Ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên: Nỗ lực vượt khó vì sự nghiệp giáo dục và đào tạo

25/06/2021 - 01:04 PM

Những năm qua, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên (GD&ĐT) tiếp tục nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Bộ GD&ĐT, Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh; sự phối hợp có hiệu quả của cấp ủy, chính quyền các cấp và các sở, ngành, đoàn thể; sự ủng hộ, chia sẻ của của nhân dân các dân tộc. Đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý tâm huyết, trách nhiệm trong triển khai nhiệm vụ. Bên cạnh đó, ngành cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức của một tỉnh miền núi cao, biên giới; ngân sách đầu tư cho giáo dục hạn chế, điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ đổi mới giáo dục và đào tạo còn thiếu đồng bộ, tình hình kinh tế - xã hội tỉnh còn nhiều khó khăn do xảy ra đại dịch Covid-19... Phát huy những thuận lợi và khắc phục mọi khó khăn, ngành GD&ĐT tỉnh đã nỗ lực hết mình để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.


Đồng chí Nguyễn Văn Kiên – Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên
trong buổi làm việc với phóng viên Tạp chí Con số và Sự kiện

Củng cố mạng lưới trường lớp, gắn với tăng cường cơ sở vật chất
Những năm gần đây, ngành GD&ĐT tỉnh Điện Biên đã có bước phát triển ổn định về mạng lưới cơ sở giáo dục, hệ thống trường lớp. Tính đến năm học 2020–2021, toàn tỉnh hiện có 500 trường, trung tâm, trong đó ngành GD&ĐT quản lý 497 trường, trung tâm. Cụ thể: Giáo dục mầm non có 170 trường, 854 điểm trường lẻ; 2.486 nhóm, lớp với 60.745 trẻ; 4.565 CBQLGVNV. So với cùng kỳ năm học trước tăng 87 lớp và 311 trẻ. Giáo dục tiểu học có 148 trường và 23 trường THCS có lớp tiểu học, 466 điểm trường lẻ; 2.891 lớp với 73.577 học sinh; 5.457 CBQLGVNV. So với cùng kỳ năm học trước giảm 23 trường, tăng 2.652 học sinh. Giáo dục THCS có 128 trường; 1.399 lớp và 47.299 học sinh. So với  cùng kỳ năm học trước tăng 4 lớp và 1.316 học sinh. Giáo dục THPT có 33 trường, 524 lớp với 18.665 học sinh; 1.665 CBQLGVNV. So với cùng kỳ năm học trước tăng 11 lớp, 1.171 học sinh… Về tổng thể: So với năm học trước, toàn ngành Giáo dục đã giảm 21 cơ sở giáo dục, tăng 135 lớp, 5.450 học sinh; giảm 30 CBQL, 140 GV, 209 NV.


Ban Chấp hành Đảng bộ Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên, nhiệm kỳ 2020-2025

Đến nay, 100% xã, phường, thị trấn có cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục tiểu học và THCS, 100% huyện, thành phố, thị xã có trường THPT. Hệ thống mạng lưới trường lớp về cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu được tới trường của trẻ, học sinh song cũng bộc lộ nhiều điểm chưa hợp lý, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa nơi có nhiều điểm trường, lớp lẻ. Các điểm trường lẻ, lớp lẻ này thường ít học sinh, cơ sở vật chất tương đối khó khăn, nhiều lớp chưa được kiên cố, hoặc kiên cố chỉ dừng ở mức “ba cứng” và thiếu các phòng ở bán trú cho học sinh tại các điểm lẻ, nhiều cơ sở giáo dục còn chung khuôn viên, chưa tách được độc lập, dẫn tới khó khăn trong thực hiện các hoạt động ngoài giờ lên lớp, ngoại khóa, các môn học ngoài trời...


Đồng chí Nguyễn Văn Kiên – Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở  trao giấy khen
cho các tổ chức đảng và đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2020

Song song với quá trình rà soát mạng lưới trường lớp, ngành GD&ĐT tỉnh Điện Biên đã tham mưu để UBND tỉnh tiếp tục đầu tư thực hiện chuẩn hóa, hiện đại hóa trường lớp, sắp xếp lại đội ngũ một cách hiệu quả từ đó thực hiện chuẩn hóa giáo dục vùng cao và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Các địa phương lồng ghép các nguồn vốn, thông qua các chương trình, dự án, đề án; huy động nguồn lực hỗ trợ từ các tổ chức trong nước và quốc tế, các doanh nghiệp, tổng công ty hoặc các cá nhân để tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vục cho công tác dạy và học được đồng bộ, hiệu quả...

 
Thứ trưởng Ngô Thị Minh cùng Đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo thăm và làm việc 
tại huyện Điện Biên Đông ngày 17/4/2021. (Ảnh: Bùi Tiến Công)

Toàn tỉnh Điện Biên hiện có 9.800 phòng học và phòng hỗ trợ học tập, gồm 6.899 phòng kiên cố (70,4%), 2.362 phòng bán kiên cố (24,1%), 539 phòng tạm (5,5%), 22 phòng mượn (chiếm 0,22%). Trong đó có 8.654 phòng học tập và 1.168 phòng hỗ trợ học tập. Phòng nội trú có 3.255 phòng, trong đó có 1.517 phòng kiên cố (46,1%), 1.474 phòng bán kiên cố (45,3%), 264 phòng tạm (8,11%). Bên cạnh đó, toàn Ngành hiện có 286/469 trường mầm non, phổ thông đang hoạt động giáo dục được công nhận đạt kiểm định chất lượng giáo dục, chiếm 60,98% (Mầm non 104 trường; Tiểu học 85 trường; THCS 79 trường; THPT 18 trường); có 336/469 trường đạt chuẩn quốc gia, chiếm 71,64% (Mầm non có 109 trường; Tiểu học 110 trường; THCS có 96 trường; THPT 21 trường); có 81 thư viện trường phổ thông đạt danh hiệu thư viện đạt chuẩn, thư viện tiên tiến. Bên cạnh đó, nhiều trường đã được đầu tư xây dựng khang trang, hiện đại có phòng chức năng, thư viện, phòng thí nghiệm, phòng học bộ môn, phòng học tin học...; Đa số phòng học hiện có đảm bảo đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh và tổ chức dạy học 2 buổi/ngày ở nơi có điều kiện thuận lợi. Cơ sở vật chất trang thiết bị dạy học, đồ dùng học tập, đồ chơi được tăng cường đã đáp ứng cơ bản yêu cầu tổ chức hoạt động giáo dục của các nhà trường theo tinh thần đổi mới giáo dục trong tình hình mới.

Từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ và chất lượng giáo dục, đào tạo
Với đặc thù là tỉnh miền núi, biên giới với 19 dân tộc anh em cùng sinh sống, đa số các dân tộc thiểu số tỉnh Điện Biên sinh sống ở vùng núi và vùng cao nên đời sống của đồng bào còn rất nhiều khó khăn. Để nâng cao chất lượng giáo dục một cách đồng đều, Điện Biên xác định phải có chính sách đặc thù với khu vực này. Trong đó, Tỉnh tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ giáo viên và phát huy vai trò của hệ thống các trường Phổ thông Dân tộc nội trú, Phổ thông dân tộc bán trú và trường có học sinh bán trú. Theo đó, đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý thường xuyên được bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.


Hội thi "Cô giáo tài năng, duyên dáng" ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên lần thứ IV

Thực hiện Đề án "Đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục mầm non trên địa bàn tỉnh Điện Biên, giai đoạn 2019-2025"; Kế hoạch thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, THCS tỉnh Điện Biên giai đoạn 1 (2020-2025), toàn ngành tiếp tục mở lớp, cử CBQL, giáo viên các cấp học tham gia các khoá đào tạo, bồi dưỡng. Công tác bồi dưỡng thường xuyên cán bộ quản lý, giáo viên đầu năm học được thực hiện linh hoạt phù hợp tình hình thực tế, đảm bảo các nội dung cần cho thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và triển khai nhiệm vụ năm học. Đặc biệt, Ngành đã tổ chức bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên về Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và tổ chức tập huấn về sách giáo khoa lớp 1 tất cả các môn học cho 100% giáo viên lớp 1 và cán bộ quản lý. Mặt khác, Ngành cũng chuẩn bị các điều kiện tốt nhất cho năm học 2021-2022, chỉ đạo các đơn vị, nhà trường phân công giáo viên dạy lớp 2, lớp 6 của năm học 2021-2022 nhằm chuẩn bị về đội ngũ; tổ chức góp ý bản thảo sách giáo khoa lớp 2, lớp 6...


Các em học sinh Trường PTDTNT tỉnh Điện Biên tham gia trò chơi nhảy sạp trong Chương trình
“Vui Tết các dân tộc” do Nhà trường tổ chức thường niên cho các em trong dịp đầu năm mới

Bên cạnh đó, thông qua công tác đào tạo, bồi dưỡng, đội ngũ nhà giáo cơ bản đáp ứng được yêu cầu và nhiệm vụ đổi mới giáo dục. 100% giáo viên được bồi dưỡng kiến thức về thực hiện đổi mới nội dung, chương trình và phương pháp giảng dạy đáp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học, hầu hết cán bộ quản lý, giáo viên đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Hiện nay, 100% CBQL có trình độ đào tạo đạt chuẩn và trên chuẩn; cấp mầm non có 88,86% giáo viên trình độ đào tạo đạt chuẩn và trên chuẩn; tiểu học có 66,26% giáo viên trình độ đào tạo đạt chuẩn và trên chuẩn; THCS có 80,79%, giáo viên trình độ đào tạo đạt chuẩn và trên chuẩn; THPT có 100% giáo viên trình độ đào tạo đạt chuẩn và trên chuẩn.


Thi nấu ăn trong Chương trình "Vui Tết các dân tộc" của thầy và trò Trường PTDTNT tỉnh Điện Biên.
Đây cũng là cách để gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa, truyền thống tốt đẹp của các dân tộc ở Điện Biên

Về chất lượng giáo dục: Toàn ngành GD&ĐT tỉnh Điện Biên tích cực hưởng ứng phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”, tổ chức tốt hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp. Ở tất cả các cấp học, bậc học, chất lượng giáo dục đều có những chuyển biến rõ rệt. Nổi bật, về giáo dục mầm non: Tập trung nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ, đảm bảo an toàn về thân thể và tinh thần cho trẻ. 100% trường mầm non thực hiện khám sức khoẻ định kỳ, cân, đo và theo dõi sức khoẻ cho trẻ bằng biểu đồ tăng trưởng. 100% trẻ học 2 buổi/ngày, 100% trẻ đến trường được đảm bảo an toàn về thể chất và tinh thần. 100% trẻ 5 tuổi đi học được đánh giá hoàn thành chương trình giáo dục mầm non. Tỷ lệ trẻ ăn bán trú tại trường đạt 99,2%, không xảy ra dịch bệnh, ngộ độc thực phẩm tại các cơ sở GDMN. Tích cực phối hợp với cha mẹ trẻ và cộng đồng trong xây dựng cơ sở vật chất và chăm sóc, giáo dục trẻ.


Liên hoan văn nghệ chào mừng Khai giảng năm học mới 2018 – 2019 của tập thể cán bộ, giáo viên
Trường Mầm non Nà S
áy, huyện Tuần Giáo

Ở cấp Giáo dục tiểu học: Thực hiện tốt kế hoạch huy động học sinh trong độ tuổi đi học; thực hiện chương trình giáo dục nghiêm túc, linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tiễn. Tăng cường tổ chức các hoạt động học tập ngoài lớp học, khuyến khích các cơ sở giáo dục tổ chức các chủ đề giáo dục STEM và hoạt động các câu lạc bộ. Tổ chức thực hiện tốt việc xây dựng chương trình giáo dục nhà trường, lập kế hoạch dạy học 2 buổi/ngày tại 100% trường tiểu học. Thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 1; duy trì hiệu quả Mô hình trường học mới (VNEN) đối với lớp 2,3,4,5 tại các trường đã thực hiện từ năm học trước. Chất lượng giáo dục học sinh tiểu học được duy trì ổn định.


Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh cùng lãnh đạo UBND tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo,
huyện Điện Biên Đông khởi công xây dựng công trình nhà vệ sinh cho trường MN xã Sa Dung, Điện Biên Đông

Ở cấp Giáo dục trung học: Tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp duy trì số lượng học sinh, giảm học sinh bỏ học, học sinh đi học không chuyên cần và nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục. Thực hiện nghiêm túc Chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, tổ chức rà soát, điều chỉnh nội dung dạy học phù hợp thực tế. Tiếp tục thực hiện linh hoạt, hiệu quả thí điểm mô hình trường học mới đối với lớp 6, 7, 8, 9 tại 66 trường THCS. Bên cạnh đó, tích cực thực hiện đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, giáo dục, chuẩn bị điều kiện tiếp cận và triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông mới. Chất lượng giáo dục được đánh giá thực chất, phản ánh kết quả dạy và học của giáo viên, học sinh. Chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT chu đáo, khoa học từ khâu thông tin, truyền thông, tổ chức dạy học, ôn tập, ôn thi tốt nghiệp THPT phù hợp năng lực, nhận thức, nguyện vọng của từng nhóm đối tượng học sinh. Kết quả thi THPT quốc gia năm 2020, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp đạt 98,09%; đây là năm có tỷ lệ tốt nghiệp THPT cao nhất trong 5 năm qua (tính từ năm 2016).


Lễ khởi công xây dựng nhà ở bán trú cho học sinh trường PTDTBT - THCS Phì Nhừ huyện Điện Biên Đông

Đặc biệt, chú trọng công tác bồi dưỡng học sinh năng khiếu, học sinh giỏi. Tổ chức linh hoạt, đa dạng các hoạt động học; lồng ghép các nội dung giáo dục đạo đức, kỹ năng sống, thực hành pháp luật; vận dụng kiến thức liên môn giải quyết các vấn đề thực tiễn. Tăng cường tổ chức các hoạt động nghiên cứu khoa học, khởi nghiệp cho học sinh trung học. Kết quả: Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT năm học 2020-2021, tỉnh Điện Biên đạt 10 giải, trong đó có 03 giải Ba, 07 giải Khuyến khích. Tổ chức cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” năm 2020 (SV-STARTUP-2020). Tham gia cuộc thi có 18 dự án cấp tỉnh, Sở GD&ĐT đã chọn 02 dự án có kết quả chấm cao nhất tham gia vòng thi bán kết do Bộ GD&ĐT tổ chức. Hằng năm, Ngành còn tổ chức thành công Cuộc thi KHKT học sinh trung học cấp tỉnh, năm học 2020-2021 với 119 dự án tham gia dự thi của 43 đơn vị, công nhận 68 dự án đạt giải; chọn 02 dự án tham gia Cuộc thi KHKT học sinh trung học cấp quốc gia. Ngoài ra, công tác giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông cũng được ngành đẩy mạnh...


Trường Tiểu học thị trấn Mường Chà, huyện Mường Chà đón Bằng công nhận trường đạt chuẩn Quốc gia

Thời gian tới, phát huy những kết quả đã đạt được, ngành GD&ĐT tỉnh Điện Biên sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ sở giáo dục trực thuộc tăng cường các giải pháp để nâng cao chất lượng tại cơ sở, trong đó ưu tiên các giải pháp phù hợp với điều kiện thực tế địa phương, đảm bảo thực hiện hiệu quả các chỉ tiêu giáo dục và đào tạo theo nhiệm vụ. Tiếp tục nâng cao chất lượng giáo viên, tuyên truyền, vận động để học sinh không bỏ học. Giữ vững và nâng cao các tiêu chí phổ cập giáo dục, xóa mù chữ; chú trọng công tác xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia. Đồng thời, tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền, đề ra các giải pháp để khắc phục tình trạng thiếu phòng học, sắp xếp và điều chỉnh quy mô trường, lớp gắn với tinh giản biên chế. Qua đó, từng bước nâng cao hơn nữa chất lượng các hoạt động giáo dục, đào tạo theo hướng đáp ứng ngày càng tốt hơn những yêu cầu của thực tiễn; thiết thực đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung của toàn tỉnh./.

Nguyễn Văn Kiên
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên

                                                                                                                                                                                                                                    

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top