Bắc Ninh: Đẩy mạnh phát triển hạ tầng giao thông, tạo động lực tăng trưởng kinh tế và thu hút đầu tư

06/01/2023 - 10:23 PM
 Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025 về phát triển kinh tế- xã hội, giai đoạn 2020-2025 xác định: Phấn đấu xây dựng tỉnh Bắc Ninh phát triển bền vững, cơ bản trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo hướng văn minh, hiện đại. Đến năm 2030, phấn đấu xây dựng Bắc Ninh là thành phố có nền công nghiệp hiện đại, công nghệ cao; một trong những trung tâm thương mại- dịch vụ, giáo dục, đào tạo nhân lực, chăm sóc sức khỏe, nghiên cứu, ứng dụng và phát triển khoa học – công nghệ, đáp ứng yêu cầu của thành phố trực thuộc Trung ương; là động lực phát triển của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, Vùng Thủ đô và cả nước. Để cụ thể hóa mục tiêu nêu trên, tỉnh Bắc Ninh xác định việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, trong đó hạ tầng về giao thông là ưu tiên hàng đầu, làm tiền đề đẩy mạnh thu hút đầu tư trong và ngoài nước…

Xác định phát triển hạ tầng giao thông là khâu quan trọng, tạo tiền đề phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, những năm qua, ngành Giao thông Vận tải (GTVT) tỉnh Bắc Ninh đã tập trung tối đa nguồn lực; xây dựng Quy hoạch, đầu tư phát triển hạ tầng giao thông các giai đoạn. Từ những định hướng trên và quan điểm “Hạ tầng đi trước một bước”, những năm gần đây, nhiều công trình giao thông quan trọng trên địa bàn tỉnh được đầu tư nâng cấp. Các tuyến đường từ trung tâm tỉnh đến trung tâm các huyện, thành phố Từ Sơn được mở rộng, cải tạo, nâng cấp thành đường đôi có dải phân cách cứng; nhiều tuyến đường đến các KCN được mở mới, qua đó tạo điều kiện thuận lợi về thu hút đầu tư và nâng cao hình ảnh của tỉnh đến với các nhà đầu tư.


Nút giao thông phía Tây Nam thành phố Bắc Ninh
 
Nhờ tranh thủ và khai thác tối đa các nguồn lực, biết động viên, sử dụng sức dân để xây dựng, phát triển và quản lý, kết cấu hạ tầng GTVT trên địa bàn tỉnh có những chuyển biến tích cực. Đến nay, mạng lưới giao thông đường bộ của tỉnh tương đối hoàn chỉnh với khoảng 6.480 km đường bộ, trong đó: Quốc lộ và cao tốc có chiều dài trên 142 km; tỉnh lộ 282 km; còn lại là đường đô thị, đường huyện, đường xã, đường giao thông nông thôn (GTNT) các loại 6.056 km. Hệ thống đường GTNT được đầu tư xây dựng tiệm cận tiêu chí giao thông đô thị, đáp ứng nhu cầu vận tải, đi lại của nhân dân, là động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế của địa phương ngày càng phát triển... Nhiều dự án giao thông trọng điểm được đầu tư xây dựng, hoàn thành đưa vào sử dụng như: Cầu Hồ, Cầu Bình Than, nút giao thông QL18 với KCN Yên Phong, nút giao thông phía Tây Nam thành phố Bắc Ninh… Nhờ có hệ thống giao thông đối nội và đối ngoại cơ bản đồng bộ, thông suốt đã đưa hệ thống giao thông của Bắc Ninh hòa mình nhanh chóng vào dòng chảy giao thông khu vực, giao thông quốc gia.
 

Cầu Phật Tích - Đại Đồng Thành đang được đẩy nhanh tiến độ thi công
 
Hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại cùng với chính sách thu hút đầu tư thông thoáng, môi trường đầu tư ổn định, thuận lợi, tỉnh Bắc Ninh đang trở thành địa phương trọng điểm về phát triển công nghiệp và đang tiếp tục xây dựng hạ tầng kỹ thuật, thu hút nhiều vốn đầu tư trong và ngoài nước. Hiện tại, ngành GTVT Bắc Ninh và các địa phương tiếp tục triển khai nhiều công trình giao thông lớn, mang tính kết nối cao như cầu Phật Tích - Đại Đồng Thành, Đường tỉnh 287 từ thành phố Từ Sơn nối với QL18 và cầu Quế Tân, Đường tỉnh 276, 278… Cùng với đó, tỉnh Bắc Ninh đang khẩn trương phối hợp với tỉnh Bắc Giang triển khai các bước thiết kế, xây dựng cầu Hà Bắc 1, 2; phối hợp tỉnh Hải Dương xúc tiến đầu tư cầu Kênh Vàng; phối hợp với thành phố Hà Nội và tỉnh Hưng Yên triển khai đầu tư Đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội... Đây là những công trình quan trọng, từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông các địa phương và Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, góp phần nâng cao năng lực phục vụ về giao thông, tạo hệ thống kết nối giao thông liên vùng, đáp ứng nhu cầu giao thông vận tải giữa các KCN, CCN, nhân dân các địa phương.
 

Đầu tư hơn 1.700 tỷ đồng xây dựng cầu kết nối tỉnh Bắc Ninh và tỉnh Hải Dương
(Phối cảnh cầu Kênh Vàng. Ảnh: Cổng Thông tin điện tử tỉnh Bắc Ninh)

 
Mặt khác, theo phân cấp, Sở Giao thông Vận tải Bắc Ninh triển khai cải tạo, nâng cấp mở rộng và đầu tư xây mới nhiều tuyến đường giao thông huyết mạch của tỉnh như: Đường tỉnh 276 mới (thị trấn Chờ, huyện Yên Phong – thị trấn Lim, huyện Tiên Du); ĐT.279 (Nội Doi – Phố Mới); ĐT.280 (An Quang – Đông Bình); ĐT.284 (Lãng Ngâm – Đại Bái); ĐT.285 (Ngụ - Đại Lai); ĐT.286 (đoạn thị trấn Chờ - cầu Đò Lo và đoạn Đông Yên – thị trấn Chờ); ĐT.287 (QL.18- cầu Yên Dũng); mở rộng cầu Bồ Sơn, cầu Đồng Xép. Với nguồn lực đầu tư công có hạn, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh huy động các nguồn lực xã hội để tham gia vào phát triển hạ tầng giao thông đường bộ như việc triển khai thực hiện các dự án BT: Dự án cải tạo, nâng cấp ĐT.295B (thành phố Bắc Ninh – thành phố từ Sơn); cải tạo, nâng cấp ĐT.277 (thị trấn Chờ, huyện Yên Phong – thành phố Từ Sơn); đầu tư xây dựng đường Trịnh Xá – Đa Hội; đầu tư xây dựng tuyến ĐT.286 từ phường Vạn An đến phường Phong Khê, thành phố Bắc Ninh… Ngoài ra, UBND các huyện, thành phố cùng UBND các xã, phường, thị trấn cũng triển khai đầu tư xây dựng nhiều tuyến đường huyện, đường đô thị, đường xã, đường GTNT… theo phân cấp đầu tư xây dựng, quản lý. Đánh giá chung, quy mô các tuyến đường được mở rộng, chất lượng được nâng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, kết nối với các tỉnh lân cận, đảm bảo nhu cầu đi lại và giao thương hàng hóa của nhân dân trong và ngoài tỉnh.
 

Ban chỉ đạo Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội 
kiểm tra thực địa đường Vành đai 4 đi qua thành phố Bắc Ninh


Về phát triển hạ tầng giao thông nông thôn: Tính đến hết năm 2020, toàn tỉnh Bắc Ninh có 89/89 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; 8/8 đơn vị cấp huyện hoàn thành mục tiêu XDNTM. Năm 2022, có 9 xã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2021. Hiện nay, tỉnh Bắc Ninh tiếp tục tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng để đáp ứng Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao tiến tới xây dựng xã NTM kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định số 318, 319/QĐ-TTg ngày 08/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Thời gian tới, Sở GTVT sẽ tham mưu cho UBND tỉnh triển khai các dự án sửa chữa nền, mặt đường và hệ thống thoát nước các tuyến đường GTNT trên địa bàn tỉnh để góp phần xây dựng hệ thống giao thông nông nôn đảm bảo sáng – xanh – sạch – đẹp.
 

Đồng chí Nguyễn Minh Hiếu, Giám đốc Sở GTVT kiểm tra, chỉ đạo tại hiện trường Nút giao ĐT.287 với QL.18
 
Song song với sự phát triển của hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, hoạt động vận tải hành khách và hàng hóa trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh thời gian qua đã có sự phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng phương tiện. Theo đó, hiện nay Sở GTVT Bắc Ninh đang quản lý khoảng 1.537 đơn vị kinh doanh vận tải với khoảng 8.512 phương tiện vận tải. Có được những kết quả này, trong thời gian qua thực hiện chức năng quản lý nhà nước, Sở GTVT đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các quy hoạch chuyên ngành nhằm định hướng và khuyến khích phát triển các loại hình vận tải, cụ thể như: Sở đã tham mưu xây dựng các tuyến xe buýt có lộ trình đi qua các KCN tập trung; Đặc biệt, Sở GTVT đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ thông tin để tiếp nhận và giải quyết các TTHC liên quan đến lĩnh vực vận tải ở mức độ dịch vụ công cấp độ 4, đã tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp trong việc cấp phép hoạt động cũng như cấp phù hiệu, biển hiệu phương tiện vận tải; phối hợp xây dựng các điểm dừng, đỗ xe trên địa bàn tỉnh và trong KCN tập trung, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào các dự án xây dựng các bãi đỗ xe tĩnh theo quy hoạch đã được phê duyệt. Sở tiếp tục chú trọng quản lý, bảo trì công trình, bảo vệ hành lang an toàn đường bộ, kiểm tra rà soát hệ thống ATGT; giám sát kiểm tra các hoạt động vận tải; quy trình đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe; thực hiện đăng ký, đăng kiểm phương tiện; phấn đấu giảm TNGT trên cả 3 tiêu chí...
 

Lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải Bắc Ninh thăm và chúc mừng các Cơ sở đào tạo, Trung tâm sát hạch lái xe
trên địa bàn tỉnh nhân dịp Kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/2022

 
Có thể thấy, sự đồng bộ về hạ tầng giao thông sẽ không chỉ tạo thuận lợi cho thông thương hàng hóa của tỉnh mà còn là đòn bẩy cho thu hút đầu tư. Giao thông “đi trước một bước” để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Với định hướng và sự quyết liệt của các cấp, các ngành, các địa phương trong công tác chỉ đạo đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, sẽ giúp mạng lưới giao thông của tỉnh ngày càng đồng bộ và được nâng cao chất lượng, từ đó đẩy nhanh quá trình đô thị hóa để Bắc Ninh sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo hướng văn minh, hiện đại./.  
Ngô Lương Pha 
Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Bắc Ninh
 
 
 
 
 
 

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top