Hệ thống các ngân hàng tỉnh Cao Bằng: Duy trì đà tăng trưởng tín dụng ổn định và an toàn

18/03/2020 - 02:51 PM
Được ví như là “mạch máu” của nền kinh tế, những năm qua, hệ thống các ngân hàng và tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh Cao bằng đã bám sát định hướng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong việc duy trì hạn mức tăng trưởng tín dụng và kiểm soát nợ xấu. Bên cạnh các dòng vốn kinh doanh, các nguồn vốn tín dụng chính sách (theo kênh của Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT và Ngân hàng Chính sách xã hội) cũng phát huy được hiệu quả tốt, giúp hàng vạn lượt hộ gia đình, người dân có nguồn tài chính ổn định để vươn lên thoát nghèo và làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
 
Đáp ứng nhu cầu vốn cho các thành phần kinh tế
 
Năm 2019, ngành Ngân hàng tỉnh Cao Bằng đã triển khai có hiệu quả các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng và hoạt động ngân hàng, đảm bảo ổn định thị trường tiền tệ trên địa bàn, phục vụ tốt nhu cầu giao dịch của các tổ chức doanh nghiệp và người dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương, đảm bảo an sinh xã hội. Tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn tỉnh tính đến 31/12/2019 đạt 22.009 tỷ đồng, tăng 1.977 tỷ đồng so với đầu năm, tỷ lệ tăng 9,9%. Trong đó, nguồn vốn huy động tại địa phương đạt 19.053 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 86,6%/tổng nguồn vốn, tăng 2.082 tỷ đồng so với đầu năm. Doanh số cho vay năm 2019 đạt 14.327 tỷ đồng, giảm 15,7% so với năm 2018. Tổng dư nợ cho vay nền kinh tế đạt 11.887 tỷ đồng, tăng 711 tỷ đồng, tăng 6,4% so với đầu năm. Dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh đạt 6.453 tỷ đồng, chiếm 54,3% trong tổng dư nợ, tăng 12,1% so với đầu năm. Nợ xấu đến 31/12/2019 là 66 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 0,56%, so với đầu năm số dư nợ xấu giảm 11,7 tỷ đồng.
Hệ thống các ngân hàng tỉnh Cao Bằng: Duy trì đà tăng trưởng tín dụng ổn định và an toàn

Các ngân hàng thương mại cam kết rót gần 2.000 tỷ đồng cho một số dự án mới
tại Cao Bằng
                                                                                                             Ảnh: Tư liệu

 
Các ngân hàng trên địa bàn tỉnh cũng đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân trong các giao dịch với ngân hàng; đơn giản hóa các quy trình cung cấp dịch vụ, tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận và sử dụng dịch vụ ngân hàng, khi khách hàng đủ điều kiện vay vốn thì sẵn sàng phục vụ. Về mạng lưới hiện tại, trên địa bàn tỉnh Cao Bằng ngoài sự hiện diện của 2 Chi nhánh ngân hàng thực hiện các nhiệm vụ chính sách là Ngân hàng Phát triển và Ngân hàng Chính sách Xã hội còn có 4 Chi nhánh NHTM cấp tỉnh, trong đó có 3 Chi nhánh NHTM có cổ phần Nhà nước chi phối, gồm: Agribank, BIDV, VietinBank và 1 Chi nhánh NHTMCP là LienViet PostBank cùng 3 tổ chức tài chính vi mô khác.
 
Hiện tại, trên địa bàn đã lắp đặt được 41 máy ATM, 159 thiết bị chấp nhận thẻ, phát hành được gần 222,9 nghìn thẻ ATM. Sự phát triển, mở rộng mạng lưới hoạt động của các ngân hàng đã góp phần tạo thuận lợi hơn cho người dân, doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận với các nguồn vốn vay, dịch vụ ngân hàng hiện đại. Tuy nhiên, vấn đề “bận tâm” của các doanh nghiệp hiện  nay đó là khả năng sử dụng vốn hiệu quả. Do đó, để tăng mức “hấp thụ vốn” của nền kinh tế, NHNN Chi nhánh tỉnh đã chỉ đạo các Chi nhánh Ngân hàng thương mại tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp nhằm chia sẻ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Nhờ sự chủ động tiếp cận khách hàng của các ngân hàng, các doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh trên địa bàn đã có nguồn tài chính để triển khai dự án đầu tư, sản xuất kinh doanh mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần vào sự phát triển của địa phương.
 
Phát huy hiệu quả chính sách hỗ trợ tín dụng
 
Song song với các chương trình cho vay thương mại phục vụ sản xuất kinh doanh, Cao Bằng đặc biệt quan tâm và ban hành nhiều chính sách hỗ trợ tín dụng cho nông dân, hộ chính sách, hộ nghèo... Bên cạnh các chính sách theo hệ thống của Ngân hàng Chính sách Xã hội và Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT, Cao Bằng còn dành thêm nguồn ngân sách địa phương để bổ sung nguồn vốn hoặc hỗ trợ lãi suất cho người dân.
 
Hệ thống các ngân hàng tỉnh Cao Bằng: Duy trì đà tăng trưởng tín dụng ổn định và an toàn 1
 
   Ngân hàng Agribank Chi nhánh thành phố Cao Bằng tài trợ 350 triệu đồng cho công tác an sinh xã hội
                       trong lĩnh vự c giáo dục và y tế trên địa bàn thành phố Cao Bằng.                                                                                                                                                           Ảnh: Tư liệu

 
Đối với hệ thống tín dụng chính sách, năm 2019, tổng nguồn vốn huy động đạt 2.589,7 tỷ đồng; doanh số cho vay đạt 870,4 tỷ đồng; doanh số thu nợ đạt 723,8 tỷ đồng; tổng dư nợ cho vay 14 chương trình tín dụng đạt 2.583,5 tỷ đồng. Nguồn vốn tín dụng chính sách được giải ngân đáp ứng kịp thời đến đúng đối tượng thụ hưởng, giúp cho 20,1 nghìn hộ nghèo và các đối tượng chính sách có vốn phát triển sản xuất kinh doanh, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, cải thiện ổn định cuộc sống.
 
Đối với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Agribank Chi nhánh tỉnh Cao Bằng, năm 2019, cũng đã triển khai thực hiện tốt các chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh theo Nghị quyết số 01/NQ-HĐTV ngày 15/01/2019 của Hội đồng thành viên Agribank và các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; thực hiện tốt các chương trình tín dụng chính sách của Nhà nước đem đến nguồn vốn với lãi suất ưu đãi để cùng người nông dân vượt qua khó khăn, thoát nghèo, vươn lên làm giàu như: Cho vay theo Nghị quyết 30a của Chính phủ về chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo; chương trình cho vay theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP ngày 09/06/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp nông thôn; cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ. Qua đó, tính đến hết ngày 31/12/2019, tổng nguồn vốn huy động toàn Chi nhánh đạt 8.725 tỷ đồng, tăng 828 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2018, tăng 10,5%. Trong đó, nguồn vốn nội tệ đạt 8.721 tỷ đồng; nguồn vốn ngoại tệ đạt 113 nghìn USD. Hiện thị phần nguồn vốn của Chi nhánh chiếm 46,6% tổng nguồn vốn huy động của các ngân hàng thương mại trên địa bàn (trong đó, trên 80% dư nợ cho vay thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn).
 
Việc triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách đã tác động tích cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân, nhất là ở khu vực nông thôn, giúp họ vươn lên, chủ động làm giàu, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng. Nhờ có nguồn vốn của Agribank, Ngân hàng CSXH, bà con nông dân đã mạnh dạn vay vốn đầu tư, tạo nên những thế mạnh nông nghiệp của địa phương như trồng cây mía tại các huyện Phục Hoà, Hạ Lang, Quảng Uyên, Thạch An; cây thuốc lá tại huyện Hoà An, Hà Quảng, Thông Nông; chăn nuôi bò tại huyện Hà Quảng, Bảo Lâm; miến dong tại huyện Nguyên Bình; cây thạch đen tại huyện Thạch An; trồng dâu, nuôi tằm và cây hồi tại huyện Bảo Lạc góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương./.
 
                                                                                                                P.V
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top