Trung tâm GDNN - GDTX huyện Thanh Thủy: Tích cực đổi mới, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao

28/07/2020 - 12:06 PM

Thực hiện chủ trương hợp nhất các đơn vị giáo dục-đào tạo trên địa bàn huyện Thanh Thủy (bao gồm Trung tâm Dạy nghề Sông Đà và Trung tâm Giáo dục thường xuyên), Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên huyện Thanh Thủy đã nhanh chóng sắp xếp và ổn định bộ máy tổ chức; duy trì và nâng cao chất lượng các hoạt động giáo dục; đẩy mạnh liên kết trong đào tạo nghề giúp học sinh và học viên (người lao động trong huyện) có nhiều cơ hội việc làm cũng như nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập.
 
Để làm tốt nhiệm vụ dạy học văn hóa, Trung tâm GDNN - GDTX huyện Thanh Thủy đã tập trung chỉ đạo các tổ, bộ phận chuyên môn đẩy mạnh việc đổi mới phương pháp giảng dạy, cải tiến phương pháp truyền thống, áp dụng phương pháp học tập tích cực, dạy học theo tình huống, dạy học giải quyết vấn đề, dạy học định hướng hành động, đổi mới hình thức kiểm tra, đánh giá...
 
 
Lớp dạy nghề Kỹ thuật chế biến món ăn  lao động nông thôn 
 
Bên cạnh đó, Trung tâm còn chú trọng việc xây dựng đội ngũ, nâng cao năng lực của cán bộ quản lý, trình độ chuyên môn của giáo viên, tăng cường đầu tư, bổ sung phương tiện, thiết bị dạy học, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy. Nhờ vậy, trong 2 năm học gần đây, Trung tâm làm tốt việc thu hút học sinh lựa chọn theo học, công tác tuyển sinh được đảm bảo, duy trì số lượng 08 lớp văn hóa với xấp xỉ 350 học sinh. Chất lượng đào tạo của Trung tâm luôn giữ vững, tỷ lệ học sinh có học lực từ trung bình trở lên đạt trên 85% (trong đó, học lực khá, giỏi trên 15%), tỷ lệ học sinh có xếp loại hạnh kiểm khá, tốt đạt trên 90%, đặc biệt, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT đạt trên 96%. Trung tâm luôn nằm trong tốp đầu khối các đơn vị GDNN - GDTX của tỉnh.
 
Song song với việc dạy văn hóa, Trung tâm đã phối hợp với Đoàn Thanh niên và giáo viên chủ nhiệm các lớp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh với một số ngành nghề hiện xã hội đang cần. Bên cạnh đó, Trung tâm thực hiện tốt chức năng liên kết đào tạo, trong đó duy trì loại hình học văn hóa kết hợp với học trung cấp nghề. Lãnh đạo Trung tâm lựa chọn các Trường cao đẳng có uy tín, chất lượng đào tạo tốt để mở các nghề hệ trung cấp như: Điện, công nghệ ô tô, kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí, kỹ thuật chế biến món ăn, kỹ thuật xây dựng...
 

Lớp dạy nghề may công nghiệp cho lao động nông thôn
 
Với thế mạnh của các Trường liên kết, cùng với năng lực quản lý học sinh của Trung tâm và định hướng nghề nghiệp phù hợp, Trung tâm thu hút được đa số học sinh học văn hóa tham gia học nghề, hiện Trung tâm có 8 lớp học nghề với 318 học viên.
Nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ đào tạo nghề cho lao động địa phương, được sự quan tâm đầu tư của UBND huyện, Trung tâm đã chú trọng tăng cường cơ sở vật chất trang thiết bị, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên dạy nghề, đổi mới phương thức quản lý đào tạo, xây dựng và bổ sung giáo trình, giáo án nhằm ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong giảng dạy cho tất cả các ngành nghề đào tạo.
 
Cụ thể, đối với nghề nông nghiệp, Trung tâm bám sát vào thế mạnh và định hướng phát triển kinh tế của các xã trong huyện để mở các lớp nghề ngắn hạn như nghề nuôi và phòng bệnh cho lợn, kỹ thuật nuôi cá nước ngọt, quản lý dịch hại tổng hợp, trồng và nhân giống nấm, nuôi ong mật... Để thu hút người học, lãnh đạo Trung tâm đã mời được giảng viên là các chuyên gia nông nghiệp hàng đầu trong từng nghề để truyền dạy, chương trình học được điều chỉnh để giảm các tiết lý thuyết, tăng thời gian thực hành trên chính mảnh vườn, ao cá, cánh đồng của người dân...
 
Đối với những nghề phi nông nghiệp, Trung tâm tổ chức khảo sát đánh giá thực trạng nguồn lao động nông thôn và nhu cầu sử dụng lao động qua đào tạo của các doanh nghiệp, tổ chức trên địa bàn từ đó liên kết với các trường uy tín để mở các lớp nghề may công nghiệp, kỹ thuật chế biến món ăn, dịch vụ nhà hàng, nghiệp vụ lễ tân... Nhằm gắn đào tạo với giải quyết việc làm, Trung tâm chủ động liên kết với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tham gia đào tạo “theo hình thức đơn đặt hàng”. Với cách làm như vậy, Trung tâm đã giúp nhiều doanh nghiệp như công ty TNHH Alim Global, Công ty TNHH MTV Sơn Hà, Khu du lịch Đảo Ngọc Xanh, Khu Resort Vườn Vua... tuyển dụng được lao động qua đào tạo tại địa phương.
 
Với sự tâm huyết và nỗ lực của tập thể cán bộ, nhân viên Trung tâm, từ năm 2016 đến nay, bình quân mỗi năm, Trung tâm mở từ 10 - 15 lớp sơ cấp nghề thu hút trên 400 lao động (đạt 100% kế hoạch giao), tỷ lệ học viên sau tốt nghiệp có việc làm đạt 100% đối với các lớp dạy nghề phi nông nghiệp theo hình thức liên kết với doanh nghiệp, trên 90% đối với các lớp học nghề nông nghiệp./.
 
Đình Long

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top