Sức bật mới từ ngành nông nghiệp Thái Nguyên

25/11/2020 - 09:26 AM

Nhằm đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, từ nay đến năm 2025, Thái Nguyên sẽ tiếp tục phát huy những lợi thế so sánh, lợi thế đặc thù của địa phương, đẩy mạnh tái cơ cấu ngành theo hướng sản xuất ứng dụng công nghệ cao.
 

 Sức bật mới từ ngành nông nghiệp Thái Nguyên
Ông Phạm Văn Sỹ - Giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên

Tập trung vào 6 sản phẩm nông nghiệp chủ lực

Giai đoạn trước, thực hiện Đề án Tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020, Tỉnh đã xác định các sản phẩm chủ lực bao gồm: Lúa, chè, rau, cây ăn quả, bò, gà, cây gỗ lớn..., đồng thời ban hành nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ các địa phương, nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi (phù hợp với quy hoạch, định hướng), thay đổi phương thức sản xuất theo hướng đầu tư thâm canh, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả.
 
Đến nay, Tỉnh đã hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa có quy mô lớn, giá trị cao như chè, lúa, rau, hoa, vùng cây ăn quả, chăn nuôi gà, thủy sản, rừng trồng gỗ lớn… Nổi bật, cây chè có diện tích trên 22,4 nghìn ha, sản lượng đạt 245 nghìn tấn, trong đó, tỷ lệ giống mới đạt gần 80%, diện tích chè được cấp chứng chỉ VietGap, hữu cơ là 2,6 nghìn ha. Giá trị sản phẩm bình quân trên 1ha chè đạt từ 370 đến 475 triệu đồng (đặc biệt, một số vùng chè đặc sản, thu nhập có thể lên tới 600 triệu đồng/ha). Chè Thái Nguyên đạt được nhiều được giải cao tại các cuộc thi quốc tế đã khẳng định được vị thế là “Đệ nhất danh trà”.

Sức bật mới từ ngành nông nghiệp Thái Nguyên 1
Năm 2019, Đồng chí Vương Đinh Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị (khi đó đang giữ vị trí Phó Thủ tướng Chính phủ) thăm quan trưng bày các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của TP. Thái Nguyên. Ảnh: Thanh Hiếu

Việc thực hiện tái cơ cấu đã góp phần quan trọng duy trì tốc độ tăng trưởng của ngành, bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt 4,5%/năm, giá trị sản phẩm thu được trên 1ha trồng trọt tăng 16%/năm, ước đạt 103 triệu/ha vào cuối năm 2020. Thời gian tới, quá trình tái cơ cấu ngành sẽ có thay đổi để phù hợp với yêu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước và xuất khẩu. Cụ thể, Thái Nguyên sẽ tập trung vào 6 sản phẩm bao gồm: Chè, cây ăn quả, thịt lợn, thịt gà và trứng gà, quế, sản phẩm gỗ. Mục tiêu đến năm 2025, tổng diện tích chè đạt 23,5 nghìn ha; vùng cây ăn quả gồm các cây chính là na (đạt 1.530 ha), nhãn (hơn 2.300 ha) và bưởi (khoảng 2.370 ha); tổng đàn lợn đạt 750 nghìn con, đàn gà hơn 15 triệu con; diện tích rừng gỗ lớn được cấp chứng chỉ FSC đạt 10% tổng diện tích rừng trồng; diện tích quế đạt 6,5 nghìn ha…

Để cụ thể hóa chương trình phát triển các sản phẩm chủ lực, Tỉnh sẽ rà soát lại quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nông, lâm nghiệp, thủy sản, xây dựng, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2025 và định hướng giai đoạn tiếp theo, đảm bảo bố trí đủ quỹ đất phục vụ kế hoạch phát triển các vùng sản xuất tập trung. Các chính sách hỗ trợ sẽ tập trung đẩy mạnh chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, công nghệ cao vào sản xuất; hỗ trợ đào tạo nghề, hỗ trợ tín dụng cho người dân để họ có đủ năng lực và điều kiện áp dụng kỹ thuật mới vào sản xuất; chú trọng xây dựng các trung tâm quảng bá, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp chủ lực và các sản phẩm OCOP…
 

Sức bật mới từ ngành nông nghiệp Thái Nguyên 2
Đồng chí Phạm Bình Minh - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao
cùng lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên thăm quan các gian hàng giới thiệu sản phẩm OCOP của tỉnh

Duy trì và phát huy thành quả trong xây dựng nông thôn mới

Sau 10 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), Thái Nguyên đã tạo được dấu ấn thành công nổi bật. Đến tháng 8/2020, toàn tỉnh đã có 103 xã đạt chuẩn NTM, 03 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, bình quân toàn tỉnh đạt 17,23 tiêu chí/xã (cao hơn bình quân chung của cả nước là 16,2 tiêu chí/xã). Thái Nguyên được Trung ương đánh giá là tỉnh dẫn đầu trong 14 tỉnh miền núi phía Bắc thực hiện phong trào thi đua “Cả nước thi đua chung sức xây dựng NTM” giai đoạn 2010 - 2020.

Sức bật mới từ ngành nông nghiệp Thái Nguyên 3
Vùng nguyên liệu của HTX chè Thịnh An (đơn vị có 2 sản phẩm được chứng nhận OCOP)

Có thể nói, xây dưng NTM đã trở thành phong trào thi đua sâu rộng có tính lan tỏa trong toàn tỉnh, huy động cả hệ thống chính trị và toàn xã hội tham gia. Nguồn lực để xây dựng NTM chủ yếu ở trong dân và xã hội hóa, ngân sách nhà nước chỉ đóng vai trò “vốn mối” để thu hút, khuyến khích sự đóng góp từ nhân dân, tổ chức kinh tế trên địa bàn. Cụ thể, trong giai đoạn 2016 – 2020, toàn Tỉnh huy động được trên 34.431 tỷ đồng để xây dựng NTM, trong đó, vốn từ ngân sách (Trung ương, địa phương, lồng ghép) chỉ khoảng 4,9 nghìn tỷ đồng.

Quá trình xây dựng NTM ở Thái Nguyên đã góp phần làm thay đổi diện mạo của khu vực nông thôn và nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho nhân dân. Nổi bật, trong 5 năm gần đây, kết cấu hạ tầng khu vực nông thôn đã được đầu tư xây dựng cơ bản đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội. Toàn tỉnh xây dựng được 212 km kênh mương, xây dựng mới và cải tạo 80 công trình hồ đập thủy lợi, nâng cấp 3.925 km đường giao thông nông thôn, 100% xóm bản được sử dụng điện lưới quốc gia. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn ước đạt 40,5 triệu đồng/năm vào cuối năm 2020 (gấp 3,7 lần so với năm 2010).

 Sức bật mới từ ngành nông nghiệp Thái Nguyên 4
Sản xuất rau an toàn ứng dụng công nghệ cao tại xã Dương Thành, huyện Phú Bình (Thái Nguyên)
Ảnh: Trinh An

Trên cơ sở nền tảng đã đạt được, để chương trình xây dựng NTM đạt được thành công tốt hơn nữa, thời gian tới, Thái Nguyên sẽ tập trung vào công tác tuyên truyền để người dân nắm được xây dựng nông thôn mới là quá trình có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc; duy trì việc huy động các nguồn lực của xã hội tham gia xây dựng chương trình xây dựng NTM; tập trung nâng cao thu nhập cho người dân, trong đó giải pháp then chốt là thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp; tiếp tục nâng cao các tiêu chí đã hoàn thành, nâng xã đạt chuẩn NTM thành xã NTM kiểu mẫu, nông thôn mới nâng cao; tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, đảm bảo công tác an ninh trật tự ở các vùng nông thôn, tạo điều kiện thuận lợi nhất phát huy truyền thống văn hóa của đồng bào các dân tộc.
 

 Sức bật mới từ ngành nông nghiệp Thái Nguyên 5
Đồng chí Phạm Văn Sỹ, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT (người ngoài cùng bên trái)
kiểm tra mô hình trồng chè theo hướng hữu cơ tại thị trấn Sông Cầu (Đồng Hỷ)

Với sự chỉ đạo quyết liệt, đúng hướng, quá trình điều hành linh hoạt của các cấp chính quyền, tin rằng Thái Nguyên sẽ đạt được nhiều kết quả cao hơn nữa trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới mục tiêu cuối cùng là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân nông thôn./.

Trịnh Long


Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top