Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực – nhiệm vụ chiến lược xây dựng ngành Thống kê trưởng thành và vững mạnh

05/05/2024 - 10:54 PM
Mô hình tổ chức thay đổi đáp ứng yêu cầu thực tiễn từng thời kỳ
 
Ngày 06 tháng 5 năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 61/SL thành lập Nha Thống kê Việt Nam thuộc Bộ Quốc dân Kinh tế - tổ chức tiền thân của ngành Thống kê. Trong 78 năm xây dựng và phát triển, bộ máy tổ chức nhiều lần có sự thay đổi, sắp xếp lại, song ngành Thống kê đã chuyển mình, lớn mạnh không ngừng về mọi mặt; nguồn nhân lực của Ngành tăng lên cả về quy mô và chất lượng.
 
Nhìn lại những ngày đầu mới thành lập, cơ cấu tổ chức của ngành Thống kê rất đơn giản, số cán bộ ít và trình độ nghiệp vụ chuyên môn còn nhiều hạn chế. Song Nha Thống kê Việt Nam đã vượt qua những khó khăn, tự đào tạo chuyên môn, triển khai thực hiện các hoạt động thu thập, thông tin phục vụ Đảng, Chính phủ và các Liên khu chỉ đạo kháng chiến chống thực dân Pháp và kiến quốc của dân tộc.
 
Giai đoạn 1954-1975, cùng với tăng cường cơ sở vật chất, chú trọng nghiên cứu phương pháp nghiệp vụ chuyên môn, ngành Thống kê tập trung nguồn lực xây dựng bộ máy, đào tạo cán bộ. Đến cuối năm 1957, hầu hết các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương miền Bắc đã có cơ quan thống kê địa phương. Năm 1974, Hội đồng Chính phủ ban hành Nghị định số 72/CP, trong đó quy định Tổng cục Thống kê (TCTK) là cơ quan thuộc Chính phủ, có các vụ trực thuộc, các Chi cục Thống kê tỉnh, phòng thống kê cấp huyện. Đây là giai đoạn đánh dấu ngành Thống kê được tổ chức theo hệ thống ngành dọc thống nhất từ Trung ương đến cấp huyện.
 
Năm 1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước. Để thu thập, tổng hợp thông tin trên phạm vi cả nước, ngành Thống kê đã thành lập, kiện toàn tổ chức Cục Thống kê cấp tỉnh ở miền Nam với nòng cốt là cán bộ thống kê có năng lực, kinh nghiệm điều động từ TCTK và các CTK phía Bắc. Đến cuối năm 1977, tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ở miền Nam đều đã có cơ quan thống kê cấp tỉnh, các Phòng Thống kê cấp huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.
 
Giai đoạn 1976-1985, tổ chức bộ máy của ngành Thống kê tương đối hoàn thiện, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn, mở rộng hình thức thu thập thông tin bằng điều tra thống kê, đánh dấu nổi bật là cuộc Tổng điều tra Dân số đầu tiên được thực hiện trên cả nước vào tháng 10/1979.
 
Từ năm 1986 đến nay, hệ thống tổ chức Thống kê tiếp tục có nhiều thay đổi. Năm 1987, thực hiện việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy của các cơ quan Đảng, Nhà nước, đoàn thể của Ban Bí thư Trung ương và Thường vụ Hội đồng Bộ trưởng, TCTK chuyển giao bộ máy thống kê cấp tỉnh, cấp huyện sang Ủy ban Nhân dân cùng cấp quản lý. Sau 7 năm thực hiện mô hình phi tập trung với những bất cập tồn tại, năm 1994, để đảm bảo sự chỉ đạo thống nhất về nghiệp vụ thống kê từ Trung ương đến địa phương cũng như đảm bảo tính độc lập về nghiệp vụ và tính khách quan của số liệu, ngành Thống kê trở lại mô hình quản lý theo ngành dọc gồm cơ quan thống kê trung ương va cơ quan thống kê địa phương và duy trì cho đến ngày nay.
 
Năm 2007, thực hiện cải cách hành chính, Chính phủ ban hành Nghị định số 01/NĐ-CP, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ KHĐT) thực hiện công tác quản lý đối với TCTK. Điểm nổi bật của hệ thống tổ chức ngành Thống kê là hình thành Chi cục Thống kê cấp huyện trực thuộc Cục Thống kê cấp tỉnh trên cơ sở các phòng Thống kê, đưa vị thế, vai trò và năng lực của Chi cục Thống kê lên một tầm mới.
 
Năm 2020, thực hiện Quyết định số 10/2020/QĐ-TTg, mô hình tổ chức Ngành Tổng cục Thống kê tiếp tục được đổi mới, sắp xếp lại nhằm bảo đảm tinh gọn bộ máy và nâng cao hiệu quả hoạt động, với việc hình thành Cục Thu thập dữ liệu và Ứng dụng CNTT thống kê thuộc TCTK; các CTK địa phương thực hiện thống nhất mô hình 5 phòng; hình thành Chi cục Thống kê khu vực trên cơ sở sáp nhập Chi cục Thống kê cấp huyện theo đơn vị hành chính. Việc sắp xếp lại tổ chức theo Quyết định số 10/2020/QĐ-TTg đã giúp ngành Thống kê thực hiện được việc chuyên môn hóa hoạt động thống kê; đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động thu thập thông tin thống kê; đáp ứng quan điểm và nguyên tắc kiện toàn mô hình tổ chức trong thời kỳ mới; những yêu cầu mới của Luật Thống kê năm 2015 cũng như đáp ứng yêu cầu thực tiễn và yêu cầu hội nhập quốc tế. Việc thực hiện mô hình tổ chức theo Quyết định số 10/2020/QĐ-TTg còn giúp chuẩn hóa đội ngũ lãnh đạo từ cấp vụ đến cấp phòng, nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức lãnh đạo trong ngành Thống kê.
 
Chất lượng công chức, viên chức ngày một nâng cao
 
Cùng với việc ổn định mô hình tổ chức, chất lượng công chức, viên chức ngành Thống kê ngày một nâng cao. Tính đến thời điểm 30/6/2022, toàn ngành Thống kê có gần 5.200 công chức, viên chức. Thời gian qua, ngành Thống kê luôn chú trọng công tác đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức, tăng cường năng lực người làm thống kê trong hệ thống thống kê tập trung. Trong tổng số gần 5.200 công chức, viên chức, tỷ lệ công chức, viên chức có trình độ đào tạo tiến sỹ là 0,27%; trình độ thạc sỹ là 15,07%, trình độ đại học là 80,15%, còn lại 4,51% là trình độ cao đẳng, trung cấp và sơ cấp.
 
Xác định công tác đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức là nhiệm vụ có tính chiến lược để xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, hàng năm, TCTK xây dựng kế hoạch và tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nhằm cập nhật kiến thức cho công chức, viên chức; đồng thời cử nhiều công chức, viên chức tham gia các khoá đào tạo, bồi dưỡng trong, ngoài nước. TCTK và các đơn vị trong Ngành đã huy động mọi nguồn kinh phí và các nguồn hỗ trợ của nước ngoài, tổ chức quốc tế, các dự án để thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng nhằm xây dựng một đội ngũ công chức, viên chức có kỹ năng, kiến thức, trình độ chuyên môn nghiệp vụ dần tiệm cận được với những phương pháp hiện đại, tiên tiến trên thế giới.
 
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực – nhiệm vụ chiến lược xây dựng ngành Thống kê trưởng thành và vững mạnh
Chất lượng công chức, viên chức ngành Thống kê ngày một nâng cao,
đạt nhiều thành tích cao trong các phong trào thi đua

Bên cạnh đó, toàn ngành có 13,23% công chức, viên chức là thống kê viên cao cấp, thống kê viên chính và tương đương. Đây là những người có trình độ chuyên môn sâu, vững vàng, nhiều kinh nghiệm; là lực lượng chủ lực trong việc tổ chức triển khai thực hiện các hoạt động thống kê, chủ trì, xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách, chế độ báo cáo của ngành Thống kê; tổ chức, chỉ đạo hướng dẫn các ngành, địa phương triển khai hoạt động thu thập, tổng hợp, phân tích và dự báo thống kê.
 
Thời gian qua, ngành Thống kê cũng chú trọng công tác quy hoạch làm căn cứ để đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công chức, viên chức tạo nguồn lực cho công tác bổ nhiệm lãnh đạo, quản lý các cấp. Đội ngũ công chức, viên chức trong quy hoạch nói chung bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định; có phẩm chất chính trị, được thử thách, rèn luyện qua thực tiễn công tác, trình độ lý luận, chuyên môn nghiệp vụ được nâng cao.
 
Có thể nói trải qua chặng đường 78 năm xây dựng và phát triển, ngành Thống kê đã thực sự lớn mạnh với đội ngũ công chức, viên chức được đào tạo bài bản, có phẩm chất tốt, năng lực chuyên môn sâu, năng động, sáng tạo, nhiệt huyết, trách nhiệm với nghề. Sự trưởng thành của ngành Thống kê trong mỗi giai đoạn lịch sử đã có những đóng góp quan trọng, ghi đậm dấu ấn vào sự phát triển và những thành tựu to lớn của đất nước, được minh chứng bằng thành công nhiều cuộc điều tra quy mô lớn; thu thập, biên soạn, phổ biến thông tin thống kê kinh tế - xã hội trung thực, khách quan, chính xác, đầy đủ, kịp thời từ Trung ương đến địa phương, phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Đảng và Nhà nước; các ngành, các cấp. Nhiều ấn phẩm, chuyên đề thống kê được biên soạn ngày càng chất lượng, nội dung đa dạng, đáp ứng ngày càng tốt nhu cầu sử dụng thông tin thống kê ngày càng tăng của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế, trong đó có nhiều ấn phẩm nổi bật như: Niên giám thống kê, Sách trắng doanh nghiệp, Sách trắng hợp tác xã…
 
Đất nước đang bước vào giai đoạn phát triển mới với những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Vai trò của ngành Thống kê sẽ càng quan trọng hơn nữa trong phát triển kinh tế của đất nước thời gian tới. Với tinh thần trách nhiệm, sự phấn đấu không mệt mỏi, vượt qua những khó khăn, vất vả trong cuộc sống, trong công việc; với lòng yêu ngành, yêu nghề, sự đoàn kết nhất trí, nhiệt huyết đổi mới, khát vọng vươn lên và sự năng động sáng tạo, công chức, viên chức và người lao động toàn Ngành sẽ nỗ lực tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp và thành tích đạt được trong 78 năm qua để xây dựng ngành Thống kê ngày càng trưởng thành, vững mạnh hơn, xứng đáng với thế hệ đi trước và niềm tin của Đảng, Nhà nước và Nhân dân, góp phần đưa Thống kê Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực và ASEAN vào năm 2030 và trở thành hệ thống thống kê hiện đại trên thế giới vào năm 2045./.
 
B.N

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top