Quy trình thu thập, tổng hợp và tính toán tiêu chí về Thu nhập bình quân đầu người từ lâm nghiệp

04/07/2023 - 10:58 AM
Ngày 8/3/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 318/QĐ-TTg về việc “Ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 – 2025”. Bộ tiêu chí này bao gồm 19 tiêu chí để bình xét xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có tiêu chí số 10 về thu nhập, thực hiện qua chỉ tiêu Thu nhập bình quân đầu người. Theo đó, chỉ tiêu Thu nhập bình quân đầu người/năm trên địa bàn xã được tính bằng tổng thu nhập của toàn bộ các hộ trên địa bàn xã chia cho tổng số nhân khẩu thực tế thường trú trên địa bàn xã trong năm báo cáo.

Thu nhập của hộ gồm hai nguồn chính: (1) Thu nhập từ tiền lương, tiền công và thu nhập từ sản xuất kinh doanh, bao gồm: Thu nhập từ tiền lương, tiền công và các khoản có tính chất như tiền lương, tiền công (phụ cấp, thưởng,…); Lương hưu và trợ cấp thất nghiệp, thôi việc một lần; Thu nhập từ sản xuất kinh doanh: Thu nhập từ hoạt động nông, lâm, thủy sản và hoạt động phi nông, lâm, thủy sản; lợi nhuận từ làm chủ hoặc tham gia làm chủ doanh nghiệp/HTX/Cơ sở kinh doanh cá thể. (2) Thu nhập khác, bao gồm: Thu nhập từ sở hữu tài sản, đầu tư tài chính, bao gồm: Thu nhập từ cho thuê nhà cửa/đất đai/tài sản, lãi gửi tiết kiệm, cổ tức; Thu nhập từ chuyển nhượng, bao gồm: Thu nhập từ các khoản trợ cấp, từ kiều hối, từ quà cho/biếu/tặng,..; Thu nhập khác: Các khoản thu nhập làm tăng thu nhập chưa kể trên như trúng xổ số, vui chơi có thưởng.

Biểu mẫu thu thập thông tin tính thu nhập bình quân được thiết kế gồm 7 mục (từ mục 1-7) theo các nguồn thu. Thu nhập từ tiền lương, tiền công; Thu nhập từ trồng trọt; Thu nhập từ chăn nuôi; Thu nhập từ lâm nghiệp; Thu nhập từ thủy sản; Thu nhập từ hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ phi nông, lâm nghiệp, thủy sản; chế biến sản phẩm nông, lâm nghiệp, thủy sản; Thu nhập khác. Trong đó, thu nhập từ lâm nghiệp thuộc Mục 4.

 
Quy trình thu thập, tổng hợp và tính toán tiêu chí về Thu nhập bình quân đầu người từ lâm nghiệp
Thu nhập từ hoạt động lâm nghiệp 

Quy trình thu thập, tổng hợp và tính toán Tiêu chí về thu nhập bình quân đầu người từ lâm nghiệp có mục đích thu thập các thông tin để xác định thu nhập của hộ từ hoạt động lâm nghiệp (khai thác gỗ, khai thác và thu nhặt sản phẩm từ rừng và cây lâm nghiệp phân tán, ươm các loại giống cây lâm nghiệp, trồng/quản lý/bảo vệ/chăm sóc rừng, hoạt động dịch vụ lâm nghiệp,…).

Về phương pháp tính và cách ghi biểu:

Thu từ hoạt động lâm nghiệp bao gồm thu từ các hoạt động:  

Một là, thu từ khai thác, thu nhặt lâm sản: Khai thác, thu nhặt lâm sản: Thu từ hoạt động khai thác, thu nhặt lâm sản từ rừng trồng và rừng tự nhiên như: Gỗ, củi, luồng, tre, vầu, nhựa thông, cánh kiến, măng, mộc nhĩ, nấm hương, các loại quả, các loại lá (lá dong, lá nón, lá cọ),… Khai thác gỗ bao gồm cả gỗ tỉa thưa từ rừng trồng; thu từ củi bao gồm tận thu từ rừng tự nhiên. Tuy nhiên cần lưu ý, đối với diện tích rừng khai thác toàn bộ (khai thác trắng) trong năm chỉ tính sản lượng và giá trị của phần diện tích khai thác trong 12 tháng qua; không tính giá trị sản phẩm của các năm trước (phần thu hoạch tỉa thưa các năm trước).

Hai là, thu từ ươm giống cây lâm nghiệp: Thu từ hoạt động nhân giống cây lâm nghiệp nhằm phục vụ mục đích trồng rừng hoặc trồng cây phân tán. Hoạt động nhân giống gồm các hình thức chủ yếu sau: Sản xuất giống bằng hạt, bằng hom cành hoặc chiết ghép; chỉ thu thập thông tin giá trị cây giống bán ra bên ngoài.

Ba là, thu từ trồng rừng, chăm sóc, tu bổ, cải tạo rừng, khoanh nuôi tái sinh: Đó là thu từ việc hộ làm cho bên ngoài khi thực hiện hoạt động trồng mới rừng trồng, chăm sóc rừng trồng, cải tạo rừng, khoanh nuôi và xúc tiến tái sinh rừng.

Bốn là, thu từ dịch vụ lâm nghiệp, bao gồm: Bảo vệ rừng: Thu từ việc hộ làm cho bên ngoài khi thực hiện hoạt động khoán bảo vệ rừng; Dịch vụ lâm nghiệp khác: Thu từ hoạt động tưới, tiêu nước phục vụ lâm nghiệp, hoạt động sơ chế gỗ trong rừng,... hộ làm cho bên ngoài.

Năm là, nguồn thu từ tiền được đền bù/hỗ trợ thiệt hại về lâm nghiệp do dịch bệnh, thiên tai, môi trường.

Một số lưu ý khi tính chi phí lâm nghiệp:

- Chỉ tính chi phí cho những hoạt động đã thu trong 12 tháng qua, không tính các chi phí sản xuất dở dang hoặc chi phí cho các hoạt động không phải lâm nghiệp, dịch vụ lâm nghiệp.

- Để tính đúng thu nhập của hộ thì mọi khoản chi phí đã sử dụng để cho sản phẩm thu hoạch trong 12 tháng qua đều phải khai thác và ghi vào phiếu khảo sát gồm: Tất cả các khoản mua đổi và tự túc. Vật tư dùng vào sản xuất nếu mua ngoài thì tính theo giá thực tế mua; phần tự túc tính theo giá bình quân năm tại chợ gần nhất ở địa phương.

- Trường hợp chi phí sản xuất có liên quan đến thu nhập của nhiều năm phải phân bổ theo các năm đó. Nếu có liên quan đến nhiều ngành thì tính phân bổ cho các ngành theo tỷ lệ thu hoặc tỷ lệ chi của mỗi ngành.

Về cách ghi biểu:

Tại Cột 1: Giá trị đã bán/đổi/cho/biếu/tặng; cột 2: Giá trị đã thu hoạch để lại sử dụng (phục vụ sản xuất kinh doanh và tiêu dùng); cột 3: Tổng trị giá sản phẩm đã thu hoạch (bằng cột 1 cộng cột 2); Cột 4: Chi phí giống (hạt giống, cây giống): Ghi trị giá giống của cây trồng thực tế hộ đã mua hoặc tự túc được đã tính vào thu dùng cho sản xuất trong 12 tháng qua. Giống lâm nghiệp gồm: Hạt giống, cây giống dùng vào việc trồng rừng của hộ,...

Không tính giống tự túc chưa được đã tính vào thu. Chú ý chỉ tính giống dùng cho sản xuất, không tính loại giống sản xuất ra để bán, kể cả hạt giống, cây giống không dùng hết đem bán.

Cột 5: Phân bón, thuốc trừ sâu, diệt cỏ, bảo vệ thực vật. Trong đó, phân bón gồm phân hữu cơ, phân hóa học. Tính tổng giá trị phân hữu cơ và phân hóa học mua, tự túc đã sử dụng cho các hoạt động sản xuất cho sản phẩm thu được trong 12 tháng qua. Phân hóa học gồm nhiều loại như đạm u rê, sunphat, NPK, lân, kali... Điều tra viên trong quá trình thu thập thông tin sẽ hỏi số lượng từng loại phân hóa học thực tế đã bón cho từng loại cây trồng để tính thành tiền, Giá phân hóa học tính theo giá thực tế mua ở thị trường.

Cột 6: Chi phí khác. Cột này bao gồm các khoản: Dụng cụ nhỏ, vật rẻ tiền mau hỏng; năng lượng, nhiên liệu, sửa chữa nhỏ, bảo dưỡng tài sản (tài sản cố định, công cụ sản xuất); Khấu hao tài sản cố định; thuế và đấu thầu đất; thuê tài sản, máy móc, phương tiện, thuê vận chuyển; thuê súc vật kéo; trả công lao động thuê ngoài; trả lãi tiền vay cho hoạt động lâm nghiệp, dịch vụ lâm nghiệp; Thuế kinh doanh; các khoảng chi phí khác… Các nội dung này sẽ ghi số tiền dùng để thanh toán trong 12 tháng qua.

Cột 7: Ghi tổng chi phí hoạt động lâm nghiệp: Phần này sẽ bằng tổng cộng các cột 4, cột 5 và cột 6.

Cột 8: Thu nhập (bằng cột 3 trừ cột 7).

Kết quả thu được từ thu thập tổng hợp và tính toán được ghi chép lại tại cột 8 chính là thu nhập từ hoạt động lâm nghiệp. Đây là một phần trong chuỗi quy trình thu thập, tổng hợp và tính toán Tiêu chí về thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn các xã thuộc Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025./.
T.Hòa
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top