Chiêm Hóa: Thực hiện có hiệu quả các khâu đột phá để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội

08/12/2022 - 01:50 PM
Trên tinh thần kế thừa và phát huy những thành tựu kinh tế - xã hội nổi bật của giai đoạn 2016-2020, bước sang giai đoạn 2021-2025, huyện Chiêm Hóa (tỉnh Tuyên Quang) đã nêu cao quyết tâm đẩy mạnh phát triển toàn diện các lĩnh vực kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
 
Chiêm Hóa là huyện miền núi phía Bắc của tỉnh Tuyên Quang, có 114,62 nghìn ha diện tích đất tự nhiên. Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Chiêm Hóa lần thứ XXI, trên cơ sở dựa vào tiềm năng, lợi thế địa bàn, Huyện đã triển khai các nhiệm vụ, tập trung trên tất cả các lĩnh vực. Theo đó, bước sang giai đoạn 2021-2025, huyện Chiêm Hóa xác định 02 khâu đột phá để xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội toàn diện, đó là: Phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo chuỗi liên kết gắn với thị trường tiêu thụ; Tập trung nguồn lực đầu tư phấn đấu xây dựng thị trấn Vĩnh Lộc đạt tiêu chí đô thị loại IV và phát triển trung tâm 04 xã đạt tiêu chí đô thị loại V.
 

Đồng chí Ma Phúc Khưu, Phó Chủ tịch UBND huyện kiểm tra mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao
 tại HTX Nông lâm nghiệp Kim Bình

 
Bên cạnh đó, Huyện thực hiện 03 nhiệm vụ trọng tâm để hiện thực hóa các khâu đột phá là: (1) Huy động, sử dụng có hiệu quả nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng, các khâu đột phá; thu hút các dự án đầu tư phát triển công nghiệp, nông nghiệp, đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản, sản xuất vật liệu xây dựng, cơ khí. (2) Đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, xúc tiến, thu hút đầu tư, phát triển du lịch, bố trí nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng các khu, điểm du lịch trọng điểm; chú trọng xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng của huyện. (3) Đổi mới đồng bộ, toàn diện công tác cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực, uy tín đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ nhất là cán bộ diện Ban Thường vụ Huyện ủy quản lý.
 

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp & PTNT, Chi cục PTNT Tuyên Quang kiểm tra vường bưởi hộ ông Triệu Tiến Dinh
đăng ký tham gia sản phẩm OCOP năm 2022

 
Nhờ đó, kinh tế Huyện đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ. Ngay từ năm đầu tiên của giai đoạn 2021-2025, Chiêm Hóa tiếp tục đạt được nhiều thành tựu phát triển ấn tượng, đặc biêt là về nông nghiệp. Theo đó, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2021 tại huyện Chiêm Hóa ước đạt trên 1,94 nghìn tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch. Tổng sản lượng lương thực cả năm ước đạt 72,3 nghìn tấn, đạt 106,8% kế hoạch tỉnh giao. Giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đạt 1,06 nghìn tỷ đồng. Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn 72,398 tỷ đồng, đạt 108,9% dự toán. Tạo việc làm cho trên 3.444 lao động; giảm tỷ lệ hộ nghèo năm 2021 xuống còn 3,22%.
 

Tham quan mô hình trồng bởi theo hướng hữu cơ hộ ông Nguyễn Văn Hùng, xã Trung Hòa
 
Bước sang năm 2022, năm bản lề để thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XXII và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025. Việc triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội được thực hiện trong điều kiện có những thuận lợi từ kết quả đạt được trong năm 2021. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện, sự nỗ lực, cố gắng của các cơ quan, đơn vị, các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế đã tạo nên sức mạnh to lớn, bám sát các khâu đột phá mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đã đề ra về phát triển nông nghiệp, nông thôn.
 
Vườn thanh long ruột đỏ của HTX NLN và dịch vụ Ánh Dương, xã Tân An đăng ký sản phẩm OCOP năm 2022
 
Với đặc trưng kinh tế là phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản là thế mạnh, đặc biệt là về lâm nghiệp, Chiêm Hóa đã triển khai mạnh mẽ nhiều chính sách, giải pháp để phát triển dựa trên thế mạnh của huyện. Huyện tiếp tục triển khai mạnh mẽ các hành động để thực hiện Nghị quyết số 03/2021/NQ-HĐND ngày 16/7/2021 của HĐND tỉnh về cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa đối với một số sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021-2025; Nghị quyết 06/2020/NQ-HĐND tỉnh; Nghị quyết 11/2019/NQ-HĐND; chính sách hỗ trợ giống cây lâm nghiệp chất lượng cao. Đồng thời, Huyện tiếp tục triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế lâm nghiệp giai đoạn 2021-2030; định hướng đến năm 2035 trên địa bàn huyện; Kế hoạch thực hiện Đề án trồng 1 tỷ cây xanh của Chính phủ trên địa bàn huyện Chiêm Hóa giai đoạn 2021-2025. Công tác trồng, chăm sóc, bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng được tăng cường. 6 tháng đầu năm 2022, Huyện đã tiến hành trồng mới 1,96 nghìn ha rừng, đạt 100,9%kế hoạch; khai thác 86,46 nghìn m3 gỗ rừng trồng; khai thác 7,51 nghìn ha tấn tre, nứa. Tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát và bảo vệ rừng, kịp thời phát hiện, xử lý 27 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp.
 

Huyện Chiêm Hóa đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông lâm nghiệp. Ảnh: Thu hoạch lúa tại xã Hùng Mỹ
 
Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được Huyện triển khai thực hiện quyết liệt. Kết quả tính đến tháng 9/2022, toàn huyện có 11 xã có Quyết định công nhân xã đạt chuẩn nông thôn mới là xã: Kim Bình, Yên Nguyên, Hòa Phú, Phúc Thịnh, Xuân Quang, Tân Thịnh, Trung Hòa, Nhân Lý, Kiên Đài, Tân An và 01 xã Vinh Quang được công nhân xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Tiêu chí bình quân đạt 15,52 tiêu chí/xã, trong đó có 11 xã đạt đủ 19 tiêu chí và 12 xã đạt từ 10-14 tiêu chí. Cùng với các tiêu chí xây dựng nông thông mới, tổng chiều dài đường bê tông giao thông nông thôn của huyện Chiêm Hóa đến tháng 9/2022 đã thực hiện được 28,18 km trên tổng số 32,06 km theo kế hoạch cho cả năm 2022.
 

Mô hình nuôi bò sinh sản của HTX Nông lâm nghiệp và dịch vụ Thành Công, xã Hùng Mỹ
 
Huyện Chiêm Hóa cũng đẩy mạnh triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển Hợp tác xã giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” giai đoạn 2021-2025. Duy trì, phát triển có hiệu quả, chất lượng 17 sản phẩm được xếp hạng, trong đó: 05 sản phẩm đạt 4 sao và 12  phẩm đạt 3 sao. Thực hiện Chương trình OCOP năm 2022, huyện Chiêm Hóa có 14 sản phẩm đăng ký tham dự thuộc các nhóm sản phẩm: Rau, củ, quả, hạt tươi; Sản phẩm chế biến từ gạo, ngũ cốc; Thịt, trứng sữa tươi; Chế biến từ rau, củ quả hạt; Chè tươi, chè chế biến; các sản phẩm khác từ chè.
 
Thả cá tại Tổ hợp tác nuôi cá lồng xã Hùng Mỹ
 
Bên cạnh đó, sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, phát triển du lịch gần đây đang được huyện phát huy lợi thế để đẩy mạnh phát triển. Huyện triển khai thực hiện Đề án phát triển công nghiệp giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch thu hút nguồn vốn đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp An Thịnh. Giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp ước thực hiện 6 tháng đầu năm 2022 là 553,757 tỷ đồng đạt 49,03% so với kế hoạch năm, tăng 2,07% so với cùng kỳ năm 2021. Đồng thời, tiếp tục triển khai thực hiện Đề án phát triển du lịch huyện Chiêm Hóa giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Đề nghị cấp có thẩm quyền công nhận điểm du lịch cấp tỉnh đối với đền Bách Thần, thị trấn Vĩnh Lộc.
 

Nhân dân làm đường bê tông tại thôn Dỗm, xã Hùng Mỹ
 
Mặc dù còn nhiều khó khăn, hạn chế do những đặc điểm cơ bản của một huyện miền núi, tuy nhiên, với sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và người dân, bám sát vào các nhiệm vụ trọng tâm của Đảng và Nhà nước, huyện Chiêm Hóa đang dần chứng minh được sự nỗ lực vượt khó của mình qua những thành tựu phát triển kinh tế đã đạt được, từng bước tạo động lực vững chắc để phát triển mạnh mẽ hơn nữa kinh tế - xã hội, đảm bảo nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân trong huyện./.                                                                                                 
 P.V
 
 

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top