Cao Bằng: Phát triển nông nghiệp để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số

28/07/2023 - 02:11 PM
Cao Bằng là một trong những tỉnh nghèo ở khu vực miền núi phía Bắc, trong đó 95% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), đời sống của người dân còn nhiều khó khăn. Các dân tộc chủ yếu là Tày, Nùng, Mông, Dao chiếm hơn 90% dân số toàn tỉnh, còn lại là các dân tộc Kinh, Sán Chay, Lô Lô và dân tộc khác, chiếm tỷ lệ dưới 10%.
 
Cao Bằng: Phát triển nông nghiệp để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số
Cao Bằng khuyến khích doanh nghiệp tham gia dự án hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi
giúp bao tiêu sản phẩm nông nghiệp cho đồng bào DTTS Cao Bằng
 
Những năm qua, tỉnh Cao Bằng đã thực hiện nhiều giải pháp để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân, đặc biệt là người DTTS, trong đó phát triển nông nghiệp được xem là hướng đi phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, trình độ dân trí, phong tục tập quán canh tác của đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh.
 
Để đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp, tỉnh Cao Bằng đã ban hành các Nghị quyết như: Nghị quyết số 20/2019/NQ-HĐND ngày 12/7/2019 về việc ban hành các chính sách đặc thù hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; Nghị quyết số 48/2020/NQ-HĐND ngày 16/12/2020 về việc quy định chính sách hỗ trợ phát triển nông lâm nghiệp. Theo Nghị quyết số 20/2019/NQ-HĐND, nguồn vốn hỗ trợ đầu tư bao gồm ngân sách Trung ương hỗ trợ có mục tiêu cho tỉnh, ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác. Các chính sách hỗ trợ tập trung vào: Đất đai; Tín dụng; Nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao; Đào tạo nguồn nhân lực, phát triển thị trường; Sản xuất giống, nuôi, trồng dược liệu; Đầu tư cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản; Trồng rừng và khoanh nuôi rừng có trồng bổ sung; Đầu tư cơ sở bảo quản, chế biến nông sản; Chế tạo thiết bị, linh kiện, máy nông nghiệp; Sản xuất sản phẩm phụ trợ; Cung cấp dịch vụ công và đầu tư kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn.
 
Cao Bằng: Phát triển nông nghiệp để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số 1
Nuôi trâu, bò vỗ béo là hướng đi mới giúp đồng bào DTTS Cao Bằng nâng cao thu nhập
 
Đến nay, Cao Bằng đã thu hút được 35 dự án đầu tư trong lĩnh vực chăn nuôi, trong đó có18 dự án đầu tư nuôi lợn, 7 dự án đầu tư nuôi trâu bò, 9 dự án chăn nuôi tổng hợp (lợn, gà, bò, dê, thủy sản), 1 dự án đầu tư vào chế  biến sản phẩm; có 19/35 dự án được UBND tỉnh cấp Quyết định chủ trương đầu tư. Điển hình là dự án chăn nuôi bò sữa tại huyện Quảng Hoà là dự án mang tính đột phá, trọng tâm, trọng điểm trong giai đoạn 2021 – 2025 với quy mô 10.000 con, mở ra hướng tiếp cận, hướng đi mới trong việc thay đổi cơ cấu trong sản xuất chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, đã có nhiều mô hình khuyến nông liên kết được hình thành, tiêu biểu như: Mô hình liên kết sản xuất giống lạc vụ hè thu với Công ty TNHH nông lâm nghiệp huyện Hà Quảng; mô hình sản xuất ngô lạc hàng hóa cung cấp nguyên liệu cho chế biến mì ngô tách đường; mô hình liên kết sản xuất cây ngô ngọt gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm hướng tới tạo vùng sản xuất hàng hóa tập trung… 

Nhờ xác định được các nông sản đặc thù theo vùng, nhiều mô hình hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh Cao Bằng được triển khai nhân rộng, qua đó tạo công ăn việc làm và mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân vùng đồng bào DTTS. Hiện nay, số lượng hợp tác xã nông nghiệp toàn tỉnh là 149 HTX; hoạt động sản xuất, kinh doanh của HTX đã được đổi mới về công tác quản lý, đa dạng hơn về sản phẩm. Đồng bào DTTS ở đây đã có sự chuyển biến tích cực về nhận thức, dần xóa bỏ lối sản xuất thuần nông lạc hậu, đẩy mạnh áp dụng khoa học - kỹ thuật, đưa giống cây trồng, vật nuôi có giá trị, chất lượng vào sản xuất. 

Cao Bằng: Phát triển nông nghiệp để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số 2
Nhiều sản phẩm nông sản của Cao Bằng trở thành lựa chọn hàng đầu cho người tiêu dùng
 
Toàn tỉnh Cao Bằng cũng hiện có 58 sản phẩm OCOP cấp tỉnh và đang trong quá trình xét, công nhận thêm gần 40 sản phẩm khác. Nhiều sản phẩm OCOP của Cao Bằng đã khẳng định được chỗ đứng, vị trí trên thị trường, trở thành lựa chọn hàng đầu của người tiêu dùng. Điển hình như các sản phẩm miến dong Tân Việt Á của Hợp tác xã Tân Việt Á, sản phẩm lạp sườn của Hợp tác xã Tâm Hòa hay sản phẩm chiếu trúc của Công ty TNHH 688 Cao Bằng…

Bên cạnh đó, Tỉnh luôn quan tâm thực hiện tốt công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Các chương trình đào tạo nghề đã và đang được triển khai phù hợp với trình độ, điều kiện kinh tế nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động tại địa phương.

Việc nhận diện đúng, đầu tư hiệu quả và thực hiện các chính sách dân tộc trên cơ sở lồng ghép các dự án, chương trình hỗ trợ vùng đồng bào DTTS đã góp phần nâng cao thu nhập, từng bước cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người dân, rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các dân tộc, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội của vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh Cao Bằng theo kịp sự phát triển của đất nước./.
Minh Châu
 
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top