Đắk Lắk: Những nét đổi thay vùng đồng bào dân tộc thiểu số từ các chính sách an sinh xã hội

27/12/2023 - 11:32 AM
Đắk Lắk là địa bàn chiến lược về kinh tế, chính trị, quốc phòng – an ninh của Khu vực Tây Nguyên. Nơi đây, đồng bào DTTS chiếm 37,5%, cư trú rộng khắp trên địa bàn 14 huyện và 1 thị xã. Đông nhất là dân tộc Ê Đê với 350 nghìn người, dân tộc Nùng, Tày hơn 53 nghìn người, dân tộc M’nông hơn 48 nghìn người, dân tộc Mông hơn 39 nghìn người. Hiện, Đắk Lắk có 54 xã khu vực III, 5 xã khu vực II, 71 xã, phường, thị trấn thuộc khu vực I; 519 thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi.
 
 Những đổi thay rõ nét vùng đồng bào DTTS
 
Thời gian qua, tỉnh Đắk Lắk đã vận dụng các chính sách ưu tiên phát triển vùng đồng bào DTTS của Nhà nước như: Chương trình phát triển kinh tế xã hội các xã đặc biệt khó khăn miền núi và vùng sâu, vùng xa; Chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào DTTS nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn; Đề án “Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2018-2025”... để xây dựng và triển khai các hoạt động bám sát với đặc điểm tình hình vùng đồng dân tộc thiểu số, góp phần giải quyết những khó khăn, kinh tế - xã hội từng bước ổn định, phát triển. Bên cạnh đó, tỉnh Đắk Lắk còn hỗ trợ phát triển sản xuất cho các xã đặc biệt khó khăn như giao đất ở, đất canh tác và sản xuất công nghiệp; Cung cấp giống cây trồng, công cụ sản xuất, tạo điều kiện cho bà con DTTS phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo.
 

Cán bộ Phòng giao dịch NHCSXH huyện Cư Kuin kiểm tra hiệu quả sử dụng vốn
của gia đình ông Y Plô Ênuôl (buôn Ea Tiêu, xã Ea Tiêu).

 
 Sự chỉ đạo, điều hành sâu sát, quyết liệt, chủ động từ các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp của góp phần tạo nên sự đoàn kết, đồng thuận cao của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân. Từ đó mang lại những kết quả tích cực, góp phần quan trọng thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển chung của địa phương, diện mạo vùng đồng bào DTTS và miền núi có nhiều chuyển biến rõ nét, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước được hoàn chỉnh, đáp ứng nhu cầu sản xuất và dân sinh, thu nhập của đồng bào DTTS được nâng cao.
 
Nguồn vốn tín dụng chính sách giúp hộ nghèo, dân tộc thiểu số phát triển sản xuất
vươn lên thoát nghèo. Ảnh: Nguyên Dung – TTXVN

 
Điển hình, trong 5 năm gần đây, Đắk Lắk đã hỗ trợ 270 hộ di dân người đồng bào DTTS, xây dựng 4 công trình cơ sở hạ tầng, hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào. Giai đoạn 2017-2020, Đắk Lắk hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 1.634 hộ dân tại các huyện: Lắk, Buôn Đôn, Ea Súp, Krông Bông, Krông Pắc; Hỗ trợ nước sinh hoạt cho 700 hộ dân tại huyện Krông Búk, M'Drắk...; Đề án bình đẳng giới và những vấn đề cấp thiết với phụ nữ và trẻ em được triển khai ở 519 thôn/buôn thuộc 54 xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào DTTS của 14 huyện và thị xã Buôn Hồ.
 

Mô hình nuôi dế của gia đình chị H’Huệ Bkrông (buôn Blay Năm, xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin)
 
Đặc biệt, Tỉnh đã đổi mới hoạt động, phát triển các trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú, đẩy mạnh xóa mù chữ cho đồng bào DTTS; Tổ chức các đợt tập huấn nâng cao năng lực y tế xã, cô đỡ thôn, buôn; Tuyên truyền pháp luật về hôn nhân, dân số và gia đình nhằm giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vùng DTTS; Đẩy mạnh tuyên truyền về bình đẳng giới bằng tiếng dân tộc, xây dựng chuyên mục phát thanh bằng bảy thứ tiếng (Việt, Ê Đê, M’Nông, Gia Rai, Ba Na, Xê Đăng và Cơ Ho) về bình đẳng giới và phòng chống bạo lực gia đình. Từ đó, trình độ dân trí, nhận thức của người DTTS ngày một nâng cao, tiếp cận rộng rãi với công nghệ thông tin, sức khỏe của người dân được đảm bảo, tỷ lệ tảo hôn, tử vong ở bà mẹ, trẻ em giảm mạnh... 
 
Tỷ lệ hộ nghèo giảm
 

Nước sạch về với buôn làng tại huyện Cư M'gar
 
Theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk nhiệm kỳ 2020-2025, trung bình mỗi năm giảm từ 1-2% hộ nghèo. Trong đó, hộ nghèo trong vùng đồng bào DTTS giảm từ 3-4%, hộ nghèo tại các huyện nghèo giảm từ 4-5%. Để đạt được mục tiêu đề ra, tại "Hội nghị Sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng Bộ tỉnh Đắk Lắk", Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Nguyễn Đình Trung cho biết: “Tiếp tục chỉ đạo nâng cao hơn nữa trách nhiệm của các cấp uỷ đảng, quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm túc các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững. Ưu tiên bố trí các nguồn lực thực hiện của đề án, chính sách đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới…”.
 
Người DTTS ở huyện M'Đrắk được hỗ trợ xây nhà mới

Bên cạnh đó, tỉnh Đắk Lắk cũng đang đẩy mạnh thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, các chính sách giảm nghèo như: Tín dụng ưu đãi, khuyến nông, khuyến lâm, phát triển thuỷ sản, học nghề, y tế, giáo dục và quan tâm hơn nữa đến công tác cán bộ vùng đồng bào DTTS... Kết quả, tính đến cuối năm 2022, toàn Tỉnh còn 54.689 hộ nghèo, trong đó có 35.982 hộ nghèo trong vùng đồng bào DTTS. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 12,9% xuống còn 11,4% (giảm 1,75% ). Riêng tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS giảm 3,5%.

Hạ tầng giao thông được đầu tư tại xã nghèo ở huyện Ea Kar
 
Điển hình như Buôn Mlốc B (xã Krông Jing, huyện M’Đrắk) có 160 hộ với hơn 500 nhân khẩu (đa phần là người Ê đê). Năm 2022, cả buôn có gần 100 hộ nghèo, thì nay số hộ nghèo giảm xuống còn 80 hộ. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân trong buôn đang ngày một nâng cao. Hay như xã Yang Tao (huyện Lắk), xã có tỷ lệ hộ nghèo cao, với hơn 2.500 hộ (người DTTS tại chỗ chiếm đến 96%). Để giúp người dân thoát nghèo, huyện Lắk đã dành nhiều nguồn lực đầu tư cho xã Yang Tao phát triển KT - XH. Người dân trong xã đã dần quen với các mô hình sản xuất tiên tiến, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
 

Lớp truyền dạy kỹ năng diễn tấu chiêng và nhạc cụ dân tộc Êđê. Ảnh: Hoàng Ân
 
Tại huyện Buôn Đôn, cần tập trung giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho người dân, tuy nhiên, xuất phát từ tình hình thực tế Huyện không có đủ quỹ đất để bố trí đất ở, đất sản xuất cho các hộ thuộc đối tượng thụ hưởng (theo quy định là mỗi hộ được cấp 1 ha đất sản xuất, hoặc 400 m2 đất ở), trên cơ sở văn bản hướng dẫn của cơ quan chức năng, Huyện đã chuyển sang hình thức phù hợp là hỗ trợ vay vốn và đào tạo nghề ngắn hạn. Qua đó, người nghèo nói chung, đồng bào DTTS tại địa phương được tiếp cận vốn, phát triển kinh tế gia đình, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, diện mạo buôn làng khang trang hơn.
 
Đồng bào Ê đê vui hội tại huyện Buôn Đôn

Thực tế cho thấy, những năm qua, các Chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước có ý nghĩa rất quan trọng đối với vùng đồng bào DTTS và miền núi. Chính sách dân tộc không chỉ tác động sâu rộng đến các xã, thôn, buôn vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh Đắk Lắk mà còn góp phần quan trọng ổn định kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, tăng cường khối đại đoàn kết giữa các dân tộc trên địa bàn./. 
                                                                                                         Minh Hà

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top