng dân cư về vai trò, vị trí của ngành du lịch được nâng lên, công tác bảo vệ môi trường tốt hơn.

Đặc biệt, năm 2021, Hội Nông dân xã Chiềng Châu đã thành lập Chi hội Nông dân nghề nghiệp “Nông dân làm Homestay” tại bản Lác, với 18 hội viên tham gia, trong số này có 9 nữ và 3 hội viên có trình độ đại học. Từ khi thành lập, Chi hội đã giúp các hội viên liên kết với nhau cùng phát triển kinh doanh dịch vụ, du lịch, qua đó phát huy tiềm lực sẵn có, tạo được mối liên kết chặt chẽ giữa các hội viên nông dân có cùng niềm đam mê kinh doanh du lịch cộng đồng, góp phần phát triển bản sắc riêng cho các dịch vụ du lịch của địa phương.

Hiện nay trên địa bàn xã Chiềng Châu có 79 nhà nghỉ cộng đồng, 09 nhà nghỉ, 03 khách sạn và 01 khu nghỉ dưỡng. Riêng bản Lác có 125 hộ thì có 74 hộ tham gia hoạt động du lịch. Để phục vụ khách du lịch, nhiều hộ dân ở bản Lác đã sửa chữa nhà cửa, xây dựng công trình nhà vệ sinh đạt chuẩn, đồng thời thành lập đội văn nghệ phục vụ khách tham quan. Các hộ dân đã chủ động phát triển các dịch vụ du lịch, tích cực đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu hình ảnh trang phục dân tộc, ẩm thực, dịch vụ thuê xe, địa điểm chụp ảnh… trên các trang mạng xã hội và liên kết với các hãng lữ hành để tìm kiếm khách hàng.

 
Chiềng Châu: Phát triển du lịch bền vững 1

Du khách ngỡ như lạc vào rừng hoa khi đến bản Lác, xã Chiềng Châu vào mùa xuân

Đặc biệt, du khách đến với Chiềng Châu có thể tham gia vào các hoạt động thường nhật cùng gia chủ như một cách trải nghiệm cuộc sống địa phương, qua chế biến món ăn, dệt vải hay thuê xe đạp, xe điện đi tham quan các bản, dạo chơi ngoài đồng. Thuê trang phục chụp ảnh cũng là hoạt động được nhiều bạn trẻ yêu thích khi đến thăm bản Lác. Cùng với đó, các dịch vụ du lịch mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc như biểu diễn văn nghệ, các điệu xòe Thái, tổ chức các hoạt động cắm trại, giao lưu văn hóa, văn nghệ.

Từ khi dịch Covid-19 được kiểm soát, lượng khách du lịch đến với Chiềng Châu liên tục gia tăng. Năm 2023, Xã đã thu hút trên 19,2 nghìn lượt khách đến tham quan, trong đó có trên 16 nghìn lượt khách trong nước và trên 3,1 nghìn lượt khách quốc tế.

Phát triển du lịch đã giúp Chiềng Châu đạt được nhiều mục tiêu trong phát triển kinh tế - xã hội. Kinh tế của Xã có sự chuyển dịch tích cực từ nông nghiệp sang dịch vụ du lịch và tiểu thủ công nghiệp; tỷ lệ lao động được giải quyết việc làm tăng lên, thu nhập người dân nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm; thu ngân sách năm sau cao hơn năm trước, năm 2023 đạt trên 10 tỷ đồng, bằng 187,24% kế hoạch. Đến nay, Chiềng Châu đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao và đang hướng tới xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.

Trong chiến lược phát triển du lịch của Chiềng Châu, bản Lác được coi là hạt nhân để lan tỏa, trong đó, Xã tiếp tục quan tâm đến công tác bảo tồn văn hóa truyền thống, như khôi phục các lễ hội, làng nghề truyền thống, gìn giữ các nét đặc trưng trong sinh hoạt của đồng bào dân tộc Thái như ăn, ở, mặc, canh tác nông nghiệp, làng nghề truyền thống …

Cùng với đó, để phát triển hài hòa và có sự tương hỗ giữa xây dựng nông thôn mới và phát triển du lịch, Chiềng Châu đang tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đầu tư kết cấu hạ tầng, bảo vệ môi trường; huy động các nguồn lực trong cộng đồng dân cư, các doanh nghiệp có tiềm lực và tâm huyết với nông thôn, khai thác các nguồn thu tại địa phương“Lấy sức dân để lo cho dân” tạo nguồn vốn đầu tư, tu sửa kết cấu hạ tầng và các công trình phúc lợi công cộng thuộc nhóm không có hỗ trợ của nhà nước để nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nói chung và du lịch nói riêng./.

Thành Nam


Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top