Ngành Nội vụ Hòa Bình: Tiên phong trong cải cách hành chính

20/03/2024 - 10:56 AM

Những năm qua, ngành Nội vụ Hòa Bình đã làm tốt nhiệm vụ tham mưu, đề xuất nhiều giải pháp hiệu quả để Tỉnh cải thiện chỉ số cải cách hành chính và chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người dân. Qua đó, tạo sức lan tỏa, giúp Hòa Bình trở thành điểm đến được các nhà đầu tư tin tưởng.

Năm 2023, với chỉ số cải cách hành chính đạt 96,89%, chỉ số mức độ hài lòng của người dân, tổ chức, đạt 99,75 điểm phần trăm, Sở Nội vụ tỉnh Hòa Bình tiếp tục là đơn vị tiên phong dẫn đầu các sở, ngành về chỉ số cải cách hành chính của tỉnh Hòa Bình, đồng thời cũng là đơn vị tiên phong trong việc tham mưu và đề xuất thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ trọng tâm về cải thiện chỉ số cải cách hành chính, chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người dân... Kết quả này đã tạo sức lan tỏa, giúp Hòa Bình trở thành điểm đến được các nhà đầu tư tin tưởng.

Lãnh đạo Sở Nội vụ Hòa Bình nhận bằng khen của Bộ Nội vụ
cho tập thể Sở Nội vụ vì thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua 

Theo ông Đặng Mai Sơn - Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Hòa Bình, đến nay, 100% thủ tục hành chính lĩnh vực Nội vụ cấp huyện, cấp xã (27/27 thủ tục hành chính cấp huyện; 15/15 thủ tục hành chính cấp xã) đã được cắt giảm 30% thời gian giải quyết. Ở cấp tỉnh, tỷ lệ cắt giảm thời gian giải quyết đối với 88/96 thủ tục, đạt 30%. Sở Nội vụ Tỉnh cũng đã hoàn thành 27/27 nhiệm vụ trọng tâm, đột phá do Tỉnh ủy, UBND Tỉnh giao. Với những kết quả nổi bật đó, đơn vị đã được UBND tỉnh Hòa Bình đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, xếp thứ 3/19 đơn vị trực thuộc UBND Tỉnh. Chỉ số cải cách hành chính xếp thứ 01/19 sở, ban, ngành. Chỉ số mức độ hài lòng của người dân xếp thứ 01/19 sở, ban, ngành của tỉnh và được Chủ tịch UBND tỉnh khen thưởng đơn vị xếp thứ ba Khối thi đua tham mưu tổng hợp năm 2022.

Đối với thực hiện nhiệm vụ cải CCHC chung của toàn Tỉnh, những năm qua, ngành Nội vụ đã chủ động tham mưu để Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hòa Bình chỉ đạo quyết liệt các cấp, các ngành đẩy mạnh CCHC, thực hiện đồng bộ, trên cả 6 lĩnh vực cải cách, trong đó trọng tâm là: Kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy, giảm số lượng cấp phó của các tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp theo đúng quy định của Chính phủ; Nâng cao chất lượng thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông; Tăng cường tiếp nhận và giải quyết qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4; Đẩy mạnh chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp sang tự đảm bảo chi thường xuyên; Ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước.

Công tác CCHC toàn Tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Nổi bật, việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại các cơ quan hành chính Nhà nước trên địa bàn Tỉnh tiếp tục được duy trì tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh, Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả 10 huyện, thành phố và 151/151 đơn vị cấp xã. 100% các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh đã có hệ thống mạng nội bộ (LAN) và kết nối Internet băng thông rộng. Tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức được trang bị máy tính phục vụ công việc tại cấp tỉnh đạt 98%, cấp huyện đạt 91%, cấp xã đạt 88%. Một số sở, ngành như: Giáo dục và Đào tạo, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Công an tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh có Trung tâm dữ liệu nhỏ có từ 3 - 10 máy chủ để cài đặt các phần mềm, cơ sở dữ liệu chuyên ngành. 100% sở, ngành đã kết nối, liên thông hệ thống quản lý văn bản điều hành với UBND tỉnh. 100% UBND cấp huyện kết nối, liên thông với UBND Tỉnh. Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của tỉnh (LGSP) đã kết nối với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia, đảm bảo việc gửi nhận văn bản điện tử liên thông 4 cấp. Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính Tỉnh với tên miền "http://dichvucong.hoabinh.gov.vn" hiện đang cung cấp 1.623 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 (621 dịch vụ công mức 3 và 1.002 dịch vụ công mức 4) của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn Tỉnh.

Nhờ giải pháp quyết liệt và đồng bộ, chỉ số cải cách hành chính giai đoạn 2016 - 2022 luôn tăng về điểm số, trong 7 năm đã tăng 14,18%. Đặc biệt, năm 2022 là năm đầu tiên tỉnh Hòa Bình được xếp ở vị trí cao nhất từ trước đến nay, đạt 86,30%, tăng 2 bậc so với năm 2021; tăng 30 bậc so với năm 2020.

Cải cách hành chính là nhiệm vụ trọng tâm, đột phá chiến lược của tỉnh Hòa Bình.
Trong ảnh: Người dân, tổ chức đến giao dịch tại Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả thành phố Hòa Bình

Trong năm 2023, một số lĩnh vực CCHC tiếp tục được quan tâm và ưu tiên thực hiện sâu rộng ngay từ đầu năm như: Tăng cường nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ CCHC tại các cơ quan; đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đánh giá, xếp loại Chỉ số CCHC, mức độ hoàn thành nhiệm vụ hàng năm, gắn với công tác thi đua, khen thưởng; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, thực hiện văn hóa công sở... Bên cạnh đó, Hòa Bình cơ bản đã sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các sở, ngành, đơn vị thuộc, trực thuộc các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố; Bố trí, sắp xếp đảm bảo số lượng cấp phó; Nhiệm vụ tinh giản biên chế, thực hiện chuyển đổi vị trí công tác, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức viên chức luôn được quan tâm. Công tác kiểm soát, rà soát, đánh giá thủ tục hành chính thực hiện đúng quy định; đồng thời công bố, công khai đầy đủ, kịp thời thủ tục hành chính, địa chỉ tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức, tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính được giải quyết trước hạn và đúng hạn tăng so với các năm trước…

Năm 2023, Hòa Bình đã hoàn thành vượt mức chỉ tiêu giảm biên chế công chức, viên chức giai đoạn 2015 - 2021 theo chỉ đạo của Bộ Chính trị tại và các Nghị định của Chính phủ; Bộ Chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện TTHC, cung cấp dịch vụ công được xếp nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước. /.

Long Trịnh

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top