Những giải pháp quan trọng đưa Điện Biên phát triển nhanh và bền vững

22/05/2021 - 10:57 AM

Là tỉnh miền núi, biên giới với xuất phát điểm thấp, để đưa Điện Biên trở thành tỉnh khá trong vùng Trung du và miền núi phía Bắc, những năm qua, Điện Biên đã triển khai chương trình hành động với các giải pháp đồng bộ,  trong đó, ưu tiên tập trung vào xây dựng kết cấu hạ tầng, cải cách hành chính và thu hút đầu tư.

Hạ tầng đi trước một bước

Những giải pháp quan trọng đưa Điện Biên phát triển nhanh và bền vững 5

Hạ tầng đô thị của Điện Biên ngày càng hoàn thiện

Trong giai đoạn 2016 - 2020, tổng mức đầu tư toàn xã hội của Điện Biên đạt trên 50,2 nghìn bình quân tăng trưởng 13,1%/năm. Trong đó, vốn đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước là gần 25 nghìn tỷ, chiếm 49,6%. Các nguồn vốn đầu tư công được sử dụng để thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia và một số dự án trọng điểm, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Nổi bật, trong lĩnh vực giao thông, nhiều dự án được hoàn thành như: Tuyến Quốc lộ 12 kéo dài, Quốc lộ 279B đoạn Nà Tấu đi Mường Phăng; Quốc lộ 12B; Quốc lộ 12C đoạn Núa Ngam đi Huổi Puốc; tuyến đường 4H đi Mường Nhé - A Pa Chải... giúp nhân dân đi lại thuận tiện và thúc đẩy giao thương, kết nối giữa các vùng kinh tế trong tỉnh. Ngoài ra, dự án mở rộng Cảng hàng không Điện Biên được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư, khi hoàn thành, Cảng hàng không Điện Biên kỳ vọng sẽ tạo động lực phát triển mới cho ngành du lịch, thương mại và dịch vụ. Hạ tầng các đô thị trung tâm, đô thị ở các thị trấn, thị tứ phát triển theo hướng hiện đại; tập trung đầu tư các dự án hạ tầng đô thị, trọng tâm là Thành phố Điện Biên Phủ và khu vực lân cận. Hệ thống thủy lợi tiếp tục được đầu tư, xây dựng, nâng cấp theo hướng đa mục tiêu, góp phần tưới tiêu cho 29.190 ha đất sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, rau màu. Hạ tầng năng lượng điện được quan tâm đầu tư, 100% xã phường, thị trấn có điện lưới quốc gia đến trung tâm, tỷ lệ hộ được sử dụng điện từ lưới điện quốc gia tăng từ 83,4% năm 2015 lên 92% năm 2020.

Ứng dụng CNTT để nâng cao hiệu quả CCHC

Cùng với hoàn thiện kết cầu hạ tầng, Điện Biên xác định CCHC và cải thiện môi trường kinh doanh là nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Hàng năm, tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện CCHC trên cả 6 lĩnh vực bao gồm: Cải cách thể chế, cải cách TTHC, cải cách tổ chức bộ máy, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ CBCCVC, cải cách tài chính công, hiện đại hóa hành chính. Trong bối cảnh, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra mạnh mẽ, Điện Biên xác định đẩy mạnh ứng dụng CNTT là chìa khoá để xây dựng nền hành chính minh bạch, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính Nhà nước. CNTT không chỉ giúp hiện đại hoá nền hành chính mà còn góp phần làm thay đổi cách thức tổ chức, quản lý, bộ máy trong các cơ quan nhà nước.

Những giải pháp quan trọng đưa Điện Biên phát triển nhanh và bền vững

Điện Biên đang triển khai nhiều chương trình ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông
hướng tới xây dựng chính quyền điện tử

Với ý nghĩa như vậy, Điện Biên đã tranh thủ các nguồn lực để phát triển hạ tầng kỹ thuật, tạo điều kiện thuận lợi để các tập đoàn, tổng công ty lớn như VNPT, Vietlel, VNPost… đầu tư hạ tầng trên địa bàn. Đến nay, tỷ lệ máy tính/cán bộ công chức trong các cơ quan nhà nước cấp tỉnh, cấp huyện đạt 100%, cấp xã là trên 90%; 100% cơ quan cấp huyện trở lên có kết nối mạng nội bộ và internet tốc độ cao, 100% xã có kết nối mạng internet; 69% cơ quan từ cấp xã trở lên kết nối vào Mạng truyền dữ liệu chuyên dùng; Trung tâm dữ liệu (data center) được đầu tư, nâng cấp tạo nền tảng để quản lý tập trung thống nhất, an toàn.

Những giải pháp quan trọng đưa Điện Biên phát triển nhanh và bền vững 1

Người dân truy cập Cổng dịch vụ công trực tuyến trên máy tra cứu thông tin
tại bộ phận “Một cửa” UBND TP. Ðiện Biên Phủ

Các phần mền và ứng dụng CNTT được triển khai đồng bộ đi đôi với công tác tăng cường bảo đảm an toàn, an ninh thông tin trên môi trường mạng. Nổi bật, hệ thống quản lý văn bản và điều hành của tỉnh kết nối liên thông vào Trục liên thông văn bản quốc gia; hơn 2.300 chứng thư số cho tổ chức và chữ ký số cho cá nhân được triển khai; 100% cơ quan, đơn vị cấp từ tỉnh đến xã triển khai chữ ký số vào phần mền quản lý văn bản và điều hành, tỷ lệ văn bản điện tử được ký số năm 2020 đạt 80% số văn bản gửi và nhận giữa các cơ quan nhà nước; 90% cán bộ, CCVC được có tài khoản thư điện tử sử dụng thường xuyên trong xử lý công việc; hệ thống hội nghị trực tuyến được nâng cấp tại 14 điểm, đảm bảo thông suốt từ Chính phủ tới cấp huyện và chuyển tiếp tới một số xã.

Những giải pháp quan trọng đưa Điện Biên phát triển nhanh và bền vững 2

CNTT giúp hoạt động điều hành của cơ quan nhà nước thuận lợi, hiệu quả hơn.
Trong ảnh: Đại biểu dự Hội nghị trực tuyến toàn quốc ngành Giáo dục năm 2020 tại điểm cầu Điện Biên

Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh đã đăng tải và cung cấp 1.668 thủ tục hành chính, trong đó 230 dịch vụ công mức độ 3 và 347 dịch vụ công mức độ 4, tích hợp 222 dịch vụ công mức độ 3,4 lên Cổng dịch vụ công quốc gia đạt tỷ lệ 39%. Trong năm 2020, tổng số hồ sơ tiếp nhận của các cơ quan, đơn vị trong tỉnh khoảng 96 nghìn hồ sơ, tỷ lệ đạt 83%, dịch vụ bưu chính công ích triển khai hiệu quả góp phần cải cách thủ tục hành chính.

Những giải pháp quan trọng đưa Điện Biên phát triển nhanh và bền vững 3

Ứng dụng công nghệ 4.0 vào quảng bá, phát triển du lịch

Điện Biên đã có 4 năm liên tục (2016 - 2019) thoát khỏi top 3 tỉnh xếp thứ hạng cuối trong bảng xếp hạng chỉ số CCHC cả nước và là năm thứ 3 liên tiếp chỉ số CCHC của tỉnh Điện Biên xếp trong nhóm các tỉnh có thứ hạng CCHC khá cao. Năm 2019, Chỉ số cải cách hành chính Par-Index của tỉnh đạt 81,42 điểm tăng 4,42 điểm so với năm 2018, xếp hạng thứ 27/63 tỉnh thành phố trong cả nước, tăng 01 bậc so với năm 2018. Chỉ số chung về sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) năm 2019 tiếp tục có sự cải thiện đáng kể, tất cả các tiêu chí thành phần đều đạt tỷ lệ hài lòng từ 85% đến 89%, đây là tỷ lệ cao so với các tỉnh khác trong khu vực và cả nước. Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2019 đạt 43,73 điểm tăng 0,34 điểm, xếp hạng thứ 22/63 tỉnh thành phố, tăng 15 bậc so với năm 2018 và nằm trong nhóm các tỉnh có mức xếp hạng loại khá.

Những thành tựu đáng trân trọng

Nhờ những chuyển biến tích cực về môi trường kinh doanh, Điện Biên ngày càng hấp dẫn đặc biệt đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Giai đoạn 2016-2020, Tỉnh đã phê duyệt chủ trương đầu tư và cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho 95 dự án, với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 14,1 nghìn tỷ đồng, tăng 53 dự án và hơn 6.278 tỷ đồng so với giai đoạn 2011-2015.

Những giải pháp quan trọng đưa Điện Biên phát triển nhanh và bền vững 6

Điện Biên ngày càng hấp dẫn đối với các nhà đầu tư lớn

Bên cạnh đó, 18 nhóm chỉ tiêu đạt và vượt so với nghị quyết đề ra; kinh tế tiếp tục tăng trưởng và phát triển, tốc độ tăng trưởng GRDP giai đoạn 2016-2020 đạt hơn 6,8%/năm; GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt hơn 38 triệu đồng/người/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới bước đầu đạt được những kết quả quan trọng; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2020 đạt hơn 1.200 tỷ đồng, tăng gấp 1,44 lần so với năm 2015; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được chú trọng, quan tâm đầu tư; toàn tỉnh có gần 40 xã đạt và cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, bình quân 3,49%/năm; hoạt động du lịch tiếp tục đà phát triển; văn hóa, xã hội có nhiều chuyển biến rõ nét. Đời sống nhân dân từng bước được nâng lên, các vấn đề xã hội tiếp tục được quan tâm, chỉ đạo giải quyết đạt kết quả. Tình hình chính trị ổn định, quốc phòng- an ninh được đảm bảo; quan hệ đối ngoại được mở rộng; khối đại đoàn kết dân tộc được tăng cường.

Phát huy kết quả đạt được, nhiệm kỳ 2021 – 2025, Điện Biên sẽ đẩy mạnh hoàn thiện phát triển Chính quyền điện tử hướng tới Chính quyền số, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tập trung huy động mọi nguồn lực, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh và bền vững, phấn đấu đến năm 2030, Điện Biên trở thành tỉnh có kinh tế phát triển khá trong khu vực Trung du và miền núi phía Bắc./.

Long Đình

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top