Sơn La nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội

08/06/2021 - 09:29 AM
Trước yêu cầu cấp thiết phải có nguồn nhân lực chất lượng đấp ứng nhu cầu về lao động cho quá trình phát triển kinh tế xã hội trong giai đoạn mới, tỉnh Sơn La đang thực hiện nhiều giải pháp để phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Tỉnh.

Sơn La là tỉnh miền núi Tây Bắc, có diện tích lớn thứ 3 cả nước, dân số trên 1,23 triệu người (nam 50,2%, nữ 49,8%), tỷ lệ người dân tộc thiểu số chiếm 82%, tỷ lệ người trong độ tuổi có khả năng lao động là 58%. Đến năm 2020, tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh Sơn La là 55%; cơ cấu lao động trong lĩnh vực: Nông, lâm, ngư nghiệp là 68,7%, công nghiệp xây dựng là 15,5%, thương mại dịch vụ là 15,8%, tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị ở mức 3,8%.
Hiện nay, tỉnh Sơn La đang bước vào giai đoạn đô thị hóa nhanh, cơ cấu kinh tế của tỉnh những năm qua có sự chuyển dịch mạnh mẽ, kinh tế dịch vụ và du lịch đang trở thành ngành kinh tế chủ lực đứng đầu trong cơ cấu kinh tế của Tỉnh, công nghiệp chế biến phát triển song hành cùng nền nông nghiệp đang chuyển hướng sản xuất hàng hóa theo hướng công nghệ cao. Với tiềm năng và thế mạnh của mình, Sơn La đã và đang thu hút được nhiều dự án đầu tư của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Trong khi đó nguồn nhân lực của tỉnh Sơn La vừa thiếu lại vừa yếu, đặc biệt tại một số ngành nghề như: Hướng dẫn viên du lịch, nhân viên nhà hàng, khách sạn, cán bộ quản lý điều hành…

 
Sơn La nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội
Hoạt động dạy nghề tại Trường Cao đẳng Kỹ thuật Sơn La
 

Để bù đắp sự thiếu hụt đó, cũng như phát triển nguồn nhân lực chất lượng phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội trong các năm tiếp theo, tỉnh Sơn La đã xây dựng đề án “Phát triển nguồn nhân lực tỉnh Sơn La giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”. Đề án gồm 04 mục tiêu cơ bản như: Phát triển nhân lực theo bậc đào tạo; phát triển nhân lực theo ngành, lĩnh vực; phát triển nhóm nhân lực đặc biệt và đội ngũ công chức, viên chức; tăng tỷ lệ lao động có việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp. 
Bên cạnh đó, tỉnh Sơn La thực hiện nhiều giải pháp để từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trong đó lấy việc nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề cho người lao động là giải pháp trọng tâm. Những năm gần đây, Tỉnh đã thực hiện sắp xếp lại mạng lưới các cơ sở đào tạo nghề, cơ cấu lại ngành nghề đào tạo. Sau khi sắp xếp, Sơn La tập trung các nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất cho các cơ sở đào tạo, thực hiện đào tạo theo hướng đồng bộ, chuẩn hóa và từng bước hiện đại, kết hợp với đổi mới công tác quản lý tài chính, nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước và nguồn nhân lực đầu tư cho dạy nghề. Cùng với đó, Tỉnh đầu tư xây dựng các cơ sở đào tạo nghề chất lượng cao, đồng thời phát triển đội ngũ giáo viên đồng bộ về cơ cấu, chuẩn về trình độ đào tạo và nghề nghiệp.
 
Sơn La nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội 2
Hoạt động đào tạo tại Trường Cao đẳng Y tế Sơn La
 
Mặt khác, tỉnh Sơn La chỉ đạo các đơn đơn vị đào tạo nghề xây dựng và đổi mới phương pháp đào tạo theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực của người học, mục đích là để tạo ra nguồn nhân lực có chất lượng cao, thích ứng với thị trường lao động và công nghệ luôn biến đổi, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Đặc biệt, thực hiện mục tiêu nâng cao hiệu quả công tác dạy nghề gắn với giải quyết việc làm, tỉnh Sơn La khuyến khích thực hiện cơ chế đặt hàng đào tạo, dạy nghề giữa đơn vị sử dụng lao động và các cơ sở đào tạo trên địa bàn Tỉnh, đồng thời làm tốt công tác dự báo nhu cầu lao động ở từng lĩnh vực, ngành nghề để xây dựng chỉ tiêu đào tạo cho phù hợp. Song song với đó, Tỉnh ban hành những cơ chế, chính sách để thu hút, bồi dưỡng nhân tài, thu hút vốn đầu tư của các thành phần kinh tế vào phát triển hoạt động dạy nghề và giới thiệu việc làm.

 
Sơn La nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội 3
Hoạt động tư vấn giới thiệu việc làm cho người lao động tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Sơn La
 
Ngoài ra, tỉnh Sơn La cũng tăng cường công tác tuyền truyền về chương trình việc làm, đào tạo nghề, chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, định hướng phát triển kinh tế xã hội của Tỉnh để kịp thời cung cấp thông tin tới người dân về việc làm, định hướng việc làm sau học nghề, các chính sách hỗ trợ học nghề …nhằm thu hút người lao động tích cực tham gia học nghề và tham gia vào thị trường lao động.
Được biết, những năm qua, tỉnh Sơn La đã vận dụng hợp lý và sử dụng hiệu quả nguồn lực của Đề án 1956 để đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ở khu vực nông thôn. Nhờ đó, giai đoạn 2016 -2020 số lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh Sơn La được hỗ trợ học nghề là trên 42,1 nghìn người, trong đó có gần 2,42 nghìn cán bộ, công chức xã được đào tạo trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; tỷ lệ người dân tộc thiểu số được đào tạo là 87%, tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo đạt trên 95%, qua đó góp phần tích cực vào việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Tỉnh.
Với những kết quả đã đạt được và việc các giải pháp đang được triển khai quyết liệt, mục tiêu hướng đến của tỉnh Sơn La là đến năm 2025, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 65%, đến năm 2030 đạt 75%. Hoạt động đào tạo ngày càng hiệu quả và tập trung vào nhóm ngành nghề phù hợp với định hướng thu hút đầu tư và phát triển phát triển kinh tế xã hội của Tỉnh./.
Minh Hùng

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top