Lạng Sơn: Đào tạo nghề, giải quyết việc làm, hướng đến mục tiêu giảm nghèo bền vững

17/01/2020 - 10:28 AM
 
Những thành quả đáng ghi nhận

Tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, ngành LĐTB&XH tỉnh Lạng Sơn đã có những đóng góp đáng kể. Từ năm 2010 đến hết tháng 6/2019, toàn Tỉnh đã giải quyết việc làm mới cho 135 nghìn lao động, trong đó có tới 80% là lao động nông thôn; Lạng Sơn có trên 12,5 nghìn lao động đã được tiếp cận nguồn quỹ quốc gia về việc làm; hơn 1,8 nghìn lao động được tạo điều kiện xuất khẩu lao động; cung ứng từ 350-500 lao động mỗi năm cho các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.

 
Lạng Sơn: Đào tạo nghề, giải quyết việc làm, hướng đến mục tiêu giảm nghèo bền vững

Tổ chức sàn giao dịch việc làm tại Trung tâm Dịch vụ Việc làm tỉnh Lạng Sơn

Bên cạnh đó, công tác đào tạo nghề được Sở LĐTB&XH tỉnh Lạng Sơn gắn kết chặt chẽ với Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới; qua đó đã tạo những chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động trong cả hệ thống chính trị và toàn xã hội về dạy nghề và xây dựng nông thôn mới. Hệ thống Trung tâm dạy nghề các cấp được đầu tư xây dựng mới với đầy đủ phòng học, xưởng thực hành và thiết bị giảng dạy; cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo nghề cơ bản đáp ứng nhu cầu học nghề của người lao động. Kết quả là trong giai đoạn 2010-2019, đào tạo nghề trong toàn tỉnh ở các cấp trình độ đạt 89 nghìn lao động, trong đó công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn (trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng) đạt 75,5 nghìn lao động; riêng năm 2019, đào tạo nghề trong toàn tỉnh ở các cấp độ đạt 13 nghìn lao động.

Giai đoạn 2016-2018, Ngành LĐTB&XH tỉnh Lạng Sơn đã phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ, Ủy ban Quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam tham gia tập huấn, ứng cử cho các nữ ứng viên ở các vị trí trong Hội đồng nhân dân, đại biểu Quốc hội; tổ chức các diễn đàn, hoạt động nhằm triển khai thực hiện thành công chỉ tiêu 18.6 của tiêu chí số 18 về đảm bảo bình đẳng giới và chống bạo lực gia đình, hỗ trợ người dễ bị tổn thương trong các lĩnh vực gia đình và xã hội. Đây là một trong những tiêu chí vô cùng khó khăn, nhất là với các địa phương miền núi, nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.

Nhờ những thành tựu trong công tác đào tạo việc làm, giáo dục nghề nghiệp gắn kết chặt chẽ với Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, lực lượng lao động của Tỉnh đã có tay nghề được đào tạo bài bản, đáp ứng yêu cầu công việc ngày càng cao, đem lại giá trị lao động lớn, góp phần nâng cao đời sống cho nhân dân địa phương, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội và đóng góp tích cực vào tiêu chí giảm nghèo của Tỉnh. Trong 10 năm của giai đoạn, 100% các xã điểm xây dựng nông thôn mới và toàn tỉnh đều đạt mục tiêu giảm nghèo đề ra.

Những đóng góp thầm lặng

Hiệu quả trong công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, góp phần nâng cao cả về số lượng và chất lượng nguồn nhân lực tỉnh Lạng Sơn đạt được đến nay, ngoài sự đóng góp trực tiếp của các cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của Sở LĐTB&XH tỉnh, còn phải kể đến sự nỗ lực của các đơn vị thành viên, trong đó có Trung tâm Dịch vụ Việc làm của Tỉnh. Theo lời bà Hoàng Thị Hải, Giám đốc Trung tâm chia sẻ: 
Trung tâm Dịch vụ Việc làm tỉnh Lạng Sơn có chức năng, nhiệm vụ là tư vấn giới thiệu việc làm cho người lao động, thu thập phân tích dự báo và cung ứng thông tin thị trường lao động, dạy nghề, tuyên truyền phổ biến chính sách pháp luật về lao động, việc làm, thực hiện các chương trình dự án về việc làm, thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp và thực hiện các dịch vụ khác theo quy định của pháp luật.
 
Hiện, Trung tâm luôn duy trì thường xuyên các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động và chủ sử dụng lao động có nhu cầu đến đăng ký tại Trung tâm và các văn phòng đại diện tại huyện Bắc Sơn, Tràng Định và Hữu Lũng; theo dõi tình trạng việc làm của người lao động; mở rộng liên kết phối hợp với các Doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ để nắm bắt thông tin tuyển dụng lao động trong tỉnh, ngoài tỉnh, xuất khẩu lao động để cung cấp, tư vấn cho người lao động. Tuyên truyền phổ biến trên địa bàn tỉnh về Cơ chế hợp tác quản lý lao động qua biên giới giữa tỉnh Lạng Sơn, Việt Nam và Thành phố Sùng Tả, Quảng Tây, Trung Quốc nhằm nâng cao nhận thức người dân nói chung và người lao động nói riêng về việc xuất cảnh hợp pháp để đi làm việc tại Trung Quốc.

Trong 10 tháng năm 2019, Trung tâm đã tuyên truyền, tư vấn được trên 9,9 nghìn lượt người, đem lại việc làm cho trên 1 nghìn người; trong đó 50% số lao động làm việc tại Trung Quốc. Đồng thời, Trung tâm đã tổ chức mở 42 phiên giao dịch việc làm vào thứ 5 hàng tuần và 33 phiên giao dịch việc làm lưu động tại các huyện và thành phố Lạng Sơn./.

 
Trọng Nghĩa

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top