Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển ngành Thống kê

20/09/2023 - 04:22 PM
Ngành Thống kê đang ngày càng khẳng định vai trò quan trọng, đảm bảo thông tin thường xuyên và đột xuất cho công tác quản lý, điều hành của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ, ngành và chính quyền địa phương. Chính vì vậy, việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thống kê luôn được quan tâm, chú trọng và được đặt trong Chiến lược phát triển ngành Thống kê nhằm góp phần đảm bảo chất lượng thông tin thống kê, đáp ứng yêu cầu phát triển của Ngành trong bối cảnh hội nhập.

Vài nét thực trạng về nguồn nhân lực ngành Thống kê

Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 và trước những yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao về nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập với kinh tế thế giới, Đại hội đại biểu lần thứ XIII của Đảng tiếp tục xác định phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là một đột phá chiến lược, là yếu tố quyết định đẩy mạnh phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ, cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và là lợi thế cạnh tranh quan trọng nhất, bảo đảm cho phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững. Trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, ngành Thống kê Việt Nam cũng đang đứng trước những yêu cầu cấp thiết về phát triển nguồn nhân lực thống kê, đáp ứng sự tăng trưởng của Ngành và xu hướng chung của thế giới.

Theo số liệu tổng hợp, tại thời điểm 31/12/2022, cả nước có trên 20 nghìn công chức, viên chức làm công tác thống kê chuyên trách và kiêm nhiệm tại các cơ quan nhà nước, bao gồm: Hệ thống thống kê tập trung 5.178 công chức, viên chức chuyên trách (4.886 công chức và 292 viên chức); Thống kê bộ, ngành 249 người (143 chuyên trách và 106 kiêm nhiệm); Thống kê sở, ban, ngành cấp tỉnh 3.590 công chức, viên chức (2.378 công chức và 1.212 viên chức); Ủy ban nhân dân cấp xã 10.985 công chức Văn phòng - Thống kê. Ngoài ra, còn có những người làm công tác thống kê tại cơ quan, đơn vị nhà nước khác và những người làm thống kê ngoài thống kê nhà nước.

 
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển ngành Thống kê
Các công chức, viên chức ngành Thống kê tham gia lớp đào tạo của chuyên gia Italia

Trong quá trình phát triển, chất lượng nhân lực thống kê từng bước được nâng lên, hầu hết công chức, viên chức thống kê đều có trình độ đại học và trên đại học, đặc biệt là nhân lực của Hệ thống thống kê tập trung. Đến cuối năm 2022, trong Hệ thống thống kê tập trung, 80,19% công chức, viên chức trình độ đại học; 14,87% thạc sĩ; 0,27% tiến sĩ; chỉ có 4,67% trình độ cao đẳng, trung cấp và trình độ khác. Tất cả công chức, viên chức thống kê chuyên trách và kiêm nhiệm tại các bộ, ngành đều có trình độ đại học và trên đại học; trong đó, thạc sĩ chiếm 63,86%; đại học 36,14%. Trong tổng số 3.590 người làm công tác thống kê của các sở, ban, ngành cấp tỉnh, 71,84% trình độ đại học; 23,51% thạc sĩ; chỉ có 2,43% cao đẳng và 2,42% trình độ khác. Trong tổng số 10.985 công chức Văn phòng - Thống kê cấp xã, 66,23% đại học; 19,69% thạc sĩ; 4,44% cao đẳng và 9,64% trình độ khác.

Tính chung, các cơ quan thống kê nêu trên có 14 tiến sĩ, chiếm 0,07% trong tổng số 20.002 công chức, viên chức; 3.936 thạc sĩ, chiếm 19,68%; 14.096 đại học, chiếm 70,47%; 666 cao đẳng, chiếm 3,33%; 1.290 trình độ khác, chiếm 6,45%.

 
Bảng 1: Tổng hợp trình độ chuyên môn kỹ thuật của CCVC thống kê
tại thời điểm 31/12/2022
Đơn vị: Người
 
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển ngành Thống kê(*) Tại thời điểm 31/12/2021
 
Chia theo ngạch, trong Hệ thống thống kê tập trung có thống kê viên cao cấp, thống kê viên chính và thống kê viên. Trong đó: Thống kê viên cao cấp là đội ngũ chuyên gia có trình độ chuyên môn sâu, giàu kinh nghiệm, chủ trì, xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách, chế độ báo cáo của ngành Thống kê; tổ chức, chỉ đạo hướng dẫn các ngành, địa phương triển khai hoạt động thu thập, tổng hợp, phân tích và dự báo thống kê. Thống kê viên chính là những người có trình độ chuyên môn vững vàng, là lực lượng chủ lực trong việc tổ chức triển khai thực hiện các hoạt động thống kê tương ứng với từng vị trí việc làm. Thống kê viên là công chức chuyên môn nghiệp vụ thống kê trong hệ thống thống kê nhà nước, thực hiện các công việc thu thập, tổng hợp, phân tích, phổ biến và lưu giữ thông tin thống kê đúng chuẩn mực của phương pháp luận thống kê theo sự phân công và tuân thủ các quy định của pháp luật.

Những số liệu trên cho thấy, đội ngũ nhân lực làm thống kê có trình độ khá cao. Thời gian qua, Ngành luôn chú trọng đào tạo tăng cường năng lực người làm thống kê trong hệ thống thống kê tập trung. Bên cạnh đó, đội ngũ CCVC cũng tự nỗ lực học tập nâng cao trình độ để đáp ứng yêu cầu công việc.

Tuy nhiên, phát triển nhân lực ngành Thống kê hiện tại còn gặp một số khó khăn. Số người kiêm nhiệm thống kê của một số cơ quan, tổ chức chiếm tỷ lệ cao (Thống kê bộ, ngành chiếm 42,57%). Số người được đào tạo chuyên ngành Thống kê chiếm tỷ lệ thấp. Điển hình trong Hệ thống thống kê tập trung, tỷ lệ này tại thời điểm 31/12/2022 và 15/6/2023 lần lượt là 19,80% và 19,74%. Thêm vào đó, trình độ đào tạo chuyên môn kỹ thuật của lực lượng thống kê tương đối cao, nhưng phần lớn là các chuyên ngành ngoài thống kê (Trong Hệ thống thống kê tập trung, giữa năm 2022 chỉ có 7/14 tiến sĩ; 107/770 thạc sĩ, 794/4.095 đại học được đào tạo chuyên ngành Thống kê).

Bên cạnh đó, do thống kê là ngành có nghiệp vụ chuyên môn sâu nên cần những người làm công tác thống kê có kiến thức chuyên ngành và thực tiễn, trong khi công việc khá vất vả và thu nhập chưa cao nên thiếu hấp dẫn, dẫn đến việc tuyển dụng ngày càng khó khăn, nhân lực thống kê luôn trong tình trạng thiếu hụt. Năm 2021 và 2022, Hệ thống thống kê tập trung được giao 5.460 biên chế, nhưng số công chức, viên chức thực tế năm 2021 chỉ bằng 90,37% chỉ tiêu được giao. Còn đối với Thống kê bộ, ngành và nhân lực thống kê của các cơ quan, tổ chức khác, việc tuyển dụng, bố trí, sắp xếp còn gặp nhiều trở ngại hơn do chưa nhận được sự quan tâm tăng cường nguồn nhân lực thống kê. Đó là chưa kể, có hiện tượng đối tượng tham gia tuyển dụng, bố trí việc làm cũng không sẵn sàng chấp nhận vị trí việc làm thống kê.

 
Bảng 2: Số lượng CCVC thống kê được đào tạo chuyên ngành Thống kê

Đơn vị: Người
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển ngành Thống kê 1

Tổng kết thực hiện tinh giản biên chế giai đoạn 2016-2021 theo Nghị quyết số 39-NQ/TW, trong đó quy định tỷ lệ tinh giản biên chế đến năm 2021 tối thiểu là 10% biên chế được giao năm 2015, Tổng cục Thống kê bị giảm 630 chỉ tiêu biên chế công chức, tương đương 10,34% so với 6.090 chỉ tiêu biên chế công chức được giao năm 2015; giảm 54 chỉ tiêu biên chế viên chức, tương đương 14,7% so với 368 chỉ tiêu biên chế viên chức được giao năm 2015. Như vậy, biên chế công chức, viên chức của ngành Thống kê đã bị giảm hơn so với mức quy định tối thiểu là 10%.

Ngày 18/7/2022, Bộ Chính trị đã có Kết luận số 40-KL/TW về nâng cao hiệu quả công tác quản lý biên chế của hệ thống chính trị giai đoạn 2022-2026, theo đó tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tinh giản biên chế giai đoạn 2021-2026, toàn hệ thống chính trị tinh giản ít nhất 5% biên chế cán bộ, công chức và toàn hệ thống chính trị tinh giản ít nhất 10% biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước.

Đây thực sự là một khó khăn, thách thức lớn đối với ngành Thống kê khi mà công việc phát sinh ngày càng nhiều, chất lượng thông tin thống kê ngày càng đòi hỏi cao, đáp ứng nhanh nhưng lực lượng công chức đang thiếu hụt gây khó khăn trong việc sắp xếp công chức theo vị trí việc làm từ trung ương đến địa phương. Qua đó, việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của ngành Thống kê càng trở nên quan trọng và cấp thiết hơn hết.

Định hướng phát triển nguồn nhân lực thống kê

Ngày 01/12/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 2014/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển Thống kê Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Chiến lược) với mục tiêu hiện đại hóa Thống kê Việt Nam theo hướng đổi mới sáng tạo, phát triển nhanh và vững chắc với hệ thống tổ chức phù hợp; nguồn nhân lực chất lượng cao và chuyên nghiệp; công nghệ hiện đại; sản xuất, cung cấp và phổ biến thông tin thống kê theo chuẩn mực và thông lệ quốc tế; hình thành hệ thống thông tin thống kê quốc gia tập trung, thống nhất, thông suốt, chất lượng và hiệu quả; đáp ứng tốt hơn nhu cầu thông tin thống kê ngày càng tăng. Phấn đấu đến năm 2030, Thống kê Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực ASEAN và đến năm 2045 trở thành hệ thống thống kê hiện đại trên thế giới.

Chiến lược xác định mục tiêu cụ thể về nâng cao mạnh mẽ năng lực thống kê, trong đó: 100% người làm công tác thống kê trong hệ thống tổ chức thống kê tập trung và 30% người làm công tác thống kê ở bộ, ngành trung ương và sở, ngành địa phương, thống kê cấp xã có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ thống kê vào năm 2025; đến năm 2023, 60% người làm công tác thống kê ở bộ, ngành trung ương và sở, ngành địa phương, thống kê cấp xã có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ thống kê.

Phát triển nguồn nhân lực nằm trong nhóm các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu để thực hiện Chiến lược, trong đó nhấn mạnh phát triển, thu hút, trọng dụng nhân lực trình độ cao, chuyên nghiệp; tăng cường huy động và sử dụng các chuyên gia, nhà khoa học về khoa học thống kê, khoa học dữ liệu, công nghệ thông tin; ưu tiên sử dụng nhân lực tại chỗ đối với các vùng khó khăn. Cử biệt phái công chức thống kê tại cơ quan thống kê trung ương đến làm việc tại tổ chức thống kê bộ, ngành để tăng cường nhân lực thống kê bộ, ngành khi có yêu cầu và theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, Chiến lược đặt ra nhiệm vụ đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng phát triển nhân lực theo hướng nâng cấp hệ thống đào tạo, chương trình, nội dung, hình thức, cấp độ đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu các cấp, các ngành, địa phương. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu khoa học thống kê và khoa học dữ liệu. Tăng cường hợp tác, liên kết trong công tác đào tạo, bồi dưỡng. Xây dựng văn hóa học tập thương xuyên, liên tục trong hệ thống thống kê. Dự thảo Đề án Năng lực Thống kê quốc gia (Đề án) do Tổng cục Thống kê xây dựng đưa việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vào một trong những nội dung chính. Trong đó chú trọng: Thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật chuyên môn nghiệp vụ đối với công chức, viên chức, nhân viên thống kê; Thu hút, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; Thành lập Trường Đại học Thống kê trực thuộc Tổng cục Thống kê trên cơ sở nâng cấp 02 Trường Cao đẳng Thống kê.

Để thực hiện được các mục tiêu về phát triển nguồn nhân lực, ngành Thống kê Việt Nam cần khảo sát, đánh giá đầy đủ thực trạng nguồn nhân lực của Hệ thống thống kê quốc gia hiện nay; nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của hoạt động thống kê và vị trí việc làm trong lĩnh vực thống kê. Đồng thời, cần triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ đối với hệ thống tổ chức thống kê tập trung; thống kê bộ, ngành; thống kê sở, ngành và với đơn vị hành chính cấp xã. Theo đó:

Đối với hệ thống tổ chức thống kê tập trung, cần xây dựng đội ngũ công chức, viên chức ngành thống kê có chất lượng cao, cơ cấu hợp lý, khẳng định vai trò đối với thực hiện mục tiêu hiện đại hoá Thống kê Việt Nam theo hướng đổi mới, sáng tạo, phát triển nhanh và vững chắc, sản xuất, cung cấp và phổ biến thông tin thống kê theo chuẩn mực và thông lệ quốc tế, đáp ứng tốt hơn nhu cầu thông tin thống kê ngày càng tăng. Phát huy có hiệu quả tiềm năng sẵn có của mỗi công chức, viên chức để phục vụ tốt nhất các mục tiêu của Ngành. Xây dựng đề án tuyển dụng, lựa chọn được những người có trình độ chuyên môn phù hợp, có am hiểu nhất định về công tác thống kê vào làm việc trong ngành Thống kê. Xây dựng cơ chế phù hợp để tạo điều kiện và giữ chân những công chức, viên chức có năng lực, trách nhiệm và đang làm tốt nhiệm vụ được giao trong ngành Thống kê.

Đối với tổ chức thống kê bộ, ngành, cần phát triển, thu hút, trọng dụng nhân lực trình độ cao, chuyên nghiệp; tăng cường huy động và sử dụng các chuyên gia, nhà khoa học về khoa học thống kê, khoa học dữ liệu, công nghệ thông tin. Tập trung đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu khoa học thống kê và khoa học dữ liệu; tăng cường hợp tác, liên kết trong công tác đào tạo, bồi dưỡng. Tăng cường nhân lực làm công tác thống kê của bộ, ngành; quan tâm thực hiện chế độ phụ cấp ưu đãi nghề đối với công chức làm công tác thống kê của bộ, ngành và địa phương.

Đối với công tác thống kê sở, ngành, cần tập trung đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu về thống kê đối với công chức, viên chức làm thống kê ở sở, ngành; Có cơ chế phù hợp, khuyến khách động viên những người làm công tác thống kê kiêm nhiệm ở sở, ngành.

Đối với đơn vị hành chính cấp xã, cần tập trung bồi dưỡng kiến thức về thống kê cơ bản và chuyên sâu đối với công chức thống kê xã./.

 
Thu Hiền
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top